Vì sao Ukraine giải tán lực lượng đặc nhiệm Berkut?

07:00 | 28/02/2014

3,878 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Berkut” hay còn gọi là “Mắt đại bàng” - một trong những biểu tượng sức mạnh của lực lượng cảnh sát Ukraine, có công nhiều trong việc giải quyết tình trạng bạo lực ở Kiev đã bị quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov ra lệnh giải tán ngày 25/2. Việc xóa sổ Berkut được coi là một trong những động thái của chính phủ lâm thời nhằm “cô lập” và “chặt đứt” nguồn lực ủng hộ đối với Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych.

Từ cáo buộc vô căn cứ

Ngày 25/2 quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov đã đích thân ra lệnh giải tán đội đặc nhiệm Berkut với cáo buộc rằng lực lượng này đã vi phạm pháp luật và tiến hành đàn áp mạnh tay với người biểu tình ở Thủ đô Kiev hồi cuối tuần trước khiến gần 100 người thiệt mạng. Trong sắc lệnh số 144, ông Arsen Avakov còn nhấn mạnh, việc giải tán Berkut sẽ được thực hiện ngay lập tức và đồng thời tại tất cả các đơn vị của lực lượng này trên khắp các tỉnh thành.

Ngay sau đó, lợi dụng sắc lệnh mới ban hành này, những người cực đoan Ukraine ở thành phố Lviv đã dùng vũ lực vây bắt các thành viên của lực lượng đặc nhiệm Berkut và bắt họ quỳ gối tại đài tưởng niệm Taras Shevchenko, buộc họ phải hứng chịu hàng loạt sự tra tấn dã man như bị ném đá, bị đánh đập… Chưa hết, một số kẻ quá khích còn cầm đầu trò buộc các thành viên của Berkut xin lỗi người dân và hứa không bảo vệ Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukoyvch.

Lực lượng đặc nhiệm Berkut, đơn vị có nhiệm vụ trấn áp những cuộc biểu tình bạo động ở Ukraine đã bị chính phủ lâm thời nước này giải tán ngày 25/2.

Những người chống đối lại yêu cầu này đều bị chúng đánh trọng thương, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Còn tại Lutsk, nhóm người cực đoan lại có “trò vui” mới là lôi lính đặc nhiệm Berkut ra sân khấu được thiết lập ở quảng trường, rồi mở một phiên tòa, bắt họ trả lời các câu hỏi hay đưa ra những tuyên bố nói xấu chính quyền Kiev cũ…

Ở một số nơi khác như thành phố Simferopol, do lo sợ tình huống xấu có thể xảy ra, nhiều người dân ủng hộ chính phủ của Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukoyvch đã lập các lá chắn sống quanh các đơn vị Berkut để ngăn việc giải tán đội đặc nhiệm này. Một nhà phân tích chính trị thuộc hãng BBC nhận định, sự hỗn loạn sẽ còn lan rộng ở Ukraine nếu như chính phủ lâm thời nước này tiếp tục đưa ra các quyết định mang tính chất thù hằn với lực lượng ủng hộ chính phủ cũ và đây sẽ là điểm đen khiến quốc gia Đông Âu này khó có thể thoát khỏi vũng lầy của khủng hoảng.

Đến ý đồ chính trị

Tin từ hãng AFP cho hay, thành viên của Berkut đều là những người có tư tưởng thân Nga và chống phương Tây. Họ cũng thường xuyên bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych. Hơn thế nữa, khi chính biến xảy ra, lo ngại Berkut sẽ dùng sức mạnh lật ngược thế cờ, lực lượng đối lập ở Ukraine đã cho người bao vây các đơn vị của Berkut và sử dụng lính bắn tỉa để cầm chân lực lượng này.

Dẫu vậy, vẫn có một nhóm thành viên của Berkut đã kịp thời trốn thoát và chính họ là lực lượng đã giúp ông Viktor Yanukovych đào tẩu khỏi Thủ đô Kiev. Một số nguồn tin từ tình báo Mỹ còn cáo buộc Berkut đã tạo điều kiện cho một nhóm đặc nhiệm Nga trà trộn vào đơn vị để tham gia công tác bảo vệ cho Tổng thống Viktor Yanukovych. Tuy nhiên, đến nay, cáo buộc nói trên của Washington đã bị Moskva bác bỏ. Một thủ lĩnh cấp cao của lực lượng đối lập khi được hỏi về việc giải tán Berkut cũng thừa nhận rằng, chính phủ lâm thời Ukraine rất lo ngại sự trở lại của các thành viên Berkut.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, Berkut có ít nhất 5.000 thành viên nằm rải rác ở tất cả các tỉnh, thành ở Ukraine. Những đơn vị địa phương của Berkut đều nằm dưới sự quản lý của Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh. Hiện nay, khi lực lượng đối lập ở chiếm đóng và hoàn toàn kiểm soát Thủ đô Kiev, những thế lực thân Nga đã dồn về phía Đông Ukraine. Lực lượng Berkut cũng được cho là đang tập hợp nhân lực ở đây.

Tin từ tờ Izvestia của Nga cho biết, Berkut là hệ thống lực lượng đặc nhiệm Ukraine trực thuộc Bộ Nội vụ. Tiền thân của đơn vị này là các đội cảnh sát đặc nhiệm (OMON) được thành lập tại Kiev, Dnepropetrovsk, Donetsk, Lviv và Odessa ngày 28/12/1988, tức là trước khi Liên Xô (cũ) tan rã. Đến tháng 1 năm 1992, Ukraine đã quyết định thành lập biệt đội phản ứng nhanh Berkut với mục đích là đối phó với tình hình tội phạm trong nước gia tăng...

Trong khoảng 5 năm gần đây, Berkut có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội ở những nơi có tình hình xã hội phức tạp, khi có biểu tình, xuất hiện tình trạng khẩn cấp, ngăn chặn những biểu hiện bạo lực và gây bất ổn, bắt giữ tội phạm có vũ trang nguy hiểm và giải phóng con tin... Vì là đơn vị với tính chất, đặc thù công việc riêng nên việc tuyển lựa thành viên Berkut cũng được thực hiện khá nghiêm ngặt. Mỗi năm, ban lãnh đạo Berkut đều mở cuộc tuyển chọn khá kỹ lưỡng và chỉ chọn vài chục người trong số hàng chục ngàn thí sinh tham gia. Lương của các thành viên Berkut bao giờ cũng cao gấp 2 lần so với lực lượng cảnh sát hoặc quân đội. Các thành viên của Berkut thường hoạt động ở những khu vực trung tâm tỉnh, thành phố, được trang bị một số xe kỹ thuật bọc thép (1-2 xe bọc thép chở quân BTR-6 hoặc BTR-80); các loại súng tiểu liên AKM, súng lục PM, súng lục PBS, Fort-12 và súng bắn tỉa SVD, trung liên RPK-74, lựa đạn hơi cay…

Cảnh báo tư tưởng cực đoan tràn ngập Ukraine

Ngày 26/2, 3 quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) gồm Bulgaria, Hungary và Romania đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Quốc hội Ukraine về việc hủy bỏ luật ngôn ngữ ở nước này. Chính quyền Moskva cũng có động thái tương tự. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo, các quốc gia khác không nên tìm kiếm lợi ích cá nhân ở Ukraine và rằng Nga cũng sẽ không can thiệp vào tình hình ở Kiev. Còn những quốc gia khác ở châu Âu thì bày tỏ sự lo ngại rằng, bạo lực vẫn đang gia tăng ở Ukraine và những kẻ quá khích đang khiến tư tưởng cực đoan tràn ngập trên các đường phố. Cụ thể là có nhiều nhóm cực đoan đã phá hủy nhiều công trình văn hóa, tượng đài chiến sĩ, các biểu tượng đoàn kết dân tộc ở thủ đô và một số thành phố lớn.

Việc Quốc hội Ukraine hôm 25/2 thông qua nghị quyết yêu cầu đưa Tổng thống bị truất phế Viktor Yanukovych ra xét xử tại Tòa án hình sự quốc tế (ICC) với các tội danh chống lại loài người cũng được cho là có khả năng sẽ gây phức tạp thêm tình hình ở quốc gia Đông Âu này. Hiện cả ông Viktor Yanukovych lẫn cựu Bộ trưởng Nội vụ Vitaly Zakharchenko và cựu Trưởng công tố Viktor Pshonka đều đang bị chính quyền lâm thời Ukraine truy nã.

 

Theo CAND online

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc