Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH: Cung không đủ cầu

07:00 | 04/12/2013

1,161 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một trong những nội dung Nghị quyết về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2012 là: Đẩy mạnh việc đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH. Tuy nhiên, trong khi cả nước có gần 500 trường ĐH nhưng chỉ có hai trung tâm kiểm định độc lập. Khi “cầu” ngày càng tăng thì liệu nguồn “cung” như vậy đã đủ?

Cung có đủ cầu?

Theo thống kê của Vụ Giáo dục đại học (GDĐH), Bộ GD-ĐT cho thấy, hệ thống các cơ sở GDĐH trong 5 năm qua đã phát triển và mở rộng trên phạm vi cả nước. Tới năm 2013, Việt Nam có tổng cộng 476 cơ sở GDĐH, trong đó có 207 trường ĐH, 214 trường CĐ và 55 viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ.

Hệ thống các trường ngoài công lập cũng được hình thành và phát triển, trong đó vấn đề chất lượng giáo dục các trường ngoài công lập đang là vấn đề gây nhiều bức xúc thời gian gần đây. Theo quy định, với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, 2 trung tâm này sẽ kiểm định 100 trường/ năm.

Trong khi đó, tính đến ngày 31/10, mới chỉ có 166/262 trường ĐH, học viện và 173/214 trường CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Trong đó, chỉ 40 trường ĐH được đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí của Bộ GD-ĐT.

Kiểm định chất lượng giáo dục đã được đưa vào Luật Giáo dục và cụ thể hóa tại một số điều trong Luật Giáo dục sửa đổi (2005) và Luật Giáo dục ĐH (2012). Từ năm 2005, Bộ GD-ĐT tập trung triển khai công tác này và trong giai đoạn từ 2005-2009, 40 trường ĐH đầu tiên được thực hiện đánh giá ngoài theo bộ tiêu chí do Bộ GD-ĐT xây dựng. Sau đó, chỉ có 20 trường được Hội đồng Kiểm định Quốc gia công bố đạt chất lượng vào năm 2009. Từ đó đến nay, không còn thêm trường ĐH nào được đánh giá.

Trung tâm kiểm định chất lượng tại ĐH Quốc gia TP HCM là đơn vị thứ 2 được quyền đánh giá và công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước.

Trước thực trạng chất lượng giáo dục ĐH mù mờ như hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng đánh giá ngoài chính là cái nhìn khách quan về chất lượng nhà trường, nó phản biện báo cáo tự đánh giá của trường. Hoạt động này góp phần giải quyết một vấn đề đang tồn tại hiện nay là các trường ĐH luôn tuyên bố chất lượng đào tạo cao nhưng thực tế lại không phải vậy.

Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vừa quyết định thành lập tổ chức kiểm định đầu tiên của Việt Nam là Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA). Đơn vị này được quyền đánh giá và công nhận các trường ĐH và các chương trình đào tạo ở trong nước, ngoại trừ các trường, các khoa và các chương trình thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Và đến cuối tháng 11/2013, Bộ GD-ĐT mới công nhận đơn vị thứ 2 được quyền đánh giá và công nhận các trường đại học và các chương trình đào tạo ở trong nước trực thuộc ĐHQG TP. Hồ Chí Minh.

Nhận xét về vấn đề này, ông Bùi Đức Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Điện lực cho rằng trước đến nay tiến độ kiểm định của các trường ĐH, CĐ là rất chậm. Nay với việc thành lập mới 2 trung tâm này thì yêu cầu kiểm định 100 trường ĐH, CĐ/năm sẽ “quá tải”. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng kết quả kiểm định để phân loại các trường ĐH, từ đó làm căn cứ đầu tư ngân sách tập trung thay vì dàn trải như hiện nay đã được Bộ GD-ĐT nêu ra như một trong những biện pháp chính để nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Cần có sự độc lập trong quy trình kiểm định

Một trong những người “sốt ruột” nhất hiện nay về nhu cầu được kiểm định chính là các nhà đầu tư khối trường ngoài công lập. Đây được coi là sự khẳng định uy tín, thương hiệu rõ ràng nhất với các trường này. Chính vì vậy, GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập cho biết, hiệp hội đã đề xuất từ lâu với Bộ GD-ĐT về việc cho thành lập đơn vị kiểm định chất lượng giáo dục của riêng hiệp hội. Tuy nhiên, điều này có vẻ không khả thi, ít nhất là từ nay cho đến hết năm 2015.

Điều này đã được lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định với quy định mới nhất, đồng ý cho phép thành lập các tổ chức kiểm định tư nhân nhưng nêu rõ, trong giai đoạn 2012-2015 chỉ thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của Nhà nước. Trong giai đoạn sau năm 2015, Bộ GD-ĐT cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục ĐH cần có sự độc lập.

Thừa nhận chất lượng GDĐH còn nhiều yếu kém, việc có con số đo lường cụ thể để đảm bảo chất lượng GDĐH là rất quan trọng. Theo TS Phạm Xuân Thanh, Cục Khảo thí và KĐCLGD Bộ GD-ĐT: “Kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những hoạt động đảm bảo chất lượng bên ngoài cơ sở đào tạo. Quá trình kiểm định chất lượng giáo dục nhằm mục tiêu đưa ra các quyết định công nhận về mức độ tiến bộ và đảm bảo chất lượng giáo dục tại các trường CĐ, ĐH…

Các chuyên gia cho rằng cơ quan quản lý chất lượng giáo dục nên độc lập với Bộ GD-ĐT và các trường ĐH; được cấp kinh phí trực tiếp từ nhà nước thông qua Bộ Tài chính. Thành viên của cơ quan này bao gồm các chuyên gia về bảo đảm chất lượng, các nhà giáo dục có chuyên môn và làm việc độc lập, không làm việc cho các trường tiến hành việc kiểm định thì hoạt động này mới đáng tin cậy”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.