Mỹ hạ giọng trong vụ Edward Snowden

11:04 | 30/06/2013

595 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Mỹ bắt đầu dịu giọng với Nga trong vụ Snowden sau gần một tuần “đấu võ mồm” căng thẳng giữa hai nước.

Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng cảnh giác Nga “sẽ phải chịu những hậu quả” nếu không giao Snowden

Cho đến ngày 30/6, không có thêm tin gì mới về cựu nhân viên CIA Edward Snowden, người bị Mỹ yêu cầu dẫn độ, được coi là vẫn ở trong khu quá cảnh sân bay quốc tế Sheremetyevo, Matxcơva từ mấy ngày qua.

Mặc dù những bất đồng ý kiến giữa Mỹ và Nga vẫn còn tồn tại chưa biết sẽ đi tới đâu, các giới chức của hai nước đều đã tỏ ra dịu giọng không còn dùng những ngôn ngữ cứng rắn như trong ngày đầu tuần sau khi Snowden từ Hong Kong đến Matxcơva .

Tổng thống Obama hôm 26/6 trong chuyến công du Châu Phi, tuyên bố với các phóng viên trên máy bay Air Force One rằng ông chưa nói chuyện gì với chủ tịch Trung Quốc cũng như Tổng thống Nga vì chuyện này thông thường là do những giới thực thi pháp luật giữa các nước giải quyết với nhau…

Nhưng tại Senegal ông nói rõ hơn, cho rằng Edward Snowden, “một hacker 29 tuổi”, không đáng để phải xoay sở thương lượng với các quốc gia khác hầu có thể dẫn độ về Mỹ truy tố tội do thám. Theo lời Tổng thống Mỹ: “Đây không phải chuyện đặc biệt trên bình diện pháp lý. Tôi sẽ không để cho trường hợp một nghi can chúng ta muốn dẫn độ, bỗng nhiên được nâng lên tầm cỡ phải xoay sở, thương lượng, đánh đổi với cả loạt những vấn đề khác để đem về”.

Hôm 24/6 sau khi Snowden từ Hong Kong trốn đến Matxcơva, nhiều giới chức Mỹ mạnh mẽ phê phán Hong Kong và Trung Quốc. Ngoại trưởng John Kerry lên tiếng cảnh giác Nga “sẽ phải chịu những hậu quả” nếu không giải giao nghi can. Đáp lại Tổng thống Vladimir Putin khẳng định là căn cứ trên nguyên lý nhân quyền, Snowden không phải tội phạm ở Nga và giữa Nga với Mỹ không có hiệp ước dẫn độ.

Tiếp đó, dù nói rằng “theo đường lối ứng xử bình thường giữa hai quốc gia, Nga nên cho dẫn độ Snowden” nhưng Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh là “Mỹ không muốn đối đầu với Nga hay bất cứ nước nào khác”. Tổng thống Putin cũng khẳng định là “không xem vụ Snowden như là một việc tác động đến mối quan hệ có tính cách ‘đâu ra đấy’ với Mỹ”.

Ngày 25/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Putin đều minh định là “Snowden không nhập cảnh vào lãnh thổ Nga và tạm lưu lại trong khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo chờ đợi đổi chuyến bay đi nơi khác”. Theo lời ông Putin, đối với Nga “Snowden là một người tự do muốn đi đâu là do ý của đương sự”, nhưng ông cũng nói thêm rằng “Snowden nên sớm chọn lựa và quyết định vì lưu lại lâu ở Matxcơva không tốt cho ông ta cũng như cho nước Nga”.

Ngày 25/6, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định: “Snowden không nhập cảnh vào lãnh thổ Nga và tạm lưu lại trong khu vực quá cảnh của sân bay Sheremetyevo chờ đợi đổi chuyến bay đi nơi khác”.

Vấn đề phức tạp là Mỹ đã thu hồi hộ chiếu, có nghĩa Snowden không đủ giấy tờ hợp pháp để nhập cảnh một nước khác và các hãng hàng không có thể từ chối cho lên máy bay. Khi đi khỏi Hong Kong, WikiLeaks cử một thành viên đi theo trợ giúp và nói rằng Snowden có giấy của Ecuador cho phép tị nạn. Nhưng Ecuador sau đó cải chính điều này, khẳng định là chưa cấp một giấy tờ gì và đã nhận được đơn xin tị nạn của Snowden nhưng việc cứu xét sẽ còn phải kéo dài hàng tháng mới có quyết định.

