Nữ thủ tướng Thái Lan giữa muôn trùng vây

07:00 | 27/02/2014

2,311 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nữ Thủ tướng xinh đẹp của Thái Lan, Yingluck Shinawatra, đang phải chịu áp lực từ nhiều phía. Phe đối lập và những người biểu tình thì đòi bà từ chức. Các nhà điều tra chống tham nhũng muốn tống bà vào tù, rồi ngay cả những người nông dân cũng đang kéo lên Bangkok đòi nợ bà.

Năng lượng Mới số 299

Có lẽ từ hơn 3 tháng nay, bà Yingluck không làm việc tại trụ sở của chính phủ ở Bangkok do người biểu tình vây hãm mà trong những trụ sở dã chiến. Thậm chí, những nơi làm việc tạm bợ này, mặc dù được giữ kín, nhưng vẫn bị phe đối lập phát hiện và phái người biểu tình đến phá. Điển hình là ngày 19/2 vừa qua, người biểu tình chống chính phủ đã tập hợp tại khu ngoại ô phía bắc Bangkok trước toà nhà của Bộ Quốc phòng, được sử dụng làm trụ sở dã chiến của chính phủ trong thời gian khủng hoảng. Họ tiếp tục đòi bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra, dường như đang có mặt trong tòa nhà, phải từ chức. Lãnh đạo biểu tình, ông Sunthep Thaugsuban, tuyên bố: “Nếu Yingluck còn đến đây làm việc, chúng tôi sẽ trở lại hằng ngày, truy đuổi để bà ta không thể sống ở đây được nữa”.

Còn trụ sở của Chính phủ Thái Lan hiện nay đã bị người biểu tình xây bịt kín các lối ra vào. Đó là một tòa nhà xinh đẹp xây dựng theo phong cách Venise, nơi Thủ tướng Yingluck Shinawatra và các bộ trưởng thường làm việc.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (ảnh chụp sau khi bà vừa bỏ phiếu bầu Quốc hội trước thời hạn, ngày 2/2/2014, tại Bangkok)

Không chỉ chịu sự vây hãm triền miên của người biểu tình thuộc phe đối lập trong ba tháng rưỡi qua, bà Yingluck còn đang bị các nhà điều tra chống tham nhũng “truy sát”. Ngày 18/2, Ủy ban Chống tham nhũng Thái Lan thông báo sẽ truy tố bà do những khinh suất trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo. Trong thông cáo, Ủy ban Chống tham nhũng nêu rõ là Thủ tướng Yingluck đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về nguy cơ tham nhũng và thất thoát tài chính trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân và Ủy ban quyết định “triệu tập bà Yingluck Shinawatra vào ngày 27/2 để thông báo các cáo buộc đối với bà. Nếu bị tòa xác nhận có lỗi, bà Yingluck sẽ bị truất quyền thủ tướng. Cũng trong khuôn khổ điều tra về chương trình trợ giá gạo, Ủy ban Chống tham nhũng đã từng truy tố nhiều quan chức Thái Lan, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại. Thủ tướng Yingluck Shinawatra ngày 20/2 viết trên trang mạng xã hội rằng bà không có lỗi gì để Ủy ban Quốc gia Điều tra về Tham nhũng có thể truy tố, buộc tội hay truất quyền lãnh đạo quốc gia mà bà đang nắm giữ. Bà bảo thêm rằng chuyện muốn truất quyền của bà là điều phe đối lập đang trông chờ, nhưng cũng cho biết bà sẽ hợp tác chặt chẽ với Ủy ban điều tra.

Nhưng có lẽ điều đau đớn nhất với bà Thủ tướng Yingluck lúc này là sự phẫn nộ của nông dân. Được coi là thành phần nòng cốt luôn ủng hộ gia đình Thaksin trong nhiều năm qua các cuộc bầu cử, nông dân Thái Lan, luôn được hưởng những chính sách ưu đãi từ thời Thủ tướng Thaksin Shinawatra, nay lại quay sang chống lại cô em của ông Thaksin. Trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2011, bà Yingluck đã hứa sẽ mua gạo của nông dân với giá có thể cao hơn 50% so với giá thị trường. Nhờ vậy, bà đã thắng cử và trở thành Thủ tướng. Thế nhưng, hiện nay, chính sách trợ giá đang bị chỉ trích mạnh mẽ. Những người phản đối cho rằng, chương trình trợ giá gạo của Thủ tướng Yingluck gây ra tình trạng tham nhũng ồ ạt, tài chính công bị thâm thủng nghiêm trọng và Thái Lan bị mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới, gạo tồn kho lên tới 18 triệu tấn. Tình trạng bất bình lan sang cả nông dân trồng lúa. Ngày 19/2, hơn 2.000 nông dân Thái Lan lái hàng trăm xe máy cày cùng các xe nhà nông khác từ miền Trung lên thủ đô Bangkok để đòi tiền chính phủ phụ cấp cho việc trồng lúa gạo, mà Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã hứa nhưng chưa hề trả. Ngày 11/2/2014, chính phủ đã quyết định giải ngân khoảng 16 triệu euro để trả cho 3.900 nông dân. Tuy nhiên, Thái Lan hiện nay chỉ có chính phủ lâm thời, điều hành giải quyết các công việc hằng ngày, do vậy, quyết định giải ngân nói trên phải có sự chuẩn y của Ủy ban bầu cử Thái Lan.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu phát triển tại Thái Lan, trong mọi trường hợp, chính phủ còn nợ một triệu nhà nông trồng lúa khoảng 2,6 tỉ euro. Trước đây, Chính phủ Thái Lan hy vọng là việc tích trữ gạo sẽ gây khan hiếm và làm tăng giá trên thị trường quốc tế, qua đó có thể bù đắp lại những khoản chi cho nông dân. Tuy nhiên, chính sách này bị phá sản, vì các quốc gia cạnh tranh đã bất ngờ nâng mức xuất khẩu gạo. Ông Ammar Simawalla, thuộc Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, được AFP trích dẫn, tố cáo: “Ngành sản xuất gạo Thái Lan, trong tổng thể đã bị sụp đổ và uy tín của Thái Lan trên thị trường thế giới, với tư cách là nhà cung ứng đáng tin cậy về gạo có chất lượng, đã biến mất”. Theo dự báo, trong năm 2014, Thái Lan chỉ xuất khẩu được 7,5 triệu tấn, giảm 30% so với mức của năm 2011. Chính phủ Thái Lan không công bố mức tốn kém của chương trình trợ giá gạo, nhưng Viện Nghiên cứu phát triển đưa ra con số từ 3,4 tỉ đến 4,4 tỉ euro, tương đương 6-8% ngân sách nhà nước. Trong khi đó, đảng cầm quyền Puea Thai cho rằng chính sách trợ giá gạo giúp giảm đói nghèo ở nông thôn. Thủ tướng Yingluck đổ trách nhiệm cho những người biểu tình thuộc phe đối lập, gây rối ngăn cản bầu cử, hậu quả là Thái Lan chưa có nội các mới, gây khó khăn cho việc huy động vốn.

Người biểu tình dựng những bức tường bằng xi măng để chặn cửa vào Tòa nhà chính phủ, nơi Thủ tướng Yingluck Shinawatra đặt văn phòng làm việc, ngày 17/2/2014

Theo chuyên gia Paul Chambers, thuộc Đại học Chiang Mai, việc không có tiền để trả cho nông dân có thể làm xói mòn sự ủng hộ của các cử tri vốn rất trung thành. Tuy nhiên, cho đến lúc này, chưa thể đánh giá được là những khó khăn trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo sẽ tác động ra sao đến tỷ lệ được lòng dân của chính phủ của bà Yingluck.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra hiện nay là vì sao Thủ tướng Yingluck lại không nhờ quân đội can thiệp mà quá mềm mỏng để rồi cứ phải trốn chạy khỏi sự truy đuổi của người biểu tình? Sự mềm mỏng đến “nhu nhược” này đã bắt đầu bị những chính người ủng hộ chỉ trích. Phe Áo đỏ cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc đối phó với những người biểu tình làm tê liệt Bangkok trong vài tháng qua. Có lẽ chính vì sức ép đó mà chính phủ đã tung ra “Chiến dịch Valentine” hôm 14-2 vừa qua. Sau một thời gian cố tránh không cho cảnh sát đối đầu trực tiếp với người biểu tình, chính quyền Thái Lan bắt đầu huy động cảnh sát đến giải tỏa nhiều địa điểm bị phong trào chống chính phủ trấn giữ.

 Nhưng đây không phải là một chiến dịch càn quét dứt khoát, bởi vì sau hai ngày, người biểu tình vẫn hiện diện tại nhiều nơi. Nhìn chung, chiến dịch giải tỏa chỉ nhắm vào các công sở, còn các ngã tư đường phố chiến lược vẫn tiếp tục ở trong tay người biểu tình. Điều này cho thấy Chính phủ Thái Lan chưa dám mạnh tay đàn áp phong trào chống đối. Rõ ràng là nhà chức trách Thái muốn tránh không cho bất kỳ một tình huống bạo động không kiểm soát được nào xảy ra. Và như vậy họ ủng hộ việc đàm phán với giới lãnh đạo phong trào biểu tình, chứ không phải là ưu tiên dùng cảnh sát để đàn áp.

Có một số lý do giải thích thái độ mềm mỏng đó. Trước hết, Chính phủ Thái Lan biết rằng nếu họ sử dụng vũ lực để đàn áp, vũ lực cũng sẽ được các lãnh đạo biểu tình sử dụng ngay trở lại để chống chính phủ. Cần phải nhớ rằng khi còn tại chức, lãnh đạo phe biểu tình hiện nay Suthep, là một trong những người dẫn đầu chiến dịch đàn áp đẫm máu chống lại các cuộc biểu tình của phe Áo đỏ vào năm 2010, đã khiến cho 92 người thiệt mạng. Chính vì thế mà từ nhiều ngày qua, chúng ta chứng kiến những cảnh tượng trong đó lực lượng cảnh sát tiến gần đến người biểu tình, rồi sau đó lại rút lui nếu gặp phải kháng cự. Sau đó họ đàm phán với những người lãnh đạo biểu tình để người biểu tình tự nguyện rời bỏ nơi chiếm đóng.

Nói về lối thoát cho những bế tắc chính trị Thái Lan trong thời gian tới, các chuyên gia phân tích cho rằng, Chính phủ Thái Lan đang cố gắng đối thoại với phe đối lập, nhưng muốn là tiến trình bầu cử vào ngày 2/2 vừa qua phải được tôn trọng. Nếu yêu cầu này được đáp ứng, chính quyền có vẻ sẵn sàng thảo luận về việc cải cách hệ thống chính trị. Tuy nhiên, chính phủ của bà Yingluck Shinawatra đang phải đối mặt với một sự từ chối dứt khoát của phe biểu tình. Họ đòi hỏi Thủ tướng Yingluck phải ra đi và nhường quyền lại cho một hội đồng gồm những người được chỉ định để thực hiện một công cuộc cải cách nhằm loại bỏ tham nhũng. Vấn đề là không ai biết là hội đồng đó sẽ được chỉ định như thế nào, cũng như là các cải cách cụ thể sẽ được đề xuất là gì. Một thỏa hiệp giữa chính phủ và đối lập có vẻ rất khó đạt. Còn nếu Chính phủ Thái Lan và Thủ tướng Yingluck bị Tòa án Tối cao kết tội tham nhũng trong chương trình hỗ trợ giá gạo, chính phủ sụp đổ, nhưng không nhất thiết mang lại một giải pháp cho cuộc xung đột. Bởi vì lúc đó, rất có khả năng phe xuống đường sẽ là những người Áo đỏ, ủng hộ bà Yingluck. Khi ấy, cái vòng luẩn quẩn lại được lặp lại.

S. Phương (tổng hợp)