Vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200 thuộc Hãng Hàng không Malaysia Airlines:

Xung quanh những cảnh báo của Interpol

06:00 | 13/03/2014

1,609 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dư luận và giới chuyên môn đang quan tâm tới thông tin trên tờ Tin tức Phúc Kiến khi cho biết, một hành khách Trung Quốc đi trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines có cùng số hộ chiếu với một người đàn ông đang sống ở Phúc Kiến và chưa hề đi du lịch đến Malaysia.

Năng lượng Mới số 303

Danh sách hành khách đi trên chuyến bay MH370 do Malaysia Airlines công bố có tên Zhao Qiwei (Triệu Kỳ Vĩ), hộ chiếu số G25634718 do Sở Quản lý xuất nhập cảnh Phúc Kiến, Trung Quốc cấp. Tuy nhiên, tên và số hộ chiếu của người này không khớp khi đối chiếu với cơ quan xuất nhập cảnh và Công an tỉnh Phúc Kiến. Càng kỳ lạ hơn, số hộ chiếu của hành khách họ Triệu lại trùng với số hộ chiếu của người đàn ông họ Du, 37 tuổi, hiện đang sống ở huyện Phúc Thanh, tỉnh Phúc Kiến. Ông Du cho biết, từ khi được Công an tỉnh Phúc Kiến cấp hộ chiếu ngày 16-11-2007 đến nay chưa hề rời khỏi Phúc Thanh và hộ chiếu của ông chưa hề được sử dụng hay bị mất và cũng không hề có dấu thị thực của bất cứ quốc gia nào. Ngoài hành khách họ Triệu, một hành khách Trung Quốc khác cũng bị nghi dùng hộ chiếu giả do số hộ chiếu của người này cũng không khớp với tên khi đối chiếu ở Cơ quan Công an tỉnh Phúc Kiến. Tân Hoa xã cũng đưa tin về vấn đề này.

Phi công phụ Fariq Abdul Hamid (trái) và cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah lái chiếc máy bay bị mất tích

Chính phủ Trung Quốc đã quyết định cử một tổ công tác liên ngành gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Giao thông, Cục Hàng không tới Malaysia sáng 10-3 để phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc ở nước này trong công tác tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 bị mất tích. Còn khi trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Lý Kỷ Hằng, Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho biết, hiện chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy, việc chiếc Boeing 777-200 mất tích không có liên quan tới vụ khủng bố ở nhà ga Côn Minh tối 1/3. Việc này diễn ra sau khi trên trang mạng boxun.com xuất hiện bài viết liên quan tới chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines bị mất tích.

Trong đó một tổ chức tự xưng với tên gọi “Lãnh đạo lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc” tuyên bố đứng sau vụ máy bay của Malaysia Airlines mất tích. Và việc này nhằm “trả thù chính quyền Malaysia từng bức hại tàn khốc họ, cũng như đáp trả sự trấn áp và bức hại người Duy Ngô Nhĩ của chính quyền Trung Quốc”. “Lãnh đạo lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc” cho rằng, Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Malaysia phải chịu trách nhiệm đối với sự mất tích của chuyến bay MH370; đồng thời yêu cầu Trung Quốc phải lập tức thả những người Duy Ngô Nhĩ đang bị bắt trong vụ khủng bố tối 1-3 ở nhà ga Côn Minh. Đây là thông tin từ trang mạng boxun.com, chưa được kiểm chứng. Trong khi đó, một người dùng trên mạng Sina Weibo ở Trung Quốc đã bày tỏ lo lắng sau khi biết tin về vụ mất tích của chiếc Boeing 777-200: “Điều gì đang xảy ra với Trung Quốc trong năm 2014. Hết vụ khủng bố ở Côn Minh lại tới máy bay mất tích”.

Trong khi đó, Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho biết, dù còn quá sớm để phỏng đoán về bất kỳ mối liên hệ nào giữa những hộ chiếu bị đánh cắp với chiếc máy bay bị mất tích, nhưng điều lo ngại rõ ràng là bất kỳ hành khách nào cũng có thể lên một chuyến bay quốc tế với hộ chiếu bị mất cắp mà thực tế đã nằm trong hồ sơ của Interpol. Interpol cho biết, ít nhất 2 hộ chiếu được xác định là thất lạc hoặc bị mất cắp, trong cơ sở dữ liệu của họ đã được hành khách trên chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines sử dụng. Interpol còn cho biết, đang điều tra thêm một số hộ chiếu đáng ngờ khác. Interpol cho rằng, không có quốc gia nào kiểm tra dữ liệu của họ về hộ chiếu Áo và Italia bị đánh cắp với thời điểm chuyến bay MH370 cất cánh.

Binh sĩ Philippines tham gia công tác cứu hộ máy bay Malaysia mất tích

Ngày 9/3, cảnh sát Thái Lan cho biết đang điều tra một đường dây hộ chiếu sau những thông tin nói về 2 hộ chiếu được sử dụng trên chuyến bay MH370 bị đánh cắp tại Thái Lan. Cũng trong ngày 9/3, cố vấn cấp cao của Nhà Trắng, ông Tony Blinken cho biết, Washington đang xem xét các thông tin về 2 hành khách đã sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp, nhưng các điều tra viên chưa đưa ra kết luận gì. Được biết, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã cử nhân viên và chuyên gia kỹ thuật tới hỗ trợ điều tra vụ mất tích máy bay của Hãng Hàng không quốc gia Malaysia (MAS). Trong khi đó, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) cũng đã cử một nhóm chuyên gia tới châu Á để hỗ trợ cuộc điều tra. Bộ trưởng Giao thông vận tải Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết, nước này đang điều tra mối liên hệ khủng bố trong vụ mất tích của chuyến bay MH370 và các điều tra viên đang tìm hiểu danh tính của 2 hành khách mang hộ chiếu giả trên chuyến bay này, nhưng chưa xác định liệu máy bay có bị tấn công hay không.

Malaysia cũng có hành động tương tự nhằm nâng cao độ an toàn cho các chuyến bay sau này. Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã yêu cầu rà soát lại hệ thống an ninh của nước này sau khi có tin nói 2 hành khách lên chiếc máy bay đang mất tích bằng hộ chiếu ăn cắp. Theo tờ New York Times, căn cứ vào các dữ liệu tình báo sơ bộ của Lầu Năm Góc cho thấy, chiếc máy bay bị mất tích của Malaysia Airlines không hề bị nổ ở Biển Đông. Trong khi đó, MAS cho biết, sẽ lập một trung tâm chỉ huy ở Kota Baru của Malaysia hoặc thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam ngay sau khi xác định được vị trí của chiếc máy bay bị mất tích.

Ông Du đang trưng hộ chiếu cho phóng viên

Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết, đã liên lạc với các Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Philippines và Mỹ để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nước này. Malaysia cũng hoan nghênh và đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác sự trợ giúp tương tự từ các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế trong hoạt động tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của MAS. Đồng thời cho biết, Malaysia đã thiết lập Trung tâm điều phối quốc gia tại Trung tâm kiểm soát thảm họa ở thành phố Cyberjaya, bang Selangor để theo dõi tình hình.

Tân Hoa xã dẫn lời người phát ngôn của Hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết, một chuyến bay chở thân nhân những hành khách trên chuyến bay MH370 sẽ cất cánh từ Bắc Kinh đi Kuala Lumpur vào sáng 10/3. Tại cuộc họp báo, ông Hugh Dunleavy, Giám đốc thương mại của Malaysia Airlines cho biết, kế hoạch này được xây dựng dựa trên sự tôn trọng đối với người thân của hành khách trên chuyến bay MH370 và chuyến bay đầu tiên sẽ cất cánh sau khi mọi thủ tục được hoàn tất. Giám đốc điều hành của Malaysia Airlines là Ahmad Jauhari Yahya cho biết, hãng này đã cử một nhóm đặc biệt gồm 93 thành viên đến Trung Quốc để giúp các gia đình kể trên xử lý thủ tục hộ chiếu và thị thực. Ông Ahmad Jauhari Yahya nói thêm, hỗ trợ tài chính ban đầu đã được gửi đến những người thân của các hành khách trên chuyến bay MH370 ở Bắc Kinh hoặc ở các quốc gia khác đều được tạo điều kiện thuận lợi nhất để có thể đến Kuala Lumpur.

Malaysia cử đội hỗ trợ tới Bắc Kinh giúp đỡ thân nhân các hành khách trên chuyến bay MH370

Được biết, gia đình của những hành khách trên chuyến bay MH370 tập trung ở khách sạn Lệ Đô, Bắc Kinh đã cùng ký Giấy đề nghị (sáng 9/3) MAS phải thông báo chính thức về tung tích của chiếc Boeing 777-200 trong vòng 3 giờ nữa. Nhưng đến chiều 9/3, Malaysia Airlines vẫn không thể đưa ra thêm thông tin nào về chiếc máy bay cũng như kết quả tìm kiếm, cứu nạn. Ông Dunleavy khuyên những người này không nên rời Bắc Kinh, nên ở lại ít nhất đến hết ngày 10/3 để chờ thêm thông tin.

Theo giới truyền thông, cơ trưởng trên chuyến bay MH370 là ông Zaharie Shah, 53 tuổi, là người Penang và là cựu sinh viên của trường Penang. Ông Zaharie Shah gia nhập MAS từ năm 1981 và đã trải qua 18.365 giờ bay. Còn cơ phó Fariq Abdul Hamid tuy mới 27 tuổi, nhưng đã có kinh nghiệm 2.763 giờ bay.

Tuấn Quỳnh