Mua bài học bằng những con phố "khỏa thân"

14:41 | 20/03/2015

9,453 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối cùng thì sáng ngày 20/3, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng đã chỉ đạo dừng việc chặt 6.700 cây xanh. Chính quyền thành phố đã không thể vượt qua sức ép của dư luận. Vụ việc này cũng để lại một bài học vô cùng lớn cho các cơ quan công quyền khi làm những việc “đụng chạm” đến lòng dân.

Có lẽ từ lâu lắm mới có việc làm của cơ quan chức năng làm “phật lòng” người dân đến thế. Người ta chua xót nói với nhau rằng: Cây bị đốn hạ thì đường phố Hà Nội như người khỏa thân, không quần không áo.

Khắp các diễn đàn, mạng xã hội, người dân sục sôi phản đối chuyện chặt hạ cây xanh. Thậm chí, họ còn tổ chức thành các nhóm căng băng rôn phản đối việc chặt cây, cá biệt ở nhiều nơi, người dân tỏ thái độ bức xúc trực tiếp với các công nhân làm nhiệm vụ đốn hạ cây xanh.

Với người dân ở một thành phố trọng vốn cổ, trọng cái cũ như Hà Nội thì mỗi con đường, mỗi góc phố, mỗi gốc cây đều gắn liền với cuộc sống, với ký ức của họ. Đấy là chưa kể đến cây xanh cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá một thành phố văn minh. Thậm chí, một đất nước văn minh, hiện đại như Singapore đã không ngại bỏ tiền mua đất, mua cây ở các nước khác đưa về để trồng, phủ xanh đất nước của họ với mật độ cây xanh gấp nhiều lần Hà Nội, TP HCM.

Hàng ngàn cây xanh đã bị hạ sát để mua lấy một bài học cho chính quyền thành phố.

 

Việc chính quyền thành phố chỉnh trang đô thị, thay thế cây cối cho đồng bộ và đẹp hơn, đó là một việc cần làm và chắc chắn người dân không phải đối. Tuy nhiên, việc Hà Nội cứ âm thầm, im ỉm rồi “đùng một cái” hạ sát cả 6.700 cây xanh đã khiến cho người dân bị “sốc”. Rồi thêm việc ông phó ban tuyên giáo thành ủy đăng đàn phát ngôn “không cần hỏi ý kiến nhân dân” thì càng như "hắt xăng vào đám cháy".

Một việc đụng chạm trực tiếp đến đời sống, thậm chí là tình cảm, tâm hồn của người dân mà cứ “nhắm mắt nhắm mũi” làm thì người dân phản ứng mạnh là điều đương nhiên.

Để đảm bảo không gian xanh cho đô thị, việc cải tạo, thậm chí là chặt các loại cây không phù hợp hoặc hư hỏng, mục ruỗng là việc làm bình thường. Việc này sẽ giúp cho thành phố xanh hơn, trồng các loại cây phù hợp và có điều kiện chăm sóc đồng bộ hơn. Những việc làm này, chắc chắn người dân không phản đối.

Tuy nhiên, việc cơ quan chỉnh trang đô thị đồng loạt “đốn hạ” của 6.700 cây, trong đó có cả những cây đại thụ, những cây có tuổi đời hàng nửa thế kỷ thì thật chẳng khác gì một cuộc “hạ sát”.

Nếu có trồng lên các loại cây khác đi chẳng nữa, cũng phải mất nhiều năm mới lớn, xanh tốt. Từ bây giờ đến đó, người dân Hà Nội thở bằng gì? Không lẽ, phố Hà Nội cứ “khỏa thân” mãi chờ những gốc cây mới lớn lên.

Thêm một vấn đề cần phản bàn nữa là thái độ của những người làm công quyền khi thực thi chức trách. Họ cứ “bất thình lình” quyết định, “bất thình lình” làm luôn. Mà những cái gì cứ im ỉm, “u u minh minh” thì lại dễ bị nghi ngờ là “không minh bạch”. Đã thế, khi người dân hỏi đến thì ậm ờ, không giải thích rõ, lại còn phát ngôn thiếu tế nhị khiến cho bức xúc của người dân càng tăng lên.

Đấy là chưa kể, người ta còn nghi ngờ chuyện chặt cây là để có nơi “tiêu thụ” một loạt các loại cây mới, hay số phận những cây bị chặt chưa biết “đi đâu về đâu, vào túi ai”.

Giá mà ngay từ đầu, chính quyền thành phố Hà Nội thực hiện đúng quy trình, chọn lọc, phân loại những cây cần thay thế rồi công bố thông tin, giải thích rõ ràng, lấy ý kiến nhân dân. Có lẽ, đã không đẩy bức xúc của người dân lên cao như vậy.

Bài học là thế, nhưng cho đến hôm nay, kịp rút ra thì cũng đã có hàng nghìn cây xanh bị hạ sát. Đúng là mỗi bài học đều có giá của nó và xem ra, giá để mua một bài học cho chính quyền thành phố không rẻ chút nào!

 

H.T