Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước:

Khẳng định vai trò “lính tiên phong”

06:50 | 04/08/2012

758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn sẽ là nòng cốt để kinh tế Nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết và ổn định kinh tế vĩ mô - đó là mục tiêu lớn được khẳng định trong bản Đề án Tái cơ cấu DNNN vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dấu ấn phai mờ?

Sau một quãng thời gian tăng trưởng, phát triển đầy ấn tượng, nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu chững lại khi tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2012 chỉ đạt 4,38% - mức rất khiêm tốn so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm.

Một loạt các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô đã được ban hành nhưng vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi. Và trong bối cảnh đó, tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đang được chờ đợi và kỳ vọng sẽ là “cú hích” tổng lực đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Thực tiễn cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu trong các năm 2008-2009 đã cho thấy, các DNNN với tiềm lực và phạm vi hoạt động rộng lớn của mình chính là lực lượng quan trọng được Nhà nước sử dụng để kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, ngăn chặn suy giảm kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội... góp phần đưa GDP tăng mạnh từ 3,14% trong Quý I lên 6,9% trong Quý IV của năm 2009 và tính chung cả năm là 5,32%.

Đây là mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng và được nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đánh giá cao bởi Việt Nam cũng chỉ vừa mới “chân ướt, chân ráo” tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Và giờ đây, khi mà những dự cảm về một cuộc khủng hoảng “kép” đang được nhắc tới thì vai trò “quả đấm” của Nhà nước được thể hiện để điều hành kinh tế vĩ mô, chống chọi với các nguy cơ mà nền kinh tế phải đối mặt.

Không chỉ là thứ “vũ khí” đặc biệt của Nhà nước dùng để giải quyết những vấn đề khó khăn mà nền kinh tế gặp phải, một số DNNN còn giữ vai trò cân đối lớn trong nền kinh tế quốc dân, như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đóng góp vào khoảng 30% GDP hằng năm; Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp dịch vụ viễn thông cho vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phục vụ nhiệm vụ chính trị, an ninh, quốc phòng...

Điển hình có thể kể đến dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - đây là một trong những dự án trọng điểm, giữ vai trò hạt nhân trong phát triển kinh tế vùng - miền mà PVN đã triển khai. Sự xuất hiện của Dự án đã gắn liền với bước phát triển “thần tốc” của tỉnh Quảng Ngãi năm 2005, đưa tỉnh này ra nhập câu lạc bộ 500 tỉ. Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu, vì chỉ 1 năm sau, năm 2006, Quảng Ngãi đã có bước nhảy vọt về số thu ngân sách, với tổng nguồn thu vượt con số 1.000 tỉ đồng. Đặc biệt, sự có mặt của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã kéo theo hàng loạt các dự án đầu tư vào Khu kinh tế Dung Quất, góp phần tích cực tăng nguồn thu ngân sách cũng như các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của Quảng Ngãi. Theo thống kê, trong giai đoạn này, Quảng Ngãi đã thu hút vốn FDI tăng bình quân 56,29%/năm; trong đó dự án công nghiệp nặng của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) đang phát huy hiệu quả, nâng số dự án FDI đầu tư vào Quảng Ngãi lên 18 dự án, tổng vốn đăng ký gần 3,4 tỉ USD, đưa Quảng Ngãi lên vị trí thứ 2 trong khu vực về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Yêu cầu từ thực tiễn

Đưa quan điểm xung quanh vấn đề này, TS Nguyễn Quốc Ngữ, Phó vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng thì, trong những năm qua, mặc dù DNNN giảm về số lượng và giảm phần tài trợ của Nhà nước, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn tăng, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng kinh tế nòng cốt. Ngoài ra, các DNNN cũng đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các chính sách và ổn định chính trị - xã hội, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội về việc làm, thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, hình thành các trung tâm kinh tế, xã hội, đô thị mới, trang bị lại kỹ thuật, đổi mới công nghệ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề và tạo thêm điều kiện hạ tầng cho toàn bộ nền kinh tế quốc dân…

Quan điểm trên cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, trong những năm qua, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước có bề dày lịch sử phát triển, là những đơn vị đóng vai trò rường cột của nền kinh tế qua các thời kỳ. Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước nắm chủ yếu cơ sở vật chất kỹ thuật và vận hành, sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu nhất, góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.

“Các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước là thành phần chủ lực, giúp Nhà nước thực hiện việc bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội và tham gia vào các lĩnh vực mà tư nhân không làm. Do đó, chúng ta cần xem xét, xử lý nghiêm minh các sai phạm nhưng cũng không nên phủ nhận toàn bộ công sức của hàng triệu cán bộ, viên chức, kỹ sư, người lao động đang ngày đêm làm việc tại các DNNN”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Từ đó để thấy rằng, có thể trong những giai đoạn nhất định, hoạt động của một số DNNN chưa thực sự đáp ứng được sự kỳ vọng của xã hội nhưng nếu nhìn một cách tổng thể, chúng ta phải khẳng định rằng: Việc hình thành và phát triển mô hình tập đoàn kinh tế là điều tất yếu và là xu hướng hội nhập quốc tế hiện nay. Tái cấu trúc DNNN để hình thành những tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đủ mạnh chi phối nền kinh tế và có vai trò, vị trí ngày càng lớn, có đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn, tổng công ty cùng ngành kinh doanh trong khu vực. Điều này đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại Hội nghị 10 năm đổi mới DNNN, đổi mới, tái cơ cấu DNNN không phải là để xóa bỏ DNNN. DNNN là lực lượng nòng cốt quan trọng của kinh tế Nhà nước, là lực lượng vật chất để Nhà nước điều hành nền kinh tế.

Xuất phát từ những luận điểm trên, Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước đã đặt ra các mục tiêu: DNNN có cơ cấu hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; Nâng cao sức cạnh tranh, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu đối với doanh nghiệp kinh doanh; hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội, quốc phòng, an ninh đối với doanh nghiệp hoạt động công ích.

Thanh Ngọc

Báo Năng lượng Mới số 143, ra ngày 3/8/2012