Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraina:

Đằng sau những tuyên bố gây tranh cãi của Nga - Mỹ - EU

11:34 | 01/03/2014

9,054 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 28/2, Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi nhanh chóng đưa Ukraina quay trở lại trạng thái bình thường, đồng thời cảnh báo không để bất ổn ở nước này tiếp tục leo thang. Thông báo kể trên được đưa ra sau khi ông Putin có các cuộc điện đàm riêng với Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman van Rompuy.

Ngày 26/2, Tổng thống Putin đã chỉ thị cho các Bộ hợp tác chặt chẽ với IMF để cứu cho nền kinh tế Ukraina khỏi sụp đổ, đồng thời ra lệnh cho Bộ Quốc phòng kiểm tra đột xuất và toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị và lực lượng ở quân khu miền Tây nước này, giáp với Ukraina. 

Cũng trong ngày 28/2, Nga cho biết sẽ đẩy nhanh quy trình cấp hộ chiếu cho các thành viên lực lượng cảnh sát chống bạo động Berkut của Ukraina sau khi đơn vị này bị ban lãnh đạo mới ở Kiev giải tán, và cấp hộ chiếu này tại thành phố Simferopol của khu tự trị Crimea, nơi có đa số người dân nói tiếng Nga sinh sống. Cũng trong ngày 28/2, đại diện thường trực của Nga tại NATO Alexander Grushko cảnh báo, NATO không nên đóng bất cứ vai trò nào trong cuộc khủng hoảng ở Ukraina.

Tổng thống Nga Vladimir Putin

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc (28/2) trước thông tin về hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina, đồng thời nhấn mạnh, bất cứ sự can thiệp quân sự nào vào Ukraina sẽ phải trả giá. Tuy nhiên, ông Barack Obama cũng thừa nhận, Nga có những lợi ích, các mối quan hệ về văn hóa và kinh tế với Ukraina, cũng như một căn cứ quân sự ở Crimea. Cùng ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, sau khi chạy khỏi đất nước, Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã mất hết tính pháp lý. 

Cũng trong ngày 28/2, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Samatha Power cho biết, Washington kêu gọi một sứ mệnh quốc tế khẩn cấp cho vấn đề Crimea để làm giảm leo thang tình hình và tạo điều kiện cho đối thoại mang tính xây dựng, hòa bình giữa tất cả các bên ở Ukraina. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cũng hối thúc các nhà lãnh đạo lâm thời mới ở Ukraina tìm kiếm "cuộc đối thoại chính trị" ở Crimea sau khi căng thẳng leo thang tại khu vực có đông người sắc tộc Nga sinh sống tại đây.

Ngày 28/2, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov đã triệu tập phiên họp khẩn cấp với những người đứng đầu lực lượng an ninh Ukraina để thảo luận những diễn biến tại Crimea, đồng thời cáo buộc các lực lượng của Nga dính líu tới tình hình "leo thang" trên bán đảo này. Ông Oleksandr Turchynov cũng đề nghị Quốc hội Ukraina tổ chức bỏ phiếu thông qua kiến nghị Nga tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina.

Từ phải qua: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Nga Vladimir Putin vàThủ tướng Đức Angela Merkel.

Cùng ngày 28/2, đại diện đặc biệt của Tổng thống tạm quyền Ukraina, ông Sergiy Kunitsyn cho biết, 13 máy bay Nga được cho đã chở gần 2.000 binh sĩ hạ cánh xuống sân bay Gvardeyskoye (gần Simferopol), một căn cứ quân sự gần thủ phủ của bán đảo Crimea. Giới chức Nga đã khẳng định mọi di chuyển của quân nhân và khí tài quân sự tại Crimea là nằm trong thỏa thuận giữa hai nước và đây là hoạt động luyện tập thường kỳ của Hạm đội Biển Đen. Hạm đội Biển Đen vẫn đang hiện diện tại quân cảng Sevastopol và theo hợp đồng đã ký, Nga thuê  căn cứ này tới năm 2042.

Ngày 28/2, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov cho biết, Moskva vẫn tiếp tục thuê các công dân Ukraina làm việc tại căn cứ và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính để duy trì sự hiện diện tại Crimea.

Ngày 28/2, Văn phòng Tổng thống Ukraina cho biết, Tổng thống tạm quyền Oleksandr Turchynov đã ký sắc lệnh cách chức Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang, Đô đốc Yuriy Ilyin, nhưng không nêu lý do cách chức. Cũng trong ngày 28/2, Tổng công tố lâm thời Ukraina cho biết, Kiev sẽ yêu cầu Moskva dẫn độ Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych bởi ông bị truy nã quốc tế.