Do đó người ta cho là Snowden sẽ còn kẹt lại lâu tại sân bay Matxcơva và có một số những tổ chức bênh vực nói anh ta nên xin tị nạn ở Nga. Hôm 28/6, ủy viên nhân quyền Nga, ông Vladimir Lukin khi được hỏi về khả năng này, trả lời là ông không nghĩ Nga nên dành cho Snowden quyền tị nạn chính trị.

Ông Lukin giải thích với thông tấn xã Nga Interfax: “Tôi không thể trả lời dứt khoát câu hỏi này bằng một tiếng ‘Có’ hay ‘Không’, vì tôi có những hoài nghi. Theo tôi Snowden không phải là cá nhân thích đáng để ủng hộ hay thương hại chỉ với một lý lẽ là Mỹ không thích anh ta”. Ông nói: “Có lợi ích quốc gia hay nhân đạo để giữ anh ta lại trong đất nước chúng ta không? Tôi không chắc. Anh ta không có tội gì với nước Nga. Nhưng quyền tị nạn không phải là dành cho tất cả mọi ai không phạm tội với Nga. Anh ta đã ở Hong Kong. Tại sao lại bay sang Nga? Một chuyện lẽ ra của Trung Quốc trở thành của chúng ta. Người ta đã tạo ra một tình huống buộc chúng ta phải giải quyết. Chúng ta phải đối phó với một hoàn cảnh bó buộc. Tôi thấy đây là việc có sự kích thích và nghiêm trọng”.

Vụ Snowden còn thêm bí ẩn vì trong suốt mấy ngày hàng chục phóng viên đã săn lùng ở sân bay Sheremetyevo nhưng không một ai thấy Snowden. Phải chăng cơ quan mật vụ Nga đem anh ta đi đâu. Tổng thống Putin cực lực bác bỏ dư luận đồn đại. Ông khẳng định: “Các cơ quan an ninh Nga đã và sẽ không làm việc với Snowden. Anh ta đến Matxcơva là chuyện hoàn toàn bất ngờ”. Ngoại trưởng Lavrov cũng xác nhận là Nga “không đóng bất kỳ vai trò nào trong vụ ông Snowden”, đồng thời phản bác yêu cầu dẫn độ của Mỹ.

Trong khi đó thông tấn xã RIA Novosti cho biết một số thành viên Quốc hội Nga cho biết sẽ mở cuộc điều tra về việc Mỹ do thám và có thể mời Snowden hợp tác vào cuộc điều tra này sau khi Snowden đã giải quyết tình trạng pháp lý của anh ta.

Người biểu tình ủng hộ Snowden ở Mỹ

Còn Ecuador thì công khai tỏ bày sự thách thức Mỹ bằng cách nói không từ chối việc tị nạn của Snowden dù rằng cụ thể cho đến bây giờ chưa chấp thuận mà còn cứu xét. Đáp lại lời cảnh cáo của Thượng nghị sĩ Robert Menendez, chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, rằng các biện pháp ưu đãi thương mại Mỹ dành cho Ecuador có thể chấm dứt ngay nếu để cho Snowden tị nạn chính trị, Tổng thống Rafael Correa tuyên bố: “Chừng nào tôi còn là Tổng thống thì Ecuador không thể bị đe dọa. Những quyết định của chúng tôi không phải để bán lấy tiền”.

Ngày 29/6, theo AP, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói chuyện với Tổng thống Ecuador về Edward Snowden, đang tìm cách tị nạn chính trị tại Ecuador. Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói phó Tổng thống Mỹ Biden đã yêu cầu ông bác đơn xin tị nạn chính trị của Snowden.

Tổng thống Correa tiết lộ chi tiết cuộc nói chuyện với phó Tổng thống Biden trong thông điệp hàng tuần của ông vào ngày 29/6. Ông Correa nói ông nói chuyện với phó Tổng thống Mỹ hôm 28/6.

Th.Long (Theo AP) 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc