Cuộc đời đầy biến động của Đại tá Muammar Kaddafi

08:52 | 26/10/2011

570 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Muammar alKaddafi (hay Mu'ammar alKaddafi, Mohmmar Qadaffi, Moammar Gadhafi) nguyên thủ quốc gia Libya là một trong những nhân vật gây nhiều tranh cãi nhất Trung Đông.

Sinh ngày 7/6/1942 tại sa mạc Sirte trong một gia đình Bedouin nghèo, Kaddafi thời niên thiếu đã sống trong lễ nghi tôn giáo. Thời trai trẻ, Kaddafi tỏ ra căm ghét chủ nghĩa tư bản và không có chút thiện cảm với phương Tây. Cảm giác này càng được châm dầu bởi hàng loạt câu chuyện mà ông nghe nói về sự dã man của quân Ý, trong đó có chuyện về vụ giết hại anh hùng Omar Mukhtar – người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân.

Khi đến Sebha học, Kaddafi thành lập Phong trào các sĩ quan tự do, dựa vào mô hình nhóm cách mạng của Gamal Abdel Nasser ở Ai Cập. Ảnh hưởng nặng từ kinh Koran, Kaddafi buộc các thành viên trong nhóm phải thường xuyên cầu nguyện, xa lánh rượu chè cũng như đàn bà và cờ bạc. Kaddafi tham gia vào nhiều cuộc biểu tình, đặc biệt ủng hộ Nasser và tổ chức Thống nhất Arập. Những hoạt động này đã khiến Kaddafi bị trục xuất khỏi Sebha sau đó.

Trái sang) Vua Arập Xêút Feisal, Đại tá Muammar Kaddafi, Tổng thống Yemen Abdul Rahman al-Iryani, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser (tháng 9/1970)

Kaddafi tiếp tục con đường học vấn tại Misurata và sau đó là Đại học Libya, nơi ông tốt nghiệp với bằng luật. Kế đó, Kaddafi vào Học viện Quân sự ở Benghazi, tốt nghiệp năm 1965. Tại Benghazi, Kaddafi tiếp tục tuyển mộ thành viên cho tổ chức kháng chiến của mình. Trong chương trình học, có lúc Kaddafi phải sang Anh để được dạy về truyền thông. Khi Kaddafi trở về nước, phong trào chống đối vua Idris I của Libya bắt đầu dâng cao. Đầu năm 1969, Kaddafi chuẩn bị thực hiện cuộc đảo chính.

Ngày 1/9/1969, cuộc cách mạng của Kaddafi thành công. Lúc đó, mới 27 tuổi, ông trở thành Chủ tịch Ủy ban Chỉ huy cách mạng. Chính thể mới của Kaddafi thực hiện những thay đổi lớn và toàn diện, dựa trên ba nguyên tắc chính: tự do (không chịu ảnh hưởng từ phương Tây), thống nhất các dân tộc Arập, và công bằng (hòa hợp Hồi giáo và chủ nghĩa xã hội). Tất cả những luận điểm này đã được Kaddafi viết trong quyển Sách Xanh, xuất bản giữa thập niên 70 của thế kỷ trước.

Libya dần dần giành lại các giếng dầu mà trước đó nằm trong tay Mỹ và Anh. Quân đội của hai nước này cũng bị buộc rút ra khỏi các căn cứ của họ lập nên từ sau Thế chiến thứ hai. Năm 1970, Kaddafi tuyên bố quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của Ý cũng như các vùng đất không có người Do Thái. Doanh lợi từ dầu hỏa được đổ vào xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và mức sống người dân cũng tốt dần. Vẫn chủ trương ái quốc và không đội trời chung với phương Tây, Kaddafi ngăn cấm hoàn toàn việc uống rượu trong cả nước, tất cả ngôn ngữ nước ngoài bị cấm sử dụng trong giao dịch kinh tế chính thức, toàn bộ ngân hàng bị quốc hữu hóa và mọi khu vực kinh tế tư nhân bị hủy bỏ. Sau đó, dầu hỏa còn cung cấp trang bị vũ khí cho các phong trào tự do ở những nước khác, nhất là cho Palestine. Cũng bắt đầu từ lúc này, Kaddafi bị buộc tội tài trợ cho khủng bố. Quan hệ ngoại giao giữa Libya và phương Tây, đặc biệt với Mỹ, ngày càng hời hợt và thậm chí biến thành thù địch từ sau khi vụ một chiếc máy bay Pan-Am bị đánh bom nổ tan tành trên bầu trời Lockerbie (Scotland) vào ngày 21/12/1988 (làm chết 270 người).

