Thực, thật và thiệt

09:21 | 09/09/2013

|
Bạn đọc: Trước đây, có lần ông đã trả lời rằng, “thực” và “thật” là hai chữ riêng biệt nhưng do kiêng húy nên mới đọc “thật” thành “thực”. Vậy “Lam Sơn thực lục” trước đây cũng đọc là “Lam Sơn thật lục” chăng? Rồi “thực” và “thật” trong “thực sự” - “thật sự”, “thực ra mà nói” - “thật ra mà nói”, v.v… có phải cũng chỉ là một hay không? Cuối cùng, chữ “thật” còn đọc là “thiệt” nữa (“thật lòng = thiệt lòng). Vậy đảo ngược lại, chữ “thiệt” trong “thua thiệt”, “thiệt thòi”, “thiệt mạng” có thể do một chữ “thật” gốc nào đó mà ra hay không? Sao mà rắc rối thế! Mong ông An Chi gỡ rối… tơ lòng thòng. Xin cảm ơn ông. Nhóm bạn Bùi, Nguyễn, Trần

Học giả An Chi: Trên Kiến thức Ngày nay số 283 (10/6/1998), chúng tôi đã viết:

“Tuy có thể “thông” với nhau, nghĩa là dùng thay cho nhau trong một số trường hợp nhất định nhưng “thực” và “thật” là hai chữ riêng biệt. Chữ “thực”, Hán tự là [寔], có thiết âm là “thường chức thiết (= th[ường] + [ch]ức = thực). Còn chữ “thật” thì Hán tự là [實] và có thiết âm là “thần chất thiết” (= th[ần] + [ch]ất = thật). Đây là hai chữ riêng biệt muộn nhất cũng là từ thời Thuyết văn giải tự của Hứa Thận (đời Hán) theo sự ghi nhận của sách này. Vậy, khi người Việt chính thức tiếp xúc với tiếng Hán thì đó đã là hai chữ riêng biệt mặc dù ở thời viễn cổ thì chúng có thể đã chỉ là một.

“Chữ “thật” bị đọc trại thành “thiệt” là do kiêng tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm, về sau là vua Minh Mạng. “Thật” là tên do vua Gia Long đặt cho bà. Tiếng “hoa” cũng vì kiêng húy của bà mà bị đọc trại thành “huê”.”

Cách đây 15 năm, chúng tôi đã viết như thế còn lần này thì xin nói thêm như sau. “Thực” [寔] và “thật” [實]  vốn là hai điệp thức (doublet), nghĩa là hai đồng nguyên tự (chữ cùng gốc), như Vương Lực đã chứng minh và khẳng định một cách rõ ràng và đầy sức thuyết phục trong Đồng nguyên tự điển (Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 1997, tr.115). Nhưng nếu căn cứ vào những cứ liệu đáng tin, chẳng hạn những tự dạng của “thực” [寔] và “thật” [實] như có thể thấy trong Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993, tr.396 & 400), thì tuy cả hai đều được ghi nhận trong Thuyết văn giải tự của Hứa Thận nhưng trước đó thì chỉ có chữ “thật” [實].  Vậy “thật” [實]  là chữ tiên phát còn “thực” [寔] chỉ là chữ hậu khởi.

Tên của tác phẩm Lam Sơn thực lục viết bằng chữ Hán là [藍山實錄], trong đó âm chính thống và chính xác của chữ thứ ba là THẬT chứ không phải “thực”. Vậy nó phải được đọc thành “Lam Sơn thật lục” mới đúng. Ở nước ta, vua Bảo Đại đã thoái vị từ 1945 nên chuyện kiêng húy đối với hoàng tộc cũng không còn ý nghĩa và tác dụng trong xã hội. Hai tiếng “thật” và “thực” cũng đã trở nên bình đẳng với nhau, không còn nhất bên trọng, nhất bên khinh. Nhưng người ta vẫn cứ theo cái quán tính nặng nề của ý thức hệ quân chủ mà đọc nó thành “Lam Sơn thực lục”, ngay cả ở thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa nữa!

Tuy nhiên, trở lên là nói về cách đọc chính xác đối với chữ [實]  trong

[藍山實錄], chứ “thực” và “thật” trong “thực sự” - “thật sự”, “thực ra mà nói” - “thật ra mà nói”, v.v… thì lại là chuyên khác. Ở đây, ta đang đối diện với sự tồn tại của hai từ, tuy cùng gốc ở thời viễn cổ nhưng nay đã trở thành hai từ riêng biệt và độc lập với nhau. Chúng đồng nghĩa đấy, nhưng không phải có thể thay thế cho nhau trong mọi trường hợp. “Thực sự” có thể nói thành “thật sự, “thực ra” có thể nói thành “thật ra”, v.v… nhưng “thị thực” thì không nói thành “thị thật”, “hiện thực” không nói thành “hiện thật”, v.v… Trong Nam thì “thật” có một biền thể ngữ âm là “thiệt”, do kiêng tên bà Hồ Thị Hoa (Thật) về mặt phát âm (còn trên văn tự thì thay [實] bằng [寔], như đã nói). Còn về chữ “thiệt” trong “thua thiệt”, “thiệt thòi”, “thiệt mạng”,v.v… thì trên Kiến thức Ngày nay số 297 (1/11/1998), chúng tôi đã viết:

“Thiệt trong “thiệt thòi”, “thiệt mạng” không phải là biến âm của chữ “thật” nào cả vì đó là âm Hán Việt chánh cống của chữ [折], có nghĩa là gãy, là hao tổn. Chữ [折] này thường chỉ được biết đến với âm “chiết” (trong “chiết tự”, “chiết khấu”, “khuất chiết”, v.v...) nhưng âm “thiệt” của nó đã từng được ghi nhận trong các quyển Đường vận, Tập vận, Vận hội, Chính vận, mà Khang Hy tự điển đã dẫn lại. Đó là [食列切,音舌ä] “thực liệt thiết, âm thiệt” (th[ực] + [l]iệt = thiệt). Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cũng có ghi nhận âm này với những nghĩa đã nói. Các quyển từ điển như Từ nguyên, Từ hải (là những công trình thời nay) đã hỗn nhập hai âm làm một nên đã góp phần làm mất tung tích của âm “thiệt”, khiến ngay cả một số người biết chữ Hán cũng có thể ngộ nhận mà cho rằng “thiệt” là một từ “thuần Việt”.

A.C