Phim lịch sử: Thiếu vẫn vì… tiền!?

11:19 | 29/10/2013

1,166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với thực trạng làm phim kiểu “con nhà giàu” mà phim vẫn chưa đạt và khó kiếm khán giả như thực tại thì có lẽ phim lịch sử vẫn mãi là nỗi e dè của các nhà làm phim.

Vừa được “tặng không” cho nhà đài sau khi “lỡ hẹn” với Đại lễ, bộ phim Thái Sư Trần Thủ Độ đã chính thức đến được với khán giả. Điều đáng mừng là đã đi được gần nửa chặng đường, bộ phim đã nhận được những phản hồi tích cực từ giới chuyên môn cũng như khán giả.  

Tuy chưa phải là những đánh giá thật sự xuất sắc nhưng phần đông công chúng ghi nhận đây là một bộ phim “xem được”. Không thể đòi hỏi, những bước đi chập chững của dòng phim lịch sử như thế này có thể sánh vai ngay được với dòng phim lịch sử của nước láng giềng như Trung Quốc, hay mạnh như Hàn Quốc… Nhưng rõ ràng so với mặt bằng chung của điện ảnh Việt thì bộ phim đã có những cố gắng đáng ghi nhận. 

Thái sư Trần Thủ Độ sau khi “xuất kho” đã nhận được những phản hồi tích cực

Là người luôn có những đánh giá khá khắt khe nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam đã ghi nhận: “Đây là một phim lịch sử khá chỉn chu, các tình tiết phim tạo được sức hấp dẫn và đạo diễn phim có nghề. Trong hoàn cảnh khó khăn của điện ảnh Việt Nam hiện nay, đó rõ ràng đây là mốc đánh giá nỗ lực của các nhà làm phim”.   

Trên các diễn đàn và trang mạng, bộ phim cũng nhận được những đánh giá tích cực từ khán giả. Phần đông cho rằng, bộ phim vẫn còn những khuyết điểm như lồng tiếng, cảnh chưa thật và võ thuật chưa thực sự thuyết phục… Nhưng để xét về mặt bằng chung thì đã có sự tiến bộ vượt bậc, nhất lại là với dòng phim lịch sử.

Xúc động khi nhận được những phản hồi tích cực từ phía khán giả, đạo diễn phim, NSƯT Tất Bình chia sẻ: “Thời gian lưu kho đã có nhiều người tưởng phim của chúng tôi tồi quá nên không được chiếu. Nhưng sau thời gian phim được lên sóng, phim nhận được nhiều phản hồi tích cực, chúng tôi rất vui. Có nhiều khán giả theo dõi phim, đặc biệt là có nhiều người trẻ. Nên những gì đang diễn ra cho thấy chúng tôi không vung tiền của nhà nước một cách vô ích”.   

Tuy nhiên, dù có tín hiệu vui như vậy nhưng chúng ta vẫn phải quay về thực tế là khó để có một dòng phim lịch sử hay và khỏe trong tương lai gần. Bởi khó khăn vẫn còn bộn bề phía trước. Tài sản về phim lịch sử của Điện ảnh Việt không nhiều. Đến giờ tính trên đầu ngón tay cũng chỉ vỏn vẹn khoảng hơn 20 chục phim. Đối diện với thực tế phim còn thiếu và yếu do nhiều lý do. Từ việc phải tuân thủ quá nhiều quy luật khắt khe, trong khi việc cởi bỏ những suy nghĩ của công chúng về phim lịch sử thường nặng về giáo điều và khô khan là điều vô cùng khó.  

Rõ ràng đầu tư cho phim lịch sử toàn là những con số khủng. Chỉ tính riêng phim được sản xuất dịp Đại lễ thì chi phí sản xuất là những con số không hề nhỏ. Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có kinh phí đầu tư khủng nhất là 100 tỉ đồng. Hay Huyền sử Thiên Đô công ty Sao Thế Giới cũng đã bỏ ra hơn 60 tỉ đồng cho 40 tập phim... Những con số này quả là đáng mơ ước đối với các nhà làm phim khác.  

Thiếu trường quay nên việc phải đầu tư quá nhiều cho việc chọn bối cảnh khiến các nhà làm phim e dè với dòng phim lịch sử

Vì thế mà nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã từng băn khoăn phim lịch sử vốn đã đứng trước quá nhiều bộn bề như không có kịch bản hay, diễn viên chưa tốt bên cạnh đó lại quá nhiều chi phí cồng kềnh thì quả là cái khó đối với các nhà làm phim. Vấn đề cố hữu ở đây vẫn là thiếu trường quay tốt để làm phim. Chính nhà biên kịch này cũng chỉ ra rằng: Chỉ có phim lịch sử của Việt Nam mới “chơi sang” đến thế. Bởi trong khi các nước khác dựng bối cảnh làm phim thì có thể trưng dụng hiện trường, bối cảnh đó cho cả những bộ phim tiếp theo. Còn ở Việt Nam thì cả tỷ đầu tư vào trường quay đó chỉ dùng …một lần, vô cùng lãng phí. Những gì nhà làm phim bỏ ra đầu tư không được bảo quản, theo thời gian hỏng hóc rồi bỏ đi. Khi có dự án phim mới thì lại phải dựng lại và đầu tư mới hoàn toàn bối cảnh. Như vậy, là vô cùng tốn kém.  

Chính vì vậy mới có những e ngại bởi làm phim lịch sử vừa tốn công, vừa tốn của. Làm một bộ phim với quá nhiều kinh phí mà lại quá mạo hiểm khi chỉ cần một chi tiết sai sót nhỏ là phim có thể vĩnh viễn “đắp chiếu”... thì các nhà làm phim chẳng dại gì liều thân. Vậy nên, dù Thái sư Trần Thủ Độ có nhận được những tín hiệu vui, đã có được lượng khán giả nhất định, nhưng để bỏ ra một số tiền khổng lồ như thế để làm phim thì chẳng có nhà đầu tư nào dám lao vào, trừ nhà nước.   

Huy An