Nguy cơ xung đột từ “đường lưỡi bò trên không”
Năng lượng Mới số 278
Điều đáng nói là Trung Quốc không liên lạc với 2 chiếc B-52 khi chúng bay qua khu vực kể trên, cho dù giám sát chặt chẽ việc này. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera yêu cầu Bắc Kinh rút lại quyết định kể trên sau khi họp khẩn với quan chức chỉ huy cấp cao về các biện pháp phản ứng trước việc Trung Quốc thiết lập ADIZ. Ông Itsunori Onodera coi hành động đơn phương của Trung Quốc là cực kỳ nguy hiểm. Dư luận cảnh báo những hiểm họa có thể xảy ra sau khi coi ADIZ là “đường lưỡi bò trên không”, nhất là khi Trung Quốc có kế hoạch chi 5 tỉ USD cho 7 mỏ khí mới ở biển Hoa Đông.
Trung Quốc quyết không từ bỏ ADIZ
Ngày 26/11, Giáo sư Thời Ân Hoằng, cố vấn cấp cao của Chính phủ Trung Quốc về chính sách đối ngoại khi trao đổi với Hãng AFP đã tuyên bố: Quyết định của Bắc Kinh về ADIZ đã được xem xét trong một thời gian và căng thẳng với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là cớ tốt để Bắc Kinh thực hiện kế hoạch và điều này sẽ không bao giờ bị hủy bỏ. Giáo sư Thời Ân Hoằng cũng thừa nhận, Bắc Kinh không tham khảo ý kiến Washington, Tokyo và Seoul trước, do đó những rủi ro đã tăng lên, nhưng Trung Quốc đủ tự tin xử lý mọi tình huống phát sinh. Ông Thời Ân Hoằng còn lý giải vì sao Bắc Kinh chưa thiết lập ADIZ tại Biển Đông. Thiếu tướng quân đội Trung Quốc La Viện cũng cho biết, ý định thành lập ADIZ có từ lâu và sau khi cân nhắc, Bắc Kinh mới quyết định công bố.
Ngày 26/11, tờ USA Today cho rằng, đằng sau lập trường của Trung Quốc có sự ủng hộ mạnh mẽ của tư tưởng chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Bởi khi Trung Quốc thiết lập ADIZ, những người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi đã lập tức hoan nghênh. Một số người thậm chí còn yêu cầu tấn công không thương tiếc đối với Nhật Bản. Ngày 25/11, tờ Thời báo Hoàn Cầu thậm chí còn viết: “Nếu Nhật Bản muốn đấu với Trung Quốc, hãy để ông Shinzo Abe dẫn quốc gia này đến đây!”.
Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Masato Kitera
Ngày 25/11, Tân Hoa xã dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương gọi các bình luận của Nhật Bản về ADIZ là “không có cơ sở và hoàn toàn sai trái”. Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu cáo buộc Nhật Bản hai mặt khi thiết lập ADIZ của mình: cách Nga 50km, nhưng cách Trung Quốc 130km. Được biết, Nhật Bản đang có ý định nới rộng ADIZ của mình.
Trong khi đó, ngay sau khi thiết lập ADIZ hôm 23/11, máy bay quân sự Tu-154 và Y-8 của Trung Quốc đã tiến vào không phận phía nam biển Hoa Đông để thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên. Khi chiếc Tu-154 bay cách khu vực Nhật Bản coi là không phận của mình 40km, Tokyo lập tức điều 2 máy bay chiến đấu F-15 để ngăn chặn. Chuẩn đô đốc Hải quân Trung Quốc Doãn Trác nhấn mạnh: Máy bay chiến đấu được phép bắn hạ mọi máy bay nước ngoài xâm phạm không phận Trung Quốc (khu vực ADIZ mới được thành lập trên biển Hoa Đông), nếu từ chối tuân theo những cảnh báo của không quân Trung Quốc. Ông Doãn Trác cũng cho rằng, Trung Quốc sẽ giám sát, cảnh báo, chỉ dẫn cho máy bay khi bay vào ADIZ và sẽ có biện pháp đánh chặn nếu cảm thấy đối phương đe dọa, tuy nhiên không thể bắn hạ trong khu vực không phận quốc tế.
Trên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 25/11 đã dẫn lời Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân trước phản đối của Nhật Bản về ADIZ của Trung Quốc trên biển Hoa Đông là “vô căn cứ và Bắc Kinh quyết không chấp nhận”. Bắc Kinh cũng bất ngờ điều tàu sân bay Liêu Ninh, cùng 2 khu trục hạm (Thẩm Dương và Thạch Gia Trang) và 2 tàu hộ vệ (Yên Đài và Duy Phường) ra Biển Đông diễn tập (từ sáng 26/11). Tuy đã tiến hành hơn 100 cuộc diễn tập và tập trận kể từ khi hạ thủy, nhưng hầu hết đều diễn ra tại Hoàng Hải, gần căn cứ Thanh Đảo nên lần xuất hiện đầu tiên của tàu Liêu Ninh tại Biển Đông khiến giới chuyên môn và dư luận quan tâm. Học giả Rommel Banlaoi, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Bạo lực và khủng bố Philippines cho rằng, phải nhiều năm nữa tàu Liêu Ninh mới có thể tạo ra mối đe dọa thực sự.
Quan điểm của Nhật Bản
Ngày 27/11, Chính phủ Nhật Bản ban hành quyết định thành lập Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) theo mô hình của Mỹ sau khi được Ủy ban đặc biệt về an ninh quốc gia thuộc Thượng viện thông qua hôm 25/11. Dự kiến NSC có thể đi vào hoạt động từ 4/12. Thượng viện cũng coi việc thiết lập ADIZ là cực kỳ nguy hiểm, tạo ra bất ổn cho khu vực và yêu cầu Trung Quốc nên tự kiềm chế đối với hành vi của mình. Trước đó (26/11), Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nhật Bản Akihiro Ota tuyên bố, ADIZ của Trung Quốc là vô giá trị và đề nghị các hãng hàng không Nhật Bản không nên thực hiện theo các yêu cầu của Bắc Kinh.
Tướng "diều hâu" Trung Quốc La Viện
Cũng trong ngày 26/11, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga tuyên bố, ADIZ của Trung Quốc không có tác động đối với Nhật Bản và Tokyo đã thông báo lập trường này với các hãng hàng không Nhật Bản và các hãng hàng không không cần thông báo kế hoạch bay cho Trung Quốc. Cùng ngày 26/11, ông Kawano Katsutoshi, Tư lệnh Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản khẳng định, lực lượng này đang theo dõi vùng biển kể trên như thường lệ, đồng thời coi động thái của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm bởi có thể dẫn tới những sự việc không lường trước được.
Về phần mình, ngày 25/11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ quan ngại trước việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ, đồng thời coi đây là hành động hết sức nguy hiểm, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Ông Shinzo Abe đưa ra tuyên bố kể trên sau khi Washington khẳng định sẽ sát cánh với Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cảnh báo Trung Quốc về nguy cơ xảy ra “những rủi ro không thể lường trước” sau khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ, đồng thời nhấn mạnh: Tokyo không chấp nhận vì đó là hành động đơn phương.
Ngày 26/11, 2 hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là All Nippon Airlines và Japan Airlines đã tuyên bố không nộp kế hoạch bay theo yêu cầu của Bắc Kinh khi bay qua ADIZ do Trung Quốc tự ý thành lập. Điều đáng nói là trước đó 2 hãng hàng không này đã thông báo cho cơ quan hàng không Trung Quốc về lịch trình bay qua ADIZ, nhưng sau đó tuyên bố việc này kết thúc kể từ ngày 27/11. Trong động thái tương tự, 2 hãng hàng không lớn của Hàn Quốc là Korean Air và Asiana Airlines cũng tuyên bố không báo cáo bất kỳ thông tin gì về chuyến bay nào của họ cho Trung Quốc khi bay qua ADIZ.
Phản ứng của các nước hữu quan
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, Trung Quốc kích động không cần thiết khi yêu cầu các hãng hàng không nước ngoài phải thông báo kế hoạch bay khi bay qua ADIZ của Trung Quốc, đồng thời coi vấn đề khu vực cần được giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao. Còn người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Steven Warren khẳng định: Quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bay trong khu vực và khi bay vào ADIZ của Trung Quốc, Mỹ sẽ không đăng ký kế hoạch bay và sẽ không nhận dạng bằng bộ phát đáp, sóng vô tuyến hay biểu trưng.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng coi đây là hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông và hành động leo thang này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng khu vực và tạo nguy cơ xung đột. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hối thúc Mỹ không đứng về bên nào trong vấn đề này, đồng thời cho biết: Bắc Kinh đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke liên quan tới phản ứng của Washington về việc Bắc Kinh thiết lập ADIZ.
Chuẩn tướng Đô đốc Hải quân Doãn Trác
Giới truyền thông cho biết, Lầu Năm Góc đang khẩn trương củng cố các căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương và sửa chữa những căn cứ không quân từng sử dụng trong Thế chiến II để ngăn chặn các cuộc tấn công của tên lửa Trung Quốc nhằm vào những trụ sở quan trọng trên đảo Okinawa và nhiều khu vực khác. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Á - Thái Bình Dương Michael Lostumbo cho rằng, tên lửa đạn đạo của Trung Quốc được đánh giá là một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với mọi căn cứ quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương. Bởi có tới 90% căn cứ quân sự của Mỹ nằm trong phạm vi 1.080 hải lý của Trung Quốc (khoảng cách được liệt vào mối đe dọa nghiêm trọng).
Ngày 26/11, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết, đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Canberra đến để phản đối ADIZ. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop nhấn mạnh, thời điểm và cách thức Trung Quốc thông báo ADIZ không góp phần ổn định khu vực và Canberra phản đối mọi hành động đơn phương và mang tính ép buộc nhằm thay đổi nguyên trạng ở biển Hoa Đông. Ông Mã Triều Húc mới nhậm chức Đại sứ Trung Quốc tại Australia (cuối tháng 8) đã tới Bộ Ngoại giao và Thương mại hôm 25/11 để giải trình về ADIZ. Cũng trong ngày 26/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin thông báo, sẽ thảo luận kế hoạch mở rộng ADIZ với các bộ, ngành khác của nước này. Bởi Bộ Quốc phòng bị chỉ trích vì không đưa không phận khu vực đảo đá chìm Ieodo/Tô Nham Tiêu tranh chấp với Trung Quốc vào ADIZ của Hàn Quốc.
Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida
Trước đó (25/11), Hàn Quốc cho biết, ADIZ của Trung Quốc đã chồng lấn lên vùng phòng không của nước này. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min-seok khẳng định: Seoul có quyền kiểm soát lãnh thổ bất biến đối với đảo đá chìm Ieodo/Tô Nham Tiêu và sẽ thảo luận với Bắc Kinh về ADIZ. Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Baek Seung-joo dự kiến thảo luận vấn đề kể trên với người đồng cấp Trung Quốc tại Seoul hôm 28/11. Được biết, Cục trưởng Cục Chính sách Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Ryu Jae-seung đã triệu kiến Tùy viên Quân sự Trung Quốc tại Seoul Từ Kinh Minh để phản đối cái gọi là ADIZ. Đài Loan cũng bày tỏ lo ngại sau khi Bắc Kinh thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông.
Nhận định của giới chuyên môn
Giới bình luận coi quyết định thiết lập ADIZ của Trung Quốc là hành động thách thức đối với toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Việc thiết lập ADIZ còn được coi là bước đi tiếp theo trong chiến lược khẳng định chủ quyền của Trung Quốc tại quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Bởi thông qua ADIZ, Trung Quốc muốn tái khẳng định với Nhật Bản: phải thừa nhận đang có tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư. Có người cho rằng, Bắc Kinh đang gia tăng áp lực nhằm thử thách quyết tâm của Tokyo trong vấn đề Senkaku/Điếu Ngư. Đây cũng là phép thử tiếp theo của Trung Quốc không chỉ đối với các nước hữu quan, mà cả các cường quốc trong và ngoài khu vực.
Tàu khu trục Thẩm Dương mang tên lửa hộ tống tàu Liêu Ninh kéo xuống Biển Đông
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khuyến cáo hơn 600.000 công dân nước này ở Nhật nên đăng ký tình huống khẩn cấp đề phòng diễn biến xấu xảy ra. Giới phân tích cho rằng, bây giờ không phải lúc Trung - Nhật so tài về sức mạnh quân sự, mà là lúc để lãnh đạo hai bên so tài về trí khôn.
Có tin nói rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị xung đột vũ trang với Nhật Bản để chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau khi Bắc Kinh thành lập ADIZ trên biển Hoa Đông. Đã có không ít câu hỏi được đặt ra về khả năng không chiến tại biển Hoa Đông và khi đó ai sẽ giành chiến thắng. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu khai hỏa tại biển Hoa Đông, Nhật Bản tuy có lợi thế về chất lượng vũ khí và hệ thống chỉ huy trên không, nhưng Trung Quốc lại có lợi thế về số lượng và địa lý. Tuy bất lợi về khoảng cách địa lý tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng Nhật Bản có thể nhờ tới sự trợ giúp của Mỹ, ít nhất là thông tin tình báo. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã tái khẳng định sau khi Trung Quốc thiết lập ADIZ: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý nằm trong Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật, và điều này có nghĩa Washington sẽ bảo vệ đồng minh Tokyo nếu bị tấn công. Ông Chuck Hagel còn nhấn mạnh, hơn 70.000 binh sĩ đồn trú ở Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không tôn trọng tuyên bố thiết lập ADIZ của Trung Quốc.
Ngày 26/11, Lực lượng tuần duyên Hàn Quốc thông báo, số lần máy bay giám sát biển Trung Quốc bay gần trạm nghiên cứu hải dương của Hàn Quốc ở bãi đá ngầm tranh chấp Ieodo/Tô Nham Tiêu tăng đáng kể trong năm nay. Tính từ đầu năm đến nay đã có 37 lượt máy bay giám sát biển Trung Quốc đến gần trạm nghiên cứu nói trên, so với con số 36 của năm 2012, 27 của năm 2011 và năm 2008 chỉ có một chuyến bayđến Ieodo/Tô Nham Tiêu. Nhưng số lần tàu Trung Quốc tuần tra vùng biển xung quanhIeodo/Tô Nham Tiêu lại giảm, từ 35 chuyến trong năm 2010 xuống còn 25 trong năm 2012 và 10 trong năm 2013. Trong khi đó Hàn Quốc đã triển khai một tàu lớn có khả năng hỗ trợ trực thăng gần Ieodo/Tô Nham Tiêu, với tần suất bay giám sát trên không 3-4 lần/tuần. |
Hồng Thất Công - Tuấn Quỳnh