Cơn lốc tệ nạn cuốn sinh viên

00:29 | 28/07/2012

11,995 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cuốn mình trong những canh bạc đỏ đen; tự do, buông thả với lối sống thử; bán rẻ nhân phẩm, danh dự vì tư tưởng thích sống hưởng, sống bám, muốn ăn trắng mặc trơn… Đó là những “thực trạng” ngày càng lan tràn trong đời sống của một bộ phận sinh viên. Thả mình trong lối sống tệ nạn, những người trẻ tuổi đang đánh mất mình, tự tay đóng cánh cửa tương lai còn đang rộng mở phía trước.

Những trò “tiêu khiển”

Game online, lô đề, cá độ từ lâu đã trở thành “người bạn đồng hành” với một bộ phận sinh viên. Có cầu ắt có cung, mà sinh viên lại không phải đi đâu xa mới có thể thỏa cơn khát “đỏ đen”, quanh các trường đại học, nhiều quán trà đá, cà phê, ngay cả hàng tạp hóa, hàng photocopy cũng trở thành nơi “trung chuyển số”. Hàng ngày cứ tầm chiều đến gần 19 giờ, những quán trà đá nhộn nhịp bởi “giờ báo lô, đề”; sinh viên ngồi bàn tán “con kết” và “con” hôm nay sẽ “nổ”. Sinh viên đánh lô để lấy tiền đóng học, thêm tiền ăn tiêu chơi bời, thỏa cơn khát cờ bạc và đôi khi chỉ đơn thuần là đánh cho vui.

Sống thử

 

Không giống như lô đề, cá độ bóng đá trong giới sinh viên cũng đang là một tệ nạn nhức nhối mỗi khi vào mùa bóng, giải đấu. Ăn ngủ cùng trái bóng, nhiều sinh viên lấy tiền ăn học, cầm cố điện thoại, laptop, xe máy… để “lăn cùng trái bóng”. Hậu quả là những món nợ không thể trả, chủ nợ thúc ép, đánh dằn mặt, nhiều sinh viên phải bỏ học đi trốn… Bên cạnh đó có rất nhiều trường hợp trộm cướp, thậm chí gây án mạng vì thua cá độ bóng đá. Thế nhưng có vẻ như những hậu quả ấy vẫn không đủ cảnh tỉnh những sinh viên đang chìm đắm trong những “canh bạc” chết người, tiếp tay tạo nên lợi nhuận khổng lồ cho những chủ độ vô lương tâm.

 “Góp gạo thổi cơm chung”

Chuyện sống thử của sinh viên đã không còn là chuyện lạ. Sống thử thường là những sinh viên sống xa nhà, thuê phòng trọ, khi yêu đương bắt đầu mặn nồng họ dọn về ở cùng nhau, sống như một gia đình nhỏ. Về mặt tích cực, là thử làm quen với cuộc sống tương lai, hay thử sống với nhau xem có tự lập được không, có hợp để có thể tiến xa hơn không… Thế nhưng khi còn quá trẻ, sống thử lại mang đến những tác hại thật. Trước tiên là sự sa sút, ảnh hưởng đến học tập. Cuộc sống tự lập một thân một mình đã nhiều khó khăn, khi chuyển ra sống chung, nhiều bạn trẻ phải gánh thêm “một mình” nữa, cuộc sống trở nên bộn bề với cơm - áo - gạo - tiền.

Như trường hợp của N.V. Anh (Trường ĐH Thương Mại – Hà Nội), kết quả học tập giảm sút thấy rõ sau một học kỳ - cũng là khoảng thời gian V. Anh chuyển ra ở cùng người yêu - là sinh viên cùng trường, nhưng ở khóa dưới. Vừa lo học, vừa lo tiền nhà, tiền sinh hoạt, rồi đủ thứ tiền phát sinh, cộng thêm giải quyết những chuyện xích mích xảy ra khi ở cùng, khiến việc học tập của cả V. Anh và người yêu đều giảm sút. Thậm chí có lần đôi “vợ chồng” trẻ còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với nhau; xô xát chửi bới, thóa mạ nhau khi không kiềm chế được.

Tuy trường hợp của V. Anh không phải chiếm đa số, nhưng ở độ tuổi đang trưởng thành mà phải đối mặt và giải quyết với quá nhiều vấn đề cùng một lúc, rất khó có thể xử lý tốt mọi thứ. Sa sút học hành là một chuyện, sống thử trong sinh viên chắc chắn còn ảnh hưởng đến đạo đức. Ở Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có nhiều bạn trẻ bị tịch thu thẻ sinh viên vì sống chung, nhưng các đôi trẻ vẫn cứ trơ lỳ, coi đó chẳng là gì. Dù sống thử ngày nay được coi là phổ biến nhưng rõ ràng là nó không được pháp luật công nhận, nhà trường cũng không chấp nhận việc sinh viên sống thử, cũng không cho đó là sự “rèn luyện cho tương lai”.

Theo nhiều chuyên gia tâm lý, sống thử trong sinh viên nhằm đáp ứng một phần nhu cầu tình dục ở lứa tuổi mới lớn  hơn là việc thử sức với cuộc sống tự lập, làm quen với cuộc sống gia đình. Và vấn đề đáng báo động nhất là tình trạng mang thai ngoài ý muốn của rất nhiều cặp đôi sống thử. Liệu có bao nhiêu đôi yêu nhau, tình yêu đủ chín để bỏ học để cưới rồi sinh con, sau đó… đi học tiếp? Theo con số thống kê mới nhất của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, trong hơn 5.000 ca nạo, phá thai mỗi năm, có tới 30% thai phụ dưới 24 tuổi.

Còn tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, số phụ nữ dưới 20 tuổi nạo phá thai chiếm khoảng 20%. Tuy nhiên không phải ai cũng đủ can đảm để vào bệnh viện công, vì xấu hổ, sợ bị phát hiện, rất nhiều bạn gái đã “nạo chui” tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân. Nạo phá thai dù một lần hay nhiều lần đều để lại những hậu quả khôn lường, các tai biến có thể dẫn đến vô sinh ở lứa tuổi có khả năng sinh sản cao. Vô sinh đối với phụ nữ chưa có con và nhất là đối với tuổi vị thành niên là một nỗi đau cả về thể chất lẫn tâm hồn. Chưa kể đến sự thiếu hiểu biết về quan hệ tình dục an toàn còn là nguyên nhân dẫn tới các bệnh lây truyền qua tình dục.

Sinh viên “làm thêm”

Từ miền quê nghèo lên thành phố, nhiều cô sinh viên có chút nhan sắc không cưỡng lại nổi những cám dỗ của cuộc sống thành thị. Lý do cần tiền trang trải cuộc sống có vẻ không thể được chấp nhận khi còn rất nhiều công việc làm thêm đúng nghĩa mà họ đã không lựa chọn. Quên đi cách lao động bằng tri thức và sức lao động chân chính, nhiều sinh viên chấp nhận làm gái bao, gái mại dâm và coi đó là kế sinh nhai, giải pháp thỏa mãn lối ăn chơi xa xỉ, thích “ăn sung mặc sướng”.

Theo các nhà xã hội học, nguyên nhân khiến sinh viên sa ngã vào hoạt động mại dâm cũng là bởi hiện nay lớp trẻ yêu đương từ sớm, dẫn đến chuyện sinh hoạt tình dục khi còn rất trẻ. Từ đấy mà quan niệm về tình dục của những người trẻ tuổi trở nên dễ dãi, bản năng. Nhiều người cho rằng “đã bước chân đi thì rất khó rút chân về”, một phần vì bị những chủ chứa, má mì chăn dắt, ép buộc, nhưng phần lớn là vì sức hút quá mạnh của đồng tiền. Công việc này kiếm tiền quá nhanh và quá dễ, chỉ một lần đi khách là bằng cả tháng trời cực nhọc đổ mồ hôi của bố mẹ ở quê nhà.

Còn so với những công việc khác như đi dạy thêm, làm việc ở quán ăn, bán thuê ở cửa hàng quần áo… thì công việc này vừa được chưng diện, vừa được chơi ở các nơi sang trọng, tiền rủng rỉnh, lại chẳng phải lao động cực nhọc. Có cô nàng sinh viên còn thấy mình thật may mắn khi được lọt vào mắt xanh của má mì môi giới mại dâm cao cấp, đó là cơ hội để các cô học chiêu kiếm tiền bo của các khách VIP, phút chốc có thể đổi đời. Nhưng khi bước chân vào con đường này, những cô gái gọi sinh viên với chút kiến thức bập bõm, dắt túi cái thẻ sinh viên chẳng thể lường được đến ngày đường dây, ổ nhóm của các má mí “dìu dắt” họ bị công an triệt phá. Và cánh cửa tương lai bỗng đóng sập lại trước mắt, họ mất tất cả, danh dự của bản thân và gia đình bị ô uế, nhiều người trong số họ được gửi vào những trung tâm cải tạo nhân phẩm…

Sinh viên, những người sau này là bộ phận lao động chính trong guồng máy xây dựng đất nước. Nếu những sinh viên để mình bị cuốn trong cơn lốc tệ nạn không thể thoát ra được thì cũng có nghĩa họ đang tự đào hố chôn mình. Hãy sống đúng chất sinh viên, tích cực tham gia nhiều hoạt động đoàn thể để dần xa lánh vòng xoáy của những tệ nạn đang ngày càng lan tràn rộng trong xã hội.

Ngọc Trân

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc