Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: “Tôi có đủ độ lì lợm để đi đến tận cùng…!”

07:12 | 29/04/2014

1,692 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là một đạo diễn trẻ đã thử sức với đề tài phim chiến tranh, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chia sẻ: “Đề tài chiến tranh của nước ta đến cả trăm năm nữa cũng chẳng thể cũ nên tôi yêu thích đề tài này. Tôi muốn đi con đường mà không ai dám đi hoặc không ai muốn đi đó. Và tôi có đủ độ lì lợm để đi đến tận cùng”.

Muốn lãng mạn hóa… chiến tranh

- Những bộ phim về đề tài chiến tranh của anh như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại” lần lượt được ra đời và sắp tới đây sẽ là “Đường lên Điện Biên” . Điều gì đã khiến một người trẻ như anh lại đam mê đề tài chiến tranh đến thế?

- Những gì thuộc về quá khứ, về kỷ niệm và nhất lại là những kỷ niệm gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc thì không ai được phép lãng quên. Với tôi, đó là sự bất diệt. Tôi làm nghệ thuật và có nhiệm vụ phải giữ gìn những gì thuộc về quá khứ hào sảng đó, lưu giữ nó bằng cách của riêng mình.

Nhiều người nói rằng làm phim về chiến tranh khó. Tôi công nhận điều đó và đang làm bằng trái tim, bằng cách nhìn của riêng mình. Tôi muốn đi con đường mà không ai dám đi, cũng có thể là không ai muốn đi và khẳng định tôi có đủ sự lì lợm để đi đến tận cùng.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng

- Trong các phim của Bùi Tuấn Dũng về đề tài chiến tranh, số phận của những con người là mạch nguồn chủ đạo xuyên suốt cả bộ phim. Đó là những anh chàng quân bưu trong “Đường thư”, những chàng bộ đội xăng dầu trong “Những người viết huyền thoại”. Và trong "Đường lên Điện Biên" là những chàng trai vệ quốc quân hào hoa rời Thủ đô đi kháng chiến. Phải chăng anh muốn khắc họa, muốn đi sâu vào số phận những con người?

- Tôi quan điểm tác phẩm nghệ thuật giá trị là tác phẩm đi sâu vào khắc họa số phận những con người va từ những số phận đó để lại được điều gì. Tôi không muốn người ta nhìn chiến tranh chỉ bằng sự khốc liệt và chết chóc, là bom nghiền, pháo giã. Tôi muốn ca ngợi con người Việt Nam ở tinh thần bất khuất. Chính vì thế tôi muốn lãng mạn hóa những gì thuộc về chiến tranh. Chẳng phải vì tinh thần chiến đấu anh dũng, vì niềm tin… mà chúng ta đã chiến thắng đó sao.  

Tôi không thể tham lam ôm trọn những số phận trong một tác phẩm. Tôi muốn mỗi đứa con của mình là một lát cắt, có thể không thể chỉn chu nhưng cũng không thể mờ nhạt. Nếu làm mờ nhạt những chiến công mà bộ đội ta đã đổ bằng xương máu thì thật đáng trách.

Còn quan điểm về chiến tranh của tôi hơi khác. Chủ trương của tôi là muốn người khác hiểu là kẻ thù của người Việt Nam thì sẽ nhận được sự đáp trả như thế nào? Hơn nữa, nguyên tắc của tôi là khi tôi yêu bộ phim, yêu từng nhân vật, từng chi tiết và tất nhiên khi hội đủ những điều kiện cần thì tôi mới bắt tay vào làm. Không phải tôi quá cầu toàn, nhưng tôi muốn mình chịu trách nhiệm tốt nhất cho sản phẩm của mình. Một sản phẩm về đề tài chiến tranh vốn khó lấy lòng được công chúng, mà còn hời hợt thì mãi mãi  sẽ chẳng có khán giả.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng chỉ đạo diễn xuất trong "Đường lên Điện Biên"

- Đúng là phim về chiến tranh của Bùi Tuấn Dũng không đặt nặng đau thương, mất mát. Khốc liệt đó, nhưng vẫn xen vào những hóm hỉnh, tự nhiên. Vậy, anh tiếp tục “lãng mạn hóa” chiến tranh như thế nào trong bộ phim về cuộc chiến tranh 56 ngày đêm lịch sử của dân tộc?

