"Sợ" biến thành công ty nước ngoài vì bán 1... cổ phần

06:52 | 05/06/2013

880 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đại diện Nhóm Công tác đầu tư và thương mại chỉ ra một nghịch lí: Doanh nghiệp Việt Nam rất cần vốn đầu tư nước ngoài nhưng lại không dám bán cổ phần cho nước ngoài vì bị phân biệt đối xử như một công ty nước ngoài.

Dòng vốn đầu tư nước ngoài là cứu cánh của nhiều doanh nghiệp (Ảnh minh hoạ).

Doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư đều... sợ

Trình bày báo cáo của nhóm Nhóm Công tác đầu tư và thương mại tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam ngày 3/6, ông Trần Anh Đức lí giải nguyên nhân tình trạng trên:  Khi có nhà đầu nước ngoài mua 1 cổ phần, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và phải xin Giấy chứng nhận đầu tư.

Nhưng việc xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư không dễ. Ông Trần Anh Đức ví dụ: Doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn đầu tư. Khi doanh nghiệp Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải lập một dự án đầu tư để làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp Việt Nam với vài nhân viên đã phải rất khó khăn để lập được 1 dự án đầu tư trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ tư vấn. “Đây là một công việc lãng phí nguồn nhân lực của doanh nghiệp để "vẽ" ra một dự án trên giấy và để cơ quan nhà nước thẩm định dự án đó. Doanh nghiệp phải mất khoảng 2 tháng để xin được Giấy chứng nhận đầu tư.

Mặt khác, khi bị đối xử như một công ty nước ngoài, doanh nghiệp sẽ bị thu hẹp ngành nghề kinh doanh, bị giới hạn gia nhập thị trường trong một số lĩnh vực dịch vụ và thương mại.

Trong khi đó, Luật Đầu tư lại không có hướng dẫn chi tiết nên chỉ cần bán 1 cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là đã bị coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

"Trên thực tế, đã có doanh nghiệp dược phẩm phải hủy niêm yết để loại bỏ các nhà đầu tư nước ngoài thiểu số trong công ty của mình" - ông Trần Anh Đức dẫn chứng trong bản báo cáo.

Đại diện Nhóm Công tác đầu tư và thương mại bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét lại khái niệm "doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài" khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ là thiểu số, sở hữu không quá 49% cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam.

Luật không rõ: Mỗi nơi một kiểu

Điều 50 Luật Đầu tư yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Các nghị định và thông tư lại không hướng dẫn chi tiết về việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Cho nên trên thực tế, các cơ quan cấp phép địa phương đã triển khai cấp phép rất khác nhau và mẫu Giấy chứng nhận đầu tư cũng rất đa dạng.

"Giấy chứng nhận đầu tư của một tỉnh ghi rõ tên nhà đầu nước ngoài và tỷ lệ vốn góp trong khi đó một thành phố khác lại không quy định gì" - ông Trần Anh Đức dẫn chứng trong bản báo cáo.

Đáng chú ý là theo quy định tại Nghị định 102/2010/NĐ-CP, Chính phủ không yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều trường hợp.

Trên cơ sở quy định nói trên của Nghị định 102/2010/NĐ-CP, trong năm 2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành một số công văn hướng dẫn không cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo Luật Đầu tư khi nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần. Có tỉnh đã dừng lại việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nhưng lại cũng có tỉnh vẫn tiếp tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi có nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần.

"Nhà đầu tư nước ngoài thực sự bối rối vì không thể biết khoản đầu tư của mình có hợp pháp khi không có Giấy chứng nhận đầu tư. Thậm chí có nhà đầu tư nước ngoài còn dự định yêu cầu cơ quan cấp phép phải cam kết không hủy ngang về việc không cấp Giấy chứng nhận đầu tư" - đại diện Nhóm Công tác đầu tư và thương mại băn khoăn.

Ông Trần Anh Đức thắc mắc: Chúng tôi không rõ vì sao một số cơ quan cấp phép địa phương đã không thực hiện quy định nói trên của Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà vẫn yêu cầu phải có Giấy chứng nhận đầu tư, kể cả khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ sở hữu 0,1% cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam.

Nhóm Công tác đầu tư và thương mại kiến nghị: "Chúng tôi đề nghị Chính phủ hướng dẫn áp dụng Điều 50 của Luật Đầu tư theo hướng chỉ yêu cầu Giấy chứng nhận đầu tư trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp tham gia thành lập pháp nhân mới tại Việt Nam".

Lương Thu Mai