Hàng cấm online

07:00 | 30/03/2017

2,364 lượt xem
|
Thời gian qua, trước sự truy lùng gắt gao của lực lượng chức năng nên việc buôn bán hàng cấm có vẻ lắng xuống. Tuy nhiên, tình trạng này chưa hẳn đã chấm dứt, nhiều đối tượng vẫn lợi dụng mạng Internet để buôn bán hàng cấm với nhiều thủ đoạn tinh vi…

Bán cả súng đạn

Tháng 3-2017, Công an TP Tây Ninh (Tây Ninh) đã tạm giữ hình sự Dương Hoàng Chân (29 tuổi, ở TP Tây Ninh) để điều tra về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy và vũ khí quân dụng, vật liệu nổ. Kiểm tra tại nhà riêng của Chân, cảnh sát thu giữ 5,7gr ma túy đá và hàng loạt hàng cấm như lựu đạn, súng điện, bình xịt hơi cay, roi điện, côn, đao, kiếm các loại… Chân khai nhận, đã đặt mua số vũ khí trên ở Lạng Sơn qua mạng Internet, sau đó chuyển về Tây Ninh bằng xe khách để bán kiếm lời.

Cũng trong tháng 3-2017, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Trật tự xã hội (PC45, Công an TP Hồ Chí Minh) triệt phá thành công đường dây mua bán hàng cấm, thu giữ 225 cây mã tấu, 37 lê, 17 súng điện, gần 50 kiếm Nhật, roi điện, súng điện… Đường dây mua bán hàng cấm này do Tô Hoài Vũ (ở quận 8, TP Hồ Chí Minh) cầm đầu. Thanh niên 29 tuổi này chuyên nhập hàng từ Trung Quốc, sau đó rao bán trên mạng xã hội cho những khách hàng có nhu cầu.

hang cam online
Số hàng cấm bị Công an TP Hồ Chí Minh thu giữ

Đây chỉ là hai vụ điển hình về hành vi buôn bán “hàng nóng” trên mạng xã hội bị cơ quan chức năng triệt phá. Thời gian qua, dù bị lực lượng chức năng truy lùng gắt gao, nhưng tình trạng mua bán hàng cấm vẫn không hề lắng xuống. Các loại hàng cấm như đao, kiếm, bình xịt hơi cay và thậm chí là súng vẫn được rao bán công khai trên mạng Internet.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các loại “hàng nóng” được rao bán trên các website hay hàng loạt các trang mạng trên facebook với đầy đủ chủng loại, giá cả, xuất xứ, thêm vào đó là các thông tin về sản phẩm.

Các loại hàng cấm được đăng tải thành các nhóm như súng đạn, dao kiếm và dụng cụ tự vệ. Riêng với súng đạn, có nhiều loại khác nhau như: Súng hơi, súng ngắn, súng trường, súng săn, súng bắn tỉa và cùng với đó là đạn nhựa, đạn sắt, đạn chì... có xuất xứ từ Hongkong, Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản và giá cả dao động vài trăm nghìn đồng đến vài chục triệu đồng.

Cụ thể, loại súng K54 tự chế được quảng cáo là loại súng mô phỏng theo mẫu súng K54 của lực lượng vũ trang, màu sắc bắt mắt. Với cấu tạo bên ngoài bằng kim loại, ốp tay cầm và băng đạn bằng nhựa ABS... giá của loại súng này là 950.000 đồng. Hay loại súng được gọi là “M1911 bắn đạn chì” có giá lên đến 25.000.000 đồng, là dòng súng thuộc Hãng Umarex nổi tiếng chuyên về Airgun (tức súng hơi hạng nhẹ).

