Tranh cãi Nhật - Trung - Hàn sắp kết thúc?

19:00 | 30/10/2014

1,832 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuộc tranh cãi bất tận giữa Trung Quốc, Hàn Quốc với Nhật Bản về những chuyến thăm Đền thờ Yasukuni của chính khách Nhật Bản sắp tới hồi kết. Tên của những người bị kết án tội phạm chiến tranh đang được thờ trong đền này có thể được xóa bỏ.

Hiệp hội Gia đình tử sĩ Nhật Bản vừa thông qua kiến nghị yêu cầu Ban quản Trị đền thờ Yasukuni xóa bỏ tên 14 người bị kết án tội phạm chiến tranh đang được thờ trong đền vì những hành động họ đã làm thời Thế chiến thứ 2.

Trong kiến nghị được thông qua sau cuộc họp hàng năm diễn ra ở Tokyo hôm 27/10 vừa qua, Hiệp hội Gia đình tử sĩ Nhật Bản viết rằng chuyện bỏ tên 14 người này là điều cần phải làm để Nhật Hoàng, Hoàng Hậu và các quan chức chính phủ có thể viếng đền mà không ngại bị chỉ trích hoặc gây trở ngại ngoại giao.

Đền Yasukuni là nơi thờ phụng những vị anh hùng dân tộc Nhật Bản. Quyển Sách linh hồn trong Yasukuni đã liệt kê 2.466.532 lính và thường dân Nhật cũng như một số nước khác chết trong chiến tranh. Không chỉ binh tướng tử vong cho tinh thần ái quốc, 14 tội phạm chiến tranh loại A cũng được thờ trong Yasukuni. Ngôi đền Thần đạo này được xây theo lệnh Minh Trị Thiên hoàng vào tháng 6/1869 để tưởng niệm những người đã ngã gục trong cuộc chiến Boshin.

Tranh cãi Nhật-Trung-Hàn sắp kết thúc?

Những anh hùng dân tộc Nhật Bản được thờ phụng bên trong Đền Yasukuni ở Tokyo

Thoạt đầu được đặt tên Tokyo Shokonsha, ngôi đền sau đó được đổi thành Yasukuni Jinja năm 1879. Từ đó, Yasukuni trở thành nơi tổ chức nghi lễ cũng như thờ cúng vong hồn những người đã hy sinh cho nước Nhật. Không chỉ người Nhật, hiện trong Yasukuni cũng có thờ nhiều người nước ngoài, cụ thể 27.863 người Đài Loan và 21.181 người Triều Tiên.

Theo luật, Yasukuni chỉ được phép thờ quân nhân tướng lĩnh từng bỏ mạng vì quốc gia nhưng cũng có ngoại lệ dành cho thường dân nhưng các đối tượng này phải là những người từng phục vụ quân đội, tử vong khi đang làm nhiệm vụ hoặc bị giết trong trại tù kẻ thù. Sinh viên tình nguyện phục vụ thời chiến hoặc y tá thuộc Hội chữ thập đỏ thời chiến bị chết ngoài mặt trận cũng thuộc nhóm đối tượng đặc biệt này.

Cần biết thêm, dù danh sách tướng sĩ trận vong luôn được bổ sung trong suốt giai đoạn Thế chiến thứ hai vào mỗi năm nhưng không ai bị giết vào thời binh đao sau khi Nhật ký Hiệp ước San Francisco (chính thức kết thúc hạ màn Thế chiến thứ hai) năm 1951 là được đưa tên vào đền.

Khoảng 1.000 tù binh chiến tranh bị hành quyết bởi tội ác chiến tranh thời Thế chiến thứ 2 được thờ cúng tại Yasukuni. Điều này không mang tính nhạy cảm chính trị và gây sốc cho các láng giềng châu Á bởi Yasukuni là nơi dành riêng cho nạn nhân hy sinh vì chiến tranh. Tuy nhiên, ngày 17/10/1978, 14 tội phạm chiến tranh loại A – theo phán xét và kết luận của Tòa án quân sự quốc tế Viễn Đông – được bí mật đưa vào Yasukuni và được phong là “những người ái quốc tử vì nước”.

Trong 14 nhân vật trên, có Thủ tướng Hideki Tojo (1941-1945), người quyết định tấn công Trân Châu Cảng. Năm 1945, sau khi quân đội Thiên Hoàng chấp nhận đầu hàng vô điều kiện, ông Tojo bị tòa quân sự quốc tế tuyên án tử hình và bị treo cổ.

Cụ thể, 14 gương mặt tội phạm chiến tranh đã bị xử như sau: Bằng hình thức treo cổ (gồm Hideki Tojo, Itagaki Seishiro, Heitaro Kimura, Kenji Doihara, Iwane Matsui, Akira Muto, Koki Hirota); Bằng hình phạt tù chung thân (Yoshijiro Umezu, Kuniaki Koiso, Kiichiro Hiranuma, Toshio Shiratori); Bằng hình phạt 20 năm tù (Shigenori Togo). Những người còn lại đã chết trước khi có án quyết quốc tế (bởi bệnh hoặc tuổi cao), gồm Osami Nagano và Yosuke Matsuoka. Khi vụ 14 tội phạm chiến tranh bị tiết lộ ngày 19/4/1979, phản ứng kinh khủng tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… đã lập tức bùng nổ. Và cũng chính căn nguyên này đã dẫn đến sự oán giận gay gắt từ các láng giềng châu Á mỗi khi viên chức Quốc hội hoặc thủ tướng Nhật đến viếng Yasukuni như thấy hiện nay. Theo quan điểm của Seoul và Bắc Kinh, những người này đã gây nhiều tội ác với người dân Hàn Quốc và Trung Quốc khi họ bị Nhật Bản đô hộ.

Từ nhiều năm qua, mỗi lần chính khách Nhật Bản thăm ngôi đền này là lại làm dấy lên những phản đối chỉ trích từ Bắc Kinh và Seoul. Nếu kiến nghị của Hiệp hội Gia đình tử sĩ Nhật Bản được chấp thuận thì một mặt các cuộc tranh cãi lâu này xung quanh ngôi đền này sẽ chấm dứt, mặt khác cũng có thể coi đây là một chỉ dấu hòa hiếu giữa Nhật Bản với Trung Quốc. Quan hệ giữa hai nước này vốn trở nên căng thẳng từ hơn một năm qua xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quân đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc