Bảo vệ tác quyền:“Chính tác giả còn chưa nắm rõ quyền lợi của mình”

21:59 | 18/09/2013

1,357 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trước thực trạng ngay bản thân tác giả cũng chưa nắm bắt được quyền lợi của mình thì việc đầu tiên là cần trang bị thông tin để họ tự bảo vệ mình” Bà Đoàn Thị Lam Luyến- Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam khẳng định.

Cũng như ở hầu hết các nước đang phát triển khác, lĩnh vực quyền tác giả của Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nạn xâm phạm quyền. Mặc dù văn bản pháp luật sở hữu trí tuệ, bao gồm nội dung về quyền tác giả và quyền liên quan, đã được ban hành tương đối đầy đủ. Thế nhưng những vấn đề bất cập trong quản lý và bảo vệ quyền tác giả vẫn còn khá nhiều nan giải.

Đề cập đến vấn đề này, cuộc hội thảo "Quyền sao chép tác phẩm và giải pháp quản lý tập thể" diễn ra sáng 18/9 tại Hà Nội do Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam phối hợp với Viện thông tin khoa học Xã hội tổ chức, đã nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn và các tác giả.

 

Nhà thơ Đoàn Lam Luyến cho rằng chính bản thân các tác giả cũng chưa nắm rõ được quyền lợi của mình

Chỉ ra nhiều vấn đề liên quan, từ hành lang pháp lý, nhận thức của người có quyền và nhận thức của người sử dụng, hệ thống thực thi và đơn vị phục vụ đắc lực cho hệ thống thực thi là hệ thống quản lý tập thể... đều chưa tìm được lối đi hài hòa và chưa có sự quan tâm thích đáng. Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam băn khoăn: Việt Nam đang đối mặt với nạn xâm phạm quyền tác giả tràn lan mà trong đó, hành vi xâm phạm phổ biến nhất là sao chép tác phẩm bằng công nghệ số (sao chép số) và sử dụng trái phép tác phẩm trên mạng.

Cung cấp số liệu tham khảo số liệu thống kê của liên minh quốc tế về sở hữu trí tuệ, con số vi phạm tác phẩm ngôn ngữ (sách, báo) và băng đĩa của nước ta chiếm tới 85-90%, được xếp vào một trong những nước có mức vi phạm cao nhất thế giới. Theo con số mà bà Luyến đưa ra thì cũng không có nhiều bất ngờ. Bởi tiền lệ đã quá nhiều những vấn nạn vi phạm tác quyền .

Cùng chung quan điểm này, Viện phó Viện Ngôn ngữ học ông Mai Xuân Huy nhận định vấn nạn sao chép tác phẩm càng ngày càng nhiều và trở nên tinh vi. Ông Huy đã lấy ngay ví dụ ở viện ngôn ngữ học mà ông công tác cũng có quá nhiều những trường hợp vi phạm trắng trợn mà ông không tiện nêu tên. Và ông Huy cho rằng, thực trạng như vậy thì thật khó để xử lý trong khi các chế tài của ta vẫn còn lỏng lẻo. 

Trong khi tất cả những yếu tố tối ưu được đưa ra còn nhiều bất cập thì thực trạng Nhà thơ Lam Luyến đưa ra tại cuộc hội thảo cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm đó là: Số đông những người nắm giữ quyền chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi của mình.

Điều này hẳn đúng, bởi tâm lý chung của chính các những người sáng tạo nghệ thuật đang gặp phải là thờ ơ hoặc chịu đựng nạn xâm phạm. Hoặc nhiên, chưa có nhiều điều kiện để tiếp cận cũng như phát hiện trong trường hợp bị xâm phạm. Mặt khác các tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chưa có ý thức liên kết với nhau để bảo vệ lợi ích cho mình.

Đĩa hài được làm nhái của hai nghệ sĩ hài Xuân Bắc - Tự Long là một trong những trường hợp bị phát giác

Nên theo bà Lam Luyến thì: Trước tiên, việc cần làm là trang bị quyền tác giả để họ tự bảo vệ quyền lợi của mình. Những người không bảo vệ được hình thức cá nhân thì sẽ trao cho tổ chức quản lý.

Thực tế thì những yếu tố này đã nhiều lần được đề cập nhưng hoạt động vẫn manh mún và mang tính cục bộ nên chưa đạt được hiệu quả.

Đã có những ý kiến cho rằng cần mạnh tay hơn nữa trong việc xử phạt hành chính để dẹp yên những vấn nạn này. Trả lời một tờ báo mạng Tô Văn Long - nguyên trưởng phòng bản quyền Cục bản quyền tác giả cho hay: “Hiện Cục bản quyền đã trình lên Chính phủ nghị định xử phạt hành chính về quyền tác phẩm. Theo đó, đối với đơn vị vi phạm có thể bị xử phạt lên tới 500 triệu đồng và 250 triệu đồng đối với cá nhân. Đối với những vi phạm nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý bằng hình thức dân sự. Mức phạt cao nhất có thể lên tới hàng tỉ đồng và 3 năm tù giam". Không biết khung xử phạt này có hiệu lực đến đâu, bởi trước đó cũng có những chế tài xử phạt hành chính nặng tay đối với các đối tượng nhưng thực tế thì chưa đủ sức răn đe.

Tham vọng đảm bảo hài hòa lợi ích giữa quyền tác giả về cả mặt nhân thân lẫn quyền kinh tế với quyền người sử dụng được tiếp cận tác phẩm một cách hợp lý xem ra vẫn còn nhiều khó khăn. Biện pháp đưa ra là thông qua tổ chức quản lý để bảo vệ tác quyền. Tuy nhiên, dù trong trường hợp nào thì thiết nghĩ chính các tác giả phải là người đầu tiên có trách nhiệm với những đứa con tinh thần của mình.

Huy An