Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM thuê giáo viên Philippines dạy tiếng Anh:

Thật là... thừa tiền

06:40 | 27/09/2013

1,720 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP HCM quyết định tuyển 100 giáo viên tiếng Anh người Philippines để nâng cao kỹ năng nghe nói cho học sinh thành phố đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Liệu rằng, giáo viên người Philippines có đủ chuẩn như cam kết của Sở GD&ĐT và công ty môi giới đưa ra không?

Năng lượng Mới số 259

Thiếu giáo viên đạt chuẩn

Ở TP HCM, bên cạnh những gia đình cho con đi học tại các trường quốc tế thì nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khá giả thường cho con học thêm Anh ngữ tại các trung tâm tiếng Anh lớn, có chất lượng… Đến đây, các em có cơ hội tiếp xúc với giáo viên bản ngữ nên cách phát âm, cách nói có chuẩn hơn. Vì thế, lên lớp học chính thức, nghe nhiều giáo viên dạy tiếng Anh đọc không chuẩn cũng làm cho các em phân vân. Do đó, năm học mới bắt đầu, nhiều em học sinh ở cấp tiểu học, THCS, THPT ở TP HCM tiếp tục than thở với ba mẹ rằng: “Thầy cô giáo ở lớp nói tiếng Anh kỳ lắm”. Theo các em, cách phát âm của một số giáo viên dạy tiếng Anh trên lớp học không những không đúng chuẩn mà còn sai so với những gì các em học thêm ở các trung tâm ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài hoặc tiếp xúc qua băng đĩa, giáo trình tiếng Anh chuẩn.

Chưa kể là nhiều em rất giỏi ngoại ngữ và có năng khiếu về Anh ngữ và được học từ nhỏ nên cũng dễ dàng bắt lỗi giáo viên đứng lớp của mình. Các em rất tự tin và có khả năng giao tiếp với người nước ngoài thì phần đông thầy cô giáo tiếng Anh lại yếu về khả năng nghe nói. Chính độ chênh này đang đặt ra yêu cầu đối với giáo viên dạy tiếng Anh là phải đạt chuẩn; và không thể tiếp tục duy trì tình trạng học ngoại ngữ theo chuẩn của Việt Nam.

Từ cấp tiểu học nếu các em học phát âm sai thì lớn lên rất khó để sửa (Ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên Anh ngữ cũng thừa nhận, họ chỉ được đào tạo theo chuẩn ra của Việt Nam và ra trường cũng dạy theo chuẩn đọc, viết là chính, ít có cơ hội được tiếp xúc với người bản xứ, bồi dưỡng nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. Vì thế, kỹ năng nghe nói không tốt là tất yếu và không dễ gì khắc phục trong một sớm một chiều.

Do đó, khi nhìn vào kết quả khảo sát chuẩn giáo viên ở các địa phương trong cả nước chỉ đạt 3% và TP HCM khá hơn cũng chỉ đạt trên 10%, cho thấy vấn đề ngoại ngữ ở nước ta đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại. Do đó, trong cái vòng luẩn quẩn thiếu giáo viên đạt chuẩn theo khung tham chiếu châu Âu mà đề án tiếng Anh 2020 của Chính phủ về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân đặt ra, nhiều địa phương vẫn đang hoay loay khi chưa tìm ra giải pháp khả thi thay đổi tình hình.

Theo chuyên gia ngoại ngữ Lê Huy Lâm, nguyên giảng viên tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP HCM, muốn học tiếng Anh hiệu quả thì môi trường giao tiếp - thực hành là quan trọng nhất. Ngoài yếu tố sĩ số lớp học đạt chuẩn, có trang thiết bị máy móc luyện âm tốt, điều quan trọng bậc nhất là phải có giáo viên giỏi. Có giáo viên giỏi mới có trò giỏi (nói được và phát âm tốt). Muốn ngoại ngữ giỏi phải dạy kỹ năng (giống như dạy võ thuật - nghĩa là có thị phạm, có thực hành, sửa chữa động tác phát âm). Cách dạy hiện nay của ta từ trong sách giáo khoa - nặng về ngữ pháp, đọc hiểu nên muốn sửa chữa rất khó và muốn thay đổi ngay cũng không dễ.

Người Philippines không nói tiếng Anh

Với mong muốn cải thiện kỹ năng nghe - nói và giao tiếp tiếng Anh cho học sinh, TP HCM đã thí điểm chương trình tiếng Anh tăng cường và áp dụng đại trà từ năm 2010. Tính đến nay, đã có 80% học sinh thành phố được học các  chương trình tiếng Anh khác nhau. Để giúp học sinh có cơ hội thực hành, giao tiếp, nhiều trường đã thuê giáo viên bản ngữ dạy 1-2 tiết/tuần. Nỗ lực này của ngành giáo dục thành phố và các trường đã tạo sự thay đổi về chất - nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh thành phố. Tuy nhiên, cơ hội được tiếp xúc, thực hành với người bản ngữ chưa nhiều và chưa đồng đều ở các trường, nhất là khu vực ngoại thành.

Giải quyết những bất cập nêu trên, vừa qua, Sở GD&ĐT TP HCM quyết định tuyển 100 giáo viên tiếng Anh người Philippines để góp phần nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh hiện nay của thành phố.

Đây không phải vấn đề mới vì cách đây đã lâu, một số trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố đã tự hợp đồng với giáo viên nước ngoài để dạy tiếng Anh cho học sinh. Trường THCS Lê Quý Đôn, quận 3 thuê hai giáo viên người Anh với mức thù lao 25USD/giờ dạy. Trong các tiết dạy của giáo viên nước ngoài, giáo viên người Việt Nam đều có dự giờ vừa học hỏi, vừa giám sát xem họ có dạy đúng chương trình không, giao tiếp với học sinh như thế nào và vừa quản lý học sinh của mình. Còn Trường tiểu học Kỳ Đồng cũng hợp đồng với một giáo viên người Anh để dạy cho học sinh các lớp tăng cường một tiết/tuần. Học sinh đóng thêm 70.000 đồng/tháng/học sinh để học thêm với giáo viên bản ngữ.

Vừa qua, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM cho biết, chủ trương tuyển 100 giáo viên Philippines thuộc đề án “Phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TP HCM giai đoạn 2011-2020” nhằm tạo môi trường ngôn ngữ, nâng cao năng lực nghe và nói tiếng Anh cho thầy trò. Việc lâu nay các trường tự hợp đồng thường thông qua các trung tâm ngoại ngữ, có khi không rõ nguồn gốc giáo viên... Trong khi đó, việc tuyển dụng 100 giáo viên này có cơ sở pháp lý rõ ràng, các giáo viên đã tốt nghiệp đại học và có chứng chỉ về giảng dạy tiếng Anh...

Tuy nhiên, không ít người đặt câu hỏi, tại sao không tuyển giáo viên bản ngữ người Anh, Mỹ, Úc, Canada... mà đi tuyển giáo viên người Philippines? thì ông Lê Hồng Sơn trả lời: “Sở đã khảo sát và giáo viên người Úc yêu cầu mức thù lao 5.000USD/tháng, giáo viên người Anh thì 10.000USD/tháng, trong khi giáo viên Philippines chỉ 2.000USD/tháng. Tại Philippines, tiếng Anh là một trong hai ngôn ngữ chính thức, nó không chỉ được sử dụng trong giao tiếp hằng ngày mà trong ngôn ngữ hành chính. Hầu hết các trường phổ thông và đại học Philippines đều giảng dạy bằng tiếng Anh. Thêm nữa, TP HCM cũng có ký kết hợp tác với Philippines trong một số lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Đại diện Sở GD&ĐT cùng với đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính... đã nghiên cứu, thẩm định tại Philippines trước khi có quyết định trên”.

Khi biết nhiều bậc phụ huynh lo lắng về chất lượng của nguồn tuyển giáo viên từ Philippines thì đại diện Sở GD&ĐT TP HCM cũng cho rằng: “Đương nhiên ở bất cứ nước nào cũng sẽ có giáo viên giỏi và ngược lại. Do đó, mặc dù có thông qua một công ty đối tác nhưng trước khi tuyển dụng chính thức, đại diện Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ sẽ sang Philippines trao đổi và phỏng vấn trực tiếp từng giáo viên để chọn lựa”.

Rất nhiều ý kiến cho rằng, nên học với người bản ngữ vì đối với người Philippines tiếng Anh không phải tiếng mẹ đẻ nên cách phát âm sẽ khó bằng người bản xứ được. Do đó, nếu cho các em học sinh tiểu học học với giáo viên người Philippines thì chưa chắc các em nói tiếng Anh đúng, chuẩn được.

Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh cho rằng, giải pháp trước mắt nên chăng là tuyển các em đi du học về, nhất là những em học ngành tiếng Anh ở nước ngoài, chắc rằng kỹ năng nghe nói của các em sẽ tốt hơn giáo viên người Việt Nam trong nước. Với mức giá trả cho giáo viên người Phillipines như hiện nay thì ta mời các giáo viên người Việt Nam về giảng dạy vẫn tốt hơn chứ.

Đồng thời cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần linh hoạt trong việc phân bổ giáo viên. Nếu các trường đã có thể thuê giáo viên đến từ Mỹ, Anh hay Úc, liệu có cần thiết phải đổi sang thuê giáo viên người Philippines theo chủ trương? Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên bản ngữ cũng cần thật chặt chẽ để không rơi vào cảnh sai rồi mới sửa như tình trạng học ngoại ngữ lâu nay mà chúng ta đang gặp phải.

Nguyệt Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.