- Có nhiều cách để lãng mạn, nhưng liều thuốc hữu hiệu nhất vẫn là tình yêu. Trong bộ phim về 56 ngày đêm lịch sử làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ có những câu chuyện tình thơ mộng và lãng mạn của những chàng vệ quốc quân hào hoa với những cô dân công hỏa tuyến xinh đẹp. Tình yêu và trẻ tuổi, nhiệt huyết và niềm tin... tất cả gặp nhau ở tình yêu tha thiết với Tổ quốc. Trong phim, tôi cũng rất chú trọng đến những chi tiết tỉ mỉ như việc ăn cơm bằng bát làm từ gỗ, tre hay gáo dừa, những chi tiết thú vị như các cô dân công hỏa tuyến ăn cơm với muối trắng, để dành mấy con cá khô cho ngày sinh nhật của mình… Tất cả để hình ảnh những người chiến sĩ năm xưa hiện lên chân thực và sinh động nhất.

Hãy cho tôi thời gian và… tiền

- Vậy tới thời điểm này, anh thấy điều gì là khó nhất  khi làm phim về chiến tranh?

- Nếu như vào 3 năm về trước mà bảo tôi làm phim về đề tài chiến tranh, nhất lại là bộ phim cần nhiều kỹ xảo như “Đường lên Điện Biên” thì tôi sẽ có câu trả lời duy nhất là không thể làm được. Quay phim với những máy quay cổ lỗ sĩ thì chẳng thể làm được gì cả. Tôi rất khâm phụccác đồng nghiệp của tôi, ở thời điểm đó mà vẫn có thể làm được phim về chiến tranh.

Còn hỏi khó nhất là điều gì, thì ngoài những kịch bản hay, những nhân chứng, những chi tiết sát lịch sử thì quan trọng vẫn phải là thời gian và tiền. Việc có kỹ xảo máy quay giúp chúng ta rất nhiều để làm ra một sản phẩm thuyết phục công chúng. Giờ khán giả rất khó tính, chúng ta muốn họ về với mình thì không thể mang cho họ những sản phẩm… “giời ơi” được. Mà như thế thì ngoài đầu tư về tiền bạc lại phải đòi hỏi sự chỉn chu, công phu chỉnh sửa. Vậy nên, làm phim về chiến tranh không thể vội, một chi tiết ẩu có thể giết chết cả bộ phim.

Thêm nữa, là sản phẩm của tôi thì chắc chắn phim về chiến tranh là phải đưa ra được những tình huống quyết định, có tính nhân văn cao nhất. Bởi chiến tranh là lằn ranh giữa sự sống và cái chết, khi phải đưa ra tình huống quyết định là những tình huống thể hiện tính người nhất. Tôi luôn đặt mình vào những tình huống đó để xử lý, để đưa ra những chi tiết thật và nhân văn nhất. Và  điều này chính là điều hấp dẫn tôi nhất khi làm phim về đề tài chiến tranh.

Cảnh kéo pháo trong "Đường lên Điện Biên"

- Phải nhìn nhận một thực tế là phim chiến tranh khó kéo được khán giả. Công bằng mà nói thì những gì mà “Những người viết huyền thoại” đã làm được cũng không đáng kể là bao so với số lượng khổng lồ khán giả đang chạy theo dòng phim giải trí. Anh có tham vọng gì về điều này không?

- Chính vì tham vọng nên tôi mới chủ trương để phim của tôi được lãng mạn hóa, chiến tranh không cần phải lên gân mà chiến tranh vẫn có thể hài hước. Còn hiện tại, phim về đề tài chiến tranh cũng như phim dành cho trí thức bây giờ quá ít người làm. Hiện tại, mới chỉ có Victor Vũ làm phim cho trí thức thôi, mà giới trí thức thì quá nhiều, một mình Vũ làm sao xuể. Chúng ta phải có lực lượng làm phim hùng hậu, số phim ra rạp cũng hùng hậu nốt thì mới mong đưa khán giả đến với xu hướng phim đó. Chỉ đến khi nào phim về đề tài chiến tranh của Việt Nam một năm có khoảng một đến hai chục phim thì hãy mong một điều gì đó rộng mở, chứ bây giờ đến rạp toàn thanh niên “xì tin” thôi.

- Anh có thấy cô đơn trên con đường mình đã chọn là làm phim về đề tài chiến tranh không?

- Nói là cô đơn, nhưng tôi cũng chẳng cô đơn. Tôi có cả một ê kíp có chung niềm đam mê đề tài này và luôn sát cánh bên cạnh tôi. Tôi cũng có ý tưởng rằng sẽ tập hợp những người cùng chung niềm đam mê với mình để tập trung làm về đề tài chiến tranh. Đề tài chiến tranh của đất nước mình thì đến cả trăm năm nữa cũng chẳng thể kể hết. Ngay như cuộc chiến thần thánh của dân tộc trong 56 ngày đêm, đến giờ đã 60 năm trôi qua, nhưng khí thế đó vẫn chỉ như mới ngày hôm qua thôi. Lịch sử sao có thể quên. Theo thời gian, từ thế hệ này đến thế hệ khác phải có trách nhiệm lưu giữ và truyền lửa.

Vâng, xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Huyền Anh (Thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.