Cùng ngày 28/2, lực lượng an ninh Ukraina đã giành lại quyền kiểm soát 2 sân bay trên bán đảo Crimea bị các tay súng "dân quân tự vệ" chiếm giữ. Người đứng đầu Hội đồng Quốc phòng và An ninh Ukraina Adriy Parubiy tuyên bố, đã có mưu toan chiếm giữ các sân bay, nhưng hiện nơi đây do lực lượng chấp pháp Ukraina bảo vệ. Hạm đội Biển Đen khẳng định, không dính líu tới vụ chiếm giữ và phong tỏa sân bay quân sự Belbek ở khu tự trị Crimea. Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ tạm quyền Ukraina Arsen Avakov cáo buộc các lực lượng thân Nga thực hiện những hành động này.

Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một cuộc hội đàm.

Về phần mình, Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych đã bày tỏ sự ngạc nhiên vì Tổng thống Putin cho đến nay vẫn im lặng về tình hình Ukraina, đồng thời khẳng định không hề đề nghị giúp đỡ về quân sự cho dù đã điện đàm với ông chủ Điện Kremlin sau khi tới Nga. Tuyên bố này được ông Viktor Yanukovych đưa ra tại cuộc họp báo (diễn ra vào lúc 17 giờ ngày 28/2, theo giờ địa phương) đầu tiên ở trung tâm triển lãm Vertolexpo (thành phố Rostov trên sông Đông của Nga) kể từ khi bị lật đổ hôm 28/2.

Khi trả lời các câu hỏi trong buổi họp báo bằng tiếng Nga (trước khoảng 200 nhà báo quốc tế), ông Viktor Yanukovych đã xin lỗi người dân Ukraina vì đã rời đất nước do hoàn cảnh bắt buộc, nhưng khẳng định mình vẫn là Tổng thống Ukraina. Đồng thời tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống dự kiến trong tháng 5 là bất hợp pháp và ông sẽ không tham gia, cũng như chỉ trích phương Tây “vô trách nhiệm” với những gì đã xảy ra ở Ukraina. Bởi quyền lực ở Ukraina đã bị rơi vào tay "những kẻ phátxít mới trẻ tuổi" nên sẽ "tiếp tục chiến đấu cho tương lai của Ukraina", nhưng chỉ trở về Ukraina khi an ninh cá nhân được bảo đảm. Kết thúc buổi họp báo kéo dài hơn 60 phút, ông Viktor Yanukovych một lần nữa kêu gọi chính quyền lâm thời phải dừng ngay những bạo loạn, rời khỏi vị trí lãnh đạo đất nước và không để xảy ra thêm những tổn thất cho nhân dân Ukraina.

Ngày 28/2, Bộ Ngoại giao Áo đã đóng băng tài sản của 18 người Ukraina bị tình nghi vi phạm nhân quyền và tham nhũng, nhưng không công bố danh tính của những người này. Trước đó (26/2), Bộ Tài chính Mỹ cũng đã hướng dẫn các tổ chức tài chính, ngân hàng ở Mỹ theo dõi chặt các giao dịch với tài khoản có liên quan đến Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. Cũng trong ngày 28-2, Thụy Sĩ đã quyết định đóng băng các tài khoản của Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych. Theo Bloomberg, Thụy Sĩ không nói rõ ông Viktor Yanukovych có bao nhiêu tiền gửi tại nước này.

Còn theo hãng AFP, con trai ông Viktor Yanukovych là Olexander đã mở một chi nhánh của công ty quản lý tài sản MAKO (kiểm soát 50% sản lượng than, 1/3 sản lượng điện ở Ukraina) tại Geneva cuối năm 2011. Và chỉ trong 3 năm số tài sản đã gia tăng lên nửa tỉ USD. Theo Thủ tướng lâm thời Ukraina, ông Arseniy Yatsenyuk cho biết (27-2), chế độ của ông Viktor Yanukovych đã chuyển 70 tỉ USD ra nước ngoài. Ngày 28-2, Ngân hàng Trung ương Ukraina thông báo, sẽ hạn chế lượng tiền rút khỏi ngân hàng ở mức khoảng 1.000 euro/ngày trong bối cảnh đồng nội tệ của nước này bị giảm giá xuống các mức thấp kỷ lục. Đồng hryvnia đã giảm giá gần 20% xuống mức thấp kỷ lục kể từ đầu năm giữa lúc căng thẳng giữa chính phủ lâm thời ở Kiev và Moskva gia tăng sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị phế truất./.

 

Tân Hồng - Tiên Du