NSƯT Trần Đức: “Đôi khi phải để khán giả hiểu lầm”!

11:19 | 31/05/2013

4,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Đóng đinh” trong lòng công chúng bằng những vai diễn đầy góc cạnh, NSƯT Trần Đức được liệt vào những “gương mặt ác” của màn ảnh. Chia sẻ về việc này nghệ sỹ tâm sự: “Đôi khi phải để khán giả hiểu lầm mình mới hay!”.

Vui vì khán giả nhớ đến bằng những vai ác

- Bộ phim mới đây nhất diễn viên Trần Đức tham gia là “Giọt nước rơi”, tiếp tục hóa thân vào “vai ác” - một ông trùm khét tiếng, quả là đã đúng sở trường của nghệ sỹ rồi?

- Cũng không đúng lắm đâu, vì hơn 30 năm hoạt động trên sân khấu tôi không đóng phản diện nhiều, hơn nữa những thành tích được ghi nhận lại chủ yếu ở những vai chính diện. Khi lấn sân sang màn ảnh không biết do cơ duyên nào mà tôi lại thường xuyên được giao vào những vai giám đốc tham nhũng, quan chức biến chất, gã lăng nhăng chuyên ve vãn phụ nữ... nhưng xã hội đen thì chưa.

Trước đây tôi có tham gia vào phim “Đầm lầy bạc” thì chỉ có một chút mafia trong đó thôi, nó vẫn được núp dưới một cái bóng tử tế, chất xã hội đen là có nhưng những cảnh chém giết là mượn tay người khác. Sang đến vai diễn này thì hiện rõ bản chất, tự tay làm tất cả những phân cảnh tham lam, độc đoán, tàn bạo... và cả nổ súng chém giết.

NSƯT Trần Đức

- Nỗi niềm của diễn viên được nhớ đến với những vai ác sẽ như thế nào, thưa nghệ sỹ?

- Nếu được nhớ đến như thế chứng tỏ là mình đã hoàn thành tốt vai diễn rồi. Mà những kỷ niệm gắn với sự ác đó đáng yêu lắm. Nhiều khi khán giả gặp tôi, hiểu thì tay bắt mặt mừng, trao cho một vài lời nhận xét, ông này kinh quá, ác quá... làm mình buồn cười. Mình đùa là, ở trong phim thôi, chứ ngoài đời thì chẳng kinh tí nào.

Mà cũng hay lắm, ra đường người ta gọi tên mình trên phim, chứ không mấy ai biết cái tên thật Trần Đức đâu, gọi nhiều cũng quen đấy và thấy vui. Sau những kỷ niệm đó, cũng chẳng nỗi niềm gì nhiều, tôi coi đó là đã thành công và vai diễn được ghi nhận.

- Vậy trong vai diễn mới, với vai trò là một ông trùm, nghệ sỹ có định xây dựng hình ảnh ác kinh điển hơn?

- Trong phim tôi vào vai ông trùm, là nhân vật duy nhất đối lập với tuyến nhân vật khác của phim. Tác giả đưa ra hình tượng này như một thế lực để ngăn cản những con người hoàn lương. Thậm trí họ phải trả giá đắt. Trên con đường hoàn lương đó, có thể họ không gặp hạnh phúc nhưng chỉ cần ngộ ra đã là đủ. Phim có những xung độ, có những tiếc nuối của khán giả... Tôi thấy hấp dẫn ở tính cách đa chiều nên cũng đã nghiên cứu kỹ, để làm sao thể hiện một ông trùm góc cạnh.

-  Có khó khăn quá khi hóa thân vào vai diễn này là gì thưa nghệ sỹ?

- Khó nhất là ông trùm phải biết hút thuốc trong khi đó tôi lại không hút được. Mà hút không phải thường đâu, hút xì gà ấy, mà xì gà ở Việt Nam thì bạn biết rồi đấy... Vậy nên, dù cố gắng hạn chế nhưng buộc mỗi cảnh quay có khi phải làm đi làm lại, cứ châm thuốc rồi lại tắt chờ cảnh quay sau, để rồi mỗi lần hút xong là về ốm luôn. Nhìn vẻ ông trùm thế này mà không hút được thuốc kể cũng lạ đúng không? Tôi bỏ thuốc khá lâu rồi, bỏ rồi mà phải hút lại thì đúng là cực hình, nhưng vai diễn đòi hỏi vậy, mình hy sinh thôi. Đôi khi chỉ cần những hy sinh nhỏ bé như vậy cho vai diễn là cũng nhớ lắm rồi.

NSƯT Trần Đức trong phim  “Giọt nước rơi”

- Trong sự nghiệp diễn xuất với bề dày hơn 30 năm lăn lộn cả trên sân khấu kịch lẫn màn ảnh truyền hình, nghệ sỹ Trần Đức thấy tâm đắc với “sân” nào hơn cả?

- Mình đi lên từ sân khấu kịch nên sau này dù có làm truyền hình thì mình vẫn bị ảnh hưởng. Phải công nhận rằng sân khấu kịch nó rất thú vị, vì nó tạo cho diễn viên những phút giây hồi hộp mà đòi hỏi người làm nghề phải có bản lĩnh vững vàng. Sân khấu nó hay ở chỗ, có những phút giây thăng hoa mà diễn viên điện ảnh ít khi có được, vì diễn viên được tiếp xúc với khán giả, mà khán giả thì có thể khóc ngay tại chỗ, cười ngay tại chỗ, yêu quý diễn viên ngay tại chỗ... tạo cho mình sự phấn khích. Mình thì vẫn thích diễn trên sân khấu. Mỗi cái có một điểm mạnh, nếu sân khấu cho ta những cảm xúc phong phú về nghề thì truyền hình giúp gương mặt nghệ sỹ được phổ biến hơn, nhiều người biết đến hơn. Đó cũng là cách hay để đến với đại đa số công chúng.

Nghệ sỹ trẻ đừng ôm đồm quá

- Là một giảng viên, như vậy là có điều kiện tiếp xúc nhiều với lứa diễn viên trẻ nơi giảng dạy và thực tế làm nghề. Nghệ sỹ có nhận xét gì về cách làm nghề của thế hệ trẻ?

-  Giới trẻ nhanh nhẹn, có tri thức và thông minh. Với những ngày ngồi trên ghế giảng đường, truyền dạy kinh nghiệm cho các em, tôi luôn phải rèn, phát hiện những gương mặt có triển vọng và “dự báo” tương lai, động viên các em.

Tôi đã dự đoán nhiều gương mặt triển vọng để đặt hy vọng vào các em, bởi với những tài năng khi được rèn luyện một cách chăm chỉ, hết mình vì nghệ thuật thì cớ gì ta không hy vọng. Học trò của tôi ra trường cũng nhiều rồi, tôi có quyền tự hào vì có những dự án làm phim, tôi được gặp lại học trò của mình.

Điều mà tôi luôn phải căn dặn các em là: Sau này các em sẽ thành công nếu thực sự làm việc chăm chỉ và hết mình vì nghệ thuật. Trong quá trình làm các em đừng tự mài mòn mình. Mình phải biết tích lũy, phải đọc, phải nghiên cứu. Vì nghệ thuật đòi hỏi quá trình đào tạo, tích lỹ lâu dài.

- Có phải vì làm thầy mà nghệ sỹ ưu ái quá chăng? Bởi nhiều ý kiến cho rằng giới trẻ bây giờ hời hợt quá!

- Thực tế cũng có những trường hợp như thế. Tôi cũng rất ngạc nhiên, khi không ít những em “nhảy” vào nghệ thuật mà kiêm đủ thứ từ làm ca sỹ, người mẫu, hotboy, hotgirl... cũng tham gia đóng phim, mà lại còn làm nhiều show. Thử hỏi khi thời gian để chia sẻ cho nó không có nhiều, mà năng lực lại có hạn thì kham sao nổi.

Chính vì thế nó sinh ra sự hời hợt. Làm nghề mà không được đầu tư và khai thác nhân vật, thậm trí có những em chỉ đến thoại lời thì thật đáng trách. Nghệ thuật không thể hời hợt như thế được. Ở một độ tuổi sung sức nhất, trẻ đẹp nhất của cuộc đời mà làm nghệ thuật như vậy thì quả là đáng buồn. Tôi nghĩ rằng các em đang nhiều mối lo quá, ôm đồm quá nên vất vả. Ngày xưa thế hệ chúng tôi cuộc sống đơn giản, yêu nghề là làm nghề, sống hết mình với nó.

NSƯT Trần Đức cho rằng "Nghệ sỹ trẻ bây giờ đang ôm đồm quá"

- Vậy nghệ sỹ có lời khuyên nào dành cho thế hệ diễn viên trẻ?

- Phải nhìn nhận đúng một thực tế là con đường nghệ thuật gian nan lắm, phải có bản lĩnh vững vàng, tài năng thực thụ và khổ luyện mới thành công. Giới trẻ bây giờ có điều kiện là có nhiều cơ hội xuất hiện, mà nhiều thì các em phải biết “chớp” lấy. Không nên tham vọng quá nhiều và ôm đồm cũng quá nhiều. Nên làm nhiều hơn với nghề mình định dấn thân, cứ làm đi rồi sẽ lớn lên. Điều đó cần phải học để sâu sắc hơn.

- Kỳ vọng vào giới trẻ và lương lai nghệ thuật như thế nên nghệ sỹ Trần Đức quyết định cho con trai của mình theo nghề, trong khi nhiều nghệ sỹ khác thì không muốn?

- Cũng là do con thích và có năng khiếu. Nghệ thuật thì đâu có thể ép được. Con trai của mình cũng bị ảnh hưởng nghề nghiệp của bố nhiều. Ngày xưa hay đứng ở cánh gà xem bố biểu diễn, rồi chứng kiến bố giảng dạy với các bạn sinh viên... nên nó cũng nảy sinh niềm yêu thích. Mình cũng không cấm đoán con việc theo nghệ thuật, vì bản thân mình cũng phải đấu tranh và hy sinh nhiều để theo đuổi nó. Giờ con đam mê cớ gì lại cấm. Mình cũng thấy may mắn là những vai diễn đầu tiên, sản phẩm đầu tiên của con, mình được uốn nắn.

Xin cảm ơn nghệ sỹ về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (thực hiện)