Họp báo Chính phủ tháng 3/2013:

Nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực

19:17 | 29/03/2013

865 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Lạm phát được kiềm chế, thị trường giá cả tương đối ổn định, 60% doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2012 đã hoạt động trở lại,... là những điểm nổi bật của nền kinh tế trong quý I/2013.


Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3/2013. (Ảnh Nhật Bắc/VGP)

Trong thông báo chung của kỳ họp, Chính phủ khẳng định: Kinh tế - xã hội quí I/2013 đã đạt được những kết quả tích cực; bám sát mục tiêu tổng quát, trong đó, tăng trưởng GDP đạt mức cao hơn, lạm phát ở mức thấp hơn năm 2012. Trong đó:

Lãi suất tiếp tục giảm, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thanh khoản các ngân hàng thương mại đã có bước chuyển biến. Tỉ giá, thị trường ngoại hối tương đối ổn định; dự trữ ngoại tệ của Nhà nước tăng cao (đạt hơn 12 tuần nhập khẩu); thị trường vàng từng bước ổn định.

Xuất khẩu tiếp tục tăng cao, tháng 3 ước đạt 11 tỉ USD, tăng 53,9% so với tháng trước; quí I/2013 ước đạt 29,69 tỉ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đáng chú ý là khu vực kinh tế trong nước, từ chỗ chỉ tăng 3,1% trong cả năm 2012, sang quí I/2013 đã tăng 10,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) ước tăng 25,6%.

Kim ngạch nhập khẩu tháng 3 ước đạt 11,3 tỉ USD, tăng 56% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu quí I/2013 ước đạt 29,2 tỉ USD, tăng 17%; đáng chú ý nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị tăng khá. Xuất siêu quí I/2013 đạt khoảng 481 triệu USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và dự trữ ngoại hối của Nhà nước.

Đáng chú ý, vốn FDI đăng ký và thực hiện trong quí I/2013 tăng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn đăng ký ước đạt trên 6 tỉ USD, tăng 63,6%; vốn thực hiện ước đạt 2,7 tỉ USD tăng 7,1%; giải ngân vốn ODA đạt khá. Tiến trình tái cơ cấu đầu tư công đã được triển khai ngày từ đầu năm 2013 và đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực.

Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đạt mức tăng 4,79% trong quí I/2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm liên tiếp trước đó (năm 2012 tăng 0,77%; năm 2011 giảm 0,01%).

Đặc biệt, trong tổng số 13.000 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2013 thì đã có tới 7.650 doanh nghiệp (chiếm khoảng gần 60%) đã quay lại trở lại hoạt động vào quí I/2013. Đây chính là tín hiệu tích cực cho thấy những chính sách điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ cũng như các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp được nêu trong Nghị quyết 01 và 02 đang dần phát huy tác dụng.

Đánh giá về mức tăng trưởng GDP quí I/2013 ước đạt 4,89% (cùng kỳ năm 2012 là 4,75%), Chính phủ nhận định: Trong điều kiện có nhiều khó khăn và phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đạt mức tăng trưởng GDP như vậy là một sự cố gắng.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh Nhật Bắc/VGP)

Trong bài phát biểu kết luận phiên họp, những vấn đề trên một lần nữa cũng đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý rằng: Nhìn lại quý I/2013, vấn đề tích cực nổi lên là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Tuy nhiên đi sâu vào phân tích, chúng ta thấy công nghiệp tăng thấp, nông nghiệp khó khăn, còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại;… Tăng trưởng đạt được trong quý I là nhờ vào dịch vụ, vào xuất khẩu; kết quả tích cực đạt được là chưa căn cơ, chưa vững chắc, đồng thời Thủ tướng khẳng định sản xuất mới là cái căn cơ, vững chắc đối với nền kinh tế.

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt hơn nữa trong triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ; kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% của năm 2013; giữ lạm phát thấp hơn năm 2012.

Theo đó, trước hết cần dành ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng.

Thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế có hiệu quả để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu đi đôi với hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam.

Cùng với đó là thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; tăng dư nợ tín dụng, đưa tín dụng vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục thực hiện lộ trình hạ lãi suất cho vay, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động để đảm bảo sản xuất ổn định, tạo việc làm. Xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao tạo giá trị gia tăng lớn và công nghiệp phụ trợ. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, bao gồm tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Chú trọng chỉ đạo công tác thu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm các cân đối thu chi theo kế hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Liên quan đến những đề xuất của thị trường bất động sản, Thủ tường cho rằng cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp cho người thu nhập thấp vay mua nhà với lãi suất thấp và thời hạn vay dài.

Thủ tướng cũng đồng ý với ý kiến đề xuất của một số thành viên Chính phủ về chủ trương cho người nước ngoài mua nhà để ở tại Việt Nam trên cơ sở các quy định quản lý chặt chẽ, tránh các tiêu cực xã hội có thể phát sinh.

Thanh Ngọc