Chưa nên làm thêm tuyến BRT

22:54 | 20/05/2017

1,249 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kết quả sau 3 tháng đưa vào khai thác tuyến buýt nhanh BRT (Bến xe Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa) cho thấy, năng suất bình quân chỉ đạt 42,4 khách/lượt, trong khi đó thiết kế tối đa của xe là 90 khách. Con số này khiến dư luận lo lắng và cho rằng, buýt nhanh BRT đã thất bại trong việc lôi kéo hành khách…  

Chưa hiệu quả

chua nen lam them tuyen brt
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy

