Hàng Việt bị “lấn át” trên thị trường nội địa

08:24 | 14/08/2013

1,431 lượt xem
|
Gần đây, các thương hiệu Việt gặp khó khăn trong tiêu thụ hàng hóa trên thị trường nội địa. Sự cạnh tranh của các công ty đa quốc gia và hàng giả, hàng nhái có dấu hiệu lấn át hàng Việt trên kênh phân phối: chợ, siêu thị và cả thị trường nông thôn. Xung quanh vấn đề này, PV PetroTimes đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.

PV: Thưa bà, trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chúng ta vẫn luôn tự hào rằng hàng Việt đang chiếm lĩnh hơn 90% hàng hóa trong kênh phân phối siêu thị?

Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao

Bà Vũ Kim Hạnh: Phải nhìn nhận một thực tế rằng, hiện nay mặc dù 90-95% hàng hóa trong siêu thị là hàng Việt nhưng đa số là hàng Việt gia công. Những thương hiệu Việt cứ mất dần dần, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ “bật gốc” ra khỏi siêu thị. Trong các siêu thị hiện nay, hai lực lượng hàng hóa mạnh nhất là hàng của các công ty đa quốc gia và hàng nhãn riêng của siêu thị. Doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta dù đã có thương hiệu nhưng muốn bán hàng bằng thương hiệu của mình tại siêu thị cũng gặp không ít khó khăn bởi không cạnh tranh nổi với hai đối tượng trên. Nhiều doanh nghiệp “kêu ca” muốn hàng được bán ở siêu thị thì phải tập trung làm gia công (làm hàng mang nhãn riêng của siêu thị) với một tỷ lệ nhất định thì mới được chấp nhận.

Trước tình hình này, vừa qua chúng tôi đã gặp trực tiếp lãnh đạo của hai hệ thống siêu thị lớn hiện nay là Co.op Mart và Big C để làm rõ vấn đề. Tổng giám đốc của Big C cũng nhìn nhận rằng đây là một thực tế và cũng muốn đứng ra làm một chương trình hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam vào kinh doanh bền vững trong siêu thị. Tuy nhiên, ông này cũng khẳng định đây là một việc cực kỳ khó khăn và không hứa hẹn thành công. Có lẽ phải mất 3-5 năm mới làm được.

PV: Mục tiêu đưa hàng Việt vào kinh doanh bền vững ở siêu thị trong điều kiện người kinh doanh siêu thị hiện nay đang đẩy mạnh kinh doanh hàng hóa mang nhãn riêng của họ, việc này có mâu thuẫn với lợi ích của người kinh doanh siêu thị?

Bà Vũ Kim Hạnh: Chúng tôi đề nghị nên có nghiên cứu sâu về vấn đề kinh doanh hàng nhãn riêng trong siêu thị. Hiện nay có rất nhiều vấn đề đang tranh luận về hàng nhãn riêng. Phía siêu thị cho rằng, việc kinh doanh hàng nhãn riêng cũng là phục vụ cho quyền lợi của người tiêu dùng bởi siêu thị tận dụng ưu thế là nhà phân phối, giúp doanh nghiệp bán được hàng, giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm. Và hàng nhãn riêng là một xu thế tất yếu, chúng ta cũng không thể nào làm khác. Tuy nhiên, chúng tôi không hoàn toàn ủng hộ trên xu hướng trên, với việc các thương hiệu của Việt dần biến mất khỏi thị trường nhường chỗ cho hàng hóa mang một nhãn hiệu. Việc này cũng không tạo ra môi trường cạnh tranh công bằng.

Chúng tôi nghĩ, cần quy định về tỷ lệ nhãn hàng riêng trong siêu thị và có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ thống phân phối hiện đại.

PV: Nếu khó khăn ở kênh phân phối hiện đại như siêu thị thì theo bà có nên định hướng doanh nghiệp Việt tập trung vào kênh phân phối chợ truyền thống với yêu cầu ít khắt khe hơn?

Bà Vũ Kim Hạnh: Ở kênh phân phối chợ truyền thống, tình hình cũng không lạc quan hơn. Gần 2 năm làm chương trình đưa hàng Việt vào chợ truyền thống, chúng tôi nhận thấy ở đây các công ty đa quốc gia cũng chiếm lĩnh thị trường. Họ mua không gian trưng bày, tổ chức tập huấn cho tiểu thương kỹ năng kinh doanh rất tốt. Ở phân khúc thấp hơn, thì hàng Trung Quốc, hàng giả, hàng nhái cũng đang lộng hành. Doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh nổi.

PV: Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 8,9% doanh nghiệp quan tâm đến việc giải phóng hàng tồn kho bằng cách mở rộng thị trường tiêu thụ đến khu vực nông thôn. Điều này cho thấy, dường như doanh nghiệp không còn mặn mà với thị trường này?

Bà Vũ Kim Hạnh: Theo tôi, doanh nghiệp vẫn rất quan tâm đến thị trường nông thôn. Tuy nhiên, hiện nay việc đưa hàng Việt về nông thôn rất khó bởi một số địa phương không còn nhiệt tình như trước. Tình trạng này xuất phát từ việc, khi đứng ra phối hợp tổ chức chương trình với Hội, địa phương không thấy thu được lợi ích gì trước mắt bởi kinh phí thực hiện chương trình rất hạn hẹp. Hội phải đi tới đi lui, xin phép ở nhiều cấp mới tổ chức được. Tuy nhiên, cũng có nhiều địa phương nhận thấy lợi ích lâu dài của chương trình mang lại là xây dựng mạng lưới hàng Việt có uy tín, bền vững, đem lại lợi ích cho người tiêu dùng ở địa phương thì họ tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện chương trình.

PV: Trong khi các chuyến hàng về nông thôn của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đang gặp khó khăn thì nhiều hội chợ ở nông thôn với sự trà trộn của hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn tìm được chỗ đứng ở thị trường này?

Bà Vũ Kim Hạnh: Theo tôi, các hội chợ bán hàng kém chất lượng vẫn tổ chức được ở khu vực nông thôn vì các chuyến hàng này họ thu được lợi nhuận cao nên có thể hỗ trợ cho địa phương một khoản nào. Trong khi đó, chương trình của chúng tôi nhiều khi phải xin địa phương cùng chung tay góp công, góp của để tổ chức nên khó khăn hơn. Các chuyến đưa hàng về nông thôn của chúng tôi được kiểm soát rất chặt chẽ về chất lượng hàng hóa hàng hóa, không để hàng Trung Quốc, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tuồn vào, gây mất lòng tin của người dân vào cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”.

Các chuyến hàng của Hội được tổ chức rất bài bản với khoảng 50 doanh nghiệp tham gia, đa số là các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, có thương hiệu trên thị trường. Mỗi chuyến đi đều được truyền thông trước nửa tháng, vận động tiểu thương đến để huấn luyện, nâng cao kỹ năng bán hàng, xây dựng hệ thống phân phối... Chúng tôi cũng chọn lọc kỹ về chất lượng hàng hóa và mục tiêu tham gia chương trình của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp tham gia với mong muốn mở rộng mạng lưới phân phối lâu dài ở thị trường nông thôn chứ không phải chỉ để giải quyết hàng tồn kho, bán dạo một chuyến rồi về.

PV: Trước hàng loạt khó khăn doanh nghiệp Việt đang gặp phải, theo bà giải pháp nào để đưa doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường?

Bà Vũ Kim Hạnh: Trong tình hình kinh tế khó khăn, sức mua giảm sút chúng ta thường nói nhiều đến giải pháp về đầu ra cho sản phẩm. Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng luôn hỗ trợ, xúc tiến thương mại giúp doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, hình thành hệ thống phân phối. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi thấy có một vấn đề lớn mà doanh nghiệp Việt còn yếu là đổi mới về khoa học công nghệ, trong sản xuất và trong quản trị. Vấn đề này đã nói đến nhiều nhưng thực hiện không phải dễ bởi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc kết nối với các đối tác hỗ trợ về đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, đây là yếu tố quyết định sống còn và khả năng phát triển bền vững trong tương lai của doanh nghiệp nên phải cố gắng làm cho được. Sắp tới khi hàng hóa các nước vào nước ta với thuế suất hầu như bằng 0 thì cuộc cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ càng khốc liệt hơn; không có cách nào khác là nâng cao sức cạnh tranh bằng đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.

PV: Xin cảm ơn bà!

Mai Phương (Thực hiện)