Tiếp vụ tiết lộ bí mật của cựu nhân viên CIA Edward Snowden:

Nhà Trắng làm trung gian hòa giải giữa Thượng viện và CIA

18:00 | 14/03/2014

779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 13-3, tờ Intercept lại tiếp tục đăng tải những tiết lộ mới của cựu nhân viên CIA Edward Snowden do 2 nhà báo Glenn Greenwald và Ryan Gallagher viết. Theo đó, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) có kế hoạch cài phần mềm độc hại gây lây nhiễm tới hàng triệu máy tính trên thế giới để phục vụ nhu cầu do thám. Kế hoạch này được biết tới dưới cái tên TURBINE và Cơ quan tình báo Anh (GCHQ) dường như hỗ trợ NSA hoàn thành công việc này. Thông tin này xuất hiện sau khi Thượng viện Mỹ và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đang khẩu chiến xung quanh chủ đề “đánh cắp thông tin”, càng khiến dư luận hoài nghi về bản chất chương trình nghe lén của các cơ quan tình báo Mỹ.

Giám đốc CIA John Brennan phát biểu tại phiện họp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại 11-3

Ngày 12-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama cam kết sẽ công bố báo cáo về chương trình thẩm vấn của CIA ngay sau khi hoàn tất các thủ tục. Đây là phản ứng chính thức đầu tiên của Nhà Trắng trong nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Thượng viện và CIA liên quan đến tiến trình điều tra đối với chương trình thẩm vấn nghi can khủng bố do CIA tiến hành, nhưng bị Tổng thống Barack Obama đình chỉ từ năm 2009.

Mâu thuẫn giữa Thượng viện và CIA bùng phát sau khi CIA phát hiện trong kết quả điều tra chưa công bố của Thượng viện có nội dung một bản báo cáo của CIA thuộc diện không được truy cập. Ngay sau khi phát hiện vấn đề này, CIA đã chính thức yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra đối với các nhân viên Thượng viện vì nghi ngờ mạng máy tính của CIA đã bị đột nhập đánh cắp tài liệu mật.

Động thái kể trên đã châm ngòi cho cuộc khẩu chiến giữa Thượng viện và CIA vì Thượng viện cho rằng, nhân viên CIA đã lục soát trái phép máy tính của các nhân viên Ủy ban Tình báo Thượng viện đang điều tra chương trình thẩm vấn và bắt giữ dưới thời Tổng thống Bush. Được biết, cuộc điều tra liên quan tới báo cáo về các vụ tra tấn được hoàn tất hồi tháng 12-2012, khi Ủy ban Tình báo Thượng viện thông qua một nghiên cứu 6.300 trang hiện vẫn chưa được công khai trước dư luận.

Edward Snowden hiện đang tị nạn chính trị ở Nga

Thậm chí ngày 11-3, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, bà Diane Feinstein còn chỉ trích CIA vi phạm nguyên tắc phân quyền của Hiến pháp Mỹ, đồng thời yêu cầu CIA phải thừa nhận hành động trên là không phù hợp và đưa ra lời xin lỗi. Nhưng Giám đốc CIA John Brennan đã bác bỏ chỉ trích của bà Diane Feinstein, đồng thời yêu cầu Bộ Tư pháp vào cuộc.

Trước nguy cơ khẩu chiến biến thành bê bối, thậm chí phá hỏng mối quan hệ tốt đẹp giữa Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện với cộng đồng tình báo Mỹ, Tổng thống Barack Obama lập tức đóng vai trò trung gian hoà giải với khẳng định: Giám đốc CIA John Brennan đã có phản ứng phù hợp khi chuyển vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền. Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney xác nhận, Giám đốc CIA John Brennan cùng luật sư Robert Eatinger đã thông báo với Nhà Trắng trước khi yêu cầu Bộ Tư pháp mở cuộc điều tra.

Chủ tịch Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ Dianne Feinstein

Theo giới truyền thông, ngay sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein kết thúc bài nói chuyện dài 38 phút với tuyên bố: tôi có nhiều mối quan tâm về việc do thám của CIA có thể vi phạm các quy tắc trong Hiến pháp Mỹ, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy liền phát biểu: Trong 40 năm ở Thượng viện và đã nghe hàng ngàn bài phát biểu, nhưng chưa từng nghe bài nào quan trọng như bài vừa nghe.

Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện cho biết, nhận được thông tin về vụ lục soát cách đây gần 2 tháng (15-1) tại một phiên họp khẩn do Giám đốc CIA John Brennan triệu tập. Tại cuộc họp này, ông John Brennan đã thông báo với bà Dianne Feinstein và Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa Saxby Chamblish về việc nhân viên CIA lục soát máy tính của các nhà điều tra trong Ủy ban Tình báo Thượng viện vì quan ngại họ đã tiếp cận trái phép một số tài liệu mật của CIA.

Theo tiết lộ của Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Dianne Feinstein, từ năm 2009, CIA và Ủy ban Tình báo Thượng viện đã nhất trí thành lập một cơ sở tại Virginia cùng một hệ thống máy tính hoạt động độc lập với mạng lưới của cơ quan tình báo, cho phép các nhà lập pháp Mỹ nghiên cứu tài liệu của CIA. Theo bà Dianne Feinstein, các nhân viên điều tra đã nghiên cứu 6,2 triệu tài liệu và phát hiện bản báo cáo nội bộ của CIA ngay trong hệ thống máy tính mà CIA đã thiết lập riêng cho ủy ban này sử dụng.

Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Giới chuyên môn coi đây là vụ bê bối lớn nhất từ trước đến nay giữa CIA với Thượng viện (kể từ thập niên 1970). Các luật sư hàng đầu của Chính phủ Mỹ đang nỗ lực làm trung gian trong vụ cáo buộc do thám lẫn nhau giữa Ủy ban Tình báo Thượng viện và CIA. Việc này diễn ra trong bối cảnh nhiều nghị sĩ bày tỏ quan ngại về những vi phạm của CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trong các chương trình do thám. Thượng nghị sỹ Lindsey Graham thậm chí còn so sánh vụ bê bối này với vụ Watergate từng khiến cố Tổng thống Richard Nixon phải ra đi.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 12-3, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết cảnh báo sẽ phong tỏa một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ nếu chính phủ các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) không có biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn hoạt động do thám từ Washington. Nghị quyết này được đưa ra sau cuộc điều tra riêng rẽ của EP về những tiết lộ gây chấn động của cựu nhân viên CIA Edward Snowden liên quan tới hoạt động do thám của Mỹ đối với các nước và công dân châu Âu. Đây được coi là động thái nhằm gây sức ép với các nước EU về vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của công dân sau khi các nghị sỹ EP chỉ trích giới chức châu Âu phản ứng quá yếu ớt trước các vụ do thám của Mỹ.

Tuy nghị quyết kể trên của EP chỉ mang tính cảnh báo biểu tượng, nhưng để Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa EU và Mỹ sau khi ký có hiệu lực, cần phải được sự phê chuẩn của EP và Quốc hội Mỹ. Hơn 2 năm trước (đầu năm 2012), Ủy ban châu Âu (EC) từng đề xuất mức phạt 2% đối với tổng doanh thu toàn cầu hàng năm của các công ty không tuân thủ những quy định bảo mật dữ liệu.

Ngày 10-3, trong lần xuất hiện công khai (đối thoại trực tiếp qua Internet với khán giả Mỹ ở một lễ hội tại Austin, Texas), Edward Snowden khẳng định công chúng Mỹ và các nước cần phải giám sát chương trình an ninh của Mỹ. Đồng thời tái khẳng định không hề hối tiếc vì đã trao tài liệu mật của NSA cho giới truyền thông quốc tế. Edward Snowden cũng cho rằng, giới chức Mỹ đã quá tập trung vào nỗ lực do thám quy mô lớn nên đã không phát hiện được các dấu hiệu khủng bố.

Trước đó (6-3), giới chức Mỹ cho biết, các cơ quan tình báo của nước này sẽ bị giảm 5% ngân quỹ theo ngân sách đề xuất cho tài khóa 2015. Đây được coi là hệ luỵ của việc tiết lộ chương trình nghe lén do NSA tiến hành. Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia James Clapper cho biết, ngân sách dành cho 17 cơ quan tình báo Mỹ trong năm tài khóa 2015 là 45,6 tỷ USD, giảm so với mức 48,2 tỷ USD của năm 2014.

Ông James Clapper cũng nhấn mạnh, cơ quan này đang chuẩn bị áp dụng một hệ thống giám sát, theo đó sẽ theo dõi sát hồ sơ và hoạt động của khoảng 5 triệu nhân viên liên bang có quyền tiếp cận các bí mật quốc gia. Đây được coi là nỗ lực nhằm bảo vệ thông tin mật và ngăn chặn “bản sao” Edward Snowden.

Dự kiến hệ thống này sẽ hoạt động trong tháng 9-2015. Theo Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, phần lớn tài liệu mà Edward Snowden sở hữu liên quan đến quân đội phải mất khoảng 2 năm và hàng tỷ USD để khắc phục những tổn hại từ việc rò rỉ thông tin.

Quốc Tuấn - Khắc Dũng