Một chút sự thật về cá tầm nhập lậu

16:00 | 17/07/2013

1,266 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phát hiện và xử lý 40 vụ vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc, tịch thu trên 30 tấn thủy sản các loại, trong đó riêng cá tầm là gần 10 tấn, xử phạt gần 200 triệu đồng.

Mỗi ngày có 5-7 tấn cá tầm lậu được tung ra thị trường

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phải báo cáo trước ngày 15/7 về tình hình vận chuyển cá tầm qua đường hàng không vào TP HCM và buôn bán công khai cá tầm nhập lậu vào miền Bắc. 

C49 đã báo cáo về việc có 10 đầu nậu chuyên buôn thủy hải sản, cá tầm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam và hiện tượng “rửa” cá tầm.

Theo đó, thời gian trước 4/2013, trung bình mỗi ngày các đối tượng vận chuyển khoảng 5-7 tấn cá tầm về Hà Nội để tiêu thụ, chủ yếu là nhập lậu. Số lượng cá tầm được nhập lậu về trong những tháng gần đây là khoảng 2 tấn, tập trung chủ yếu ở chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì... Đa số được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuôi trong nước, chỉ có một lượng nhỏ không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Nhập lậu cá tầm về các trang trại nuôi cá trong nước rồi xuất đi nhằm hợp thức hóa, đây là thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu cá tầm.

Giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70 nghìn đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được các đối tượng bán với giá từ 130 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng/kg. Trong khi đó, giá cá tầm sản xuất trong nước lại khá cao, trung bình khoảng 200 nghìn đồng/kg và số lượng “cung không đủ cầu”. Do giá chênh lệch lớn nên các đối tượng bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu thủy sản, trong đó có cá tầm vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời.

Cá tầm nhập lậu thường đi qua các cửa khẩu, điểm thông quan, chợ biên giới, sau đó đưa về các điểm tập kết rồi chuyển vào tiêu thụ nội địa. Hiện có khoảng 10 đầu nậu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng chuyên thu gom, tổ chức vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam. Các địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển thủy hải sản và cá tầm nhập lậu là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Trong đó, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai là địa bàn phức tạp nhất.

Ngoài ra, các đối tượng nhập lậu cá tầm còn sử dụng các thủ đoạn để đánh lạc hướng cơ quan chức năng bằng cách, không đưa cá vào thẳng thị trường mà tập kết ở các tỉnh lân cận sau đó chia nhỏ. Các tỉnh trung chuyển cá tầm lậu từ Trung Quốc là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên.

Các đối tượng thường sử dụng xe tải nhỏ, xe máy, đò, xuồng máy để vận chuyển, lợi dụng đồng bào vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số để thuê vận chuyển với số lượng nhỏ lẻ. Khi vận chuyển vào nội địa, các đối tượng thường bố trí người cảnh giới hoạt động của các cơ quan chức năng để thường xuyên thay đổi lịch trình hoạt động.

Bên cạnh đó, để đưa thủy hải sản và cá tầm nhập lậu về Việt Nam, các đối tượng buôn lậu thuê cửu vạn cõng hàng qua biên giới bằng đường mòn, lối mở, sau đó tập kết tại các địa điểm gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, chờ cơ hội thuận lợi rồi dùng xe ô tô tải vận chuyển qua các tuyến đường bộ vào sâu trong nội địa.

C49 cũng cho biết thêm, hiện nay còn xuất hiện tình trạng “rửa” cá tầm. Qua khảo sát của C49, có trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn và bình thường cá phải nuôi hơn 1 năm mới xuất bán, nhưng 6 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với khoảng 70 tấn. Thủ đoạn là nhập cá tầm lậu về các trang trại nuôi cá tầm trong nước rồi vớt lên bán với mục đích hợp thức hóa thủy sản nhập lậu.

Đối tượng buôn lậu rất manh động...

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý - Cục trưởng C49 cho biết, qua thực tế đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong vận chuyển, kinh doanh thủy sản nói chung, cá tầm nhập lậu nói riêng trên các tuyến, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Các tuyến biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc có độ dài rất lớn, phần lớn là địa hình núi non hiểm trở với nhiều lối mòn, sông suối, khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động vận chuyển, buôn bán hàng hóa của các lực lượng chức năng. Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng buôn lậu ngày càng tinh vi, manh động, gây khó khăn cho công tác bắt giữ, xử lý.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng ở địa phương chưa thực sự sâu sát, quyết liệt trong công tác đấu tranh, xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán thủy sản, cá tầm nhập lậu. Đặc biệt là công tác phối hợp giữa các lực lượng ở địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ. Việc xử lý hàng thủy sản nhập lậu mỗi địa phương áp dụng khác nhau, có địa phương khi bắt giữ cho phát mại, có địa phương lại tiêu hủy. Kinh phí ngân sách chi cho công tác tiêu hủy tang vật của các địa phương còn nhiều khó khăn.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý cho hay, theo quy định, thủy sản là mặt hàng khi vận chuyển, lưu thông trong nước nếu không đi ra từ vùng có công bố dịch thì không phải kiểm dịch của cơ quan thú y; về hóa đơn chứng từ cũng không bắt buộc chặt chẽ; mặt khác, thủy sản trong nước không có đặc điểm riêng để phân biệt với thủy hải sản nhập lậu nên rất khó khăn cho công tác đấu tranh, xử lý. Cá tầm nhập lậu chỉ cần vận chuyển qua biên giới rồi hợp thức hóa vào các trang trại nuôi trong nước là rất khó xử lý. Thủy sản là mặt hàng tươi sống, do đó nếu tiến hành kiểm tra tạm giữ để xác minh thì gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường hiện chưa có thẩm quyền xử lý hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và thẩm quyền về tạm giữ người, phương tiện, hàng hóa vi phạm mặc dù được Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định nhưng vẫn chưa được triển khai áp dụng nên quá trình bắt giữ, xử lý bắt buộc phải phối hợp ngay từ ban đầu với các cơ quan chức năng khác, không đảm bảo các yêu cầu về nghiệp vụ.

Trước những khó khăn trên, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành tăng cường tuyên truyền về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh của các mặt hàng thủy sản nhập lậu, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm.

 

T.Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc