Xét xử "kỳ án vườn mít": Lê Bá Mai nhận án chung thân

09:36 | 30/08/2013

677 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 1 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên án bị cáo Lê Bá Mai tội “hiếp dâm” và “giết người” với tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Phiên tòa phúc thẩm Tối cao xét xử “kỳ án vườn mít” chính thức được tiến hành tại TP HCM sau nhiều lần bị tạm hoãn. Sáng 30/8, phiên tòa xét xử kỳ án vườn mít được mở. Từ sáng sớm, cha mẹ bị cáo Mai đã có mặt tại tòa để đợi tòa áp giải đến.

7h, Lê Bá Mai được dẫn giải xuống khỏi xe sắt bít bùng và đưa vào khán phòng. Nhiều phóng viên các báo đài cũng có mặt để đưa tin về vụ “kỳ án” thu hút sự chú ý của dư luận.

Lê Bá Mai tại phiên tòa sáng 30/8.

Bị cáo Mai trông mập mạp hơn những phiên tòa trước nhiều. Ghi nhận tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cũng có mặt tại tòa.

Đến 8h40, gia đình bị hại, nhân chứng lần lượt có mặt tại tòa. Một số nhân chứng vắng mặt, tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, sự vắng mặt của các nhân chứng trên không làm ảnh huởng đến phiên xét xử nên vẫn tiếp tục tiến hành phiên tòa. Các phóng viên đăng ký tham dự tại tòa được điểm danh và được chủ tọa cho phép tác nghiệp.

Đến 9h, phiên tòa xét xử Lê Bá Mai chính thức được tiến hành sau 2 lần liên tiếp bị tạm hoãn. Thẩm phán Phan Thanh Tùng làm chủ tọa phiên tòa. Các thủ tục tiến hành xét xử được tiến hành để đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan trong phiên xét xử.

9h10, chủ tọa đọc lại bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Bình Phước.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu cũng có mặt để tham dự phiên tòa.

9h20: chủ tọa tiến hành xét hỏi bị cáo Lê Bá Mai những vấn đề liên quan đến vụ án.

9h35: chủ tọa yêu cầu ông Điểu Ky lên để tiếp tục xét hỏi.

Ngay lập tức, luật sư Trịnh Thanh đứng lên yêu cầu chủ tọa cho các người có nghĩa vụ liên quan gồm: người nhà của bị hại và những nhân chứng còn lại phải được cách ly. Một phút sau, tòa chấp nhận yêu cầu của luật sư Trịnh Thanh.

9h42, tòa gọi ông Điểu Cẩn vào khán phòng để chất vấn và ông Điểu Ky được đưa ra bên ngoài để cách ly. Chủ tọa phiên tòa đặt những câu hỏi xung quanh những vấn đề vào chòi rẫy nơi bị cáo Mai ở để tìm bị nạn nhân.

9h48, Thị Hằng tiếp tục được đưa vào và gia đình nạn nhân, nhân chứng khác vẫn bị cách ly.

Gia đình nạn nhân và các nhân chứng trong vụ án.

10h06, bị cáo Mai trả lời những câu hỏi có liên quan cho Hội đồng thẩm phán xung quanh những bản tự khai, bút lục tại tòa. Bị cáo Mai trả lời, những bản tự khai trên theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Lê Bá Mai khẳng định kiểm sát viên đã ép bị cáo phải nhận tội.

10h30, ông Trần Văn Sinh, người ít nhiều có liên quan và quan trọng của vụ án được chủ tọa mời vào. Ông Sinh kể lại việc tiếp nhận thông tin gia đình nạn nhân đến trình báo bằng miệng về việc Thị Út mất tích. Ông Sinh đã ghi lời khai của Hằng, trong khi cha nạn nhân là Điểu Cẩn không trình báo cơ quan chức năng.

Ông Sinh thừa nhận có mâu thuẫn với ông Dương Bá Tuân về việc xịt thuốc cỏ. Ông Sinh cho rằng nếu ghi theo chính xác lời khai của Thị Hằng là bị cáo Mai sợ bị khép vào tội trả thù cá nhân.

10h38: Luật sư Trịnh Thanh yêu cầu chủ tọa cho mời ông Sinh vào để thẩm vấn. Ông Sinh vẫn khẳng định, nghe Hằng chở Út bằng xe máy đi nhưng không ghi vào bản khai vì sợ nghi kị. Ông Sinh và bị cáo Mai đã quá biết với nhau, không muốn gây mâu thuẫn gì thêm với bị cáo Mai.

10h48: Luật sư Trịnh Thanh tiếp tục xin phép chủ tọa cho mời ông Điểu Ky vào để chất vấn. Ông Ky nói, lúc đó muốn nói với cơ quan điều tra, khai thấy Mai nhưng do bị cáo chưa có vợ con nên khai: “Có thấy thanh niên”. Ông Điểu Ky khai do thấy “thanh niên” nhưng chính xác là Lê Bá Mai vì phong tục tập quán như vậy.

Ông Điểu Ky còn xác định tại tòa, theo người dân tộc Stiêng, lời khai của ông với cơ quan điều tra có dùng từ “nghi”. Từ “nghi” ở đây theo tiếng dân tộc là: “đúng”. Luật sư Trịnh Thanh đưa sơ đồ cho ông Điểu Ky để chỉ đường đi tìm kiếm Út lúc mất tích, nhưng nhân chứng này từ chối vì không nhớ.

Luật sư Trịnh Thanh đưa sơ đồ cho ông Điểu Ky để chỉ đường đi tìm kiếm Thị Út lúc mất tích.

11h06: Ông Điểu Cẩn được mời vào để trả lời câu hỏi của luật sư Trịnh Thanh liên quan đến vụ án. 2 phút sau, bà De được tòa mời ra ngoài nghỉ ngơi với lý do mệt.

11h08: Nhân chứng Thị Hằng được mời vào để trả lời chất vấn với luật sư Trịnh Thanh. Hằng đã có những câu trả lời trái ngược với lời khai ban đầu nhận dạng ra Lê Bá Mai. Những lời chất vấn của Hằng ở tòa mâu thuẫn nhiều so với lời khai trước đó.

VKS đã đặt những câu hỏi với Hằng. Tiếp đến, luật sư Huỳnh Thế Tân đã hỏi Hằng: “Con có giữ nguyên các lời khai từ trước đến nay tại các phiên tòa hay không”. Nhân chứng Hằng trả lời: “Dạ, con có”.

11h19: Luật sư Bùi Quang Nghiêm xin tòa cho yêu cầu nhân chứng Trần Văn Sinh vào. Luật sư Nghiêm hỏi, ông Sinh có tranh chấp ranh giới, đất đai nhà của ông Tuân hay không? Ông Sinh khẳng định: “Không có, đất trên là đất của nhà nước và không ai tranh chấp của ai”. Luật sư Nghiêm xin phép tòa cho ông Dương Bá Tuân được trình bày vấn đề liên quan đến vụ tranh chấp đất với ông Sinh.

Sau đó, luật sư Bùi Quang Nghiêm tiếp tục xoay quanh vấn đề mâu thuẫn xịt thuốc cỏ giữa Lê Bá Mai và ông Trần Văn Sinh dẫn sự liên quan đến ông Tuân, chủ trang trại.

11h20: Luật sư Huỳnh Thế Tân và luật sư Trịnh Thanh tiếp tục đặt những câu hỏi xung quanh các vật dụng để làm rõ các chứng cứ do cơ quan chức năng ngụy tạo trong bản khai. Ông Dương Bá Tân cũng đòi lại chiếc xe gắn máy đã bị phía cơ quan điều tra tịch thu và thay đổi hiện trạng của tang vật.

Luật sư Huỳnh Bá Tân và mẹ bị cáo Mai trước phiên tòa



11h37: Lê Bá Mai trả lời câu hỏi của luật sư Trịnh Thanh ở thời điểm lúc bị lực lượng Công an xã An Khương, huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) ập vào bắt đi. Luật sư Trịnh Thanh xoay quanh các vấn đề Lê Bá Mai bị ép cung, đánh dập khi đưa vào cơ quan điều tra của huyện Hớn Quản.

11h49: Kết thúc phần xét hỏi công khai.

11h50:  Đại diện VKS đọc phần luận tội bị cáo Lê Bá Mai.

12h09: Luật sư Tân yêu cầu đã trưa, xin nghỉ ngơi. Chủ tọa phiên tòa vẫn cho phiên xét xử vụ án được tiếp tục.

12h10: Lần lượt, luật sư Trịnh Thanh, luật sư Huỳnh Thế Tân liên tục đưa ra những lập luận để bào chữa cho bị cáo. Những chi tiết như dấu dép thu thập tại hiện trường, dấu vết bánh xe, củ sắn ăn dở và những bài báo được đăng về vụ án được đưa ra. Luật sư Tân đã trình những chứng cứ trên cho chủ tọa phiên tòa nhằm tạo những chứng cứ thuyết phục cho phiên xét xử.

14h, chủ tọa đồng ý cho dừng phiên tòa để tạm nghỉ và đến 15h, phiên tòa sẽ tiếp tục.

Bị cáo Mai trong phiên tòa chiều 30/8.

15h: Luật sư Huỳnh Thế Tân bất ngờ tiết lộ nghi can giết Thị Út có tên Điểu Nguôi đã chết trước đó từ năm 2010. Luật sư Tân cho rằng, qua quá trình thu thập chứng cứ, một nhân chứng đã cho rằng nhóm người dân tộc thiểu số đã túm tụm bàn bạc với nhau trong ngày Thị Út mất tích. Ngay sau đó, ngày phát hiện ra thi thể Thị Út, nhóm người trên dẫn đường, chỉ điểm cũng như vị trí xác định chính xác thi thể nạn nhân Út tại vườn mít.

Luật sư Huỳnh Thế Tân còn lập luận, những bản bút lục lời khai để khẳng định bị cáo Mai bị ép cung, nhục hình. Lời khai của Lê Bá Mai bất nhất qua quá trình điều tra. Điểu Cẩn, ông Sinh đều đã “nghi” cho Mai là hung thủ từ ngày 14/11/2004.

15h31: Luật sư Tân kết lại phần bào chữa, quá trình điều tra đã vi phạm tố tụng. Nhân chứng tên Khăm đã liên tục đến cơ quan điều tra để cung cấp các tình tiết có liên quan nhưng bị cơ quan chức năng bỏ qua và không đưa vào bản án. Những lý do trên, luật sư Tân khẳng định bị cáo Mai vô tội và cần phải trả tự do tại tòa.

15h33: Luật sư Bùi Quang Nghiêm tiếo tục phần bào chữa cho bị cáo. Luật sư Nghiêm đồng ý với phần bào chữa của các luật sư đồng nghiệp và cũng cho rằng, lời khai của những nhân chứng cùng làm việc trong trang trại của ông Dương Bá Tuân đã khiến cho lời khai thống nhất với nhau.      

Thời điểm trước khi xảy ra vụ án, ông Sinh là công an viên, phụ trách địa bàn nơi có trang trại của ông Tuân. Vụ việc Mai xịt thuốc trừ cỏ trong trang trại ông Tuân cách thời điểm xảy ra vụ án cũng đã phát sinh mâu thuẫn gay gắt với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.

Vụ án mạng xảy ra, luật sư Nghiêm lập luận, đây cũng chính là cơ hội để ông Sinh có thể đẩy tội cho bị cáo Mai. Những lời khai của Thị Hằng không thể chính xác và không thể tin tưởng được. Đó là một sự sắp đặt. Thị Hằng lúc đó mới 9 tuổi, không thể đoán chính xác được chiều cao của một thanh niên, dáng vóc với độ tuổi như vậy. Luật sư Nghiêm nhấn mạnh, đó không phải là lời khai của Hằng mà là mong muốn của ông Sinh đối với bị cáo Mai. Ở địa phương, hình ảnh Lê Bá Mai luôn gắn liền với cái bình xịt cỏ, cái xe máy và can nước.

Từ hình ảnh trên, bóng dáng của bị cáo Mai dần dần được hiện rõ ở thời điểm phát hiện ra thi thể của Thị Út vào ngày 16/11/2004.

15h46: Luật sư Bùi Quang Nghiêm kết thúc phần bào chữa bằng lập luận, những vật chứng lần lượt được cơ quan chức năng thêm vào để gán ghép tội cho bị cáo Mai.

15h47: Bị cáo Mai đồng ý về phần bào chữa vô tội của các luật sư.

15h48: Ông Dương Bá Tuân được Hội đồng xét xử để thẩm vấn liên quan đến chiếc xe tang vật. Ông Tuân cho rằng, VKS yêu cầu tách riêng xe tang vật bị cáo Mai chở nạn nhân đi gây án là không đúng và phải đưa vào trong vụ án. Trong bản án sơ thẩm, tòa tuyên trả lại can nhựa không giống như vật chứng thực tế.

15h53: Ông Tuân đề cập đến củ đậu (đánh lạc hướng vấn đề - PV) thì ngay lập tức, chủ tọa cắt lời và yêu cầu ông Dương Bá Tuân chỉ nói đến quyền lợi, tài sản có liên quan trong vụ án.

15h54: Chủ tọa phiên tòa yêu cầu VKS nêu quan điểm về việc dùng nhục hình, ép cung; về việc thu thập hiện trường; lời khai của Thị Hằng về màu áo, màu tóc của hung thủ và về chiếc xe máy của ông Tuân là tang vật của vụ án bị tách ra trong một vụ kiện dân sự khác.

15h57: VKS đưa ra quan điểm về lời khai của các nhân chứng và liệu ngày 12/11/2004, hung thủ chở bị hại đi có phải là Mai hay không?

VKS cho rằng, những tình tiết về mặt thời gian, mâu thuẫn về màu sắc xe đã được các luật sư nêu lên rất nhiều. Có sự phù hợp trong lời khai của nhân chứng về phương tiện và màu sắc xe mà bị cáo Mai đi ra hiện trường. Ngày gây án, Mai ra hiện trường với quần dài, áo dài màu tối chứ không phải màu sáng. Những lời khai thống nhất, Mai đem 2 bình xịt chứ không phải 1.

VKS thừa nhận, có sự bất nhất về chính xác màu sắc của quần áo Mai mặc hôm xảy ra vụ án, kể cả bình xịt màu inox và màu đỏ là không ai phủ nhận. VKS cho rằng, những chi tiết đó không làm thay đổi bản chất vụ việc và không ảnh hưởng đến phần kết luận tội của bị cáo Mai. Điều đó, không có nghĩa là, bình xịt xanh có tội, bình xịt inox thì không có tội…  

VKS cũng ví von, vụ án cũng như bức tranh ghép, phải biết xâu chuỗi những lời khai, chứng cứ… Do đó, lời khai của nhân chứng Thị Hằng đòi hỏi chính xác đến các chứng cứ, màu sắc là không thể.

Điều thứ 2, VKS cho rằng, những lời khai của bị cáo Mai chưa có cơ sở để khẳng định bị bức cung, nhục hình, đánh đập, mớm cung. Trong quá trình điều tra, có sự tham gia của luật sư và đại diện của VKS. Sự có mặt của các cơ quan này trong quá trình điều tra thì không thể xảy ra những sự việc trên. VKS không bức cung hay mớm cung để đưa 1 con người vào vòng tù tội. VKS cũng không thù hằn với bị cáo Mai để phải tham gia làm những việc trên. Lê Bá Mai đã tự nguyện khai những lời khai trên và sau đó đã phủ nhận tất cả các lời khai.

Ngày 17/11/2004, Mai được di lý về Công an tỉnh nên các Công an viên ở xã và huyện không còn thẩm quyền để điều tra. VKS cũng cho rằng, nếu có ép cung hay mớm cung thì tại phiên tòa sơ thẩm lần đầu, bị cáo đã khai giết và sát hại nạn nhân. Ở tòa, bị cáo không thể bị ép hay bị mớm. Tại phiên tòa ngày 19/6/2012, luật sư Trần Long Ẩn đã khẳng định bị cáo không bị bức cung, mớm cung mỗi lần lấy lời khai có luật sư. 

16h26: VKS lập luận, nhân chứng Nguyễn Văn Trong là người theo sát bị cáo Mai nhất, là lời khai khách quan và phù hợp với lời khai của Thị Hằng. Lời khai của 2 nhân chứng trên lại phù hợp với lời khai của Lê Bá Mai.

16h28: VKS tiếp tục đề cập đến những dấu vết xe, dấu dép thu thập tại hiện trường. Về củ đậu cắn dở tại hiện trường, VKS ghi nhận nỗ lực của các luật sư để xác định, củ đậu trên có phải của nạn nhân Thị Út hay không là không cần thiết.

VKS cho rằng, việc lấy cung bị can hết sức khách quan, không mớm cung, ép cung. Để khách quan, trong bản cung, cơ quan điều tra phải ép khai bộ phận sinh dục của nạn nhân có lông. Từ thực tế bản ảnh đã chứng minh điều này. Ngoài ra, điều tra hiện trường, nạn nhân té sấp vì chặt vào gáy chưa chắc đã phải ngã sấp.

16h53: VKS khẳng định, các cơ quan điều tra buộc tội bị cáo Mai không phải dựa trên điều tra của ông Sinh. Ông Sinh khi ấy chỉ mới là điều tra viên và đại diện VKS còn rất nhiều tài liệu nhưng không có thời gian để công bố hết.

16h55: Luật sư Trịnh Thanh bào chữa cho bị cáo Mai, cần phải xác định rõ hung thủ gây án đang nằm trong vòng nghi vấn.

Thực sự bị cáo Mai có tội hay vô tội?

17h10: Luật sư Trịnh Thanh đưa ra những dẫn chứng như màu tóc, lông ở bộ phận sinh dục của nạn nhân không được đưa vào làm tình tiết xét xử. Dấu dép ở hiện trường không phù hợp cũng là chi tiết quan trọng trong vụ án nên không thể được bỏ qua.

17h16: Luật sư Huỳnh Thế Tân cho rằng, tính chất khách quan của vụ án này là vụ án truy xét chứ không phải một vụ án bắt quả tang. Nhân chứng trong vụ án được lấy lời khai lần đầu rất quan trọng để truy bắt hung thủ. Lời khai của Thị Hằng hết sức quan trọng trong vụ án. Theo năm tháng, nhân chứng lớn dần nên lời khai sẽ có những thay đổi theo suy nghĩ và đầy đủ hơn.

17h25: Luật sư Bùi Quang Nghiêm lập luận, VKS cho rằng nội dung trong lời khai ban đầu không xác định đến tính chất vụ án là không đúng. Lời khai ban đầu thể hiện nội dung và ngôn ngữ của ông Sinh trong suốt quá trình của vụ án. Chẳng hạn, bình xịt được treo ở ghi-đông xe thì từ “ghi-đông” là ngôn ngữ của người Kinh chứ không phải tiếng của người S'tiêng.

Từ những chi tiết không rõ ràng, lờ mờ trong lời khai của các nhân chứng, cơ quan điều tra đã bắt bị cáo Mai. Những việc làm của ông Sinh là không đủ khách quan và không thể làm căn cứ để kết tội sau này cho bị cáo.

Bị cáo Lê Bá Mai trước giờ tuyên án.

17h29: Ông Sinh cho phản bác, không đồng ý với việc luật sư Nghiêm lập luận ông cố tình làm sai bản chất vụ án.

17h31: VKS đưa ra lập luận bác bỏ quan điểm của luật sư Tân về việc giám định pháp y, giám định hội đồng… VKS khẳng định, lời khai ban đầu không đưa vào quá trình tố tụng.

17h36: Bị cáo Lê Bá Mai nói lời sau cùng: “Mong được tòa xem xét lại mức án để được về với gia đình”.

Sau đó, Hội đồng xét xử nghị án.

18h, chủ tọa phiên tòa tuyên án. Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của Lê Bá Mai và bác kháng nghị của VKS tỉnh Bình Phước. Giữ nguyên giữ bản án hình sự sơ thẩm ngày 5/1/2013 của tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước tuyên bị cáo Lê Bá Mai tội “hiếp dâm”, “giết người” với tổng hợp hình phạt là tù chung thân.

Hưng Long