Lệnh của Chủ tịch nước công bố 2 Pháp lệnh

15:51 | 17/03/2014

2,111 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng ngày 17/3 tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh cảnh sát cơ động (CSCĐ) và Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Pháp lệnh CSCĐ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước CHXHCN khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, gồm 5 chương, 24 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014.

Theo đó, sau khi Pháp lệnh có hiệu lực, lực lượng CSCĐ có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an về công tác vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội; thực hiện phương án tác chiến chống hoạt động phá hoại an ninh, bạo loạn vũ trang, khủng bố, bắt cóc con tin; bảo vệ mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao...

Về tổ chức, CSCĐ gồm 4 lực lượng chính là: Lực lượng đặc nhiệm; Lực lượng tác chiến đặc biệt; Lực lượng bảo vệ mục tiêu và Lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ, được tổ chức theo mô hình: Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phó Chủ nhiệm VP Chủ tịch nước Giang Sơn đọc Lệnh của Chủ tịch nước

Hai điểm mới được cho là đáng chú ý trong Pháp lệnh, đó là CSCĐ được ưu tiên trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thủy, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và trang thiết bị đặc chủng chuyên dụng hiện đại. Như vậy, Pháp lệnh đã bổ sung “máy bay, tàu thủy” vào nội dung trang bị vũ khí, phương tiện cho CSCĐ, so với bản dự thảo trước đây. Điều này được cho là cần thiết nhằm nâng cao sức chiến đấu của lực lượng này.

Bên cạnh đó, chế độ Chính ủy, chính trị viên cũng bắt đầu được áp dụng tại lực lượng CSCĐ các cấp. Việc triển khai chế độ chính ủy, chính trị viên nhằm tăng cường công tác đảng, công tác chính trị, tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với CAND, có ý nghĩa chiến lược đối với lực lượng CAND.

Như vậy, ngoài chế độ chính sách chung đối với Công an nhân dân, CSCĐ còn được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù theo tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động và được bố trí nhà ở công vụ nếu sĩ quan CSCĐ công tác ổn định lâu dài ở địa bàn đóng quân.

Cũng trong sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 20/1/2014.

Pháp lệnh đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và cải cách hành chính; đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, quyền con người, đặc biệt là quyền của người chưa thành niên trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.

Theo Pháp lệnh trình tự thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền; đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Lê Tùng

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc