Vì sao Obama vẫn giở thói "côn đồ" với Tổng thống Al-Assad?

13:00 | 24/01/2014

6,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chẳng phải cá nhân Tổng thống Obama ghét bỏ gì người đồng nhiệm Syria Al-Assad mà từ bao đời nay Tổng thống Mỹ nào cũng thế, đều không thích những người đứng đầu các chính thể không cam chịu làm "tay sai" cho Mỹ.

Chuyện chẳng có gì đáng bàn nếu đó chỉ là hành động yêu ghét của nguyên thủ Mỹ đối với các quốc gia khác. Một vị Tổng thống Mỹ được dân bầu lên đương nhiên phải chăm lo cho đời sống người dân của họ. Muốn làm được vậy ông ta phải duy trì vị thế của Mỹ. Bằng cách nào? Bằng đủ mọi cách, mọi thủ đoạn.

Cái đáng bàn ở đây là vì muốn làm lợi cho mình, cho dân mình, Tổng thống Obama đã vi phạm thông lệ quốc tế. Đó là can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác theo hướng có lợi cho mình và làm hại tới nhân dân nước khác. Và nguy hiểm ở chỗ Mỹ lại chơi trò “ngụy quân tử”, tức là lấy cớ bảo vệ nhân quyền, đem tự do cho người dân “nước khác” để làm bình phong can thiệp. Đời không ai cho không ai cái gì bao giờ. Cử tri Mỹ còn đang thất nghiệp đầy đường, kinh tế trì trệ, bất công và bạo lực xã hội không nhiều, nhưng cũng chẳng thể nói là ít. Lãnh đạo Mỹ còn lo chưa xong, đừng nói tới chuyện đem phước tới cho người dân xứ khác.

Nào là Iraq, nào là Afghanistan, nào là Libya. Trước khi tìm cách thay đổi các chế độ ở đây, Mỹ luôn nói là đem quân đến giải phóng “tự do” cho người dân các nước này khỏi ách thống trị của những tên bạo chúa, đem lại cho họ sự sung túc và ổn định, giá trị nhân quyền… Thử nhìn xem ở các nước trên giờ là gì? Đó là xung đột phe phái, đất nước bị chia rẽ, bạo lực tràn lan, kinh tế kiệt quệ. Tóm lại là những thứ cũng chẳng tốt đẹp gì hơn trước. Họa chăng đó chỉ là sự thay đổi từ điều tồi tệ này sang điều tệ hại khác.

Ngoại trưởng Syria Walid Muallem (trái) và đoàn đại biểu tham gia cuộc đàm phán hòa bình Geneve-2, ngày 22/1/2014

Hội nghị hòa bình cho Syria lần thứ 2, còn được gọi là Geneve-2, đang diễn ra tại Thụy Sĩ. Đây là sòng bạc lớn của Mỹ và các đồng minh cùng phe đối lập Syria với bên kia là Nga và chính phủ của Tổng thống Assad. Tổng cộng trên 30 phái đoàn. Iran là đồng minh của Nga và chính quyền Assad, nhưng không được mời tham dự.

Mở đầu canh bạc này, Mỹ ra kèo: “Assad phải ra đi”. Phía Nga đáp trả: “Geneve-2 không dự kiến thảo luận vấn đề thay đổi chế độ ở Syria” (tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao Nga trước khi bắt đầu hội nghị). Phía đại diện chính quyền Assad bốp chát: “Không ai, ngay cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, có thể tuyên bố rằng Tổng thống Assad là bất hợp pháp” (lời phát biểu của Ngoại trưởng Syria Walid al-Moallem đọc trước toàn thể hội nghị).

Chẳng phải chờ đến bây giờ Mỹ mới nói điều này. Ngay từ khi cuộc khủng hoảng tại Syria nổ ra cách nay 3 năm, Mỹ, Anh, Pháp và các nước đồng minh Arập đã yêu cầu Tổng thống Assad từ chức. Theo họ, chỉ có bằng cách này Syria mới có hòa bình, mới không còn cảnh đổ máu. Những nước này đã công khai ủng hộ phe chống đối Tổng thống Assad, nhưng lại bí mật cung cấp trang bị, vũ khí cho họ với hy vọng họ sẽ lật đổ được chế độ Assad bằng vũ lực. Nhưng đến nay xem ra điều này bất thành.

Nga và các đồng minh như Iran, Liban cùng chính quyền Assad thì nói nên giải quyết theo giải pháp chính trị, Tổng thống Assad sẵn sàng chia sẻ quyền lực bằng bầu cử, chứ không có kiểu chuyển giao (cho không) quyền lực.

Hôm qua, 23-1, đại diện các thành phần chủ chốt tại Geneve-2 gặp gỡ “khởi động” đã không tiếc lời mạt sát nhau. Trong không khí hiềm thù tột độ như thế, Geneve-2 nắm chắc thất bại. Những thành công “ngoài lề” may ra có thể đạt được là một lộ trình đàm phán tiếp theo, và một hành lang cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế.

Tờ Libération của Pháp ra ngày 23-1 chạy tựa chính trang nhất: “Syria: Nền hòa bình không thể”. Theo nhận định của tờ báo: “Dù cho cuộc chiến đã làm 130 nghìn người chết, nhưng thời gian vẫn chưa gọi là chín muồi để đối lập và chế độ Damas chấp thuận hòa bình. Hai bên vẫn còn tin là mình có thể chiến thắng bằng vũ khí, còn các đồng minh của bên này hay bên kia thì vẫn tiếp tục kìm giữ chiến hữu của mình trong vòng ảo tưởng nguy hiểm”. Trong lúc này, đồng minh của các bên vẫn tiếp tục bơm vũ khí cho các phe phái kình chống nhau tại Syria. Đặc biệt là Ryad, cũng như một số vương quốc vùng Vịnh vẫn tiếp tục nuôi dưỡng những lực lượng thánh chiến cực đoan nhất. Mặt khác, Iran hậu thuẫn chính quyền Al-Assad bằng vũ khí, bằng con người thông qua phong trào Hezbollah.

Cái nguy hiểm tại Syria hiện nay và sắp tới là vấn đề khủng bố. Phe chính quyền Assad hiện phải chống lại một mớ tổ chức khủng bố lấy danh phe chống đối. Phe Assad mà đổ thì Syria sẽ biến thành một ổ khủng bố, chẳng khác gì Afghanistan ngày nay.

Mỹ có thể lật đổ chế độ Assad, nhưng cái giá phải trả trước mắt cũng như tiềm tàng không phải nhỏ. Ngày trước, Mỹ giúp Osama Bin Laden đẩy Nga ra khỏi Afghanistan để rồi nhận được vụ khủng bố 11/9/2001 do tên trùm khủng bố này chỉ huy. Theo báo chí Nga, tham gia trong hàng ngũ phe đối lập cực đoan Syria hiện nay có hơn 700 cư dân Pháp và 500 công dân Anh, chủ yếu là những người gốc Arập và châu Phi. Dòng chảy chiến binh từ châu Âu đến Syria vẫn tiếp diễn. Một khi chúng quay về “cố quốc” thì đó sẽ là “món quà” dành cho các nước đang ra sức vận động lật đổ chế độ Assad để giao quyền vào tay những phần tử khủng bố.

Có thể nói Syria giờ là “sàn đấu” của một bên là Mỹ và các đồng minh, với bên kia là Nga và các đồng minh. Cuộc đấu này sẽ còn dài chứ không thể chấm dứt sau 7-10 ngày đàm phán tại Geneve. Syria sẽ tốt hơn nếu để tự người Syria giải quyết. Lắm thầy thì ắt sẽ có nhiều ma!

H.Phan

tổng hợp