Nhà Trắng đối phó vụ bê bối làm rung chuyển nước Mỹ như thế nào?

16:51 | 11/06/2013

627 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Chính quyền Mỹ đang đối mặt với vụ bê bối lớn khi bị báo chí phanh phui các chương trình theo dõi công dân một cách bí mật của chính phủ. Biện minh là để bảo vệ người dân, Nhà Trắng đang hành xử đi ngược với tôn chỉ dân chủ của nước Mỹ.

Edward Snowden, 29 tuổi, cựu nhân viên CIA, người tiết lộ chương trình nghe lén điện thoại của chính phủ Mỹ

Vụ bê bối làm người dân Mỹ phản đối dữ dội này bắt nguồn từ một bài báo. Tờ báo Anh The Guardian công bố tài liệu chứng minh rằng cơ quan tình báo Mỹ bí mật thu thập thông tin trong thời gian thực về tất cả các cuộc gọi và tin nhắn của khách hàng thuê bao của các công ty viễn thông Mỹ. Sau đó, tờ báo The Washington Post công bố tiếp dữ liệu về một hệ thống bí mật khác có khả năng giám sát lưu lượng truy cập Internet của 9 nhà cung cấp lớn nhất thế giới. Các nhà chức trách Mỹ đã buộc phải thừa nhận sự tồn tại của cả hai chương trình trên, nhưng tuyên bố rằng tất cả mọi thứ được thực hiện theo pháp luật. Hóa ra là Quốc hội Mỹ biết rõ về sự giám sát công dân –đạo luật liên quan đã được thông qua chính tại đây và trát lệnh do một tòa án mật đặc biệt đưa ra.

Những tiết lộ trên gây ra làn sóng phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng. Ngày càng xuất hiện thêm nhiều chất vấn đến lãnh đạo của các cơ quan an ninh. Chính quyền Mỹ lập tức chuyển sự giận dữ sang phía các cơ quan truyền thông tiết lộ vụ việc trên. Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đã yêu cầu khởi tố hình sự về việc rò rỉ dữ liệu với giới truyền thông.

Nói cách khác, các cơ quan tình báo Mỹ đang chuyển từ phòng ngự sang tấn công. Sau nhiều ngày bao biện cho vụ bê bối theo dõi công dân Mỹ, Cơ quan An ninh Quốc gia đã quyết định quay sang tìm thủ phạm chịu trách nhiệm trong việc công bố thông tin về sự tồn tại của các chương trình giám sát cư dân Mỹ. NSA đã gửi một yêu cầu chính thức đến Bộ Tư pháp yêu cầu khởi tố hình sự việc rò rỉ thông tin. Cơ quan này có thể bị từ chối, dù là điều này ít khả năng xảy ra.

Sau khi bị “ép cung”, cuối cùng hai tờ báo trên đã phải tiết lộ danh tính người đã cung cấp thông tin cho họ. Đó là Edward Snowden, 29 tuổi, một cựu nhân viên CIA. Edward Snowden nói anh đã hối thúc tờ The Guardian và The Washington Post nêu danh là nguồn tin của hai tờ báo này. Anh nói với hai tờ báo rằng anh sẽ không lẩn trốn vì không làm gì sai trái.

Snowden nói: “Qua một thời gian, nhận thức về việc làm sai trái ngày tích lại, và ta cảm thấy buộc phải nói về điều đó, và ta càng nói về điều đó thì ta lại càng bị phớt lờ, ta lại càng bị người ta nói rằng đó không phải là một vấn đề, cho tới khi rốt cuộc ta nhận ra rằng những điều như thế cần để công chúng quyết định, chứ không phải để cho một người nào đó do chính phủ thuê làm việc”.

Snowden đã từ Mỹ bỏ trốn qua Hong Kong vào tháng trước. Snowden cho biết: “Ta không thể ra mặt chống lại các cơ quan tình báo có thế lực nhất thế giới mà lại hoàn toàn không gặp phải nguy cơ nào bởi vì họ là đối thủ đầy sức mạnh mà không ai có thể đương đầu một cách đúng nghĩa. Nếu họ muốn tóm ta, họ có thể làm điều đó ngay lập tức”. Snowden nói với tờ the Washington Post rằng anh dự tính sẽ xin tị nạn tại bất kỳ nước nào mà anh cho là tin tưởng vào quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư toàn diện. Phát biểu này thật mỉa mai vì nước Mỹ xưa nay vẫn luôn “vỗ ngực” là đất nước của tự do và nhất là tự do ngôn luận và thậm chí còn bắt xứ khác cũng phải có tự do như họ!

Tổng thống Barack Obama đang phải đương đầu với áp lực ngày càng tăng, đòi ông biện minh cho quyết định của chính phủ thu thập thông tin về những chi tiết các cuộc điện đàm trong nước, và việc chính phủ Mỹ tiếp cận các máy chủ của các công ty internet lớn nhất.

Hiện chưa có quyết định cuối cùng về vấn đề này, tuy nhiên, trong trường hợp vụ này được đưa ra xét xử, các phóng viên của báo Anh Guardian và tờ Washington Post của Mỹ và Edward Snowden sẽ phải chịu hậu quả. Và đây sẽ là một mắt xích kế tiếp trong mâu thuẫn giữa chính quyền Mỹ và các phương tiện truyền thông.

Chính quyền Mỹ gần đây đã bắt đầu một cuộc chiến tranh thực sự chống rò rỉ thông tin. Tổng thống Barack Obama cũng không hài lòng về vụ bê bối mới đây. Sau đây là phát biểu của ông khi bình luận vụ việc này: “Tôi không hoan nghênh những rò rỉ thông tin tương tự, bởi không phải ngẫu nhiên mà những chương trình này được coi là tuyệt mật. Tôi hiểu rằng tình trạng bí mật của chương trình làm nhiều người nghi ngờ. Nhưng ngày nay, rất nhiều chương trình mang tính tuyệt mật. Thí dụ như chương trình về đấu tranh chống khủng bố. Mục tiêu của chúng tôi là không để đối thủ có thể gây tổn hại cho đất nước mình. Và nếu như mỗi bước đi của chúng tôi sẽ được đưa lên trang nhất của các tờ báo hoặc trong tin thời sự trên truyền hình, những kẻ khủng bố sẽ có thể tiến hành những biện pháp trả đũa. Đó là lý do tại sao đây là những chương trình tuyệt mật. Nếu để xảy ra những rò rỉ tương tự, điều đó sẽ gây nguy hiểm cho chương trình chống khủng bố của chúng tôi, cho công việc của những cá nhân cụ thể. Điều này cực kỳ nguy hiểm và làm giảm khả năng bảo vệ công dân của chúng tôi”.

Nếu Mỹ cho phép khởi tố điều tra hình sự vụ bê bối này, các phóng viên của tờ báo Anh The Guardian của Anh và báo Mỹ The Washington Post, nơi đăng những tin tức giật gân, sẽ phải chịu hậu quả. Và đây ít nhất đã là trường hợp thứ ba các phương tiện truyền thông bị truy tố. Trước đó, Bộ Tư pháp đã tiến hành theo dõi các nhà báo của hãng tin Associated Press (AP) cũng như phóng viên đài truyền hình FoxNews. Và những chuyện này đã giáng đòn nghiêm trọng đến hình ảnh của người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay.

H.Phan (Tổng hợp)