Hạnh phúc trong những ngôi nhà hiếm muộn

16:39 | 12/10/2017

4,391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong ngày hội của những em bé được thụ tinh trong ống nghiệm mang tên “Ươm mầm hạnh phúc” diễn ra ở Hà Nội mới đây, tôi đã gặp hai vợ chồng gương mặt rạng người hạnh phúc cùng ngồi trên xe lăn do liệt nửa người, bế theo một em bé mới vài tháng tuổi. Họ lặn lội từ Thanh Hóa ra, để được hòa vào niềm vui của những người hiếm muộn đã được làm cha, làm mẹ…

Hạnh phúc như mơ

Đó là gia đình chị Trương Thị Hà (SN 1978) và anh Lê Văn Năm (SN 1984) đều ở Thanh Hóa. Chị Hà bị liệt 2 chân từ nhỏ, còn anh Năm cũng hỏng cả đôi chân sau một tai nạn ngã từ trên cây cao xuống. Nhiều năm qua, cuộc sống của vợ chồng anh chị phải gắn liền với chiếc xe lăn. Lấy nhau trong hoàn cảnh rất đặc biệt như vậy, nhưng anh chị đều mong mỏi có một đứa con. Nhưng oái oăm thay, sau hơn 3 năm kết hôn vẫn không thấy tín hiệu vui, đi khám mới biết anh Năm bị hiếm muộn. Nỗi khao khát có một đứa con khiến anh chị quyết tâm chạy chữa. Những người bình thường hiếm muộn mà muốn có con đã rất khó khăn, thì với cặp vợ chồng khuyết tật như anh chị, có đứa con thực sự không dễ dàng. Họ đã phải qua biết bao gian truân, vất vả, thậm chí, có lúc tưởng đã tuyệt vọng.

hanh phuc trong nhung ngoi nha hiem muon
Anh Đỗ Đại Dương bị liệt cả hai chi chia sẻ

Chị Hà kể, khi biết anh chị quyết định làm thụ tinh ống nghiệm, gia đình, bạn bè đều khuyên ngăn. Mọi người cho rằng, hai người tự lo cho nhau đã khó, làm sao lo cho con được, chưa kể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị. Khi 2 người dắt nhau đến Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội để thụ tinh nhân tạo, các bác sĩ nhìn thấy cảnh cả hai vợ chồng cùng ngồi xe lăn cũng không khỏi băn khoăn. Nhưng trước quyết tâm rất lớn của anh chị, các bác sĩ đã chiều theo ý họ. Nhờ những kỹ thuật tiến bộ trong hỗ trợ sinh sản, cùng với trang thiết bị, máy móc và áp dụng công nghệ mới trong nuôi phôi hiện đại, BV đã giúp cho anh chị có được niềm hạnh phúc bất ngờ.

Chị Hà kể, trong suốt những ngày tháng mang bầu, chị gần như nằm một chỗ. Mọi công việc, sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ. Những tháng đầu lo giữ thai từng li từng tí mà vẫn nơm nớp sợ bị sẩy thai. Những tháng cuối lại lo đẻ non. Đến khi sinh chị còn phải nằm viện cấp cứu gần 1 tuần vì cơ thể bị cong vẹo, quá trình mang thai ảnh hưởng đến phổi, gây xẹp phổi. Nhưng sau bao nhiêu khó khăn, ngày 1-5-2017, gia đình anh chị đã vỡ òa trong niềm hạnh phúc khi một bé trai nặng 2,6kg đã chào đời. Hy vọng bé sẽ có cuộc sống may mắn hơn cha mẹ, anh chị đã đặt tên con là Lê Trương An Phúc.

Tỉ lệ hiếm muộn ở Việt Nam hiện khá cao, khoảng 7,5% dân số và chiếm khoảng 30% số người ở độ tuổi sinh đẻ, tức là đang có cả triệu người cần hỗ trợ sinh sản để được có con.

Gia đình anh chị Hà - Năm chỉ là một trong số hàng nghìn gia đình đã được làm cha mẹ bằng những kỹ thuật hiện đại trong hỗ trợ sinh sản ở các BV trên địa bàn Hà Nội, để thắp lên ngọn lửa hạnh phúc trọn vẹn trong những ngôi nhà.

Bị tai nạn năm 19 tuổi, liệt hoàn toàn 2 chân nên anh Đỗ Đại Dương từng nghĩ, việc được làm bố chỉ là một giấc mơ xa vời. 36 tuổi anh mới lập gia đình và bác sĩ cho biết, đối với trường hợp của anh việc có con gần như là vô vọng. Dẫu biết bệnh tình của mình khá đặc biệt, nhưng cả hai vợ chồng anh đều quyết tâm điều trị. Năm 2012, anh tìm đến các bác sĩ ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội. Và thật bất ngờ ngay trong lần thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên đã thành công. Không thể tả xiết niềm vui của anh chị khi giờ đây đã có một cô “công chúa” 5 tuổi bi bô nói cười, bám riết bố mẹ. Niềm hạnh phúc luôn dâng đầy trên gương mặt họ, trong nụ cười viên mãn.

Một người phụ nữ khác cũng được làm mẹ khi đã lớn tuổi là chị Trần Thị Phúc, 53 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội. Hai vợ chồng lấy nhau đã hơn 10 năm vẫn không sinh được con vì chị bị sẩy thai nhiều lần, tuổi lại không còn trẻ nữa. Nhưng khao khát được làm mẹ khiến chị kiên trì chạy chữa ở nhiều nơi, uống đủ loại thuốc đông, tây y, song tiếc rằng vẫn không có kết quả. Rồi chị được người bạn giới thiệu đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản của BV Bưu điện. Và không thể nói hết niềm hạnh phúc của chị từ lúc sinh linh bé nhỏ cựa quậy trong bụng. Chị đã trào nước mắt vì vui sướng khi bác sĩ đặt vào tay chị đứa con bé bỏng mà vợ chồng chị đợi chờ trong khao khát. Đến mức, giờ đây, mỗi lần bế con trên tay, đôi lúc chị vẫn tưởng mình đang trong một giấc chiêm bao….

Anh Trần Quốc Hảo (Ninh Bình) cũng từng nghĩ mình không bao giờ có cơ hội làm cha. Vậy mà giờ đây anh đã có 2 cô con gái giống anh như đúc. Đây là trường hợp rất đặc biệt, bởi anh Hảo bị tinh trùng bất động 100%. Đã nhiều năm ròng rã đi khắp đó đây để điều trị nhưng vô vọng. Anh tìm hiểu thông tin qua báo chí, mạng xã hội rồi tìm đến BV Bưu điện. Ở đây, anh đã được áp dụng phương pháp tìm tinh trùng sống bằng HOS-Test và “điều không thể đã trở thành có thể”, khi khoa học và bàn tay lành nghề của các bác sĩ đã biến giấc mơ được làm bố của anh thành sự thật: năm 2015 vợ anh đã sinh đôi 2 bé gái.

hanh phuc trong nhung ngoi nha hiem muon
Chị Đinh Thị Bích Thủy sau gần 20 năm chữa chạy hiếm muộn

Nhớ lại hành trình gần 20 năm chạy chữa vô sinh và rồi được làm mẹ, chị Đinh Thị Bích Thủy (Hà Nội) không nén được những giọt nước mắt vì hạnh phúc quá lớn. Vợ chồng chị đã chạy chữa nhiều năm, nhưng đều thất bại. Năm 2012, vợ chồng chị đến gặp BS Thu Hiền ở BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, nhưng cũng chỉ hy vọng mong manh. Lần đầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm lại không thành công, chị càng không dám hy vọng. Thế rồi, thực hiện lần 2 và chị được như ý. Sau gần 20 năm chờ đợi, ngày 11-2-2015, chị đã sinh đứa con đầu lòng. Hạnh phúc muộn màng nhưng trọn vẹn khiến ngay sau đó vợ chồng chị quyết định có thêm bé thứ 2... Chị nghẹn ngào: “Các bác sĩ là người tái tạo hạnh phúc gia đình cho tôi”…

Hiếm muộn gia tăng…

PGS.TS Nguyễn Đình Tảo, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo - Nghiên cứu Công nghệ Phôi - Học viện Quân y cho biết, ở nước ta, tỷ lệ hiếm muộn hiện khá cao, khoảng 7,5% dân số và chiếm khoảng 30% số người ở độ tuổi sinh đẻ, tức là đang có cả triệu người cần hỗ trợ sinh sản để được có con.

Một nghiên cứu của Bộ Y tế cũng chỉ ra tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tới 7,7%, tức là cả nước có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh. Trong đó vô sinh nguyên phát là 3,9% và vô sinh thứ phát là 3,8%. Có những vùng, tỷ lệ vô sinh còn cao hơn, như Hà Nội 13%, Khánh Hòa gần 14%. Đáng báo động khi khoảng 50% cặp vợ chồng vô sinh dưới tuổi 30.

Việc phát hiện những dấu hiệu về khả năng hiếm muộn, vô sinh càng sớm thì khả năng chữa trị càng cao, chi phí điều trị cũng giảm và mỗi người nên có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân để kiểm tra về tình trạng sức khỏe sinh sản.

Ở tất cả các cuộc tư vấn cho các vợ chồng vô sinh, hiếm muộn của BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội hay BV Bưu điện Hà Nội, tôi nhận ra một điều là, hầu hết người hiếm muộn đều còn rất trẻ. Cứ mỗi cuộc tư vấn sau, số lượng người lại đông hơn cuộc tư vấn trước và lượng người trẻ còn tăng hơn nhiều, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi.

Tại BV Phụ sản Trung ương, BV Chuyên khoa Nam Học và Hiếm muộn Hà Nội mỗi ngày có hàng trăm cặp vợ chồng tới tư vấn, điều trị hiếm muộn. Riêng Trung tâm Công nghệ phôi (Học viện Quân y) mỗi năm tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 10.000 lượt người vô sinh, đa số ở độ tuổi 25-32. Từ đầu năm 2016 đến nay, BV Bưu điện đã khám và tư vấn cho trên 1.000 cặp vợ chồng hiếm muộn, hỗ trợ sinh sản cho gần 500 cặp, mỗi ngày có tới trên 100 bệnh nhân đến khám và điều trị…

hanh phuc trong nhung ngoi nha hiem muon
BS Thu Hiền đang thực hiện một ca chuyển phôi tại BV

BS Lê Thị Thu Hiền, Phó giám đốc BV Chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: Các trường hợp bị hiếm muộn rất đa dạng, có thể do vợ, chồng hoặc do cả hai. Với người vợ nguyên nhân hay gặp nhất là tắc 2 vòi tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, bất thường tử cung, lạc nội mạc tử cung… Với người chồng thường do bất thường số lượng, chất lượng tinh trùng, trong đó nguyên nhân hay gặp nhất là giãn tĩnh mạch tinh hoặc không tinh trùng do tắc ống dẫn tinh, xuất tinh ngược…

Nguyên nhân vô sinh ít được chú ý

Mặc dù tỷ lệ hiếm muộn cao, nhưng rất ít cặp vợ chồng biết về các yếu tố nguy cơ cũng như sự thật về khả năng sinh sản. Theo một khảo sát về nhận thức sinh sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, một nguyên nhân dẫn đến nhiều cặp vợ chồng điều trị muộn là nhiều người không biết việc phát hiện càng sớm khả năng chữa trị càng cao, chi phí điều trị cũng giảm và họ rất ngại đến bác sĩ để khám cũng như tư vấn. Ở Việt Nam, rất nhiều cặp vợ chồng không có thói quen khám sức khỏe tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng hiếm muộn, vô sinh. Vì thế, có tới 72% phụ nữ không nghĩ rằng mình bị hiếm muộn, dù sau 6 tháng cố gắng thụ thai không có kết quả. Có tới 83% phụ nữ không nghĩ rằng chồng mình có khả năng vô sinh và gần 60% phụ nữ không biết đàn ông có thể vô sinh dù có thể vẫn sản xuất được tinh trùng. Nhưng do tâm lý ngại ngần, mặc cảm, sợ áp lực dư luận xã hội, rồi lo điều trị tốn kém nên hầu hết các cặp vợ chồng không đi khám sớm khi phát hiện.

hanh phuc trong nhung ngoi nha hiem muon
Vợ chồng anh Lê Văn Năm - chị Trương Thị Hà và con trai nhỏ

Theo các chuyên gia, vô sinh và hiếm muộn tăng cao là do nhiều yếu tố, trong đó có ô nhiễm môi trường, thức ăn chứa nhiều hóa chất độc hại, quan hệ tình dục thiếu an toàn dẫn tới nhiều phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh dục, nạo hút thai, sảy thai, có thai ngoài tử cung. Thống kê cho thấy, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai khá cao, với 32% phụ nữ từng nạo phá thai, tức khoảng 1 triệu ca/năm. Còn đối với nam giới, bất thường về tinh trùng chiếm tới 90% số ca vô sinh, cùng với đó là áp lực công việc, cuộc sống và nhất là ảnh hưởng của rượu, bia, thuốc lá.

Phụ nữ độ tuổi 35 trở lên ít cơ hội có thai hơn phụ nữ dưới tuổi 35. Khi người phụ nữ khoảng 45 tuổi, có tới hơn 70% sẩy thai ngay cả khi đã thụ thai thành công với trứng của mình. Tuổi tác của nam giới cũng ảnh hưởng đến khả năng làm cho người phụ nữ có thai và làm tăng nguy cơ biến chứng, con bị dị tật bẩm sinh và bất thường di truyền. Một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ bệnh tự kỷ và tâm thần phân liệt cao hơn ở những đứa trẻ có cha hơn 40 tuổi và là nguyên nhân khiến người phụ nữ dễ bị sẩy thai. Thuốc lá, rượu, bia đều ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ và nam giới. Nam giới mặc quần lót chật, tinh hoàn tiếp xúc với nhiệt độ quá cao, các chấn thương khi chơi thể thao… có thể gây hiếm muộn, vô sinh. Nữ giới với hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung có thể gây ra hội chứng tương tự…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến - một trong những chuyên gia hàng đầu về hỗ trợ sinh sản cho biết, tình trạng vô sinh và hiếm muộn đang là thách thức lớn với ngành sản khoa. Song, những tiến bộ khoa học trong lĩnh vực này đã tạo cơ hội cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn được có con. Khả năng điều trị thành công hiếm muộn của các cơ sở y tế trong nước không hề thua kém các nước phát triển, với tỷ lệ thành công 35-40%, thậm chí nhiều BV còn đạt tỷ lệ 50%. Đặc biệt, chi phí trung bình cho một ca hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam khoảng 60 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Với sự hỗ trợ của hàng loạt kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và thụ tinh trong ống nghiệm, hàng ngàn người hiếm muộn đã được thỏa nỗi khát khao làm cha, làm mẹ sau nhiều năm vô vọng, để lửa hạnh phúc thắp sáng lại trong nhiều ngôi nhà từng héo mòn vì không có tiếng trẻ bi bô. Trong bối cảnh số người hiếm muộn ở Việt Nam khá cao, thì sự thành công trong lĩnh vực điều trị hiếm muộn có một ý nghĩa nhân văn vô cùng quan trọng.

Miên Di