Tháng 9/1997, ngoại trưởng của các nước Arập đã đồng ý phá luật cấm vận của LHQ bằng việc cho phép các chuyến bay chở Kaddafi hạ cánh trên lãnh thổ họ…

Trong ba thập niên hoạt động chính trị của mình, Kaddafi đã đương đầu với ít nhất 19 vụ đảo chính và hơn 10 vụ mưu sát. Người ta không hiểu làm cách nào Kaddafi có thể chống chọi lại được những âm mưu ám sát được thực hiện từ bàn tay của dân chuyên nghiệp. Liệu có phải nhờ vào lực lượng cảnh vệ toàn là nữ của ông không? Đó là những người được miêu tả là “mang súng AK như đeo nữ trang”! Một trong những vụ ám sát như vậy đã xảy ra vào ngày 2/6/1998, khi một nhóm vũ trang tấn công vào đoàn xe của ông ở Benghazi. Một trong những sĩ quan cận vệ – Aisha – đã bị chết khi cô lấy mình làm lá chắn đạn cho Kaddafi. 7 nữ cận vệ khác bị thương và Kaddafi thì bị một vết trầy nơi khuỷu tay.

Năm 2000, trang nhất tờ Sunday Times số ra ngày 13/2/2000, từng gây xôn xao dư luận khi có bài viết buộc tội Cơ quan Tình báo Anh MI6 từng dính vào một kế hoạch ám sát Kaddafi, tiết lộ rằng hồi tháng 11/1995, Chính phủ Anh đã móc nối với một trong những kẻ thực hiện vụ ám sát. David Shayler – cựu tình báo viên MI6, người từng gây chú ý khi tiết lộ nhiều thông tin tuyệt mật trong làng tình báo xứ nhà – cũng nói về vụ này hồi tháng 8/1998, rằng âm mưu ám sát Kaddafi đã tiến hành và làm thiệt mạng một số thường dân ở hiện trường. Shayler cho biết hồi mình chưa rút chân khỏi MI6, có nguồn tin kể với ông rằng MI6 đã trả khoảng 100.000 bảng Anh để cài một điệp viên mang mật danh Tunworth nhằm giúp mua xe Jeep và vũ khí chuẩn bị cho vụ mưu sát. Sau đó, tại một phiên họp trong phòng số 470 thuộc Thames House – chỉ huy sở của MI5, Shayler nghe nói rằng vụ trên đã thất bại hoàn toàn…

Sự tráo trở của phương Tây

Sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Kaddafi gần đây và của Iraq và Afghanistan… trước kia xét theo một khía cạnh nào đó thì có thể là do những chế độ này đã không sở hữu hay từ chối một chương trình hạt nhân trước sức ép hoặc sự dụ dỗ bảo trợ an ninh của phương Tây. Trong khi ấy, Iran, Syria, CHDCND Triều Tiên là những nước không theo chuẩn mực do Mỹ và NATO đặt ra, tuy gánh chịu sự trừng phạt, nhưng tới thời điểm này lại tránh được thành công “kịch bản Libya”.

Sau khi Mỹ đổ bộ vào Afghanistan và Iraq, chuỗi các cuộc cách mạng diễn ra, rồi sự lật đổ chế độ Kaddafi bằng thế lực NATO, ở nhiều nước Arập chỉ còn rất ít sự lựa chọn – hoặc quì gối trước các nước phương Tây hoặc tự trang bị vũ khí tận răng. Với họ, rõ ràng là không thể từ chối vũ khí hủy diệt hàng loạt, bởi đây là sự bảo đảm duy nhất sẽ không bị ai động đến họ. CHDCND Triều Tiên là một minh họa điển hình. Xét về mọi tiêu chí, Bình Nhưỡng từ lâu đã là một mục tiêu hành động của Mỹ nhằm thay đổi chế độ. Tuy nhiên, điều này không xảy ra, bởi cái giá phải trả cho sự can thiệp có thể rất cao. Trước hết, vì sự hiện diện ở CHDCND Triều Tiên các chương trình tên lửa và những cuộc phóng vũ khí hạt nhân, dù còn thô sơ.

Bản thân phương Tây đang đẩy vào ngõ cụt những chế độ mà theo châu Âu và Mỹ là “phi dân chủ”. Phương Tây tìm cách áp đặt vào các nước này phong cách và mô hình dân chủ khó dung hòa, can thiệp chính trị nội bộ, ngăn chặn sự tiếp cận các công nghệ mới.

Đối với một số quốc gia, chiến tranh tại Afghanistan, Iraq, Libya… lần nữa trở thành minh họa rõ nét cho câu nói “không nên tin vào lời đường mật của phương Tây”. Và nhiều nước đang không cảm thấy sự an toàn trước mối đe dọa từ bên ngoài. Cái gì có thể là sự bảo đảm cho giữ gìn chủ quyền – chỉ có thể là xây dựng một nền quốc phòng mạnh.

G.K

Ngọc Trí