Khủng hoảng chính trị Thái Lan thêm trầm trọng

07:00 | 22/12/2013

974 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Phe đối lập chính ở Thái Lan hôm qua tuyên bố họ sẽ tẩy chay cuộc tổng tuyển cử vào tháng 2/2014. Điều này có thể đẩy Thái Lan rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kéo dài.

Lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập Thái Lan Abhisit Vejjajiva (giữa) tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử tại buổi họp báo hôm 21/12/2013 ở Bangkok

Đảng Dân Chủ, đảng chính trị đối lập chính ở Thái Lan hôm qua tuyên bố cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 2/2/2014 sẽ không giải quyết được các vấn đề của xã hội Thái Lan, không dẫn đến cải cách, cũng như không trả lại cho dân chúng niềm tin vào chính trị. Chính vì điều này, ông Abhisit Vejjajiva vừa được bầu lại làm chủ tịch đảng Dân chủ trong một đại hội bất thường của đảng này ngày 17/12/2013 tuyên bố tẩy chay cuộc tổng tuyển cử này. Trước đó, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã giải tán Quốc hội như một hành động để làm giảm nhiệt các cuộc biểu tình của phe áo vàng đòi bà từ chức.

Ông Abhisit Vejjajiva cho biết quyết định tẩy chay bầu cử của đang Dân chủ được các thành viên trong đảng qua bỏ phiếu thông qua. Đây là những người đã  từ chức tập thể để tham gia các cuộc biểu tình làm rung chuyển Bangkok trong những tuần vừa qua.

Sau lời tuyên bố trên, đảng Dân Chủ và phe áo vàng đang kêu gọi người dân tiếp tục biểu tình để lật đổ chính phủ của bà Yinluck Shinawatra. Tuy vậy nữ Thủ tướng tạm quyền nói rằng, tổ chức tổng tuyển cử là một nỗ lực giải quyết khủng hoảng và cuộc bầu cử sẽ vẫn được tổ chức cho dù đảng Dân Chủ không tham gia.

Đảng Dân Chủ đòi có cải tổ dân chủ trước khi tổ chức tổng tuyển cử và đề nghị thành lập một hội đồng nhân dân qua chỉ định chọn lọc để tạm điều hành đất nước.

Lời tuyên bố của lãnh đạo đối lập Thái Lan được đưa ra vào lúc phong trào đối lập đang chuẩn bị cho một cuộc biểu tình lớn vào hôm nay, 22/12, để tiếp tục làn sóng biểu tình khởi sự từ cuối tháng 10, chỉ tạm ngưng lắng vào dịp sinh nhật Vua Bhumibol.

Theo giới quan sát, các thành phần chủ yếu của đối lập là đa số giới thượng lưu Bangkok, những người theo chủ trương bảo hoàng triệt để và những người dân Thái đồng nhất chính quyền của dòng họ Thaksin với nạn tham nhũng. Mục tiêu của phong trào đối lập Thái Lan là đòi Thủ tướng Yingluck từ chức. Phe biểu tình cáo buộc nữ Thủ tướng Yingluck bị người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin (bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự 2006), điều khiển từ xa.

Nỗ lực của đối lập cho đến nay không thành công. Vào thời điểm cao trào, những người biểu tình đã chiếm được một số trụ sở cấp bộ của chính quyền, thậm chí cả trụ sở chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị quân đội can thiệp của phe đối lập đã không được đáp ứng. Các tướng lãnh khuyến cáo lãnh đạo đối lập nên đối thoại với chính phủ và ủng hộ bầu cử.

Sau một thời gian lưỡng lự giữa tham gia bầu cử Quốc hội sớm và tiếp tục phong trào phản kháng, đối lập Thái Lan quyết định tiếp tục chủ trương dùng sức mạnh của đường phố. Mục tiêu của đối lập là thành lập một chính phủ lâm thời để cải cách luật bầu cử và khung pháp lý liên quan đến các đảng phái chính trị, trước khi tổ chức một cuộc bầu cử mới. Theo các nhà bình luận, nếu cuộc bầu cử Quốc hội trước kỳ hạn diễn ra như dự kiến, phe đối lập một lần nữa sẽ thất bại.

Ông Abhisit Vejjajiva vừa bị tư pháp Thái Lan khởi tố, hôm 12/12/2013, về tội sát nhân, liên quan đến chiến dịch đàn áp phong trào biểu tình của phe Áo Đỏ thân Thaksin vào năm 2010, khi ông đang giữ chức Thủ tướng. Quyết định tẩy chay bầu cử của đối lập Thái Lan có nguy cơ làm khủng hoảng thêm trầm trọng tại một đất nước, vốn không có truyền thống đối thoại chính trị, nơi xã hội chia làm hai nửa đối lập: một bên ủng hộ và một bên chống cựu Thủ tướng Thaksin.

Nh.Thạch

AFP, AP