Vụ máy bay Malaysia mất tích:

Kịch bản không tặc lái MH370 tới Tân Cương hoặc Tây Tạng?

11:17 | 16/03/2014

4,760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các nhà điều tra đang tập trung nghiên cứu các khả năng không tặc chiếc máy bay MH370, trong đó có luận cứ cho thấy chiếc máy bay này đã được không tặc lái tới vùng Tân Cương hoặc Tây Tạng của Trung Quốc.

>>  Video: Phá đường dây "gái tơ" dưới 18 tuổi ở Hà Nội

Không tặc lái MH370 tới Tân Cương hoặc Tây Tạng?

Chính quyền Tân Cương cho rằng các vụ bạo loạn ở đây do các phần tử tôn giáo cực đoan được huấn luyện khủng bố ở nước ngoài gây ra

Vài giờ sau khi chiếc máy bay MH370 của Hãng hàng không Malaysia Airlines bị biến mất trên màn hình radar dân sự ngày 8-3, hãng tin Reuters cho biết có hành khách là người Duy Ngô Nhĩ trên máy bay mất tích. Cụ thể, trong danh sách hơn 150 hành khách Trung Quốc có mặt trên chiếc máy bay MH370 được phát hành bởi cảnh sát Bắc Kinh, có ít nhất hai cái tên có thể là tên của người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương - một khu vực tiềm ẩn nhiều bất ổn của Trung Quốc và có liên quan đến một số vụ khủng bố gần đây ở nước này.

Sau đó 2 ngày, vào ngày 10-3, sau khi diễn đàn trực tuyến Boxun.com (Trung Quốc) đăng tải bức thư nặc danh được gửi tới “Bắc Phong”, nhà truyền thông mạng có danh tiếng ở Trung Quốc, dư luận và đặc biệt là một số trang mạng xã hội đang lan truyền thông tin về bức thư này. Bởi trong bức thư gửi tới “Bắc Phong” tác giả tự xưng là “Người lãnh đạo lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc" nhận đứng sau vụ máy bay của Malaysia Airlines mất tích, đồng thời tuyên bố đây là hành động trả thù cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, Trung Quốc. China Times, một trong bốn tờ báo lớn nhất Đài Loan đã đăng lại bức thư kể trên. Vì diễn đàn trực tuyến Boxun.com là địa chỉ được các thành viên có thể đăng bài viết không cần qua sự kiểm duyệt, thẩm định, nên mức độ tin cậy không cao.

Trong thư, người lãnh đạo “Lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc" khẳng định, đây là một sự kiện chính trị và mọi nỗ lực tìm kiếm đều không có kết quả bởi những người trên chuyến bay MH 370 hiện đang quì gối sám hối trước Thánh Allah, không một ai thoát! Đồng thời nhấn mạnh, Malaysia và Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về sự mất tích của chiếc Boeing 777-200 bởi họ từng bức hại tàn khốc và trấn áp người Duy Ngô Nhĩ. Malaysia Airlines không có trách nhiệm trong vụ này vì máy bay không có bất cứ sự cố kĩ thuật nào, phi công không có bất cứ sơ suất nào.

“Người lãnh đạo Lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc" cũng coi đây là sự trả thù đối với “sự kiện tối 1/3 ở nhà ga Côn Minh”. Do đó, cần qui trách nhiệm cho chính phủ Trung Quốc (60%) và chính phủ Malaysia (40%). Ngoài ra, “Người lãnh đạo lữ đoàn liệt sĩ Trung Quốc" còn yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải phải lập tức thả những người Duy Ngô Nhĩ bị bắt sau vụ 1/3 ở Côn Minh, nếu không những vụ việc tương tự nhằm vào người Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra.

Ngày 11-3, PetroTimes đăng tải những ý kiến của các độc giả gửi đến khi trả lời câu hỏi “Có thù oán giữa người Duy Ngô Nhĩ với Malaysia?”. Độc giả Văn Thành ([email protected]) trả lời: "Bởi vì Malaysia từng tiến hành trục xuất những người Duy Ngô Nhĩ ở đất nước này" hay độc giả Quốc Anh ([email protected]) cho biết: "Cuối năm 2012, Malaysia đã trao trả sáu người Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc mà thù oán của người Duy Ngô Nhĩ với Trung Quốc thì ai cũng biết".

Những luận cứ trên đang được móc nối một cách lôgic với những phát hiện mới nhất về khả năng không tặc chiếc MH370 mà trên đó có hơn một nửa hành khách là người Trung Quốc. Ngày 15-3, Thủ tướng Malaysia họp báo khẳng định chiếc máy bay này đã bị một ai đó cố tình can thiệp. Nó biến mất trên màn hình radar dân sự nhưng vẫn tiếp tục xuất hiện trên màn hình radar quân sự trong suốt 6 tiếng đồng hồ sau đó rồi mới mất hẳn tín hiệu. Giới chuyên gia hàng không cho rằng phi công có thể lái chiếc MH370 tránh né radar như vậy phải là người cực kỳ giỏi.

Cũng trong hôm qua, cảnh sát Malaysia đã lục soát nhà riêng của cơ trưởng chiếc MH370 nhưng đến nay vẫn chưa có tiết lộ thông tin gì về vụ lục soát này.

Không tặc lái MH370 tới Tân Cương hoặc Tây Tạng?

Malaysia đang tìm cách lần theo dấu vết của chiếc máy bay bị mất tích ở hai khu vực chính: từ biên giới giữa Kazakhstan và Turkmenistan đến phía Bắc Thái Lan và từ cực Nam Indonesia đến phía Nam của Ấn Độ Dương

Giờ là lúc các chuyên gia đưa ra những đánh giá về các kịch bản không tặc. Phát biểu trên BBC News ngày 15-3, ông Nguyễn Thành Trung, nguyên Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, nói nếu các thông tin mà giới chức cứu hộ và chính phủ Malaysia đưa ra là tin cậy được, chiếc Boeing 777-200 cũng có thể bay tới một điểm ở Tân Cương, hoặc thậm chí Tây Tạng trong vòng bốn giờ còn lại.

Tuy nhiên, việc một chiếc Boeing 777-200 có thể hạ cánh xuống một “ địa điểm bí mật” nào đó trên đất Tân Cương, xem ra cũng rất hoang đường, bởi tìm được một sân bay đủ cho máy bay hạ cánh là không đơn giản.

Trước đó, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với truyền thông, đã có thông tin gợi ý chiếc Boeing 777-200 có thể đi theo một trong hai lộ trình được hiểu là dẫn tới khu vực từ biên giới giữa Kazakhstan và Turkmenistan đến phía bắc Thái Lan, hoặc từ cực Nam Indonesia đến phái Nam của Ấn Độ Dương.

Trong trường hợp có không tặc, theo ông Trung, người từng có kinh nghiệm lái Boeing 777 cùng hàng nghìn giờ bay máy bay quân sự và dân sự, các không tặc có thể đã khống chế tổ lái bắt ngắt tín hiệu liên lạc, cũng như giữ im lặng trong khi lái, do đó đã không có dấu hiệu đối thoại của phi công với mặt đất.

Trong kịch bản khác căng thẳng hơn, theo ông Trung, các phi công cũng có thể đã bị các thành viên nhóm không tặc hạ sát, ngay khi lọt được vào buồng lái và sau đó nhóm này tự điều khiển chiếc Boeing.

Chuyên gia hàng không Paul Yap tại đại học kỹ thuật Temasek ở Singapore cho rằng hiện nay chỉ còn vài kịch bản cho vụ mất tích chiếc máy bay mà hôm nay bước sang ngày thứ chín. Theo chuyên gia này thì kịch bản thứ nhất những người tham gia vào hoạt động chủ ý vừa nói là phi công lái máy bay, một hoặc cả hai trong buồng lái.

Kịch bản thứ hai là những tên khủng bố buộc phi công chuyển hướng bay và cho tắt mọi thiết bị liên lạc với đe dọa nếu không thực hiện thì chúng sẽ giết các hành khách.

Còn nhớ trong vụ khủng bố nhằm vào nước Mỹ 11-9-2001, trong bốn chiếc máy bay bị không tặc thì có ba chiếc bị tắt hệ thống thiết bị liên lạc.

Trong khi đó một giáo sư nghiên cứu về khủng bố tại đại học Wollongong của Australia thì lại nói ông này vẫn nghi một âm mưu khủng bố được tổ chức là nguyên nhân của vụ mất tích chiếc máy bay của hãng hàng không Malaysia ngày 8-3 vừa qua.

Malaysia chưa hề là đích của những vụ tấn công khủng bố lớn lâu nay. Tuy nhiên theo các phân tích gia về khủng bố thì nơi này lại là chỗ ở của một số cá nhân được nói là người điều hành các nhóm khủng bố như nhóm Jemaah Islamiyah.

Trên chiếc máy bay mất tích với 227 hành khách và 12 nhân viên phi hành đoàn, có hơn 150 hành khách là người Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh hiện đang phải đối phó với làn sóng phản đối của người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương. Tại Tân Cương từ năm 2009 đã xảy ra nhiều vụ bạo động đẫm máu giữa người Hán  và người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, luôn tố cáo Bắc Kinh đã gạt họ ra bên lề công cuộc phát triển kinh tế.

Nhiều vụ tấn công khủng bố tại Trung Quốc được cho là do người Duy Ngô Nhĩ tiến hành. Vụ gây chấn động gần nhất là một nhóm chừng chục người Duy Ngô Nhĩ đã dùng dao tấn công vào hành khách tại nhà ga xe lửa ở thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam ngày 1-3 vừa qua khiến cho 29 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.

Nếu hầu hết các chuyên gia cho rằng đây là vụ không tặc thì tại sao đến giờ này vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào nhận là tác giả?

Đây mới chính là bí ẩn lớn nhất của vụ mất tích chiếc máy bay MH370.

>>  Video: Phá đường dây "gái tơ" dưới 18 tuổi ở Hà Nội

 

Th.Long

tổng hợp