Quyển sách mới của ông Phan Ngọc

09:23 | 10/06/2013

|
(Petrotimes) - Bạn đọc: Trong quý I/2013, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội đã phát hành quyển Hình thái học trong từ láy tiếng Việt của GS Phan Ngọc, với lời giới thiệu ở bìa 4: “Ở tuổi 87, thật bất ngờ, ông lại cống hiến cho đời một công trình thú vị: Hình thái học trong từ láy tiếng Việt (…) được viết như một tùy bút khoa học (…). Công trình này đã ghi lại được những suy nghĩ, trăn trở suốt cuộc đời của tác giả về những vấn đề then chốt của tiếng Việt: vấn đề chữ Nôm, vấn đề chữ quốc ngữ, vấn đề cải cách chữ quốc ngữ, vấn đề hệ thống ngữ âm tiếng Việt, vấn đề hình thái học trong tiếng Việt, vấn đề cấu trúc của từ láy trong tiếng Việt, quy luật phù trầm và từ Hán Việt”. Những vấn đề được giới thiệu xem ra phong phú và quan trọng so với sức chứa của 124 trang khổ 16x24. Vậy xin ông An Chi cho biết đây là một quyển sách có giá trị như thế nào. Xin cảm ơn ông! Đỗ Thế Thuật (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Vì Hình thái học trong từ láy tiếng Việt là một công trình ghi lại những suy nghĩ, trăn trở suốt cuộc đời của Phan Ngọc về những vấn đề then chốt của tiếng Việt cho nên nói chung có những chuyện cũng đã được tác giả nói đến ở chỗ này, chỗ nọ rồi. Nói thẳng ra, có những cái không mới và có những điều về chi tiết thì chính An Chi cũng từng phân tích, dưới bút danh Huệ Thiên, trong bài “Ngữ học gia Phan Ngọc đã nâng cấp công trình của học giả Đào Duy Anh như thế nào?”, đăng lần đầu tiên trên tạp chí Thông tin Khoa học & Công nghệ Thừa Thiên Huế, số 4 -1997, in lại trong “Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm” (NXB Trẻ, 2004, trang 369-390). Quyển sách của Phan Ngọc có những điều lý thú liên quan đến ngữ học có thể bàn bạc lắm nhưng ở đây, chúng tôi chỉ xin nhận xét sơ sơ về một vài ý viết theo lối “tùy bút” ở hai trang 16-17 thuộc chương II (Vấn đề chữ viết).

Sau đây là những dòng đầu tiên của Phan Ngọc tại chương này:

“Nếu muốn nói đến hình thái học trong tiếng Việt, thì câu chuyện đầu tiên là phải viết lại các từ láy theo một hệ chữ viết thích hợp (…) ví thử chúng ta dùng chữ Nôm, một văn tự xa lạ với ngữ âm học thì làm thế nào nói đến hình thái học được?”.

Khi nói chữ Nôm là một nền văn tự xa lạ với ngữ âm học, ông Phan Ngọc có ý chê nó không thuộc loại hình văn tự viết bằng chữ cái (alphabetic script), như của các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga, v.v… Ông có quyền chê nó - mà chúng tôi thì vẫn sẵn sàng thừa nhận chữ Nôm là một nền văn tự chưa có quy cũ chặt chẽ - nhưng nếu nói như ông rằng vì nó không phải là một thứ “alphabetic script” nên không làm thế nào nói đến hình thái học với nó được thì lại là bộc lộ một sự nhận thức có vẻ như… không chuyên. Ngay cả với những thứ ngôn ngữ chưa hề có văn tự trên đời thì người ta vẫn có thể khảo sát và miêu tả nó về phương diện hình thái học cơ mà (dĩ nhiên là với điều kiện tự nó phải có những yếu tố hình thái)!  Nhưng ông Phan Ngọc còn cực đoan đến mức đòi “viết lại các từ láy (của tiếng Việt) theo một hệ chữ viết thích hợp”, mặc dù nó đã được viết bằng chữ quốc ngữ, một thứ “alphabetic script” quen thuộc từ hơn một thế kỷ qua! Thực ra, xin ông cứ để nó “y chang” rồi chú âm cho nó bằng IPA (Ký hiệu ngữ âm quốc tế) mà làm việc là được rồi chứ đã là nhà chuyên môn lão thành thì ai lại phải cất công viết lại toàn bộ các từ láy của tiếng Việt để phân tích nó về hình thái học! Từ láy trong Kinh Thi của Tàu cũng na ná với từ láy trong tiếng Việt hiện đại nhưng W. A. C. H. Dobson đâu có cần viết lại nó “theo một hệ chữ viết thích hợp” nào cả mà vẫn cứ phân tích nó được như thường, trong The Language of the Book of Songs (University of Toronto Press, 1968 - Xin x. tr.6-12). Dobson đã giữ nguyên những chữ Hán hình vuông (phương khối tự) mà phân tích các từ láy (reduplicatives), từ impressives (tạm dịch: gợi hình), emotives (td: gợi cảm), intensives (td: cường điệu), imitatives (td: mô phỏng), similatives (td: hàm ý so sánh), cho đến iteratives (td: điệp âm) và frequentatives (td: điệp ý).

Chúng tôi phát biểu như thế này mà lòng vẫn phấp phỏng phập phồng rằng một ngày đẹp trời nào đó mình lại phải trố mắt chứng kiến sự xuất hiện của một quyển từ điển từ láy tiếng Việt viết theo “mốt thích hợp” của Phan Ngọc!

Sau khi đòi viết lại các từ láy theo một hệ chữ viết thích hợp, ông Phan Ngọc đã viết về tác phẩm của A. de Rhodes:

“Nhưng ngay trong quyển từ điển nổi tiếng, ông đã nhắc tới hai quyển từ vựng là quyển Từ vựng Bồ - Việt - La-tinh của Gaspar d’Amaral và quyển Từ vựng Việt - Bồ - La-tinh của Antonio Barbosa làm cơ sở cho tác phẩm của mình. Như vậy, phải nói chữ quốc ngữ là đóng góp chung của các giáo sĩ công giáo Pháp và Bồ Đào Nha”.

Xin thưa ngay rằng, ở đây, ông Phan Ngọc đã sai đến hai lần. Lần thứ nhất là ở chỗ sách của Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa không có tiếng La-tinh như ông đã nói. Chính A. de Rhodes đã nói rõ trong lời “Cùng độc giả”: “(…) Cả hai ông (d’Amaral và Barbosa - AC) đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển: ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ-đào (…). Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng La-tinh theo lệnh các Hồng y rất đáng tôn, vì ngoài những tiện lợi khác, nó còn giúp ích cho chính người bản xứ học tiếng La-tinh”. (Từ điển Annam - Lusitan - Latinh, NXB KHXH, 1991, phần dịch sang tiếng Việt, tr.3). Vậy thì tiếng

La-tinh chỉ có riêng trong quyển từ điển của A. de Rhodes mà thôi. Lần sai thứ hai: quyển từ điển của G. d’Amaral là Việt - Bồ, chứ không phải “Bồ - Việt - La-tinh” còn của A. Barbosa là Bồ - Việt chứ không phải “Việt - Bồ - La-tinh”.

Ông Phan Ngọc viết tiếp:

“Chữ quốc ngữ ra đời vào giữa thế kỷ XVII, cụ thể là trong 2 tác phẩm đều xuất bản năm 1651 của giáo sĩ công giáo Alexandre de Rhodes xuất bản ở La Mã (Roma)”.

Phan Ngọc ấn định thời điểm ra đời chính xác của chữ quốc ngữ cụ thể là 1651, năm mà hai cuốn sách của A. de Rhodes (Từ điển Việt Bồ La và Phép giảng tám ngày) được ấn hành tại Roma. Nói như thế thì có khác gì nói một bà mẹ chỉ bắt đầu mang thai một đứa con sau khi đã hạ sinh ra nó! Nếu năm 1651 mà chữ quốc ngữ mới chịu ra đời thì A. de Rhodes lấy đâu ra “nguyên vật liệu” để nhào nặn thành hai quyển sách trên cho nó có thể cùng “ra đời” trong năm này? Và ta cũng không nên quên rằng chính A. de Rhodes từng công khai nhận rằng, mình đã thừa hưởng kết quả của hai quyển từ điển, một của Gaspar d’Amaral và một của Antonio Barbosa để làm nên quyển Từ điển Việt Bồ La. Vậy thì trước cả sách của hai tác giả d’Amaral và Barbosa, chữ quốc ngữ hẳn đã phải mặc nhiên được xem là một thứ văn tự “thành phẩm” rồi thì hai ông mới có thể xài nó mà làm từ điển chứ! Vậy thì dù có viết theo kiểu “tùy bút”, ông Phan Ngọc cũng nên tôn trọng sự thật lịch sử.

Sau đó, Phan Ngọc đã cung cấp cho người đọc những chi tiết về tiểu sử của A. de Rhodes:

“Cuối đời, ông về La Mã sống ở Vatican, thủ đô của Công giáo, phụ trách trường dạy tiếng Việt cho những giáo sĩ muốn sang truyền đạo ở Đông Nam Á. Ông mất ở Vatican năm 1660”.

Không biết nhà bác ngữ học Phan Ngọc lấy ở đâu ra những chi tiết này?! Dù có là tùy bút thì cũng “tùy” … vừa vừa thôi chứ “tùy” đến như thế thì còn gì là sự thật và lịch sử! Chúng tôi hy vọng là ông Phan Ngọc sẽ công bố cho người đọc được rõ về ngôi trường nơi A. de Rhodes dạy tiếng Việt ở Vatican; đồng thời cũng xin ông công bố cho người đọc cái nguồn thư tịch mà ông đã lấy làm căn cứ để khẳng định rằng A. de Rhodes đã mất ở Vatican. Còn trên thực tế thì ai có quan tâm đến tiểu sử của A. de Rhodes đều có thể biết rằng, người giáo sĩ này không hề sống ở Roma trong những năm cuối đời từ 1652 đến 1660. Ông đã sống và hoạt động ở Pháp (Marseille, Lyon và Paris) rồi đến cuối 1654 thì rời Marseille đi Ba Tư (Iran) và mất ngày 5 (hay 16?) tháng 11/1660 ở Ispahan, cách thủ đô Tehran của nước này 340km về phía nam. Hiển nhiên là ở đây, Phan Ngọc đã đưa đẩy cho ngòi bút của mình múa theo kiểu… tùy tiện và tùy thích.

Trước khi kết thúc bài nhận xét sơ bộ này, chúng tôi muốn thưa rằng, việc ông Phan Ngọc đề cao vai trò của A. de Rhodes chỉ là hậu quả tai hại của việc nhồi sọ mà thực dân Pháp đã thực hiện trong thời kỳ chúng đô hộ nước ta. Ở đây, ý thức hệ thực dân và ý thức hệ tôn giáo từng bắt tay nhau rất chặt chẽ để ép tư tưởng của nhân dân thuộc địa vào cái khuôn đúc của nó. Nhưng những người có lương tri và/hoặc nhận định khách quan thì không dễ bị lừa bịp. Ngay ở trong Nam, trước 1975, linh mục Thanh Lãng cũng đã khẳng định:

“Giáo sĩ Đắc Lộ (tức A. de Rhodes - AC) không những không phải là ông tổ duy nhất của chữ quốc ngữ mà cũng không phải là một trong các ông tổ của chữ quốc ngữ”.

(Dẫn theo Địa chí văn hóa thành phố

Hồ Chí Minh, t.II, TPHCM, 1988, tr.136-137).

Đó là về A. de Rhodes. Còn về toàn cục, thì như chúng tôi đã trích dẫn, ông Phan Ngọc nói:

“Phải nói chữ quốc ngữ là đóng góp chung của các giáo sĩ công giáo Pháp và Bồ Đào Nha”.

Về phương diện này, sự biết ơn của ông Phan Ngọc đối với các giáo sĩ Công giáo người Pháp quá sâu đậm nên ông còn thua xa nhiều người Pháp để có thể đạt đến một nhận định khách quan. Theo một tác giả người Pháp, giữa các năm 1615 và 1788, trong số linh mục dòng Tên  tại Việt Nam, có 74 người Bồ Đào Nha, mà chỉ có 5 người Pháp (Xin xem Alain Guillemin, “Alexandre de Rhodes có phát minh ra chữ quốc ngữ?”, bản dịch của Ngô Tự Lập). Năm ông Pháp đã được ông Phan Ngọc cho ăn theo 74 ông Bồ vì chính các ông Bồ đã dựa và chữ Bồ mà đưa vào chữ quốc ngữ những cách ghi phụ âm CH, GI, NH, X và những cách ghi nguyên âm Â, Ê và Ô, như một vài tác giả đã chỉ rõ. Nhưng cái chỗ dở tệ hại nhất của Phan Ngọc là ông chỉ thấy công của mấy ông cố đạo Pháp Lan Tây mà không hề nghĩ đến vai trò của các cộng tác viên Đại Việt ta. Alain Guillemin đã viết trong bài trên đây (Xin trích dẫn hơi dài):

“Nhưng trên thực tế sự sáng tạo chữ Quốc ngữ không chỉ do công sức của các nhà truyền giáo châu Âu. Họ đã không thể hoàn thành được công việc này nếu không có sự giúp đỡ của những người Kitô giáo Việt Nam, những giáo lý viên (les catéchistes), những giáo hữu (les frères) và tất nhiên, các linh mục (les prêtres). Chính họ cũng là những người chúng ta phải chịu ơn với tư cách là tác giả của những tác phẩm văn xuôi đầu tiên ở Việt Nam viết bằng ngôn ngữ “nôm na” và phiên âm bằng ký tự La-tinh: Lịch sử An Nam của Bento Thien (1659), Sổ ghi nhớ và chép công việc (*) do nhà truyền giáo dòng Tên Philippe Binh viết tại Lisbonne (1822). Vai trò quan trọng của các học giả Việt Nam trong toàn bộ công trình ngữ âm học này đã bị bỏ qua một cách bất công. Các cộng tác viên bản địa thường không được nhắc đến. Chỉ có một vài bằng chứng cho thấy sự hợp tác này. Francisco de Pina đã được giúp đỡ bởi một học giả trẻ người Việt có tên thánh là Pero, một “nhà văn giỏi chữ Hán bậc nhất” (Roland, tr. 3). Alexandre de Rhodes bày tỏ lòng biết ơn bằng những lời cảm động: “Giúp tôi là một cậu bé bản địa tuyệt vời, người đã dạy tôi trong ba tuần tất cả các thanh điệu của tiếng Việt và cách phát âm tất cả các từ. Cậu không biết ngôn ngữ của tôi, tôi cũng không biết thứ tiếng của cậu, nhưng cậu có một trí thông minh tuyệt vời khiến cậu ngay lập tức hiểu những gì tôi định nói. Và trên thực tế, chỉ trong ba tuần ấy, cậu ta đã biết đọc biết viết thứ chữ của chúng tôi và biết phục vụ thánh lễ. Tôi rất kinh ngạc trước sự lanh lợi và trí nhớ của cậu”. (Alexandre de Rhodes, Voyages et Missions, 1854, tr. 89) Còn Tổng giám mục Pigneau de Behaine, người đã viết từ điển của mình ở Pondicherry, khoảng giữa tháng 6 năm 1772 và tháng 6 năm 1773, thì được sự giúp đỡ của 8 học giả Nam Kỳ”.          

(Bản dịch của Ngô Tự Lập).

Chuyện cần bàn trong quyển Hình thái học trong từ láy tiếng Việt của Phan Ngọc thì còn nhiều nhưng vì khuôn khổ nên chúng tôi xin chấm dứt tại đây. Bìa 4 của quyển sách đã giới thiệu: “Ở tuổi 87, thật bất ngờ, ông lại cống hiến cho đời một công trình thú vị”. Chẳng thú vị hay sao những chuyện mà chúng tôi đã nêu ra trên đây?

(*) Đây là quyển Sách sổ sang chép các việc của Philiphê Bỉnh.

A.C