Vì sao chuyển giá, trốn thuế lại là nỗi ám ảnh?

11:00 | 04/07/2013

3,232 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù đã gần 1 năm trôi qua nhưng những nghi vấn chuyển giá, trốn thuế của Coca – Cola, Adidas, Metro... vẫn đang là một ẩn số.

Cần sớm làm rõ nghi vấn chuyển giá trốn thuế của Coca - Cola.

Phải thấy rằng, năm 2012 là năm nhiều biến động nhất của nền kinh tế kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Hết ngân hàng lại đến chứng khoán, năm 2012 đã khép lại với một loạt những nghi vấn chuyển giá, trốn thuế của Coca – Cola, Adidas, Metro...

Theo những thông tin được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng thì, mặc dù liên tục kêu lỗ nhưng các doanh nghiệp này vẫn đang xây dựng kế hoạch, phương án mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Và dù Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khi nói về hiện tượng này tại một diễn đàn về vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã khẳng định, những doanh nghiệp FDI như Coca – Cola chỉ là cá biệt thì dư luận xã hội, nền kinh tế vẫn thấy bất bình.

Như vậy để thấy rằng, chính bản thân các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng đang rất bất bình với hiện tượng này. Những đóng góp của dòng vốn FDI - một trong những dòng vốn đầu tư phát triển kinh tế xã hội đang bị làm méo mó, sai lệch. Thậm chí, rất nhiều doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở nước ta cũng cảm thấy tủi thân bởi họ cũng phải chịu không ít lời ra tiếng vào của dư luận.

Đó là một thực tế, là sự bức xúc trong xã hội, trong cộng đồng doanh nghiệp FDI và ngay chính trong các cơ quan quản lý. Để sớm làm sáng tỏ vấn đề này, Bộ Tài chính, mà trực tiếp là Tổng cục Thuế đã đăng đàn khẳng định sẽ sớm làm sáng rõ những nghi vấn chuyển giá, trốn thuế tại các doanh nghiệp trên. Tuy nhiên, như đã nói, gần 1 năm đã trôi qua, nghi vấn chuyển giá, trốn thuế của những Coca – Cola, Adidas, Metro... vấn đang là một ẩn số.

Theo ThS Hà Hương Lan – Trường Bồi dưỡng cán bộ (Bộ Tài chính) thì, chuyển giá được hiểu là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Để làm được điều này, công ty đa quốc gia thường nắm bắt và vận dụng những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi trong quy định thuế để xây dựng và áp dụng một chính sách về giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn.

Dưới góc độ kinh doanh, hành vi chuyển giá được thực hiện dựa trên quyền tự do định đoạt trong kinh doanh với quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế giữa các công ty thành viên. Việc xác định giá trong những giao dịch kiểu như vậy cũng dựa trên một nguyên tắc là đảm bảo lợi ích tổng thể của các thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty nhưng lại làm thay đổi nghĩa vụ thuế khi nghĩa vụ thuế được điều chỉnh theo hướng từ nơi bị điều tiết cao sang nơi điều tiết thấp hơn.

Đánh giá tác động của hiện tượng này, ThS Hà Hương Lan phân tích: Hoạt động chuyển giá diễn ra dưới dạng định giá cao các yếu tố đầu vào nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn của công ty mẹ, dẫn đến các luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư; hành vi chuyển giá này sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn của nền kinh tế quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư, dẫn tới sự phản ánh sai lệch kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tạo ra một bức tranh kinh tế không trung thực.

Trường hợp, quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (thường được gọi là thiên đường thuế) thì các công ty sẽ có lợi thế về số thu thuế thông qua chuyển giá. Tuy nhiên, lợi thế này không bền vững khi mà các quốc gia khác có liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về giá chuyển nhượng. Đây là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế tại các thiên đường thuế này.

Cái “họa” của hiện tượng chuyển giá, trốn thuế là vậy và thực tế trong những năm qua, Việt Nam cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong cuộc chiến này. Một loạt các văn bản, Nghị định, Thông tư… đã được ban hành nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hiện tượng chuyển giá, trốn thuế vẫn diễn biến rất phức tạp.

Và theo ThS Hà Lan Hương thì có mấy nguyên nhân dẫn tới thực trạng này là do cách tính giá theo quy định hiện nay của Bộ Tài chính còn phức tạp, việc quản lý giá giao dịch chuyển giao sản phẩm giữa các bên liên quan chưa được quy định cụ thể trong Luật thuế hiện hành, chưa có hệ thống tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành, hệ thống giá… làm cơ sở so sánh, ấn định thuế.

Một nguyên nhân khác là mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế nói chung và hiện tượng chuyển giá, trốn thuế nói riêng là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp vì như mức xử phạt kê khai sai chỉ là 10%, phạt chậm nộp là 0,05%/1 ngày chậm nộp…

Từ những phân tích trên có thể thấy, cuộc chiến phòng chống chuyển gia, trốn thuế ở nước ta sẽ còn rất cam go và nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, vấn nạn này sẽ còn đeo đẳng, gây bức xúc trong dư luận, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp. Trước mắt, những nghi vấn trốn thuế kiểu như Coca – Cola, Adidas, Metro… rất cần được làm sáng rõ.

Trách nhiệm này xin chờ vào câu trả lời của các cơ quan Thuế!

Thanh Ngọc