Xung quanh đề án Tiếng Anh tích hợp ở TP HCM: Đâu là sự thật!

06:48 | 13/07/2014

3,451 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngay sau khi Tổng lãnh sự Vương quốc Anh tại TP HCM Douglas Barnes lên tiếng: “Không có bất cứ thỏa thuận nào giữa Bộ Giáo dục Anh với Sở Giáo dục & Ðào tạo (GD&ÐT) TP HCM trong đề án “Ðổi mới dạy và học các môn toán, khoa học và tiếng Anh theo chuẩn tiên tiến” gọi tắt là chương trình tích hợp, hàng loạt nghi vấn về những khuất tất trong các đề án dạy tiếng Anh bậc phổ thông tại TP HCM đã được dư luận đặt ra.

Năng lượng Mới số 338

Sau 4 năm triển khai, vừa qua Sở GD&ĐT TP HCM bất ngờ tuyên bố ngừng chương trình Cambridge tại TP HCM, thay vào đó là triển khai chương trình mới là tiếng Anh tích hợp. Lý giải về việc này, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Lê Hồng Sơn cho rằng, chương trình tích hợp sẽ giảm tải cho học sinh. Học sinh không còn bị nhồi nhét bởi vừa phải học toán, khoa học bằng tiếng Việt theo chương trình của Bộ GD&ĐT vừa phải học lại nội dung tương tự bằng tiếng Anh theo chương trình Cambridge. Điểm mới của chương trình tích hợp là học sinh chỉ học một lần bằng tiếng Anh không cần phải học lại bằng tiếng Việt nữa.

Tuy nhiên, điều dư luận quan tâm là tính trung thực của lý do ngừng chương trình Cambridge nhưng không nhắc gì đến lý do sự xuất hiện của Công ty EMG Education (EMG), đối tác với Sở GD&ĐT trong triển khai chương trình Cambridge đã không còn được Hội đồng khảo thí quốc tế thuộc Đại học Cambridge (CIE) tín nhiệm, ủy quyền cho phân phối chương trình Cambridge tại Việt Nam sau khi đánh giá chương trình triển khai không đạt, chứ không phải Sở chủ động ngừng vì thấy chương trình không phù hợp.

Xung quanh đề án Tiếng Anh tích hợp ở TP HCM: Đâu là sự thật!

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&DT TP HCM phát biểu trong buổi giới thiệu chương trình tiếng Anh tích hợp

Và chỉ một tuần sau khi tuyên bố ngừng tuyển sinh chương trình Cambridge, Sở GD&ĐT TP HCM đã tổ chức họp báo quảng bá chương trình tích hợp, cũng là một chương trình hợp tác với EMG. Dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao Sở GD&ĐT TP HCM lại phải gấp gáp quảng bá, chuẩn bị tuyển sinh cho chương trình tiếng Anh tích hợp khi mà UBND TP HCM chưa phê duyệt cho phép thực hiện? Phải chăng, có việc muốn nhanh chóng đưa chương trình này vào thay thế cho chương trình Cambridge trước khi CIE chấm dứt hợp đồng với EMG vào ngày 20/7 này. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về những khuất tất đằng sau sự hợp tác giữa EMG và Sở GD&ĐT TP HCM. Mặc dù sau đó lãnh đạo Sở đã phân trần rằng, sự hợp tác này là hoàn toàn trong sáng. Ở chương trình Cambridge thì phía EMG có chiết khấu 15% học phí cho các trường để tu bổ cơ sở vật chất và chi cho đội ngũ quản lý điều hành, còn Sở không nhận một đồng chiết khấu nào!

Còn về chương trình tích hợp, tại buổi họp báo quảng bá cho chương trình ông Lê Hồng Sơn có nói đến chuyện làm việc với Bộ Giáo dục Anh vào tháng 12-2011 liên quan đến chương trình tích hợp. Nhưng ngay sau khi Đại sứ quán Anh lên tiếng thì ông Sơn lại nói đề án này không dính gì đến Bộ Giáo dục Anh, phát ngôn tại buổi họp báo chỉ là nhắc đến vào năm 2011 Sở có một chuyến đi tham quan, tìm hiểu về nền giáo dục Anh! Vậy đề án tích hợp này ra đời trên cơ sở nào? Chưa kể, học phí học chương trình tích hợp cũng được công bố là tương đương với học chương trình Cambridge, khoảng 150USD/tháng, mặc dù chương trình tích hợp không phải chịu tiền bản quyền từ Cambridge, 4.200-8.500 USD/năm/trường.

Những vấn đề này, các cơ quan chức năng cần làm rõ để có câu trả lời thỏa đáng cho hơn 4.800 học sinh ở 27 trường đang theo học chương trình Cambridge trên địa bàn TP HCM và những phụ huynh đã đăng ký cho con học chương trình tiếng Anh tích hợp theo quảng cáo của ngành giáo dục thành phố.

Chị N.T.N có con học chương trình Cambridge tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 bức xúc: Để con vào học được lớp Cambridge ngay từ nghỉ hè năm lớp 1 chị đã phải cho con ôn luyện để thi vào học, rồi hai năm học tốn không biết bao nhiêu tiền của. Giờ đột ngột ngưng thì không biết phải làm sao, bởi các trường không tuyển sinh nữa thì lên cấp 2 con chị không biết học chương trình Cambridge ở trường nào. Chưa kể khi mà Sở đã quyết định ngưng và nói chương trình này nhiều hạn chế thì còn ai dám cho con theo học.

Còn tại Trường tiểu học Minh Đạo, quận 5, một phụ huynh cho biết: “Ngay trong hè nhà trường đã thông báo chương trình tiếng Anh tích hợp sắp được triển khai ở trường và tổ chức cho phụ huynh học sinh đăng ký cho con học. Nghe thấy hay tôi cũng đăng ký cho con theo học với học phí 3,2 triệu đồng/tháng, đóng một lần 3 tháng hơn 9 triệu đồng. Giờ không biết chương trình này có hay không?”.

Có thể thấy, phụ huynh đang rất lo lắng với các đề án dạy tiếng Anh do Sở GD&ĐT TP HCM triển khai. Và phải nói rằng hiện nay đang “loạn” các chương trình tiếng Anh trong nhà trường tại TP HCM trong khi nguồn lực dạy và học tiếng Anh không đáp ứng. Chẳng hạn, việc học bổ sung tiếng Anh mà có đến 5 chương trình triển khai cùng lúc như: Tiếng Anh theo đề án của Bộ GD&ĐT, tiếng Anh tự chọn, tiếng Anh tăng cường, chương trình Cambridge và dự kiến là thêm tiếng Anh tích hợp. Trong khi đó, khảo sát năng lực của giáo viên tiếng Anh thì có đến 80% là chưa đạt chuẩn, phải đi học thêm và còn phải thuê giáo viên nước ngoài về dạy. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Xung quanh đề án Tiếng Anh tích hợp ở TP HCM: Đâu là sự thật!

Một tiết học tiếng Anh ở Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1

Nói về đề án tiếng Anh tích hợp mà Sở GD&ĐT TP HCM vừa mới công bố, hầu hết các trường ngán ngẩm bởi không có nhân lực để đáp ứng yêu cầu đề án. Rồi phụ huynh có con theo học tiếp tục phải căng mình cho một cuộc “chạy đua” mới mà chưa biết chất lượng học ra sao. Bởi ngay cả ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở cũng không dám đảm bảo các chương trình thí điểm này là chất lượng, mà phải chờ thời gian để thẩm định.

Có lẽ vì vậy, UBND TP HCM đã có công văn yêu cầu Sở GD&ĐT thành phố dừng triển khai chương trình tiếng Anh tích hợp; đồng thời, trong tháng 7 phải có báo cáo vì sao ngừng triển khai chương trình Cambridge, ảnh hưởng như thế nào đến quyền lợi của học sinh và phụ huynh.

Theo hiệu trưởng một trường tiểu học quận Gò Vấp, tương tự chương trình tích hợp, trước đây khi triển khai chương trình Cambridge trường của ông cũng không tham gia vì giáo viên không đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên tiếng Anh của trường còn phải đi học thêm thường xuyên để nâng cao trình độ thì nói gì đến việc giáo viên dạy toán, lý, hóa hay các môn xã hội mà phải dạy bằng tiếng Anh. Ngành giáo dục luôn kêu gọi giảm tải nhưng tình hình này không khéo cả thầy cô và học sinh đều quá tải vì phải khốn khổ đi học thêm tiếng Anh cho theo kịp “chuẩn tiên tiến”.

“Đưa ra một đề án mới để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới nền giáo dục theo hướng hiện đại, tiên tiến là điều ủng hộ. Nhưng bất cứ đề án nào nhất là giáo dục phải tham khảo được ý kiến từ các chuyên gia, được sự đánh giá kiểm nghiệm xem lại cơ sở vật chất, đội ngũ nhân sự, giáo viên có đáp ứng được hay không mới triển khai. Nếu cứ thấy ở nước ngoài họ làm, mình cũng làm theo máy móc thì thiệt thòi trước hết là học sinh và phụ huynh”, một phó trưởng phòng giáo dục ở TP HCM phân tích.

Phương Mai