Sự kiện "chàng trai kì diệu" Nick Vujicic đến Việt Nam:

Trao niềm tin, nhận... lùm xùm

06:10 | 25/05/2013

829 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những sự kiện đầu tiên trong chuỗi hoạt động giao lưu tại Việt Nam của Nick Vujicic đã diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ, làm dấy lên cơn sốt hâm mộ “chàng trai không tay chân”. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng làm nổ ra nhiều tranh cãi xoay quanh chuyện liệu giới trẻ Việt có đang hâm mộ thái quá với một hiện tượng đến từ nước ngoài, và lãng quên những tấm gương sáng về người khuyết tật trên chính quê hương mình.

>> 'Sức hút' lớn từ chàng trai không tay không chân

>> Chiều nay, Nick Vujicic sẽ đến Việt Nam

>> “Sốt vé” gặp chàng trai kỳ diệu nhất hành tinh

>> Giới trẻ Thủ đô háo hức gặp 'chàng trai kì diệu'

>> Bài học niềm tin mang tên Nick Vujicic

 

Sự kiện “chàng trai kì diệu” Nick Vujicic sang diễn thuyết và tham gia một số hoạt động tại Việt Nam đã được các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như dư luận quan tâm cả tháng trời. Báo chí theo sát những hoạt động của Nick, dư luận thì hi vọng có được một vé vào cửa tham gia chương trình của anh và đài truyền hình cũng “dành sóng” cho những chia sẻ của Nick. Không thể phủ nhận sức lôi cuốn và tầm ảnh hưởng của Nick Vujicic quá lớn, hơn rất nhiều ca sĩ, diễn viên hay nghệ sĩ nào đã từng đặt chân đến Việt Nam.

32 tỷ có quá lớn?

Bên cạnh những bạn trẻ hâm mộ Nick Vujicic, cũng có không ít người tỏ ra băn khoăn với con số 32 tỷ cho chuyến thăm và diễn thuyết của anh tại Việt Nam. Một facebooker có tên Phan Anh đã chia sẻ suy nghĩ của mình như sau: “Những doanh nhân người Việt giàu có đã phải bỏ một số tiền khổng lồ lên tới 32 tỷ đồng để mời Nick đến Việt Nam, nói chuyện về nghị lực sống, về đam mê vượt qua khó khăn (những điều mà người Việt Nam nói chung và những người khuyết tật nói riêng đã có thừa).

32 tỷ đồng, một con số khổng lồ trong thời điểm hiện tại, khi mà các doanh nghiệp đang lao đao vì khủng hoảng kinh tế và người dân cũng đang ngập chìm trong khó khăn. Có thể nói với một chiến dịch được cho là thành công về mặt truyền thông như Hoa Sen đang làm với Nick Vujicic, đó không hẳn là một sự lãng phí. Tuy nhiên, tôi cứ nghĩ nếu Hoa Sen chịu bỏ ra phân nửa số tiền đó thôi, để giúp đỡ những gương mặt khuyết tật tài năng vươn lên... thì họ vẫn có thể tạo được một chiến dịch PR vừa thành công cả về mặt truyền thông lẫn ý nghĩa xã hội. Bởi những người khuyết tật Việt Nam cần những sự giúp đỡ thiết thực hơn là những “cú hích” về tinh thần mà Nick đã mang tới”.

"Chàng trai kì diệu" Nick Vujicic được hâm mộ trên toàn thế giới.

 

 

Bên cạnh đó, facebooker này còn cho biết: “Ít người biết được rằng Nick đến Việt Nam không phải do Hoa Sen mời, cũng không hẳn do Trí Việt “cầu khẩn” mà đơn giản đó chỉ là một trong các điều khoản hợp đồng mà Trí Việt đã ký với Nick. Theo đó, để có thể phát hành sách của Nick tại Việt Nam, Trí Việt buộc phải đảm ứng một yêu cầu là tổ chức một buổi diễn thuyết cho anh tại nước sở tại. Ngoài những điều khoản trong hợp đồng xuất bản, hợp đồng mang Nick đến Việt Nam cũng bao gồm nhiều yêu cầu rất khắt khe, thậm chí những yêu cầu đó chỉ đến từ các ngôi sao... Hollywood”.

32 tỷ đồng là số tiền lớn, nó lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của chúng ta, nhưng có lẽ, mang 32 tỷ đồng so sánh với Nick Vujicic có chăng đã quá khiên cưỡng? Nick là một người tật nguyền, ngay từ khi lọt lòng đã không có tay chân, không có được cuộc sống của người bình thường. Theo lẽ thường, anh đã buông xuôi, gục ngã; nhưng không, Nick đã tự đứng dậy, cố gắng vươn lên và đã thành công, đã truyền nghị lực và cảm hứng cho hàng triệu người trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của Nick và những gì Nick đã làm cho cộng đồng người khuyết tật là không thể phủ nhận.

Có lẽ nếu mang 32 tỷ này chia đều cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn của Việt Nam, mỗi người chắc chỉ được một chút. Số tiền ấy sẽ ít ỏi đến mức không thể làm họ giàu có, thậm chí khó có thể trang trải cuộc sống. Vì vậy, những người tổ chức chương trình đã mang 32 tỷ này để đưa về Việt Nam một hình tượng của nghị lực, niềm tin và không bao giờ từ bỏ ước mơ – điều cần thiết hơn đối với những người khuyết tật.

Nói về phía nhà tổ chức là Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt – First News và Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, họ cũng không làm gì sai khi đưa Nick Vujicic đến Việt Nam. Họ đã chọn cách làm từ thiện khôn ngoan hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn – chúng ta không thể trách, bởi họ là doanh nghiệp và quan tâm đến lợi nhuận. Với chuyến thăm của Nick, họ không những có được lợi nhuận từ việc bán sách của anh, mà còn đạt được vị trí tốt đẹp trong lòng công chúng, trở thành một doanh nghiệp làm việc vì lợi ích cộng đồng.

Truyền thông và Nick Vujicic

Cũng trong bài viết, facebooker Phan Anh đã bày tỏ: “Tại sao lại là Nick mà không phải là một gương mặt cụ thể nào đó của Việt Nam, như Hiệp sĩ công nghệ Nguyễn Công Hùng chẳng hạn? Với những gì mà Công Hùng làm được, nếu anh được truyền thông Mỹ “o bế” như Nick, hẳn anh cũng nổi tiếng không kém và biết đâu một đơn vị nào đó lại chẳng bỏ cả trăm ngàn đô để mời anh tới nói chuyện?

Sự khác biệt lớn nhất giữa Nick và Nguyễn Công Hùng không phải là tài năng hay nghị lực, mà đơn giản chỉ là ở sức hút truyền thông. Chẳng ai ngu để tin rằng Hoa Sen bỏ một đống tiền ra mời Nick về Việt Nam chỉ với mục đích từ thiện, xã hội. Sức hút của Nick là quá lớn, đặc biệt là với sự tiếp tay của truyền thông, với những quảng cáo được phát liên tục trên truyền hình (và nhờ đó người ta bán được báo, thu được tiền quảng cáo, lại được tiếng là “hướng tới cộng đồng khuyết tật” dù sự thật mục tiêu cao cả này chỉ là một phần rất nhỏ mà thôi)”.

Nick đã tới rất nhiều quốc gia và đã gặp 8 nguyên thủ thế giới. Nếu nói truyền thông nhẹ dạ tất nhiên chắc cũng sẽ bao hàm mấy chục quốc gia và các nguyên thủ nói trên. Một chương trình được truyền hình trên VTV1 – kênh chính thống của quốc gia Việt Nam và với sự tham gia của những người giỏi nhất – nổi tiếng nhất của hệ thống truyền hình trung ương không thể nào "nhẹ dạ" như tác giả đã nói. Vấn đề tiếp theo, nếu như đúng "nhẹ dạ" nhưng giúp cho rất nhiều người sống tốt hơn, yêu thương nhiều hơn thì đấy cũng sẽ là sự nhẹ dạ đáng thương và cần được nhân rộng ra. 

Nick đã truyền cảm hứng và niềm tin cho nhiều người khuyết tật giống anh.

 

Còn về việc tại sao không lựa chọn gương mặt Việt Nam thay cho Nick Vujicic, mà cụ thể trong bài viết có nhắc tới Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng, thiết nghĩ điều này không cần tranh cãi.

Nick Vujicic được mời đến Việt Nam với vai trò là nhà diễn thuyết xuất sắc, chứ không phải là người tàn tật cần được tôn vinh bởi người Việt Nam. Với những câu chuyện của Nick, những người (tàn tật hoặc bình thường) đều tự rút ra cho mình một bài học nào đó trong cuộc đời. Đó có thể là tình yêu vào cuộc sống; đó có thể là những bí quyết vượt qua khó khăn, mặc cảm và cũng có thể là niềm tin mãnh liệt vào tương lai và không từ bỏ hi vọng – như câu nói quen thuộc của Nick trong chương trình: “Don’t give up”.

Ngay chính Chủ tịch Hội người khuyết tật Thành phố Hà Nội, bà Dương Thị Vân cũng cho rằng, hình ảnh Nick được vinh danh một cách trang trọng gây xúc động cho cộng đồng người khuyết tật. Theo bà, Nick được chào đón bởi cộng đồng đã nhìn nhận được hết giá trị của người khuyết tật. Cộng đồng nhìn vào khả năng của người khuyết tật chứ không phải là vào sự khuyết tật của họ.

Bà Vân nói: “Người khuyết tật đã được sống bình đẳng như bao con người không khuyết tật khác trong cộng đồng. Nói một cách ngắn gọn, người khuyết tật đã được thực hiện quyền con người đúng với nghĩa của nó”. Vị nữ chủ tịch Hội cũng chỉ ra giá trị lớn nhất của Nick trong chuyến đến Việt Nam là truyền cảm hứng cho các cuộc tranh luận, gợi mở ra rất nhiều điều xung quanh vấn đề người khuyết tật. 

Theo bà Dương Thị Vân, nước ta cũng có những người khuyết tật có nghị lực phi thường như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, vận động viên khuyết tật Phạm Thị Thu... Bà Vân cho rằng, những người trên, cũng giống như Nick, đều truyền được cảm hứng sống đến cho mọi người. Mỗi người đóng một vai trò khác nhau, như Nick đóng vai một "nhà truyền giáo", còn Hùng đóng vai một "người hành động"... 

Hơn thế nữa, việc hâm mộ Nick Vujicic không có nghĩa là chúng ta đang quay lưng với những người khuyết tật của Việt Nam. Nhớ đến họ không có nghĩa là phải khóc lóc hay tung hô hàng ngày, hàng giờ trên mạng xã hội, mà chính là bắt tay vào giúp đỡ họ từ những việc làm thiết thực nhất: truyền cho họ niềm tin và hi vọng.

Số tiền bỏ ra để đưa Nick Vujicic sang Việt Nam khá lớn, nhưng hiệu ứng tích cực mà nó mang lại cũng không hề nhỏ. Chúng ta nghe Nick nói không phải là để được nghe diễn thuyết về những bài học sống - những cái đó chúng ta có thể đọc trong sách nhiều vô biên, sách của Nick và sách của vô vàn người khác. Nick không cao giọng dạy dỗ người khác, anh chỉ đang trò chuyện, chia sẻ về những trải nghiệm của mình.

Ở đây là cơ hội chúng ta có thể được chứng kiến Nick bằng xương bằng thịt, để chúng ta có thêm minh chứng sống về ý chí và nghị lực, về niềm tin chiến thắng, mà qua đó, hy vọng rằng nhiều người chúng ta được lan truyền cảm hứng, để chúng ta thêm trân quý cuộc sống, sự sống này mỗi khi chúng ta ngã lòng hay chuẩn bị ngã lòng...

Khánh An