Dầu khí Việt Nam từ mùa xuân ấy:

Niềm tin của Bác và tầm nhìn của Đảng

14:20 | 28/04/2015

1,630 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông liền một dải, chúng ta không chỉ “có đêm và rừng” mà thực sự có cả “ngày, có trời, có biển” đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn bộ đội Hải Quân tại hang Đầu Gỗ, Hạ Long. Vị thế, sức mạnh của quốc gia đã và đang tăng lên rất nhiều, tạo ra thế mới và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên. Trong những thành quả ấy, ngành dầu khí đã có những đóng góp vô cùng quan trọng, trên cả hai phương diện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước hết, cần khẳng định rằng lịch sử hình thành và phát triển của ngành dầu khí nước ta gắn liền với lịch sử đất nước, xuất phát từ sự kỳ vọng của Bác Hồ và tầm nhìn chiến lược của Đảng.

Bác Hồ thăm khu công nghiệp Dầu khí Bacu (Liên Xô cũ) năm 1959.

Hơn nửa thế kỷ trước, với khát khao và niềm tin của mình đối với một đất nước Việt Nam không những được độc lập, nhân dân được tự do mà còn tiến lên cường thịnh, hạnh phúc, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta trong chuyến thăm Liên Xô vào năm 1959, sau khi đến thăm Khu Công nghiệp Dầu mỏ Bacu của Azerbaijan đã nung nấu hình thành một ngành công nghiệp dầu khí hùng mạnh của đất nước.

Người nói rằng “Tôi nghĩ Việt Nam chúng tôi có biển, nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được, tôi hy vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu, rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu ngày nay”. 

Cùng với dự cảm đất nước có dầu ở các vùng biển, là niềm tin tất thắng của Bác vào sự nghiệp kháng chiến của toàn dân tộc, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về ngành công nghiệp Dầu khí của Việt Nam, và sự giúp đỡ của các nước Xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Chính phủ Liên Xô, “Đoàn 36 Dầu lửa” chính thức ra đời vào ngày 27/11/1961, nay là Ngày truyền thống của ngành Dầu khí Việt Nam.

Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam luôn ghi nhận những dấu ấn khó phai trong thời kỳ đầu cho đến trước ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, với rất nhiều khó khăn, gian truân, cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Cách mạng dân tộc dân chủ, đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước nhưng đã từng bước tạo dựng nền móng để xây dựng và phát triển một nền công nghiệp dầu khí hôm nay. 

Nhận rõ tầm quan trọng của dầu khí đối với sự nghiệp chấn hưng đất nước, ngay sau ngày thống nhất, Đảng ta đã chỉ đạo ngay việc tiếp quản, thu thập các tài liệu về dầu khí của chính quyền miền Nam cũ. Chỉ một tuần sau ngày 30/4/1975, các cán bộ đầu tiên đã bay vào Sài Gòn vào sáng ngày 05/5/1975 để triển khai công việc. Ngày 20/7/1975, Bộ Chính trị đã tiến hành cuộc họp tại Sài Gòn để xem xét đường lối phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Quỳnh cùng với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngành Dầu khí vui mừng chào đón dòng dầu đầu tiên trên tàu khoan Mikhain Mirchin (năm 1984)

Ngày 09/8/1975, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc triền khai thăm dò dầu, khí trên cả nước. Đến ngày 03/9/1975, Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam đánh dấu mốc phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam trong giai đoạn cả nước đã thống nhất.

Từ đó, hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả hai miền, đặc biệt ở thềm lục địa phía Nam, nơi có tiềm năng về dầu khí. Đến tháng 6 năm 1986, lần đầu tiên, dầu thô được khai thác từ mỏ Bạch Hổ và Việt Nam chính thức trở thành nước khai thác, xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới. Nền kinh tế bắt đầu ghi nhận những đóng góp quan trọng và kịp thời để khắc phục khủng hoảng sau chiến tranh và bước vào thời kỳ đổi mới.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thành Hưởng 

Trưởng ban QLDA Nhiệt điện Dầu khí Thái Bình 2

DMCA.com Protection Status