Chương trình giáo dục tổng thể: Hãy bắt đầu từ... giáo viên!

07:19 | 06/11/2015

1,068 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khẳng định vai trò của giáo viên trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bà TS. Phạm Thị Ly – Viện Đào tạo Quốc tế, ĐHQG TP Hồ Chí Minh nói: Có nhiều thách thức khác như vấn đề biên soạn chương trình và sách giáo khoa, vấn đề cơ sở vật chất, sự ủng hộ của dư luận xã hội… Nhưng không có vấn đề nào quan trọng bằng vấn đề giáo viên!

Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - từ tầm nhìn đến hiện thực” do Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông Phát triển” tổ chức hôm nay, (5/11) đã thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia giáo dục. Đông đảo chuyên gia giáo dục, thầy cô giáo và cả đại diện phụ huynh học sinh cũng đã tham dự chương trình này.

Đã có nhiều ý kiến đóng góp ý kiến cho Dự thảo chương trình GDPT tổng thể, trong đó tập trung phần lớn vào việc làm sao để chương trình được đi vào thực tiễn.

Đặt vấn đề cấp thiết cần có một chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, bà Phạm Thị Ly – Viện đào tạo quốc tế, ĐH QG Hồ Chí Minh nói: Chúng ta đã nhiều lần cải cách giáo dục phổ thông (GDPT) nhưng vẫn chưa tạo ra được một sự thay đổi đáng kể nào trong chất lượng giáo dục. Những cải cách tạm gọi là “nửa vời” này đã làm giảm lòng tin của xã hội đối với những nỗ lực đổi mới.

chuong trinh gdpt tong the hay bat dau tu giao vien
Hội thảo “Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - từ tầm nhìn đến hiện thực”

Thực tế này dẫn đến một số giải pháp cực đoan đang có xu hướng phát triển trong xã hội, như dạy con ở nhà thay vì cho đi học. Điều này có nhiều lý do, nhưng trước hết là vì chúng ta thiếu cả điều kiện cần lẫn điều kiện đủ trong các trường phổ thông và trong cả hệ thống.

Để thực hiện tốt chủ trương của chương trình GDPT tổng thể mới, theo tôi lẽ dĩ nhiên là chúng ta phải bắt đầu từ vấn đề giáo viên.

Bà Ly khẳng định: Có nhiều thách thức khác như vấn đề biên soạn chương trình và sách giáo khoa, vấn đề cơ sở vật chất, sự ủng hộ của dư luận xã hội… Nhưng không có vấn đề nào quan trọng bằng vấn đề giáo viên. Vì ai cũng biết người thầy có vai trò cốt tử như thế nào trong GDPT, nhất là những lớp dưới.

Trong vấn đề thuộc giáo viên, bà Ly đề cập đến 2 vấn đề là năng lực, phẩm chất người thầy và động lực làm việc của người thầy.

 Bà Ly phân tích tài liệu của Bộ GD&ĐT nhận định “Đội ngũ giáo viên phổ thông gần 100% đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo”, chúng tôi e rằng chữ “chuẩn” ở đây chỉ có nghĩa là bằng cấp.

Chúng ta chưa có bất cứ nghiên cứu nào được thực hiện một cách độc lập, có hệ thống, và dựa trên những phương pháp đáng tin cậy để đánh giá mức độ hài lòng của phụ huynh đối với chất lượng giáo dục ở phổ thông hiện nay, trong đó có chất lượng người thầy.  Có thể Bộ GDĐT đã có dự tính đến những kế hoạch tập huấn trực tuyến và đào tạo nâng cao. Tuy vậy, chúng ta không nên xem nhẹ thách thức của vấn đề năng lực và phẩm chất người thầy.

 Thay đổi một cách nghĩ đã ăn sâu không chỉ một vài chục năm, mà là hàng nghìn năm từ chương theo lối thầy đọc trò chép, không phải chuyện dễ dàng, chưa nói tới việc thực hiện cách dạy mới, cách đánh giá mới.

Thêm nữa sự tương tác giữa Thầy và trò ở bậc học phổ thông vô cùng quan trọng. Vì vậy có thể nói thành công của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng của đội ngũ.

Đào tạo và tái huấn luyện đội ngũ giáo viên để họ am hiểu cách tiếp cận giáo dục mới và thực thi tinh thần ấy là điều quan trọng.

chuong trinh gdpt tong the hay bat dau tu giao vien
Phạm Thị Ly – Viện đào tạo quốc tế, ĐH QG Hồ Chí Minh

Thứ 2 là động lực làm việc của người thầy. Mặc dù tiền không đủ để mua sự ưu tú, nhưng không có tiền thì gần như chắc chắn là rất khó đạt được sự ưu tú, nếu ta không kể đến những ngoại lệ.

Khi thu nhập chính thức của giáo viên không đủ sống và thấp hơn nhiều ngành nghề khác, thì phần lớn tâm trí của họ phải đặt vào việc kiếm sống, trong đó có những việc tổn hại tới tư cách người thầy.

Vì thế, việc thực hiện chương trình GDPT mới không thể tách rời bài toán tài chính giáo dục.

Trong điều kiện nguồn lực công hạn hẹp, khuyến nghị của chúng tôi là xem tiền lương giáo viên như một ưu tiên hàng đầu, trước khi đầu tư cho cơ sở vật chất hay trang thiết bị.

Có thể nghĩ đến việc tăng cường “xã hội hóa” bằng cách khích lệ nguồn vốn tư nhân đầu tư cho việc mở trường. Nhà nước đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, và tối đa khả dĩ về điều kiện sống của người thầy và của chất lượng chương trình. Nói cách khác, những người có điều kiện có thể cho con học trường tư rộng rãi khang trang hơn, đẹp hơn, tiện nghi hơn.

Những người không có điều kiện thì cho con học trường công trong những điều kiện trường sở đơn giản. Nhưng dù trường công hay tư, giáo viên đều được hưởng một mức sống trung bình trong xã hội mà không phải làm bất kỳ việc gì khác, nhất là không phải trông đợi những khoản đóng góp dưới mọi hình thức của phụ huynh học sinh. Nếu không làm được điều này thì quả là rất khó nói đến bất cứ sự đổi mới nào về chất lượng.

Theo TS Phạm Thị Lý: Hiện nay, cách ngân sách cấp nhỏ giọt không đủ bù chi và tiền lương giáo viên quá thấp hiện nay đã hủy hoại nghiêm trọng môi trường giáo dục. Nếu ngân sách không thể tăng thì phải thay đổi cách cấp phát ngân sách.

Nhà nước có thể chọn xây dựng một hệ thống trường công, trường bán công và trường tư, trên nguyên tắc trường công không thu học phí, được nhà nước bao cấp đầy đủ cho đội ngũ giáo viên và trang bị cơ sở vật chất ở mức tối thiểu có thể chấp nhận được.

Nhà nước đảm bảo những điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất và tối đa khả dĩ về điều kiện sống của người thầy và của chất lượng chương trình. Còn mục tiêu của xã hội hóa là để toàn xã hội được hưởng thụ tốt hơn, chứ không phải là để trút gánh nặng tài chính từ nhà nước sang vai người dân và để cho bất bình đẳng về cơ hội gia tăng. 

Huyền Anh