Nguyên nhân nào dẫn đến nứt mố cầu Vĩnh Tuy?

14:15 | 25/02/2014

2,165 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên quan đến những vết nứt tại trụ Vĩnh Tuy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng: “Trụ cầu nứt không chỉ do co ngót bê tông, mà còn nhiều nguyên nhân khác tác động đến”.

>> Mố cầu Vĩnh Tuy xuất hiện vết nứt

Ông Nguyễn Xuân Tân - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: "Ngay sau khi tiếp nhận thông tin về việc xuất hiện vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy vào chiều ngày 18/2, Sở Giao thông Vận tải đã tổ chức kiểm tra hiện trường. Qua kiểm tra trực quan cho thấy, vết nứt dọc trụ H22, độ rộng vết nứt 2,3-2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trên trụ khoảng 10m. Sở đã có báo cáo gửi Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và đơn vị này nhận định, vết nứt trụ cầu theo đánh giá ban đầu nguyên nhân có thể do co ngót bê tông, không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ, vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn, nhưng cần phải theo dõi".

Mố cầu H22 (ký hiệu trong bản vẽ là T22) với những vết nứt kéo dài.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng cho biết, các vết nứt nếu nhìn bằng mắt thường thì không quá nghiêm trọng, cầu đảm bảo phương tiện lưu thông bình thường. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nứt trụ cầu không chỉ do co ngót bê tông, mà còn nhiều nguyên nhân khác tác động đến. Kết quả cụ thể phải chờ đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đưa ra. Việc thuê tư vấn độc lập sẽ do chủ đầu tư thực hiện, vì đây là công trình đã đưa vào sử dụng và có thời gian bảo hành.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Cậy - Trưởng Bộ môn Đường bộ (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) cho rằng: “Để xác định chính xác nguyên nhân có đúng là co ngót bê tông hay không cần phải xem xét, giám định cụ thể. Còn chuyện dư luận cho rằng trụ cầu Vĩnh Tuy nứt là do đơn vị thi công đã xây gạch bên trong là vô lý. Không có chuyện chủ đầu tư và đơn vị thi công xây bằng gạch ở trong. Một công trình mang tầm cỡ quốc gia như thế làm gì có chuyện xây bằng gạch. Muốn biết kết cấu có bị sao hay không thì phải áp dụng khoa học công nghệ vào thăm khám mới biết được nguyên nhân cụ thể.

Về giả thiết co ngót bê tông dẫn đến nứt mố cầu, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Phi Lân - Trưởng khoa Cầu Đường (Trường Đại học Xây dựng) thẳng thừng loại trừ khả năng này và cho rằng: "Hiện tượng trụ cầu Vĩnh Tuy co ngót bê tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Nếu bị nứt do co ngót bê tông thì tại sao không xảy ra từ những năm đầu mới đưa vào khai thác mà phải đến 5 năm sau mới bị nứt và tại sao những trụ cầu khác không bị nứt mà chỉ có trụ đó bị nứt".

Nhận định về vết nứt, Phó Giáo sư Lân cho biết, sự cố này có rất nhiều nguyên nhân không chỉ là do co ngót bê tông mà còn có khả năng do chịu tải của trụ cầu yếu và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến. Tuy nhiên, để đánh giá chính xác phải theo dõi trong thời gian dài xem vết nứt tiếp tục phát triển hay không.

Nhận xét về hướng xử lý vết nứt bằng việc bơm keo mà Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất, các chuyên gia giao thông cho rằng, việc xử lý bằng công nghệ bơm keo sẽ rất tốn kém, có những chiếc cầu bị nứt khi sử dụng bằng công nghệ bơm keo có tổng kinh phí bằng với tổng kinh phí xây dựng trụ cầu. Việc bơm keo mà không còn xuất hiện nứt thì không sao, nếu vẫn tiếp tục nứt thì bơm keo không có tác dụng bởi keo chỉ có tính chất kết dính chứ không có tác dụng liên kết, chịu lực.

Thiên Minh