Thi tuyển giám đốc sở giỏi

07:00 | 30/08/2013

911 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để việc thi tuyển giám đốc cấp sở thực sự hiệu quả và thành nền nếp, đã đến lúc cần có sự vào cuộc của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan khác. Không nên để thi điểm tràn lan dễ trở thành hình thức, chiếu lệ, thi cho có và sẽ không thể chọn được giám đốc cấp sở thực tài!

Bảo Dân (NLM số 252)

Trong hệ thống chính trị - hành chính của chúng ta hiện nay, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 20 sở và mỗi sở có 4 người trong ban lãnh đạo thì tổng số cán bộ cấp sở có khoảng 5.000 người. Cho đến nay, tuyệt đại bộ phận số cán bộ này đều được bổ nhiệm theo quy trình cũ. Số người được cử qua thi tuyển hầu như chưa được bao nhiêu vì các địa phương mới có kế hoạch tổ chức. Theo các đề án bước đầu, tới đây nếu tất cả các chức danh cấp sở này đều được thi tuyển sẽ là khâu đột phá trong công tác cán bộ góp phần ngăn chặn nạn chạy chức, chạy quyền.

Quảng Ninh là một trong những địa phương làm tốt việc thi tuyển cán bộ cấp sở. Hồi đầu năm nay, qua thi tuyển nghiêm túc, bài bản, Quảng Ninh có hai nữ cán bộ vượt qua 9 thí sinh khác, trong đó có người có chức vụ cao hơn.

Thí sinh trúng tuyển vào chức danh Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (tương đương giám đốc sở) là bà Phạm Thùy Dương (37 tuổi nguyên là Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Công viên Vạn Cảnh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long).

Trao Quyết định chức Trưởng ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho bà Phạm Thùy Dương

Bà Phạm Thùy Dương chỉ có thời gian chuẩn bị khoảng 2 tháng để thực hiện yêu cầu đề xuất ý tưởng, giải pháp bảo tồn và phát huy di sản vịnh Hạ Long. Trong cuộc thi, bà đã  trình bày trơn tru và thuyết phục đề tài, bảo vệ thành công ý tưởng của mình.

Bà Dương cho biết, tham gia kỳ thi không hẳn là để giành ghế Trưởng ban Quản lý mà còn là cơ hội trình bày được các ý tưởng, giải pháp với mong muốn làm sao cho vịnh Hạ Long tốt hơn. Với kinh nghiệm 15 năm công tác tại Ban Quản lý vịnh nên bà Dương nhìn ra những hạn chế của vịnh Hạ Long để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn tốt hơn và phát huy di sản. Theo bà, mấu chốt là giải quyết được hài hòa mối quan hệ giữa việc khai thác và quản lý, bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Cuộc thi là bước để lãnh đạo tỉnh phát hiện ra nhân tố mới, đưa vào công tác cán bộ khi bổ nhiệm các chức danh quan trọng.

Người thứ hai là bà Phạm Hồng Lan (45 tuổi, nguyên Trưởng phòng Khoa giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy) trúng tuyển chức danh Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông. Tân Phó giám đốc Sở Thông tin Truyền thông cho rằng, quá trình thi diễn ra khách quan, bài bản, nghiêm túc và công khai minh bạch. Đáng chú ý là thí sinh tự do trình bày ý tưởng và việc đến ngày thi mới nộp đề tài nên ý tưởng được giữ bí mật tới phút cuối. Để bảo vệ ý tưởng của mình, bà phải trả lời 12 câu hỏi, trong đó riêng Bí thư Tỉnh ủy, GS.TS Phạm Minh Chính đặt 3 câu. Kỳ thi là bước đột phá của Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết của Đảng về đổi mới công tác cán bộ. Kỳ thi tuyển tạo tâm lý tốt bởi đối tượng dự thi không chỉ là người được quy hoạch trong chính đơn vị đó mà còn mở rộng đến các sở, ngành liên quan trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là cách làm mới, nằm trong chiến lược nguồn nhân lực tới 2020 của tỉnh.

Được biết, đến nay một số nơi như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam… đều có đề án tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Một số tỉnh còn thi tuyển các chức danh trưởng, phó chi cục và tương đương; trưởng, phó phòng và tương đương tại các sở, ban, ngành và huyện; hiệu trưởng, hiệu phó các trường từ bậc mầm non đến THPT.

Tại Đà Nẵng sẽ tổ chức thi tuyển 40 giám đốc, phó giám đốc sở, trưởng phó phòng chức năng của thành phố. Trong những năm tới, Đà Nẵng sẽ mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh lãnh đạo ra ngoài tỉnh. Ví dụ, một công chức ở tỉnh khác có thể thi tuyển vào chức danh giám đốc sở của Đà Nẵng.

Năm 2013, Hà Nội nghiên cứu thí điểm thi tuyển các vị trí từ phó giám đốc sở trở xuống. Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng thừa nhận việc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo ở Hà Nội, cho dù đã làm nhưng chưa thường xuyên. Năm nay, Hà Nội thí điểm thi tuyển các vị trí từ phó giám đốc sở trở xuống. Đồng thời, đang xây dựng phương pháp đánh giá, khen thưởng, phân loại cán bộ và các chức danh quản lý, dần loại bỏ những cán bộ công chức trình độ chuyên môn hạn chế.

Theo các chuyên gia, nếu nhất loạt thi tuyển toàn bộ giám đốc cấp sở theo cách làm của Quảng Ninh sẽ chọn được những người đủ trình độ, phẩm hạnh và năng lực. Thế nhưng, nhìn chung điều kiện để thi tuyển chức danh giám đốc, phó giám đốc sở vẫn chỉ là trình độ đại học chính quy trở lên, lý luận chính trị (cử nhân, cao cấp), ngoại ngữ (chứng chỉ trình độ C trở lên), còn trong độ tuổi bổ nhiệm cán bộ (ít nhất phải đủ 5 năm), bảo đảm về tiêu chuẩn lịch sử chính trị. Để được dự thi, các ứng viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên và được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong 2 năm liền kề tại thời điểm dự thi. Có nơi không thấy ghi tiêu chuẩn phải là đảng viên và có nơi lại cho phép người ở tỉnh khác dự thi. Thi tuyển gíám đốc cấp sở như vậy cũng chỉ có thể tuyển người thay thế các chức danh thuyên chuyển hoặc nghỉ hưu.

Để việc thi tuyển giám đốc cấp sở thực sự hiệu quả và thành nền nếp, đã đến lúc cần có sự vào cuộc của Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bộ Nội vụ và các cơ quan hữu quan khác. Không nên để thi điểm tràn lan dễ trở thành hình thức, chiếu lệ, thi cho có và sẽ không thể chọn được giám đốc cấp sở thực tài!

B.D

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc