Đầu năm học, lại “nóng” chuyện lạm thu

06:42 | 27/09/2013

665 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau thông báo thành lập 25 đoàn thanh tra ngay từ đầu năm học mới của Sở GD-ĐT Hà Nội, đề án xây dựng Hội đồng giám sát trường học của Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội đang được kỳ vọng là một “liều thuốc mạnh” chống lạm thu.

Lại “loạn” các khoản thu

Theo văn bản số 8568/SGD& ĐT-KHTC của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong các cơ sở giáo dục công lập từ năm học 2012-2013 thì các nhà trường không được thu gộp vào đầu năm học, các khoản thu phải được thông báo công khai bằng văn bản tới từng cha mẹ học sinh.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đã ban hành danh mục và mức trần của 4 khoản thu thỏa thuận được phép triển khai trong nhà trường (gồm bán trú, 2 buổi/ngày, học phẩm, nước uống) song vẫn có nơi, số thu thỏa thuận lên tới cả chục khoản và đều thu gộp ngay từ đầu năm học.

Phụ huynh không thể nhớ được tên các khoản thu đầu năm học.

Khi được hỏi về các khoản thu ngay sau cuộc họp, nhiều phụ huynh cho biết không nhớ cụ thể mà chỉ nhớ tổng số tiền phải đóng, vì chỉ nghe cô giáo đọc. Một phụ huynh học sinh Trường THPT Trung Văn cho biết phải đóng hơn 3 triệu đồng, trong đó có hơn 600 nghìn tiền học tăng cường, số còn lại là quỹ lớp, đồng phục…

Trường THCS Thượng Lâm (huyện Mỹ Đức) triển khai các khoản thu như tiền photocopy 30 nghìn đồng/học sinh/học kỳ, khám bệnh - 20 nghìn đồng/học sinh, gửi xe - 100 nghìn đồng/học sinh, vệ sinh - 250 nghìn đồng/học sinh/năm, ngoài ra là tiền điện, tiền nước, tiền quỹ lớp…, tổng cộng hơn 2 triệu đồng/học sinh.

Trong số các khoản thu, khoản dễ bị phàn nàn nhất là quỹ phụ huynh. Để tránh tình trạng mỗi lớp thực hiện một mức thu khác nhau, nhiều quận, huyện đã ban hành quy định khung hoặc mức trần (phổ biến khoảng từ 100.000 đến 200.000 đồng/HS/ năm).

Tuy nhiên, phụ huynh Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa) phản ánh phải đóng quỹ lớp 450 nghìn đồng/học sinh, quỹ trường 350 nghìn đồng/học sinh. Trường Tiểu học Vạn Phúc (Ba Đình) đóng 450 nghìn đồng cho cả quỹ lớp, quỹ trường...

Thí điểm mô hình giám sát cộng đồng

Cho rằng việc thanh kiểm tra thu chi đầu năm không phải là biện pháp hữu hiệu vì chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề lạm thu tiền trường, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, đã đề cập đến đề án xây dựng mô hình Hội đồng giám sát cộng đồng trong trường học. Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban Giám hiệu nhà trường mà gồm phụ huynh và đại diện các ban, ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... 

TS Nguyễn Tùng Lâm khẳng định: “Hội đồng này sẽ có tiếng nói quyết định trong việc thực hiện các khoản thu chi của trường học. Khi trường có kế hoạch thu - chi từ nguồn tiền đóng góp của phụ huynh, phải có sự đồng ý bằng chữ ký của Hội đồng giám sát. Chính vì vậy, Hội đồng này cũng phải chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý nhà nước nếu xảy ra lạm thu”.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng nên để phụ huynh tham gia vào các khoản thu-chi của nhà trường.

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Tùng Lâm cũng nhấn mạnh: “Hãy để phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường. Tuy nhiên, sự khác biệt ở đây là hiện tại Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ có chức năng giám sát chứ không có quyền quyết định, còn với mô hình Hội đồng giám sát trong trường học thì các thành viên không chỉ giám sát mà còn có quyền quyết định”.

Khi được hỏi về mô hình này, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, đây là mô hình đáng được ủng hộ. Ông cho biết: “Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì? Có phục vụ cho con em mình học tập hay không?... Làm được điều này, tôi tin rằng việc huy động xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ”.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.