Doanh nghiệp chủ động vượt khó
Nhiều bài học đắt giá từ hiện tượng đóng băng bất động sản.
Chuyện DN gặp khó khăn không phải bây giờ mới nói mà thực tế, từ hơn 1 năm nay, nó đã trở thành một trong những vấn đề “nóng” của nền kinh tế, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Từ giữa năm 2012 và đặc biệt là những tháng đầu năm 2013, trong nỗ lực hỗ trợ DN phục hồi sản xuất kinh doanh, kích cầu tăng trưởng của nền kinh tế, một loạt các chính sách kinh tế vĩ mô đã được Chính phủ cũng như các Bộ, ngành ban hành.
Và thực tế, ngay trong Nghị quyết 01 và 02, Chính phủ đã khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt đòi hỏi các Bộ, ngành quyết liệt triển khai nhằm đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, 8/2013, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh rằng, tình hình kinh tế - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, các chỉ số kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thực hiện hiệu quả. Một điểm sáng đáng chú ý được Bộ trưởng khẳng định là tình trạng tồn kho của nền kinh tế đã được khơi thông và hiện đã không còn là vấn đề của nền kinh tế.
Nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi nhờ những chính sách hỗ trợ, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và thực tế, số lượng DN đăng ký thành lập mới trong những tháng gần đây liên tục tăng, tính riêng trong tháng 8/2013, con số này là 9,5%. Đáng chú ý, cũng theo thông tin được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra thì 8 tháng 2013, cả nước có khoảng 10,7% DN đã quay trở lại sản xuất.
Qua đó để thấy rằng, xu hướng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế tuy còn chậm theo đánh giá chung của Chính phủ nhưng là tăng trưởng một cách chắc chắn. Và đây chính là cơ sở để cộng động DN tin tưởng sẽ sớm thoát qua cảnh khó khăn như hiện nay.
Trong những bài viết “Thị trường vốn vẫn gặp khó”, PetroTimes đã phân tích khá rõ về hiện tượng “ế” vốn, tắc vốn trong két các tổ chức tín dụng, ngân hàng… Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, ngoài yếu tố mang tính khách quan do bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu thì có một phần không nhỏ xuất phát từ sự yếu kém trong quản trị cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh của DN.
Câu chuyện này đã được nhiều chuyên gia đề cập tới và theo TS Nguyễn Minh Phong, để thoát khỏi tình trạng này, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của đến từ nền kinh tế, bản thân các DN cũng phải tự thân vận động, tìm lối thoát cho chính mình. Tái cấu trúc DN trong đó tập trung vào khâu quản trị, xây dựng chiến lược đầu tư là điều kiện kiên quyết để doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Thực tế gần 1 năm qua, tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và tái cấu trúc doanh nghiệp nói riêng đã được Đảng và Chính phủ triển khai rất quyết liệt. Một loạt các đề án tái cấu trúc các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước cũng đã được phê duyệt và đây chính là tiền đề để nền kinh tế phục hồi tăng trưởng.
Ở một góc độ khác, sau quãng thời gian tăng trưởng quá “nóng” và bị “sa lầy” trong nhiều lĩnh vực đầu tư vốn dĩ không phải thế mạnh của mình, nhiều DN đã định hình được một hướng đi mới phù hợp với khả năng hơn. Họ đã rút ra được những bài học đắt giá cho các tham vọng đầu tư của mình và cũng đang nỗ lực tiến hành tái cơ cấu DN một cách quyết liệt.
Liên quan đến câu chuyện vốn của nền kinh tế, theo tìm hiểu của PetroTimes, hầu hết các DN đều tin tưởng vào sự bền vững của đà phục hồi nền kinh tế và đang tìm mọi cách thoát khỏi những khó khăn hiện nay. Câu chuyện giải bài toán vốn là một ví dụ.
Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn kéo dài, khả năng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng lại rất hạn chế, nhiều DN đã chọn giải pháp kêu gọi cán bộ, công nhân viên góp vốn, tham gia cổ phần của DN. Cách làm này có thể là chẳng hề mới trên thị trường chứng khoán, với các DN liên kết nhưng nó lại khá mới với những DN vừa và nhỏ - đây chủ yếu là DN tư nhân.
Một điểm nữa, nhiều DN đã “biết tiến” và giờ cũng đã “biết lùi” khi chấp nhận rút chân khỏi một loạt lĩnh vực đầu tư như bất động sản, chứng khoán… Giám đốc một công ty xây dựng ở Cầu Giấy – Hà Nội, chủ đầu tư một dự án chung cư mini ở Mỹ Đình cho biết: Chúng tôi đã chấp nhận đưa giá căn hộ chung cư tại dự án xuống còn 800 – 900 triệu đồng/căn, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,7 tỉ đồng theo tính toán ban đầu để giải quyết tồn kho cũng như giảm áp lực tài chính.
Ngoài ra, theo vị giám đốc này, công ty của anh cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý để kêu gọi cán bộ, công nhân viên góp cổ phần vào công ty.
Anh hy vọng: “Với đà phục hồi kinh tế như những tháng gần đây, đặc biệt là khi những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản “ngấm” vào thị trường, lĩnh vực xây dựng sẽ nhộn nhịp hơn và những công ty như của chúng tôi sẽ có cơ hội để phục hồi trở lại”.
Câu chuyện trên đã cho thấy, sau quãng thời gian dài “ăn trực, nằm chờ” chính sách hỗ trợ của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành liên quan, nhiều DN đã biết ý thức “tự cứu chứ đừng chờ cứu” theo quan điểm chia sẻ của TS Nguyễn Minh Phong.
Thanh Ngọc
-
5 địa phương dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế trong quý I/2025
-
Tin tức kinh tế ngày 12/4: Chính phủ giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng từ 8%
-
Tin tức kinh tế ngày 11/4: Thu nhập bình quân của người lao động tăng 9,5%
-
Tin tức kinh tế ngày 9/4: ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng 6,6%
-
Tin tức kinh tế ngày 8/4: Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới
-
Mỹ ép châu Âu mua dầu khí, nói dễ hơn làm?
-
Giá vàng hôm nay (15/4): Thị trường thế giới giảm mạnh
-
Giá dầu hôm nay (15/4): Dầu thô tăng nhẹ trong phiên giao dịch
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 15/4: Liên minh Châu Âu xem xét mua thêm LNG của Mỹ
-
Sàn giao dịch carbon - Động lực mới cho doanh nghiệp phát triển xanh bền vững