Khi “ông hoàng nhạc sến” sa cơ

07:05 | 16/08/2014

1,483 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -Thân hình ốm yếu, chỉ độc mỗi chiếc quần cộc trên người vì mặc áo cũng khó khăn, “ông hoàng nhạc sến” một thời vàng son nay đang phải đối diện với cuộc sống đếm từng ngày trong căn nhà nhỏ tồi tàn vắng người ghé đến.

Năng lượng Mới số 348

Tấm thân tàn tạ

Nép mình sâu trong con hẻm bé tẹo không qua lọt một chiếc xe, “nhà” của nhạc sĩ Vinh Sử chỉ là một cái ngách nhỏ chừng 10m2 với lỉnh kỉnh các thứ vật dụng lớn nhỏ chẳng mấy giá trị. Chiếc xe máy chiếm trọn 1/3 căn nhà là của học trò ông để lại, phòng khi ông cần đi đâu thì nhờ người chở. Còn duy hai bức chân dung vị nhạc sĩ một thời huy hoàng, vật trang trí xa xỉ nhất của căn nhà cũng đã ố màu với thời gian.

Như lời ông kể, tính đến nay ông đã trải qua 4 lần phẫu thuật do ung thư trực tràng di căn. Lần phẫu thuật gần nhất là từ tháng 4. Từ đó đến giờ ông đang phải đeo hậu môn giả vì gần như toàn bộ phần ruột già đã bị cắt bỏ, vì thế ông hầu như không thể tự kiểm soát điều tiết. Từ 68kg, bây giờ ông còn hơn 40kg, đi đứng rất khó khăn, chân bị tê, ngồi lâu tiếp khách cũng đau, nơi hậu môn giả mới nổi thêm một cục u chảy nước khiến ông rất đau và khó chịu, không ăn ngủ được…

Khi “ông hoàng nhạc sến” sa cơ

Bệnh nặng là vậy, nhưng nhạc sĩ Vinh Sử cũng không muốn nhờ cậy đến con cháu, mặc dù các con ông vẫn thường xuyên gọi điện về thăm hỏi, ngỏ ý muốn đỡ đần cha trong thời gian đau bệnh. Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Vinh Sử cho rằng: “Các con của tôi cũng rất khó khăn, chúng cũng đi làm thuê làm mướn, cũng phải lo cho cuộc sống gia đình. Vì thế tôi không muốn phiền hà đến các con của mình”.

Bà Nguyễn Ngọc Lệ, vợ ông cho hay: Thu nhập chính hiện tại của ông chỉ là tiền tác quyền tính mỗi quý được 5-6 triệu đồng. Một số ca sĩ, nhà hảo tâm cũng có ghé thăm và tặng ông chút tiền bồi dưỡng, thuốc thang.

Người phụ nữ cuối cùng

Vinh Sử là một nghệ sĩ không may mắn trong đường tình duyên. Trái tim ông lúc nào cũng chất chứa đầy men tình nhưng những cuộc tình đều không trọn vẹn, mặc dù có đến bốn người vợ chính thức và hàng tá người tình. Nhiều vợ, nhiều nhân tình nhưng Vinh Sử luôn khẳng định: “Tôi là người rất chung thủy trong tình yêu, tôi chưa bao giờ bỏ ai. Chỉ có người ta bỏ tôi mà đi và khi không còn ai bên cạnh tôi mới yêu người khác”.

Lý giải cho việc “từng người tình bỏ ra đi” ông nói: “Không ai chịu đựng nổi tính tự do, phóng khoáng của tôi. Trước khi cưới nhau, tôi luôn tỉ tê rằng, tôi yêu tự do. Yêu nhau, cưới nhau nhưng tôi phải được tự do làm những việc mình yêu thích, miễn sao không thay lòng đổi dạ, phản bội gia đình là được. Thế mà cuối cùng cũng không ai chấp nhận được, người đàn bà nào đến với tôi rồi lại rời xa tôi cũng chỉ vì không chấp nhận được điều đó”.

Vì vậy, có lẽ chính ông cũng không thể ngờ được, mãi đến khi gần cuối cuộc đời, khi gia sản đã tiêu tan theo bệnh tật, người phụ nữ thứ ba của đời ông lại quay về, chăm sóc cho ông tận tụy đến tận hôm nay.

Ngày ông trở bệnh cách đây 4 năm, bà Lệ lại lặng lẽ trở về bên ông như cái ngày bà ôm con ra đi. Vén vun, cần mẫn, lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ, thuốc thang, chở ông vào ra viện, âu cũng vẹn cái nghĩa “muối mặn gừng cay”. 

Bà Lệ cho biết, dù có mang bệnh nặng nhưng nhạc sĩ Vinh Sử vẫn yêu nghề đến cháy bỏng. Nhiều lúc chính bản thân bà cũng không thể lý giải được vì sao ông lại yêu nghề đến thế. “Mỗi khi bệnh tái phát, tôi lại khăn gói đồ đạc để đằng trước xe, đèo chồng ngồi phía sau đưa ông lên bệnh viện. Ðến bệnh viện, tôi dìu ông lên phòng chờ khám bệnh trước, sau đó mới lóc cóc xuống lấy đồ đạc. Trong lúc chờ khám bệnh, bác sĩ gọi mãi không thấy ông ấy đâu. Ðến khi thấy họ đã để sổ sang bên cạnh, tôi liền đi tìm thì thấy ông ấy đang đứng ở hành lang. Tôi hỏi thì ông ấy bảo: Tôi ra ngoài này nhìn trời nhìn đất, rồi còn sáng tác nhạc chứ ở trong đó đông đúc thế làm sao tôi có cảm hứng được…” - bà Lệ kể lại niềm đam mê công việc của chồng với giọng run run xúc động.

Cuộc đời thăng trầm

Mười sáu tuổi, nhạc sĩ Vinh Sử đã âm thầm cho ra đời những bài hát đầu tiên. Sau gần 60 năm viết nhạc, ông đã có một “kho tàng” đồ sộ lên đến khoảng 1.000 ca khúc. Vinh Sử viết nhạc như viết nhật ký đời mình. Có lẽ lớn lên trong một xóm lao động nghèo, lại từng “nằm gai nếm mật” đầy cơ cực trong cô đơn nên những sáng tác của Vinh Sử đa số đều sử dụng các giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng như lời ru, như Bolero, Ballad… vỗ về lấy những cay đắng trong lòng mình. Vinh Sử nói, ông viết nhạc buồn vì đời ai cũng có lúc thăng lúc trầm, nhưng đời ông hình như trầm nhiều hơn thăng. Cái nghèo, cái dở dang duyên nợ đeo đẳng mãi không thôi.

Vinh Sử sáng tác với nhiều bút danh như Vinh Sử, Cô Phượng, Hàn Ni, Diễm Nhi, Ðức Vượng... Các ca khúc của ông qua những giọng hát nổi tiếng như Thanh Tuyền, Chế Linh, Như Quỳnh, Trường Vũ, Quang Lê... không chỉ làm mê mẩn giới bình dân mà còn được rất nhiều các giai tầng trong xã hội yêu quý, không phân biệt giàu nghèo, nông thôn, thành thị. Các bài hát “Nhẫn cỏ cho em”, “Gõ cửa trái tim”, “Hai bàn tay trắng”, “Ðêm lang thang”, “Chuyến xe lam chiều”, “Vòng nhẫn cưới”, “Ðoạn buồn đêm mưa”, “Qua ngõ nhà em”, “Hai mái nhà tranh”, “Không giờ rồi”, “Làm dâu xứ lạ”, “Mưa bụi”, “Trách người trong mộng”, “Quên cây cầu dừa”, “Nối lại tình xưa”, “Vẫy tay chào”… dù đã ra đời cách đây mấy chục năm nhưng nay vẫn là câu hát cửa miệng của nhiều người.

Mỗi bài hát của ông hình như đã chạm được vào một ký ức, một kỷ niệm của một ai đó hay những mối tình trắc trở… nghe bùi ngùi, da diết đến tận tâm can. Nhạc của ông không kén chọn người nghe. Tất cả các tầng lớp trong xã hội, từ nông thôn cho đến thị thành đều đón nhận. Thời ấy, bài “Nhẫn cỏ cho em” có số phát hành chính thức là 400 ngàn bản (chưa kể in lậu) đã giúp nhạc sĩ Vinh Sử từ đi bộ lên thẳng xe hơi đời mới.

Khi “ông hoàng nhạc sến” sa cơ

Nhạc sĩ Vinh Sử trong căn nhà tồi tàn

Nhờ những sáng tác đi sâu vào lòng người, gần gũi với khán giả, cuộc sống của ông đã hoàn toàn thay đổi. Danh tiếng ông nổi lên hơn bao giờ hết. Ðó cũng là điều khiến cho ông liêu xiêu bước vào bể tình, mà từ đây càng nhiều ca khúc đau thương, bẽ bàng trong tình ái được ra đời. Càng sáng tác, tiền bạc, danh tiếng càng đến với ông một cách nhanh chóng không kiểm soát được.  Thời huy hoàng đến với ông như một giấc mơ. Hợp đồng được ký với các hãng băng đĩa, các nhà xuất bản nhạc thời bấy giờ đã đem lại cho ông những món tiền kếch sù. Kiếm tiền quá dễ, ông vung tiền như nước, hàng đêm ngật ngưỡng trong men say. Chưa dừng lại ở những cuộc vui bạt mạng ấy, ông còn tìm đến những chốn ăn chơi cực kỳ xa xỉ trong các nhà hàng sang trọng ở Chợ Lớn.

Ông thích làm “Nhất Dạ Ðế Vương” (làm vua một đêm) với áo mão cân đai, chễm chệ trên ngai vàng lộng lẫy. Thức ăn toàn sơn hào hải vị, rượu uống ngon nhất thế gian. Một đêm làm vua tiêu tốn hàng chục cây vàng. Lúc ấy, Vinh Sử không thể nào nghĩ tới sẽ có lúc ông sống nghèo khổ, bị bệnh tật hành hạ như ngày hôm nay!

Ăn chơi mãi cho đến khi khánh kiệt, thị hiếu âm nhạc cũng đổi thay. Một bài hát nay không thể mua được chiếc xe hơi như ngày nào nữa. Ông lại trở về với công việc lao động nghèo, vất vả. Thế nhưng, Vinh Sử không buồn, không hối tiếc, ông cho rằng mình đã tận hưởng những vinh hoa rồi thì giờ phải chấp nhận cuộc sống cơ hàn.

Ông bảo, cuộc đời ông “làm vua” nhiều rồi, nay còn được thêm danh xưng “Vua nhạc sến” mà người hâm mộ trao tặng, ông đã cảm thấy đủ ấm lòng. Nói về niềm đam mê lớn nhất của đời mình, nhạc sĩ Vinh Sử cho biết: “Tôi đang chiến đấu từng ngày vì miếng ăn, vì bệnh tật nên hiện giờ không còn tâm trí để sáng tác. Tôi chỉ mong sức khỏe mau hồi phục để có thể tiếp tục phục vụ cho những khán giả đã trót yêu những sáng tác của mình. Tôi biết còn rất nhiều khán giả vẫn trông chờ tôi trở lại”.

Nguyên Phương