Trên mạng xã hội facebook, các loại hàng cấm cũng được rao bán một cách rầm rộ, công khai. Từ dao xếp, dao bấm, phi tiêu, đao kiếm cho đến các loại vũ khí quân dụng như súng, lựu đạn tất cả đều được niêm yết giá đầy đủ và trình bày một cách bắt mắt. Ngoài ra, một số fanpage lại buôn bán hàng cấm dưới vỏ bọc là cung cấp các dụng cụ tự vệ. Có thể kể đến fanpage “Shop vũ khí tự vệ”, “Dụng cụ tự vệ giá rẻ”... với hàng nghìn lượt thích. Các trang này chuyên rao bán dùi cui điện, gậy baton, gậy ba khúc, bình xịt cay, còng số 8...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để sở hữu các loại hàng cấm này rất đơn giản. Người mua hàng chỉ cần liên hệ theo các số điện thoại đã được công khai trên website hay các fanpage sau đó sẽ được bên bán tư vấn nhiệt tình về từng sản phẩm và cách giao dịch. “Thử” liên hệ với thông tin trên website muaban18.com, đầu tiên chúng tôi được hướng dẫn chọn các phương thức thanh toán, nếu ở khu vực TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng thì việc mua hàng khá đơn giản. Người mua chỉ cần gửi tin nhắn một số thông tin như: Mặt hàng cần mua, địa chỉ số nhà hoặc các vị trí dễ nhận biết như ngã ba, ngã tư thì sẽ có người đến giao hàng. Đối với các khách hàng không ở ba địa điểm trên sẽ phải chuyển một nửa hoặc toàn bộ số tiền của sản phẩm cần mua qua tài khoản ngân hàng. Sau khi nhận được tiền, bên bán hàng sẽ cử nhân viên đến giao hàng. Với đối tượng là khách hàng ở xa, ngoài khoản tiền mua hàng khách hàng có thể sẽ phải trả thêm chi phí vận chuyển nếu bên bán yêu cầu.

Trong vai một khách hàng cần mua dụng cụ tự vệ cho bản thân, tôi liên lạc với fanpage “Shop hàng nóng Hải Phòng” bằng tin nhắn cá nhân. Khoảng 10 phút sau, một người tự xưng là Hùng online đã trả lời tin nhắn. Khi biết tôi có nhu cầu mua một dụng cụ tự vệ, nam nhân viên này tận tình giới thiệu các sản phẩm mà shop đăng bán từ vũ khí quân dụng, bình xịt hơi cay đến các vật dụng thô sơ như dao kiếm, súng tự chế. Sau khi trao đổi, tôi ngỏ ý muốn mua một khẩu súng tự chế, thì Hùng gửi tôi rất nhiều hình ảnh kèm theo cả giá. Hùng nói: “Bạn cứ chọn đi, nếu ưng món hàng nào thì mình sẽ cung cấp”.

Theo lời của Hùng, sau khi chọn được sản phẩm cần mua thì khách sẽ gửi một khoản tiền qua tài khoản ngân hàng của người bán để đặt cọc. Sau đó người bán sẽ gửi hàng đến tận địa chỉ người mua cung cấp và khách hàng sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại.

Tiếp tay tội ác

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ, hình thức mua bán online đang ngày càng phổ biến. Chỉ cần sử dụng máy tính hay Smartphone có kết nối Internet thì cả người mua lẫn người bán có thể giao dịch một cách dễ dàng và nhanh chóng nhất. Lợi dụng sự thuận tiện này nhiều đối tượng đã rao bán những mặt hàng cấm, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ phạm tội.

Theo các chuyên gia về luật, việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí trái phép là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Hơn nữa, việc mua bán các loại hàng cấm một cách dễ dàng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tội phạm hình sự. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý rất có thể sẽ để lại các hậu quả khó lường.

Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Luật sư Lê Ngọc Hoàng (Trưởng Văn phòng luật Long Tâm) cho biết, Ðiều 230 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định, việc chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, thì bị phạt tù từ 1 đến 7 năm. Nếu người bán hàng mua trực tiếp từ những đối tượng trộm cắp quân dụng có thể xem xét họ về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu là hàng giả, hàng nhái thì có thể xem xét về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả. Người nào tàng trữ trái phép vũ khí là hành vi trái pháp luật có thể bị khởi tố theo quy định tại Ðiều 233, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, tại Điều 10 Nghị định 167/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 về vi phạm quy định quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm có quy định: Phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ mà không có giấy phép; mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép, vũ khí thể thao… Phạt tiền từ 20 đến 40 triệu đồng đối với một trong những hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép; mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

“Ðể xử lý tình trạng này, trước mắt, cần tăng cường công tác tuyên truyền để các cá nhân có ý định mua bán, sử dụng vũ khí nóng, dù là phòng thân hay bất cứ mục đích gì biết đây là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý” - luật sư Lê Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

Việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng các loại vũ khí trái phép là vi phạm pháp luật của Việt Nam. Hơn nữa, việc mua bán các loại hàng cấm một cách dễ dàng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng tội phạm hình sự. Nếu không kịp thời phát hiện và xử lý rất có thể sẽ để lại các hậu quả khó lường.

Chu Phượng - Song Nguyễn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc