Mèo mả gà đồng

15:01 | 09/03/2015

|
Bạn đọc: Xin được hỏi ông An Chi câu “Mèo mả, gà đồng” có ý nghĩa gì? Tôi đã tìm thông tin nhưng không thấy đâu giải thích. Rất mong ông giải thích để tôi được hiểu thấu đáo. Xin chân thành cảm ơn! Nguyễn Thành Tâm

Năng lượng Mới số 402

Học giả An Chi: Trước nhất, xin nói về danh ngữ “mèo mả”. Tại bài “Chuyện mèo, chuyện chó” (mục “Từ chữ đến nghĩa”) trên Đương Thời số 26-27 (1/2011), chúng tôi đã viết về một khái niệm hữu quan như sau:

“Mèo đàng là “mèo đường”. Đây là một danh ngữ tương ứng với street cat trong tiếng Anh, chat des rues trong tiếng Pháp và nhai miêu 街貓 trong tiếng Hán. Mèo đàng là mèo vô chủ hoặc tuy có chủ nhưng đã bỏ nhà chủ mà đi lang thang ngoài đường để kiếm cái ăn. Ta có câu ca dao:

Mèo đàng lại gặp chó hoang;

Anh đi ăn trộm gặp nàng xoi khoai.

Tiếng Việt còn có một danh ngữ đồng nghĩa với “mèo đàng” là “mèo mả” trong câu “mèo mả, gà đồng”. Mèo mả là mèo hoang, sống ở bãi tha ma. Thì cũng “đồng hạng” với “mèo đàng” là “mèo vô chủ hoặc tuy có chủ nhưng đã bỏ nhà chủ mà đi lang thang ngoài đường để kiếm cái ăn”. Cách hiểu về hai tiếng “mèo mả” dù sau cũng thống nhất giữa các nhà chú giải. Nhưng “gà đồng” thì có phần rắc rối hơn. Trên Kiến thức Ngày nay số Xuân Quý Dậu, 1993 (bài “Con gà trong ngôn ngữ dân gian”, tr. 24-27), với bút hiệu Huệ Thiên, chúng tôi đã viết:

“Là một vật nuôi, con gà dù có đi kiếm ăn khắp bờ kia bụi nọ, lúc sắp tối cũng trở về chuồng mà ngủ: Chó quen nhà, gà quen chuồng. Nếp sống này làm phát sinh ở chúng một sự ỷ thế: Chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng. Nhưng cá biệt vẫn có những con gà xé rào. Không biết do nguyên nhân tâm linh hay sinh lý nào mà nó lại bỏ nhà chủ ra đi để trở thành gà hoang sống ở ngoài gò, ngoài đồng. Bởi thế mới có câu mèo mả, gà đồng (xin đừng nhầm với gà đồng là con ếch, cùng một kiểu nói với hươu thềm là con chó, v.v…)”.

Tuy chúng tôi đã nói rõ sự khác nhau giữa khái niệm “gà đồng” đang xét với “gà đồng” là ếch nhưng có một độc giả vẫn gửi thư đến để phản đối cách hiểu của chúng tôi. Vị này nói rằng năm ông ấy học trung học trước giải phóng, thầy dạy Quốc văn có giải thích thành ngữ mèo mả, gà đồng như sau: “Nghĩa đen: Đến mùa động dục, họ hàng nhà mèo tìm nơi thanh vắng để làm tình, chẳng hạn như nơi gò mả hoang vắng. Còn họ nhà ếch (gà đồng) bắt từng cặp với nhau ngoài đồng ruộng khi những cơn mưa đầu mùa trút xuống. Nghĩa bóng: Ở đây chỉ bọn thanh niên lêu lổng có tình cảm lăng nhăng bậy bạ”. Và vị độc giả này kết luận: “Vậy gà đồng trong thành ngữ nói trên là ếch chứ không phải “gà hoang” như Huệ Thiên đã nói”.

Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức (chủ biên) và Lê Ngọc Trụ (hiệu đính) cũng giảng như thầy giáo của độc giả đó. Nhưng soạn giả của quyển từ điển này và vị thầy giáo nọ đã nhầm một cách căn bản mặc dù cách hiểu chính xác đã được ghi nhận trong hầu hết những quyển sách hoặc từ điển.

Đào Văn Tập giảng rằng mèo mả, gà đồng đồng nghĩa với mèo đàng, chó điếm, dùng để chỉ “những kẻ điếm đàng, du thủ du thực” (Từ điển Việt Nam phổ thông, Nhà sách Vĩnh - Bảo, Sài Gòn, 1951). Đây cũng là cách giảng của Đào Duy Anh: “Mèo ở mả, gà ở đồng, không ở nhà, chỉ những hạng người không có căn cứ, vô lại, ví như những kẻ trốn chúa lộn chồng” (Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học Xã hội, 1954, tr.245). Nguyễn Thạch Giang cũng giảng: “Mèo hoang sống kiếm cái ăn nơi nghĩa địa, gà hoang sống ở đồng nội, ví như hạng người vô lại, không có sở cứ nhất định” (Truyện Kiều, khảo đính và chú thích, Hà Nội, 1972, tr.438, câu 1731). Còn sau đây là lời của Nguyễn Quảng Tuân: “Giảng “gà đồng” là con ếch thì chẳng có nghĩa gì. Mèo mả gà đồng ở đây được đặt đối nhau: Mèo ở mả, gà ở đồng. Mèo ở mả là mèo hoang, sống ở tha ma. Gà ở đồng là gà hoang, sống ở đồng nội. Người ta ví hạng vô lại, không có chỗ ở nhất định với loại mèo hoang sống lang thang ngoài nghĩa địa và với loài gà hoang sống lang thang ở ngoài đồng nội. Gà đồng đâu có phải chữ nói lóng mà giảng là con ếch!” (Chữ nghĩa Truyện Kiều, Hà Nội, 1990, tr.58).

Trên đây là cách hiểu của các nhà từ điển và nhà chú giải. Bây giờ, nếu đặt thành ngữ đang xét vào câu Kiều thứ 1.731 và ngôn cảnh cụ thể của đoạn Kiều 1.725-1.736 là lời mắng mỏ của Hoạn Bà thì ta sẽ thấy nó chẳng có liên quan gì đến chuyện “trên Bộc trong dâu”, nghĩa là đến chuyện “bắt cặp”, “làm tình”giữa nam và nữ cả. Mụ ta chỉ mắng Kiều là hạng đàn bà con gái bỏ nhà đi hoang mà thôi. Sau khi “điều tra lý lịch” của Kiều, Hoạn Bà chỉ hạ cho nàng sáu chữ, ba tính cách: Bơ thờ, trốn chúa, lộn chồng. Ta hãy xét xem đây là ba tính cách như thế nào. Bơ thờ là lơ là, không quan tâm đến, không thiết gì đến công việc. Trốn chúa (chúa (từ cũ) = chủ) là bỏ nhà chủ mà trốn đi. Còn lộn chồng là bỏ chồng mà đi lấy gã đàn ông khác. Mụ ta nêu lên ba tính cách đó để chứng minh cho kết luận của mình về Kiều rằng “con này chẳng phải thiện nhân”. Thiện nhân là gì? Là người lương thiện, nói nôm na, là người đàng hoàng. Tiếng là “nôm na” nhưng đàng hoàng lại bao quát nhiều tính cách tốt đẹp: Không dâm đãng, không ăn chơi, không trộm cướp, không du thủ du thực, không lừa đảo, v.v… Đâu có phải chỉ là… không dâm đãng để từ đó suy ra mà giảng gà đồng thành chuyện “ếch bắt cặp”, “làm tình” giữa nam và nữ. Nếu không tự đặt mình vào sự ràng buộc chặt chẽ của từ ngữ, văn cảnh và cốt truyện mà cứ “bung” cách hiểu của mình ra theo hứng thú chủ quan thì không khéo có người sẽ giảng rằng mẹ của Hoạn Thư còn “làm tình” giữa ban ngày ban mặt ngay trên giường thất bảo nữa ấy chứ. Thì đây:

Giữa giường thất bảo ngồi trên một bà mà lại

Bất tình nổi trận mây mưa.

Mây mưa là gì? Sau đây là lời giảng của Đào Duy Anh: “Bài tựa” Cao - đường phú của Tống Ngọc nói rằng tiên vương nước Sở nằm mộng thấy thần-nữ ở núi Vu - giáp (sic), thần - nữ nói: “Thiếp thường làm mây buổi sáng, mưa buổi chiều. Người sau nhân đó dùng từ “vân vũ” tức mây mưa để chỉ sự nam nữ giao hợp”. Nhưng, may quá, Đào Duy Anh còn đưa ra nghĩa thứ hai cho hai tiếng mây mưa là “chỉ cơn giận dữ” (Sđd, tr.243).

Trở lại với danh ngữ gà đồng, chúng tôi xin đưa ra luận cứ cuối cùng để bác bỏ cái nghĩa “ếch” mà khẳng định nghĩa “gà hoang” của nó. Ta nên nhớ rằng “mèo mả - gà đồng” là hai danh ngữ nằm trong thế tiểu đối ở câu Kiều thứ 1.731. Chỉ có hiểu “gà đồng” ở đây là “gà hoang” thì cái sự tiểu đối của Nguyễn Du mới đạt được mức độ viên mãn mà thôi. Tại sao? Hoàn toàn đơn giản là vì trong “mèo mả” thì “mèo” là mèo nên trong “gà đồng” thì “gà” cũng phải là gà chứ không thể là “ếch” một cách tréo ngoe được. Trong một thế đối thật sự chặt chẽ thì chữ đối lại ở vế sau phải theo sát mọi đặc điểm của chữ được đối ở câu trước chứ dứt khoát không thể thoát ly quỹ đạo ngữ pháp và ngữ nghĩa của nó được. Cứ tùy hứng mà hiểu rằng “gà đồng” ở đây thuộc họ ếch nhái thì vô hình trung người ta đã biến Nguyễn Du thành một anh thợ xài chữ tùy tiện, vụng về. Không, “gà đồng” ở đây  vẫn là một loài động vật thuộc bộ gà của lớp chim.

A.C