Chuyện khó tin nhưng có thật (số 43): Màn kịch hoàn hảo của em dâu
Cha mẹ tôi đều là những người nông dân thứ thiệt quanh năm cắm mặt cho đất bán lưng cho trời ở một vùng quê bán sơn địa ở HT. Nhà nghèo lắm, cha mẹ tôi sinh được 5 người con nhưng rồi chiến tranh, đói rách nghèo khổ và bệnh tật đã tước đoạt đi của cha mẹ tôi 3 người con, chỉ còn lại mỗi hai chị em tôi. Hai anh đầu mẹ tôi sinh rồi không nuôi được vì bệnh tật. Thời chiến tranh, điều kiện y tế không được như bây giờ. Nhưng cha mẹ tôi bị di chứng khá nặng nề về tinh thần lớn nhất là sau cái chết của cậu em trai út 16 tuổi bị đuối nước trong một trận đắm đò năm xưa trên đường đi đến trường. Vụ đắm đò cách đây chừng 10 năm ở dòng sông quê tôi đã nhấn chìm hơn 40 sinh mạng là các em nhỏ tuổi đời từ 7 đến 17 tuổi nổi tiếng khắp cả nước. Mỗi lần xem bản tin ti vi, nghe đâu đó có một vụ đắm đò, tôi lại nổi hết da gà, nghĩ đến cha mẹ tôi chết đi sống lại trong tai nạn năm xưa ấy của em tôi.
Dồn hết công sức, cha mẹ nuôi ba chị em tôi lớn lên. Bữa cơm, bữa khoai, độn cà mặn, ba chị em cứ thế lấm láp lớn lên với đồng ruộng, trầy trật nuôi chữ. Cả ba chị em đều chăm ngoan học giỏi, ngay từ bé đã là niềm tự hào của cha mẹ họ hàng ở vùng nông thôn HT. Nhưng nhà nghèo quá, học hết lớp 10, tôi là chị cả phải đi làm thêm, chạy chợ, để nuôi hai em ăn học. Mọi hy vọng cả nhà dồn cho em trai, đứa con trai duy nhất của cha mẹ vừa là cháu đích tôn của ông bà nội, sau này là tộc trưởng của cả dòng họ. Em trai tôi dường như cũng xác định được vị trí vai trò quan trọng của mình nên đã nỗ lực để vượt lên số phận nông dân nghèo khổ của cha mẹ.
Khi em trai tôi đỗ vào Đại học Luật ở Hà Nội, em gái đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế, thì tôi mới nghĩ đến thân phận mình. Tôi hiểu, không học thì sẽ không có tương lai. Nhưng việc học hành dở dang, vì tôi xác định tất cả dành để nuôi cho hai em thành đạt, còn bản thân tôi, phấn đấu được đến đâu hay đến đó. Tôi lúc đó làm Bí thư chi đoàn xã. Khi hai em tốt nghiệp đại học ra trường, em gái tôi về dạy học tại một huyện trong tỉnh HT, còn em trai tôi do kết quả học tập xuất sắc được một đơn vị liên quan đến ngành Luật pháp của trung ương đã nhận vào làm việc.
Khi cả hai em đã ổn định công việc, một đứa được ở lại thủ đô Hà Nội, một đứa đã yên bề công việc dạy học ở tỉnh nhà, lúc này tôi mới có thể rảnh rang, không chịu áp lực lo kiếm tiền để phụ giúp cha mẹ nuôi em ăn học nữa mà tiếp tục phấn đấu cho bản thân. Tôi đi học Đại học tại chức buổi tối để hoàn thiện bằng cấp của mình. Do phấn đấu tốt, tôi được điều ra công tác thanh niên ở tỉnh. Tôi lập gia đình đầu tiên, rồi đến em gái út. Chồng của em gái út tôi cũng công tác trong ngành giáo dục. Nói chung là gia đình em gái út tôi khá ổn thỏa và hạnh phúc. Hai vợ chồng đều đi dạy học, đồng lương giáo viên dù eo hẹp nhưng cũng đủ sống. Chồng em gái út tôi dạy toán rất giỏi, nên học sinh đến tìm học ôn thi đại học đông, có uy tín nên kinh tế của hai vợ chồng cũng đủ chi tiêu. Gia đình em tôi khá chuẩn mực gia giáo, được bạn bè đồng nghiệp và các em học sinh tín nhiệm.
Tôi lập gia đình đầu tiên nhưng cũng khá muộn ở tuổi xấp xỉ 30. Chồng tôi ở bên quân đội. Anh hiền lành, chỉn chu. Gia đình chồng tôi bố mẹ đều làm trong ngành quân đội, khá gia giáo và chuẩn mực. Họ rất quý thông gia là cha mẹ tôi, và ngưỡng mộ gia đình tôi vì sự học hành phấn đấu của cả ba chị em. Tôi bắt đầu đi lên từ công tác đoàn rồi được cân nhắc đề bạt giữ chức vụ vừa vừa ở một đơn vị chuyên trách công tác phụ nữ. Tôi luôn dạy các em về truyền thống gia giáo và đạo hiếu của những người con với gia đình. Trong nhà việc lớn việc nhỏ các em đều hỏi xin ý kiến tôi với tư cách là chị cả và các em gần như nhất nhất nghe theo sự tư vấn định hướng của tôi trong những việc quan trọng trong đời. Cha mẹ tôi cũng rất hay hỏi ý kiến tôi trong mọi việc từ việc nội đến ngoại, việc gia đình đến họ hàng nội tộc. Tôi vừa là người chị cả, vừa là linh hồn của đại gia đình, là nơi quy tụ các em về với cha mẹ, quê hương, nội tộc.
Em trai tôi lập gia đình muộn. Mãi tới 30 tuổi mới bắt đầu yêu và cưới vợ. Có lẽ do ảnh hưởng từ tôi, với lại cũng xác nhận được vị trí trọng trách của người con trai duy nhất trong gia đình, nên em tôi đã mải mê phấn đấu, theo đuổi sự nghiệp, lập nghiệp trước rồi mới lập thân. 30 tuổi, em trai tôi đã được cân nhắc vị trí Vụ phó, mua được một căn nhà dù chỉ 30m vuông đất nhưng ở thủ đô Hà Nội đó là giấc mơ cả đời phấn đấu. Em làm nhà, nhập hộ khẩu Hà Nội đâu đó đàng hoàng rồi mới tính chuyện kiếm vợ. Mặc cho cha mẹ tôi giục giã nhiều nhưng em trai tôi tâm sự muốn ổn định tất cả rồi mới nghĩ đến lập gia đình. Thấy em kiên định với lập trường đó, tôi cũng đã ủng hộ em bằng cách nói chuyện để cha mẹ hiểu.
Em trai tôi ở xa, nên việc riêng tư yêu đương của cá nhân mình là do một mình em tự tìm hiểu. Nhưng với một thanh niên thông minh, đường hoàng và tốt bụng như em, tôi tin em đủ năng lực để lựa chọn nửa kia của đời mình. Em cũng thường tâm sự với tôi chỉ tìm hiểu những cô gái cùng quê HT để mỗi lần về quê là thăm được cả hai quê luôn. Với lại tìm hiểu người quê mình để có sự đồng cảm riêng, sự thông hiểu và chia sẻ phong tục tập quán. Em tôi kể, có mấy người bạn của em tôi lấy vợ người thành phố, mỗi lần về quê vợ lấy cớ nuôi con nhỏ, đường sá xa xôi nên ngại về, thành ra lễ tết, giỗ chạp toàn phải thui thủi về nhà một mình vì vợ nại ra đủ lý do để không phải về quê. Trường hợp này trong thực tế đã có rất nhiều rồi, và em tôi khá thấm thía với những tâm sự, những nỗi niềm của bạn bè nên nguyện vọng tìm vợ cùng quê hương là điều có thể hiểu và thông cảm cho em. Với lại mong muốn của em cũng hợp với nguyện vọng của cha mẹ tôi, và bản thân tôi, em gái của chúng tôi.
Nhưng thật oái oăm là em chưa kịp tìm được “người cùng quê” trong mộng nào để giới thiệu với gia đình tôi, cha mẹ tôi, lấy ý kiến từ chị gái và em gái thì em tôi đã điện thoại cho tôi và hối hả báo tin: Chị ơi, em đã yêu rồi. Nhưng dành cho chị một bất ngờ ngạc nhiên nhé. Người yêu, vợ hiền tương lai của em không phải là người cùng quê mình đâu. Người Bắc chị ạ, nhưng cô ấy ngoan và xinh lắm.
Qua điện thoại líu ríu, em trai tôi tuôn ra một tràng dài hết chuyện nọ xọ chuyện kia trong một tâm trạng hưng phấn tột độ. 30 tuổi, lần đầu tiên yêu, và tôi biết, em tôi đang đạt đến trạng thái đỉnh điểm của men tình ngây ngất nên mới có những cuộc điện thoại bất thường đầy ắp cảm xúc như vậy.
Tóm lại loáng thoáng qua những cuộc điện thoại líu ríu của em, tôi có thể hiểu rằng, em trai tôi đã phải lòng say đắm một cô bé sinh viên năm cuối Khoa Văn của Đại học Tổng hợp Hà Nội (Bây giờ là Đại học KHXH&NV). Hai đứa cách nhau 8 tuổi nhưng không quá quan trọng vì em trai tôi mặc dù 30 tuổi nhưng em có dáng người cao ráo, nước da trắng bảnh trai, trông em rất trẻ trung và thư sinh. Ngày đi học em được biệt danh là con mọt sách, khi đi làm biệt danh này cũng không thay đổi. Em không nhiều bạn gái, không đa tình mặc dù có ngoại hình khá hấp dẫn. Có lẽ do tính cách ít nói, chân chất, có phần thật thà thô vụng của người con trai xuất thân từ miền quê nghèo HT nên trong mục tán gái, em thua hẳn những anh chàng xấu trai hơn nhưng lại bẻm mép hơn. Vì vậy tôi vẫn thường đùa em, đường tình ái của em vẫn còn khờ khạo lắm.
Cách cú điện thoại báo tin em có người yêu đến chừng vài ba tháng sau đã thấy em dẫn cô bé sinh viên người yêu về quê để ra mắt gia đình lấy ý kiến. Khỏi phải nói cha mẹ tôi mừng vui đến thế nào vì trong tâm khảm, cha mẹ tôi chỉ có một mong ngóng khắc khoải cho em tôi sớm thành thân, lập gia đình, sinh con đẻ cái để cha mẹ yên lòng. Em trai tôi lại là đích tôn của ông bà nội, nên việc lập gia đình, sinh con lại càng vô cùng quan trọng đối với cha mẹ tôi. Ngày em trai tôi dẫn cô bé sinh viên về ra mắt gia đình tôi đã rất lo. Bao nhiêu ý nghĩ cứ chợt đến trong đầu. Tôi chỉ lo em trai tôi chọn lầm người, rồi sẽ rắc rối biết bao nếu cha mẹ tôi không bằng lòng, bản thân tôi không tin tưởng, em gái tôi không đồng ý thì sẽ khổ cho em tôi biết bao nhiêu. Lo lắng đan xen, nghĩ suy rồi tưởng tượng với bấy nhiêu hồi hộp… Vợ chồng tôi và vợ chồng em gái tôi đều xin nghỉ việc để đi chợ, về nấu nướng quây quần tụ họp ở nhà cha mẹ tôi để đón khách.
Nhưng trái với tất cả những lo lắng của tôi. Tôi gần như thở phào nhẹ nhõm, trút được gánh nặng trong lòng khi nhìn thấy gương mặt của cô gái sinh viên mà em trai tôi phải lòng. Đúng là cô bé xinh thật, ăn mặc rất giản dị nhưng nền nã và đẹp. Cô bé người Bắc, cho tôi xin được giấu địa chỉ bởi nếu nói ra hết tôi e rằng ai đó gần gũi với gia đình tôi, khi đọc được câu chuyện này sẽ nhận ra là chuyện của gia đình tôi mất, mặc dù tôi đã cố gắng làm sai lệch một vài chi tiết để cho không ai liên tưởng đến gia đình tôi nữa. Mặc dù mới về quê người yêu lần đầu tiên, nhưng cô bé tỏ ra không phải là người lạ. Cô bé nhanh nhảu bắt chuyện với mọi người, xắn tay sà vào bếp cùng chị và em của người yêu để cùng làm cơm, trò chuyện như người một nhà. Ngay cuộc gặp gỡ đầu tiên cô bé đã xóa đi mọi định kiến cổ hủ trong gia đình tôi, bố mẹ tôi về việc ngại và sợ con dâu người Bắc.
Chúng tôi đã có một bữa cơm ra mắt thật vui vẻ và chan hòa. Tôi có cảm giác như cô bé này là một thành viên của gia đình tôi tự bao giờ rồi. Sự thân thiết, không khách sáo và cư xử khéo léo, tài ăn nói cộng với sự tinh tế của người Bắc đã làm xiêu lòng người chị cả hay lo nghĩ như tôi. Đã chinh phục được cha mẹ tôi, và em gái út khá là để ý từng ly từng tí của chúng tôi. Với lại gia đình bố mẹ tôi đều là nông dân, cơ ngơi nhà cửa đều đạm bạc, nếu không muốn nói là nghèo. Tôi và em gái tôi cũng rất sợ là hoàn cảnh nhà chúng tôi đơn sơ chất phác và nghèo vậy, thì người yêu của em trai tôi ngại nghèo, sợ khổ mà chê. Nhưng thật may mắn, cô bé đã đón nhận gia đình người yêu và những tình cảm nồng hậu chân thành của gia đình nhà chồng một cách khéo léo có phần hồ hởi. Cả gia đình tôi, ai cũng nhẹ lòng thầm mong cho em trai tôi có được một người vợ như mong muốn một người con dâu hiếu thảo.
Ngày em trai tôi ra Hà Nội, tôi dặn dò em kỹ lưỡng. Em nên về bên gia đình người yêu tìm hiểu thật kỹ gia đình nhà người ta. Chớ nên vội vàng. Cứ về tìm hiểu trước, có gì sau này tính chuyện xa hơn nữa thì anh chị sẽ đưa bố mẹ ra chơi cùng.
Bằng linh cảm của một người phụ nữ đã từng trải, tôi tin chắc rằng, em trai tôi đã yêu thương và thực lòng khát khao một đám cưới hạnh phúc. Cha mẹ tôi, dặn dò em trai tôi nhất quyết “lấy vợ thì phải xem tông”. Tông ở đây có nghĩa là tổ tông, là dòng họ, gia đình. Con nhớ phải lên tận nhà người yêu tìm hiểu gia cảnh. Dặn dò vậy nhưng trong thâm tâm cả nhà tôi nghĩ, đã là sinh viên đại học, hẳn con nhà gia giáo, chắc chắn cái nền gốc cơ bản phải là tốt. Thời của chúng tôi, đỗ đại học là rất hiếm, có khi cả một huyện chỉ được vài người đỗ đại học. Thế nên, trở thành sinh viên đại học rất có giá và được nhiều người ngưỡng mộ.
(Ảnh minh họa)
Theo như em trai tôi kể lại thì em về thăm quê người yêu được đúng 1 ngày thì phải trở về Hà Nội vì nơi T. nộp đơn xin việc người ta xét kết quả học tập của .T nên đã gọi T. tới phỏng vấn để đi làm. Đây là cơ hội lớn nên T. và em không thể bỏ qua. Em trai tôi cũng kể sơ qua về gia đình T.. Bố mẹ T. công tác gì đó ở địa phương, hôm em trai tôi lên thì cả bố và mẹ lại có công chuyện đột xuất đi công tác. Tiếp chàng rể tương lai của họ là hai vợ chồng ông bác. Nói chung gia cảnh nhà T. cũng thuộc dạng trung lưu ở vùng rừng núi Tây Bắc. Sau cuộc đi thăm gia đình T. về, em trai tôi tiếp tục đưa người yêu về quê thưa với cha mẹ tôi việc tổ chức đám cưới vì tình cảm hai đứa đã quá sâu đậm rồi.
Thời của chúng tôi là những năm tháng mở cửa, mọi lễ nghĩa cẩn thận, rườm rà và có phần khắt khe của thời phong kiến cơ bản đã được người dân nhận thức và loại bỏ bớt cho hợp với xu thế chung của xã hội. Với lại cha mẹ tôi rất tin tưởng em, tự hào vì những gì từ trước tới nay em trai tôi đã phấn đấu, đã làm cho gia đình hoàn toàn hài lòng và nể phục em. Chính vì thế khi con trai đưa người yêu về xin phép tính chuyện đám cưới thì rất phấn khởi. Họ tộc nhà tôi đã cử từ bác trưởng họ và một vài người có vai vế quan trọng trong họ cùng cha tôi thành lập đoàn đầy đủ lệ bộ hành quân lên Tây Bắc vừa là đi chơi thăm họ nhà gái, vừa là đặt vấn đề coi như đó là lễ ăn hỏi của nhà trai đối với nhà gái để cho phép đôi trẻ nên vợ nên chồng.
Mọi chuyện cứ diễn ra nhanh và tiếp nối như dòng chảy của cuộc sống và sự kiện. Ông bà sui gia thoạt nhìn trông không giống cán bộ địa phương gì cả. Trông họ hiền lành, không hoạt bát, không nói năng đưa đẩy gì nhiều. Có thể tiếng Kinh của họ không thạo lắm, hoặc giả, họ giữ lễ là nhà gái nên cũng không quá xoắn xuýt trong câu chuyện với họ nhà trai. Tôi cùng đi trong đoàn với bên nhà trai, cũng cố gắng để tìm hiểu thêm về gia đình vợ tương lai của em trai tôi nhưng rất khó.
Ở trên vùng Tây Bắc này, các hộ gia đình cách nhau đôi khi cả nửa cây số, nên hàng xóm cũng không bận tâm quá nhiều về việc riêng tư của nhau. Không như ở dưới xuôi, nhất là vùng miền Trung nơi gia đình tôi ở. Hàng xóm có bất kỳ việc gì là cả làng cả xã xúm xít lại, nhất là việc dựng vợ gả chồng cho con cái thì khỏi phải nói, ngay cả đám hỏi, hay về xem mặt thì trẻ con cũng đã bu lại xúm xít xem mặt cô dâu hoặc chú rể. Hàng xóm xung quanh thì kiểu gì cũng phải mời qua uống bát nước chè xanh rôm rả chuyện trò.
Mọi việc cũng nhanh chóng được vợ chồng ông bác thay mặt bố mẹ cô dâu định đoạt. Bên nhà gái bàn là tổ chức cưới ở Hà Nội nơi đôi trẻ làm việc rồi sau đó về nhà trai liên hoan xóm giềng. Khi nào mọi việc xong hết thì hai vợ chồng về bên nhà gái liên hoan vài mâm cỗ gọi là chào họ hàng. Còn nếu khó khăn vất vả quá, đường sá đi lại xa xôi thì bớt cái việc lại mặt nhà gái cũng không sao.
Vậy là đám cưới em trai tôi được tiến hành tốt đẹp. Tôi chỉ có một chút lăn tăn gợn lên trong lòng một nỗi buồn vu vơ là nhà vợ em trai tôi xa xôi quá, hai đứa muốn về thăm 2 quê đều rất vất vả, rồi thông gia cũng ít có dịp đi lại. Nhưng nhìn thấy đôi trẻ hạnh phúc mãn nguyện, quấn quýt bên nhau thì tôi lại ấm lòng. Chỉ có điều lạ là đám cưới của chúng nó, tôi không thấy bạn bè của cô dâu nhiều, ngoại trừ lèo tèo dăm bảy người.
Không thấy bên cơ quan cô dâu mặc dù nghe nói cô dâu đã xin được việc làm ở một nhà xuất bản nào đó ở Hà Nội. Đám cưới bên nhà gái chỉ có mỗi bố mẹ cô dâu lên dự chứ không thấy mặt mũi vợ chồng ông bác đâu. Hỏi em trai thì em trả lời rằng, do xa xôi quá nên bên nhà gái không ai đi được. Hỏi đồng nghiệp ở cơ quan cô dâu đâu thì em trai tôi bảo vợ chồng bàn nhau không mời vì em dâu tôi mới xin được đi làm nên không muốn làm phiền cơ quan. Hỏi bạn bè sinh viên của cô dâu đâu thì em trai tôi bảo chúng nó ra trường tán loạn đi xin việc mỗi đứa một nơi nên vợ em cũng không gửi được giấy mời cho bạn bè được.
Những lăn tăn của tôi không có thời gian để suy nghĩ kiểm định với nó bởi sau đám cưới được hơn 5 tháng, em dâu tôi sinh được một bé gái đầu lòng. Cả gia đình tôi đều yên ổn với cảm giác em trai tôi đã có được một tổ ấm hạnh phúc trọn vẹn. Cả hai vợ chồng đều có công việc ở Hà Nội, đều là cán bộ công chức. Khi con gái đầu lòng của vợ chồng em trai tôi được 1 tuổi rưỡi thì em dâu tôi lại có thai và sinh thêm một bé trai. Khỏi phải nói, gia đình tôi mừng vui khôn xiết đến thế nào khi đã có được đứa cháu đích tôn nối dõi.
Nhưng có đâu ngờ, chỉ 3 năm sau đám cưới, em trai tôi đã một mình trở về nhà và nói chuyện với tôi trong một bộ dạng suy sụp đến tận cùng. Câu chuyện của em là thế này: Em trai tôi đã bị vợ mình lừa suốt cả một quá trình. T., vợ của em trai tôi chưa hề học hết bậc THPT chứ chưa nói đến là đại học. Những năm tháng cô ấy bảo là sinh viên đại học KHXH&NV chẳng qua là nói dối. Bố mẹ T. cũng không phải là cán bộ. T. cũng chưa từng được bất kỳ một cơ quan nào nhận vào làm việc cả mà màn kịch lừa đảo này do cô ta dựng ra hết để mục đích kiếm được một tấm chồng tử tế và nhập được hộ khẩu vào Hà Nội.
Lý do để em trai tôi phát hiện ra màn kịch lừa đảo này là suốt 3 năm chung sống và có hai mặt con với nhau, chưa bao giờ T. mang chuyện cơ quan về kể với chồng, hay có một sinh hoạt nào ở cơ quan vợ, T. mời chồng đi. Ngay như việc sinh nở hai đứa con, đứa đầu thì bảo rằng mới vào cơ quan nên không quen thân ai, nên không ai tới mừng cháu. Đến khi sinh đứa thứ 2 vẫn không thấy có một cơ quan đoàn thể nào đến thăm hỏi nên em trai tôi sinh nghi. Hằng ngày em trai tôi vẫn chở T. đến phố Nguyễn Du để làm việc, chiều lại đón về thế nhưng chưa một lần nào cô ấy mời chồng vào cơ quan. Điều mà em trai tôi sinh nghi ngờ nữa là sau khi sinh đứa thứ 2, hầu như T. ở nhà không hề đi làm nhưng khi tôi hỏi thì T. vẫn nói dối trơn tru là T. vừa đi làm về.
Quá nghi hoặc hành tung bí ẩn của vợ, em trai tôi đã vào cơ quan làm việc của vợ mình để tìm hiểu cho ra nhẽ thì té ngửa ra cơ quan NXB này chưa bao giờ từng ký hợp đồng làm việc với một cô gái tên T. như CMND mà tôi cung cấp. Tá hỏa, em trai tôi chạy đến Trường Đại học KHXH&NV để tìm hiểu thì được Phòng Đào tạo của trường cho biết không có một sinh viên nào có hộ khẩu, CMND như T. đã từng tốt nghiệp ở đây 3 năm về trước.
Mang tất cả những bằng chứng trên về nói chuyện với vợ, không ngờ T đã thản nhiên nói với chồng: “Đã nhiều lần em định thú nhận hết tất cả với anh để em khỏi mệt mỏi chạy mãi theo màn kịch mà em đã tạo ra để nhằm chiếm được anh, trở thành vợ của anh mà em chưa có dịp. Em sinh liền hai đứa con nên chưa có thời gian để nói với anh tất cả. Đúng là em chưa từng học một trường đại học nào, em chưa từng làm việc ở một cơ quan nào. Trước đây, em chỉ là một tiếp viên trong các quán bar, nhà hàng. Em gặp anh trong một bữa tiệc mà em phục vụ. Tự nhiên nhìn thấy gương mặt hiền lành tử tế của anh, em đã tìm hiểu và vạch ra kế hoạch chinh phục anh. Em muốn trở thành vợ của anh, một cán bộ nhà nước ở Trung ương để từ bỏ quá khứ đau khổ, buồn bã, khổ sở. Khi anh lên nhà em lần đầu tiên, em đã thuê người và thuê luôn gia đình đó nói dối là bác em để tiếp anh. Thực tế giai đoạn đó bố mẹ em còn đang ở trong tù vì tội buôn thuốc phiện. Khi cưới nhau, em cũng phải thuê người đóng giả là bố mẹ em vì ông bà còn 2 năm nữa mới mãn hạn tù. Em đã đóng kịch, đã làm tất cả những gì em cho là đúng nhất vì em muốn lấy anh, muốn thay đổi số phận mình. Bây giờ anh đã biết tất cả thì em cũng đành chấp nhận. Với lại đã đến lúc em phải cho anh biết sự thật vì cứ thế này mãi em cũng mệt. Em có với anh hai đứa con rồi xin anh hãy suy nghĩ kỹ. Anh có thể tha thứ cho em để em vẫn được là vợ của anh, mẹ của các con anh không, đó là quyền của anh."
Tôi nghe chuyện của em trai tôi mà như bị sét đánh ngang tai. Tôi đã hỏi em: “Bây giờ em muốn thế nào”. Em trai tôi đã nói với tôi rằng, em muốn ly hôn và kết thúc tất cả. Tôi, mặc dù trong lòng vô cùng tổn thương và đau đớn song vẫn phải dằn lòng khuyên em: “Chị nghĩ em cứ bình tĩnh đừng quyết định vội vàng. Nếu em chưa có 2 đứa con, chị sẽ không khuyên em điều gì. Nhưng có con rồi, em đừng vội vàng mà ảnh hưởng đến các con, ảnh hưởng đến cha mẹ già, ảnh hưởng đến sự nghiệp của em. Hãy cứ nghĩ thật kỹ đã em ạ”.
Em trai tôi đã không vội vàng chấm dứt cuộc hôn nhân của nó. Em đã nghe lời tôi, và bấy lâu nay em vẫn ở cùng với gia đình của nó. Em không nói thêm hay tâm sự gì thêm với tôi cả. Bản thân tôi cũng không nỡ hỏi thêm em điều gì sợ lại khoét sâu vào nỗi đau của em. Biết em vẫn sống chung với vợ con, vẫn duy trì gia đình, tôi hiểu em trai tôi đã phải đánh mất mình rất nhiều mới có được quyết định ấy. Em trai tôi đã hy sinh vì các con của mình.
Nhưng kể từ bấy đến nay, dễ chừng dăm sáu năm trôi qua, tết nào em trai tôi cũng về nhà một mình, hoặc cùng với hai con mà không có vợ đi cùng. Em trai tôi ít nói hơn, lặng lẽ hơn, và cũng già nhanh hơn. Tôi hiểu rằng những gì em đã trải qua quá nặng nề đối với em. Tôi chỉ nói với em duy nhất một điều rằng: “Nếu không thể ly hôn được vì con, thì em có thể tha thứ cho vợ mình vì các con, và hai đứa có thể sống tốt cuộc đời còn lại để sửa chữa những lỗi lầm trong quá khứ”.
Nhưng không hiểu sao, từ bấy đến nay, nhìn em trai tôi, tôi luôn có một cảm giác em trai tôi vẫn chưa thể lấy lại được cuộc đời của chính nó. Cuộc đời của em trai tôi đã bị đánh cắp.
Theo ANTG cuối tháng
