Lại chuyện trùng tang?

07:00 | 19/10/2013

3,798 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cái chết khủng khiếp diễn ra liên tục và bí ẩn với đại gia đình ông Trần Văn Rạng đã trôi qua được mười năm nhưng nỗi kinh hoàng dường như vẫn hiện hữu với dân làng mỗi khi nhớ lại.

Năng lượng Mới số 262

 

Bài 1: Trùng tang 6 người

Ông Nguyễn Văn Thung, anh rể của ông Trần Văn Rạng kể: Cách đây mươi năm, tai họa kinh hoàng đã ập đến gia đình em tôi. Cuộc sống cha con, ông cháu đang quây quần hạnh phúc thì bỗng nhiên tai họa liên tiếp xảy đến bắt đầu từ cái chết đột ngột của anh Trần Văn Viết, con trai lớn của ông Rạng. Đang ở cái tuổi sung sức nhất của đời người, nhưng anh Viết lại hay ốm đau, khật khừ, đi khám thì chẳng tìm ra bệnh gì. Rồi một hôm, anh Viết bỗng dưng rú lên sợ hãi, lăn đùng ra đất, lên cơn co giật, mắt trợn ngược, toàn lòng trắng, như thể sắp lòi ra ngoài. Thấy tính mạng anh Viết có thể gặp nguy hiểm, anh em trong gia đình đã đưa anh Viết đi cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Các bác sĩ đã nhanh chóng cấp cứu, cho thở ôxy. Được tiêm thuốc trợ sức, nên anh Viết dần tỉnh táo lại. Suốt mấy ngày ở bệnh viện, các bác sĩ đã cho chiếu chụp tim, phổi, não, xét nghiệm máu, nhưng tuyệt nhiên không tìm ra bệnh gì.

Nằm viện vài hôm, khỏe lại như thường, anh Viết được ra viện trong tình trạng sức khỏe bình thường. Thế nhưng về tới nhà buổi chiều thì đến đêm anh Viết lại đổ bệnh. Sáng hôm sau, hàng xóm đến hỏi thăm, anh Viết ngồi trên giường, mặt mũi cứ tái nhợt, chẳng nói chẳng rằng, cứ nhìn mọi người với ánh mắt buồn bã.Tầm 8 giờ sáng, anh Viết đòi nằm xuống giường, lịm đi, rồi chết.

Ngôi nhà bỏ hoang của anh Trần Văn Út

Anh Trần Văn Viết chết chưa được bao lâu thì đến lượt sức khỏe của ông Rạng có biểu hiện ra sút nghiêm trọng. Gia đình hết sức lo lắng, đưa ông đi bệnh viện thăm khám. Các bác sĩ làm đủ các loại xét nghiệm, chiếu chụp, nhưng cũng không tìm ra căn nguyên bệnh tật. Đúng 1 tháng sau ngày con trai mất, ông Trần Văn Rạng đã đột ngột qua đời, sau một cơn co giật cứng người giống hệt anh Trần Văn Viết.

Chưa dừng lại ở đó, hôm 100 ngày ông Trần Văn Rạng, Bé Trần Quốc Khánh (6 tuổi, cháu nội ông Rạng) vừa ngồi xuống, chắp tay lạy ông, chưa nói câu gì, bé bỗng lăn đùng ra chiếu. Sau một cơn co giật, cháu Khánh đã qua đời. Cái chết đột ngột của cháu Khánh khiến hàng loạt người có mặt sợ hãi rồi lăn đùng ngất xỉu, co giật, với biểu hiện giống hệt nhau. Trong số đó, bà Đào (vợ ông Rạng) bị nặng nhất đã qua đời khi đến bệnh viện cấp cứu.

“Tang lễ bà Nguyễn Thị Đào và cháu nội Trần Quốc Khánh diễn ra trong không khí sầu thảm. Người dân trong xóm xót thương, rơi lệ, nhưng chẳng ai dám đến tiễn đưa. Người ta chỉ dám đứng từ xa nhìn đám con cháu họ Trần đẩy xe tang, khóc thương ai oán. Nhìn cảnh hai chiếc quan tài, một của bà, một của cháu kê trong nhà, chỉ có lèo tèo vài người lớn tuổi, ngồi trông áo quan mà nơm nớp lo sợ”, ông Thung nhớ lại.

Trong ngày kinh hoàng đó, cả anh Trần Văn Út con trai ông Rạng, là bố của bé Khánh cũng đã bị ngất xỉu, phải nhập viện. Sau hơn nửa tháng điều trị tích cực ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình, rồi một số bệnh viện ở Hà Nội, anh Trần Văn Út đã được ra viện. Mọi người khuyên can nên về nhà vợ ở xã Vũ Đông ở tạm, chờ thời gian nữa hãy về nhà mình, nhưng anh Út không nghe. Anh muốn về nhà hương khói cho bố mẹ, anh trai và cậu con trai duy nhất. Và mất mát lại diễn ra đối với gia đình ông Rạng, đó là sự ra đi đột ngột sau cơn co giật cứng người của anh Trần Văn Út. Bữa đó, vợ chồng anh Út đang ngồi ăn cơm trên ghế, thì anh Út làm rơi bát, co rúm người, ngã vật xuống đất và tắt thở, không kịp trăng trối câu gì. Chị Nhung, vợ anh Út nhìn chồng ngã vật ra đất, bỗng cứng đờ người, không há nổi miệng kêu cứu, sau đó mấy phút, thì chị cũng bất tỉnh luôn. Người thân trong gia đình đưa chị Nhung đi bệnh viện kịp thời nên cứu sống được chị. Anh Út chết quá nhanh, không thể cứu nổi nữa.

Vài ngày sau, đến lượt bà Phạm Thị Tâm. Ông Nguyễn Văn Thung kể: “Hôm đó là buổi sáng, bà Tâm đang ăn cơm cùng 2 đứa cháu thì bà kêu khó chịu, chân tay run lẩy bẩy, sùi bọt mép rồi rơi vào trạng thái co giật toàn thân y như con cháu. Gia đình vội vàng đưa đi Bệnh viện Đa khoa Thái Bình”.Ông Thung cho biết thêm: Bà Phạm Thị Tâm, còn gọi là bà Khuê, vì có chồng là ông Trần Văn Khuê, bà Tâm là thím của ông Rạng. Bà Tâm lấy ông Khuê, nhưng không có con. Bố mẹ ông Rạng cũng mất sớm, nên ông Khuê nuôi dưỡng ông Rạng từ bé và coi ông như con ruột của mình. Mặc dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa song bà Tâm đã không qua khỏi và tử vong với nhưng triệu chứng phát bệnh giống hệt các con cháu mình. Và bà Tâm là người thứ 6 qua đời trong cùng một gia đình chỉ trong thời gian một năm.

Những cái chết khủng khiếp diễn ra liên tục và bí ẩn với đại gia đình ông Trần Văn Rạng đã trôi qua được mười năm nhưng nỗi kinh hoàng dường như vẫn hiện hữu với dân làng mỗi khi nhớ lại. Giờ đây, không ai dám lại gần nhà ông Rạng, chứ đừng nói chuyện vào nhà. Những người dân gần nhà ông Rạng thì đã bỏ đi hết. Người ta đồn rằng vùng đất bị nhiễm khí độc, hay có loại virus nguy hiểm nào đó…

 (Còn nữa)

Đặng Hùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc