Cao su “bật khỏi” nhóm xuất khẩu 1 tỉ USD
Xuất khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 5/2013 ước đạt 60.000 tấn, trị giá khoảng 142 triệu USD, tăng 38,4% về lượng so với tháng trước, nhưng do giá tiếp tục giảm 7,3% so với tháng trước nên giá trị chỉ tăng 28,2%. Lượng cao su xuất khẩu tháng 5 tăng nhờ sản lượng tăng vào đầu mùa thu hoạch. Tuy nhiên, do giá cao su trên thế giới giảm làm kim ngạch xuất khẩu không tăng tương xứng với lượng.
Đặc biệt, nếu so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cao su trong tháng 5/2013 giảm 19% về lượng và giảm đến 39% trị giá, giá giảm 45%. Nhu cầu tăng chậm trong lúc sản lượng tăng nhanh trên thế giới đã tạo ra áp lực giảm giá.
Trong 5 tháng đầu năm 2013, lượng cao su xuất khẩu ước đạt khoảng 292.000 tấn, trị giá 760 triệu USD, giảm 14,4% về lượng, giảm 26,6% về giá trị và giảm 14,2% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Giá xuất khẩu cao su liên tục giảm trong những tháng đầu năm 2013
Hiệp hội cao su Việt Nam nhận định: Giá cao su thiên nhiên trên thế giới có nhiều biến động và ảnh hưởng đến giá xuất khẩu cao su Việt Nam. Bình quân giá cao su xuất khẩu trong tháng 1/2013 là 2.722 USD/tấn, nhưng giảm còn 2.554 USD/tấn trong tháng 4 và tiếp tục giảm còn khoảng 2.367 USD/tấn trong tháng 5.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chậm là một trong những yếu tố tác động làm giảm giá cao su. Trong đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của nước ta cũng giảm lượng nhập khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2013, lượng nhập khẩu cao su từ nước ta của Trung Quốc khoảng 116.381 tấn, chiếm 50% thị phần và kim ngạch 293,7 triệu USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 27,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Malaysia là thị trường tiêu thụ cao su lớn thứ hai của nước ta, chiếm 16,8% thị phần đã tăng lượng nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm nhưng nếu xét về giá trị nhập khẩu vẫn giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Bốn tháng đầu năm, Malaysia nhập khoảng 38.946 tấn cao su từ nước ta với giá trị khoảng 108 triệu USD, tăng 5,6% về lượng.
Bên cạnh đó, tồn kho cao su tăng cao ở Trung Quốc cũng như một số nước trên thế giới cũng là nguyên nhân tác động làm giảm giá cao su. Dự kiến, nguồn cung cao su từ Thái Lan, nước dẫn đầu về xuất khẩu cao su trên thế giới sẽ tăng trong những tháng vào vụ tiếp theo, tiếp tục tạo áp lực kéo giá cao su xuống.
Như vậy, trong 5 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu cao su không đạt được mức 1 tỉ USD của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chỉ ngoại trừ cao su, 11 nhóm hàng còn lại vẫn giữ được kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2012 là: Điện thoại và linh kiện (8,107 tỉ USD); dệt may (6,43 tỉ USD); máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (3,912 tỉ USD); giày dép (3,208 tỉ USD); dầu thô (3,019 tỉ USD); thủy sản (2,301 tỉ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (2,191 tỉ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (2,183 tỉ USD); gỗ và sản phẩm gỗ (2,028 tỉ USD); cà phê (1,512 tỉ USD); gạo (1,296 tỉ USD).
Mai Phương
-
Tin tức kinh tế ngày 9/4: ADB dự báo kinh tế Việt Nam năm 2025 tăng trưởng 6,6%
-
Xuất siêu sang Mỹ: Việt Nam xứng đáng được đối xử công bằng
-
Tin tức kinh tế ngày 20/3: Nới room ngoại tối đa cho 4 ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc
-
Chính phủ Anh muốn mở rộng thị trường cho nhiều thương hiệu bán lẻ tại Việt Nam
-
Đề xuất giảm 2% VAT với toàn bộ hàng hóa, dịch vụ
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 22/5: Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện trữ lượng dầu đá phiến lớn
-
Tin tức kinh tế ngày 21/5: Tăng trưởng tín dụng xanh đạt 21,2% mỗi năm
-
Vì sao Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản phải từ chức?
-
Mỹ bỏ trừng phạt Iran ảnh hưởng gì đến giới lọc dầu Trung Quốc?