Dê "nhầm nhà", gà "đi lạc", cán bộ "bạc" với dân

09:59 | 17/03/2015

11,511 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vụ việc 12 con dê “đi lạc” vào nhà một vị Bí thư huyện ủy tại Thanh Hoá còn chưa rõ ngọn ngành thì mới đây 1.250 con gà cấp cho hộ nghèo tại Quảng Nam cũng đi “lạc ngõ” vào nhà lãnh đạo xã. Nhìn nhận về vấn đề này, nhiều chuyên gia bày tỏ bức xúc trước sự vô cảm của một bộ phận quan chức. Còn gì tàn nhẫn hơn khi “quan phụ mẫu” ăn chặn cả tiền hỗ trợ của người nghèo, đẩy người khốn cùng vào cơn bĩ cực…

Còn bao nhiêu vật nuôi chính sách… lạc vào nhà quan?

Mới đây, UBND xã Quế An, huyện Quế Sơn Quảng Nam đã mang 1.250 con gà được mua từ tiền quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất nông thôn chia đều cho 22 cán bộ, chỉ có có 2 hộ dân trong danh sách được nhận được gà “giảm nghèo”, nhưng không loại trừ đây là người thân, họ hàng của cán bộ xã khiến dư luận phẫn nộ.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã xác nhận sau khi mua gà giống, 22 cán bộ xã Quế An đã không cấp cho dân mà chia nhau mỗi người 50 con mang về nuôi. Trong danh sách cán bộ xã “nhận nhầm” gà có chủ tịch UBND, trưởng công an, Chủ tịch hội nông dân, Chủ tịch hội phụ nữ xã… 

Mỗi con gà giống được mua với giá 20.000 đồng, cùng tiền thức ăn và chăm sóc thú y cũng được huyện hỗ trợ và việc này được triển khai sau hơn một năm nhận vốn.

Dê “nhầm nhà”, gà “đi lạc”: Nhiều cán bộ đang “khuyết tật tình thương”

Dê, gà lạc hết vào chuồng các “quan”, dân bao giờ mới hết nghèo?

 

Được biết UBND huyện Quế Sơn cũng chỉ đạo phải vào cuộc ngay, sát sao để làm rõ sự việc. Tuy nhiên, theo như tìm hiểu của PV, đội ngũ cán bộ xã nói đã nuôi và bán gần hết số gà nói trên. Khi được hỏi sẽ xử lý ra sao về việc này thì Chủ tịch xã Quế An – ông Hoàng Kim Minh bảo: “Giờ trả lại chứ làm sao, chúng tôi biết làm thế là sai rồi”!

Việc hơn 1.200 còn gà giống lạc vào chuồng của các quan xã Quế An (Quế Sơn, Quảng Nam) không phải là trường hợp duy nhất. Cách đây không lâu, dư luận cũng xôn xao câu chuyện dê hộ nghèo lạc vào chuồng bí thư huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.

Theo đó, chỉ một nửa trong số 24 con dê của TX Bỉm Sơn (Thanh Hóa) dành hỗ trợ các hộ nghèo xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, Thanh Hóa) đến tay đúng đối tượng. 12 con còn lại được đưa thẳng vào trang trại của... Bí thư Huyện uỷ huyện Thạch Thành.

Sau khi sự việc được phanh phui, vị Bí thư Huyện ủy ông Quý đã “khắc phục” bằng cách chỉ đạo lãnh đạo xã Thành Yên bắt dê trong trang trại của mình trao lại cho 3 hộ nghèo khác. Mặc dù những con dê đã được trả lại cho đúng chủ nhân của chúng nhưng đằng sau sự việc lại là chuyện niềm tin của người dân đã... “đi lạc”.

Không chỉ mất gà, mất dê, người nghèo còn mất niềm tin vào cán bộ, vào chính sách.

Điều đáng nói, nếu những sự việc trên không được phát giác thì không biết còn bao nhiêu con gà hay vật nuôi được nhà nước hỗ trợ các hộ nghèo cũng lạc vào nhà các quan địa phương?.

Bòn rút đến bao giờ nữa?

Chuyện “ăn chặn” gà, dê của dân nghèo khiến nhiều người  phải thốt lên rằng, nạn “tham nhũng vặt” ngày càng gia tăng. Thế nhưng, dư luận càng phẫn nộ hơn khi nhiều quan xã, quan thôn bị “khuyết tật” sự liêm sỉ, tình thường - “nuốt không” tiền hỗ trợ, quan thôn “cướp” gạo cứu đói của dân nghèo.

Thật khổ cho dân, bởi nếu các loại giống vật nuôi, hay bất cứ một thứ vật chất nào khác có giá trị kinh tế, được nhà nước hỗ trợ cho dân mà cứ “lạc” vào nhà các “quan” thì dân bao giờ mới hết nghèo? Câu chuyện có dừng lại ở việc kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc?

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng

 

Chuyên gia xã hội học Trịnh Hòa Bình (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội) nhấn mạnh: Giá trị số dê, gà kia không đáng là bao nhưng với người nghèo, đây là phương tiện và cơ hội để họ thay đổi cuộc sống. Thêm hay không số dê này thì trang trại của ông bí thư vẫn bề thế nhưng có vài con thì một hộ nghèo sẽ giải quyết được nhiều vấn đề: Cái ăn cái mặc của gia đình, con cái học hành thuận lợi hơn... Việc làm trên thật vô cảm với người nghèo. Dường như nhiều cán bộ đang bị “khuyết tật tình thương”…

Còn ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Những chính sách của Nhà nước bản thân nó rất tốt, nhưng lại không đi đến được tận tay người dân chỉ bởi đâu đó có những cán bộ không tận tụy, tham lam.

Những chính sách đó là nhằm giúp cho người nghèo cải thiện cuộc sống, mà những cán bộ không thiếu thốn gì lại ăn chặn của dân thì đúng thật là đáng xấu hổ. Ăn chặn thông thường đã đáng lên án, nhưng ăn chặn của người nghèo là nỗi sỉ nhục, đánh mất đạo đức làm người của cán bộ. Trong khi đó, công tác quản lý còn quá kém, không có chế tài kiểm soát, xử lý triệt để. Vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở còn nể nang, giơ cao đánh khẽ”.

Theo ông Hùng nhận định, nếu chúng ta không xử lý nghiêm thì sẽ còn nhiều vụ việc tương tự xảy ra.

“Từ những sự việc vừa xảy ra, theo quan điểm của tôi, cần phải kiểm tra, điều tra làm rõ. Nếu là chiếm đoạt của dân thì không chỉ đơn thuần là xử lý khiển trách trong Đảng mà là hành vi vi phạm pháp luật. Bất luận vì lý do gì, đồ cho dân nghèo mà giữ lại trong nhà mình là hành vi khuất tất, phải xem xét. Vài con dê, con gà cũng là tham nhũng. Dù là tham nhũng vặt cũng phải xử lý nghiêm minh”, ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng cho rằng việc khuyến khích, bảo vệ người dân phát hiện tố giác những trường hợp “quan tham” là vô cùng quan trọng.

Cần tuyên truyền sâu rộng đối với mọi người dân về trách nhiệm, quyền lợi của mình thông qua việc tố giác. Điều này góp phần ngăn chặn và xử lý kịp thời những biểu hiện tiêu cực, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân.

 

Thảo Phượng (tổng hợp)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc