LDA xử lý xong sự cố hồ thải nhà máy tuyển quặng bauxit

07:47 | 16/10/2014

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chỉ 45 phút sau khi phát hiện mặt đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 nhà máy tuyển quặng bauxite có hiện tượng sạt lở, sự cố đã được tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng (LDA) khống chế thành công…

Năng lượng Mới số 365

Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài

Báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho thấy, vào lúc 3h15 ngày 8-10-2014, trong lúc đi kiểm tra, công nhân nhà máy tuyển quặng đã phát hiện trên mặt đê phụ (cao 1,5m) của hồ thải quặng đuôi số 5 có hiện tượng sạt lở, do mưa lớn trong mấy ngày qua. Đến 3h30 phút, mặt đê phụ bắt đầu bị sạt lở, với chiều dài khoảng 5m, chiều cao khoảng 1m. Công nhân đã báo cáo ngay lãnh đạo công ty.

Trao đổi với Năng lượng Mới, Tổng giám đốc LDA Vũ Minh Thành thông tin ban đầu, do mưa lớn kéo dài nhiều ngày, lượng nước mưa trong hồ không thoát kịp nên khiến một lượng lớn bùn tràn qua mặt đập. Ông Thành cũng lưu ý, đoạn đê phụ bị vỡ sau đó là ở hồ rửa quặng bauxit của nhà máy tuyển quặng thuộc Dự án Tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng).

Đoạn đê cao khoảng 1m, rộng chừng 5m, bị vỡ khiến nước và bùn chảy hết xuống hồ Cai Bảng (có dung tích khoảng 20 triệu m3 nước, sử dụng chính để sản xuất công nghiệp của Dự án Tổ hợp Bauxit nhôm Lâm Đồng và phục vụ nông nghiệp). Nhận được thông báo, lãnh đạo công ty và các cán bộ điều hành sản xuất đã có mặt ngay tại hiện trường và điều động thiết bị, nhân lực để xử lý sự cố, đến 4h15, tức là chỉ 45 phút sau khi nhận được thông tin, LDA đã gia cố xong đoạn đê phụ bị sạt lở.

LDA xử lý xong sự cố hồ thải nhà máy tuyển quặng bauxit

Hồ chứa bùn đỏ số 1 của LDA vẫn được vận hành an toàn

Do được xử lý kịp thời nên lượng nước chảy từ hồ thải đuôi quặng qua đoạn đê phụ bị sạt lở ra ngoài chỉ khoảng 9.000m3, phần lớn là nước trong ở phía trên mặt hồ, có kéo theo một lượng nhỏ bùn đất. Lượng nước này chảy xuống mặt đường nội bộ dẫn vào nhà máy tuyển của tổ hợp và chảy một phần xuống hồ Cai Bảng. Hồ Cai Bảng do TKV xây dựng và quản lý (nằm trong tổ hợp), chủ yếu để cấp nước cho nhà máy tuyển và nhà máy alumin của tổ hợp.

Hồ thải đuôi quặng số 5 nằm trong khu khai thác mỏ của tổ hợp, cách nhà máy alumin khoảng 4km, nằm xa khu dân cư. Không sử dụng hóa chất khi tuyển quặng nên bùn và nước trong hồ thải đuôi quặng không bị nhiễm hóa chất, không độc hại, độ pH trung tính (pH ≈7).

Cần phân biệt hồ bùn đỏ và hồ thải

Trong bản thuyết minh của Công ty Nhôm Lâm Đồng, bộ phận sản xuất trực tiếp đã giúp dư luận phân biệt rõ hai hạng mục khác nhau, nhưng cùng liên quan đến sự vụ vừa qua. Đó là hồ thải quặng đuôi (hồ số 5 - khu vực nhà máy tuyển) và hồ chứa bùn đỏ. Cụ thể, hồ thải quặng đuôi (hồ số 5) có dung tích khoảng 2,0 triệu m3.

Theo thiết kế, quặng khai thác từ khai trường có hàm lượng Al2O3 = 36~40%, gọi là quặng thô. Quặng thô chưa đảm bảo chất lượng để sản xuất alumin nên phải tiến hành tuyển quặng, tức là làm giàu quặng bằng cách rửa bùn, đất bám dính theo quặng và nghiền nhỏ để đạt kích thước hạt theo yêu cầu. Quặng sau rửa là quặng tinh có hàm lượng Al2O3 = 45~50% được vận chuyển bằng băng tải sang nhà máy alumin để tiến hành sản xuất alumin.

Quá trình tuyển quặng cũng chỉ sử dụng nước để rửa bùn, đất nên dung dịch bùn thải ra hồ số 5 chỉ gồm bùn và nước, không chứa hóa chất gây ô nhiễm môi trường. Bản thân thành phần bùn thải (bùn thải còn gọi là quặng đuôi thải vì nó có thành phần giống quặng bauxite khai thác nhưng có hàm lượng Al2O3 thấp.

Với hồ bùn đỏ trong khu vực nhà máy alumin, mỗi khoang chứa hồ bùn đỏ có dung tích chứa khoảng 800.000 m3, đã thi công xong 2 khoang và đang sử dụng. Quá trình sản xuất alumin từ quặng bauxite tinh sinh ra bùn đỏ thải. Bùn đỏ thải này có thành phần tương tự quặng bauxite tinh nhưng có hàm lượng Al2O3 thấp hơn và hàm lượng Fe2O3 cao hơn. Bên cạnh đó, quá trình tách Al2O3 từ quặng có sử dụng xút và một phần xút này bám dính theo bùn đỏ thải nên bùn đỏ thải có pH > 9. Bùn đỏ thải có chứa xút  (pH>9) nên thiết kế hồ thải bùn đỏ phải có lớp lót chống xút, chống thấm nước nhằm bảo đảm cho dung dịch bùn đỏ thải không thấm vào lòng đất, gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, ngay sau khi sự cố tràn bùn đất đỏ tại mỏ bauxite nhôm Lâm Đồng xảy ra, chúng tôi đã cử đoàn kiểm tra đến để xác minh lại sự cố đó. Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi đối với địa phương có sự cố là phải khắc phục toàn bộ những rủi ro để đảm bảo ổn định đời sống của người dân địa phương xung quanh, đảm bảo cơ sở hạ tầng hoạt động bình thường.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương và đại diện LDA, nguyên nhân sự cố được cho là do mưa lớn trong nhiều ngày, lượng nước trong hồ thải quặng số 5 không thoát kịp. Theo tôi được biết, lượng bùn bị tràn ra ngoài và đổ xuống cuối hồ Cai Bảng ước khoảng 9.000m3, không gây thiệt hại về người và thiết bị. Sở đã có đánh giá nhanh về tác động môi trường, mẫu nước tại hồ thải quặng bị vỡ với độ pH trung tính (6-7), không có hóa chất, không độc hại, không gây ảnh hưởng sinh thái trong lòng hồ và không gây thiệt hại đến vườn tược, hoa màu của người dân.

“Hiện TKV cũng đang nỗ lực cùng địa phương khắc phục sự cố. Như vậy có thể nói, nguyên nhân đã được xác định là do mưa rất lớn nên mới xảy ra sự cố. Bởi vậy, chúng tôi chưa có cơ sở để kết luận về vấn đề công suất hay thiết kế như các bạn nói”, ông Thuấn nêu quan điểm. “Thực tế cho thấy, trên thế giới cũng đã xảy ra rất nhiều sự việc như trên. Chẳng hạn những nước khoa học công nghệ cao như Mỹ và châu Âu, họ vẫn xảy ra sự cố như vậy do thiên nhiên. Do vậy, chúng ta không thể căn cứ vào đó để quy kết rằng chính quyền địa phương hay Bộ có sự buông lỏng”.

Lê Tùng

 

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps