Nước Mỹ trước vành móng ngựa?

06:35 | 30/10/2013

1,523 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những cáo buộc do thám mới dựa trên tài liệu mật bị rò rỉ không chỉ khiến nước Mỹ phải hứng chịu sự giận dữ và hoài nghi từ chính những đồng minh chiến lược của mình mà còn khiến Washington phải đối mặt với sự phản đối của cả cộng đồng quốc tế khi Đức, Brazil và nhiều nước đang hợp tác soạn thảo một dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhằm bảo đảm quyền riêng tư của mọi người trong hoạt động thông tin liên lạc điện tử.

Cái tát vào mặt châu Âu

Không ai nghi ngờ việc Washington có đủ khả năng nghe lén nhờ sự phát triển công nghệ vượt bậc. Các đồng minh của Mỹ cũng thừa hiểu như vậy nhưng sai lầm của họ là luôn ảo tưởng rằng, các chương trình đó chỉ được sử dụng cho những cho các mục đích “hợp pháp” như theo dõi khủng bố, do thám các quốc gia thù địch. Hóa ra, người Mỹ không dừng lại ở đó. Washington đang đi quá xa dưới cái vỏ gọi là “quyền tiến hành các hoạt động tình báo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia”.

“Do thám bạn bè là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được” - Thủ tướng Ðức Angela Merkel giận dữ nói với Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc điện đàm hôm 24/10 ngay sau khi xuất hiện cáo buộc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã theo dõi điện thoại di động của bà. Giới chính trị Đức, cánh tả cũng như cánh hữu đều lên án hành động nghe lén là không thể chấp nhận được và sẽ làm đổ vỡ lòng tin giữa hai đồng minh. Một nhật báo Đức nhấn mạnh rằng, trước kia Washington vẫn là biểu tượng của sự tự do, nay lại ứng xử như một cường quốc bất chấp luật pháp và coi thường đồng minh.

Ông Obama khó biện hộ về việc nghe lén các đồng minh chiến lược

Trước bà Merkel, ông Obama cũng đã phải tiếp nhận thái độ “bất bình sâu sắc” qua điện thoại của Tổng thống Pháp Francois Holland về thông tin NSA đã theo dõi và ghi âm hơn 70 triệu cuộc điện thoại tại Pháp trong vòng 30 ngày, bắt đầu từ ngày 10/12/2012 đến 8/1/2013.

Mặc dù những thông tin này đều do giới báo chí công bố, như tờ Le Monde (Pháp) hay Spiegel (Đức), Guardian (Anh), nhưng chúng vẫn có một sức nặng đáng kể, khiến cộng đồng quốc tế không thể làm ngơ, bởi đều có nguồn gốc từ những tài liệu mật mà độ chính xác đã được kiểm chứng phần nào do cựu nhân viên CIA Edward Snowden mang theo kể từ khi rời NSA tiết lộ. Và nếu như trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Franois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama còn “mồm loa mép giải” rằng các hoạt động tình báo nhằm “bảo vệ Mỹ và các đồng minh trước khủng bố” thì những tiết lộ mới nhất này khiến Washington rất khó biện hộ cho hành động của mình.

Cả một chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vốn được dự kiến tập trung vào vấn đề kinh tế và tị nạn tuần qua đã bị vụ bê bối tình báo Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel, săm soi công dân Pháp làm mờ nhạt. Cảnh báo “sự mất mát niềm tin” có thể gây thiệt hại cho quan hệ hợp tác đôi bên, cũng như sự ủng hộ của các nước thành viên EU khác với sáng kiến chung của Paris và Berslin nhằm xác lập luật chơi với Washington trong lĩnh vực thu thập tin tức tình báo và cố gắng đạt được một thỏa thuận “không do thám” vào cuối năm nay trong tuyên bố đặc biệt của Hội nghị đã cho thấy sự rạn nứt lòng tin giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề. Nhãn tiền là việc châu Âu có thể cân nhắc một thỏa thuận tạm thời chấm dứt thương mại tự do đối với Mỹ nếu Washington không chịu làm sáng tỏ vụ việc.

Mỹ đã nghe trộm những gì?

Theo điều tra của Spiegel, các cơ quan tình báo Mỹ đã nhắm mục tiêu vào điện thoại di động của Thủ tướng Đức Angela Merkel từ năm 2002 - khi bà Merkel mới chỉ là ứng cử viên Thủ tướng Đức của phe bảo thủ, cho đến thời điểm cách chuyến thăm Berlin của Tổng thống Obama vào tháng 6/2013 vài tuần. Tuy nhiên, tài liệu mật không cho thấy việc theo dõi điện thoại của bà Merkel như thế nào, nhằm mục đích gì cũng như không rõ các cuộc điện đàm của bà Merkel đã bị thu âm lại hay chỉ đơn thuần là danh mục số điện thoại bị xâm phạm.

Nếu dữ liệu trên là chính xác thì hoạt động do thám đã bắt đầu từ dưới thời Tổng thống George W.Bush và trùm gián điệp Michael Hayden - người từng là Giám đốc CIA và NSA. Như vậy, câu hỏi ở đây là ông Obama biết hay không biết việc bà Merkel là mục tiêu giám sát của NSA?

Nhà Trắng và các cơ quan tình báo Mỹ định kỳ đưa ra một danh sách ưu tiên, được liệt kê theo quốc gia và chủ đề trong một ma trận giám sát toàn cầu, trả lời cho những câu hỏi: Mục tiêu tình báo ở mỗi quốc gia? Tầm quan trọng của việc do thám? Danh sách này gọi là “Khung ưu tiên tình báo quốc gia” và được “sự phê duyệt của tổng thống”.

Một hạng mục trong danh sách này là “Ý định lãnh đạo”, hay nói nôm na là mục tiêu, cách thức của giới lãnh đạo chính trị quốc gia bị giám sát và độ quan tâm của Chính phủ Mỹ với các quốc gia này được đánh giá theo thang điểm từ 1 đến 5. Theo đó, ý định lãnh đạo của giới lãnh đạo Trung Quốc là ưu tiên quan tâm hàng đầu của Washington.

Đức cũng xuất hiện trong danh sách này. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ chủ yếu quan tâm đến sự ổn định kinh tế và mục tiêu chính sách đối ngoại của Berlin cũng như các hệ thống vũ khí tiên tiến của nước này. Điều đáng nói là ở hạng mục “Ý định lãnh đạo”, nước Đức không được nhắc tới. Như vậy, nếu dựa trên danh sách này, việc bà Merkel bị theo dõi có vẻ khó hiểu. 

Tuy nhiên, cựu nhân viên NSA Thomas Draka không xem đây là một mâu thuẫn. “Sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Đức đã trở thành mục tiêu tình báo số 1 ở châu ”, ông nói. Chính phủ Mỹ không tin tưởng Đức, vì một số tên khủng bố lái máy bay tự sát trong vụ 11/9 sinh sống tại Hamburg. Bằng chứng cho thấy, NSA đã theo dõi bà Merkel một lần và sau đó “ngựa quen đường cũ”, tiếp tục giám sát nữ Thủ tướng Đức. Drake còn khẳng định, phương châm của NSA là “giám sát càng nhiều càng tốt”.

Tờ Bild của Đức hôm 27/10 cũng dẫn nguồn tình báo Mỹ nói người đứng đầu NSA, Keith Alexander, trực tiếp nói chuyện với Tổng thống Barack Obama về việc nghe lén bà Merkel năm 2010 nhưng ông “Obama không ngừng hoạt động mà vẫn cho phép tiếp tục theo dõi Thủ tướng Đức”.

Quy trình “nghe lén”

Theo Spiegel, một tài liệu được xếp vào loại “tối mật” của NSA từ năm 2010 đã tiết lộ cách thức tổ chức nghe lén của Mỹ. Một đơn vị được biết như là “Phòng thu thập đặc biệt” (SCS), đóng ở Đại sứ quán Mỹ tại Berlin, có trách nhiệm giám sát các cuộc hội thoại ở trụ sở Chính phủ Đức. Đơn vị tình báo “tinh hoa” do CIA và NSA phối hợp điều hành này được lâp ở 80 địa điểm trên toàn thế giới, 19 trong số đó hoạt động tại các thành phố châu Âu như Paris (Pháp), Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italia), Praha (Séc) và Geneva (Thụy Sỹ)…

Riêng ở Đức, ngoài Berlin, Mỹ còn có một căn cứ gián điệp khác đặt ở Frankfurt. Hơn nữa, cả 2 căn cứ gián điệp tại Đức đều được trang bị tối tân với các thiết bị tinh vi, có thể xử lý được các tín hiệu di động, mạng không dây và thông tin vệ tinh cùng đội ngũ nhân viên tích cực. Họ làm việc dưới cái vỏ “nhân viên ngoại giao” tại Đại sứ quán, Lãnh sự quán Mỹ và ngang nhiên hưởng quyền ưu đãi đặc biệt, trong đó có quyền miễn trừ ngoại giao.

Các thiết bị cần thiết thường được lắp đặt ngay trên các tầng cao hoặc nóc tòa nhà sứ quán - nơi công nghệ nghe lén được giấu bởi các tấm màn che hoặc các cấu trúc gọi là “Potemkin”, có nghĩa là chỉ nhìn thấy bề ngoài. 

Nhà báo điều tra người Scotland Duncan Campbell - người từng phát hiện và tiết lộ về mạng lưới nghe lén toàn cầu Echelon - được điều khiển bởi cơ quan tình báo Anh và Mỹ làm rung chuyển châu Âu cuối những năm 80 của thế kỷ trước đã rất chú ý vào các những tấm răng cưa như cửa sổ trên nóc các tòa nhà Đại sứ quán Mỹ. Chúng không được lắp kính mà được phủ một lớp vật chất “điện môi” đặc biệt. Loại vật chất này có thể “thấm” được cả những tín hiệu radio yếu. Công nghệ nghe lén nằm đằng sau những tấm màn song vô tuyến này, theo Campbell. Rất có thể, các căn cứ gián điệp SCS nằm ở sau những cửa sổ căn gác tương tự.

Linh Linh (tổng hợp)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps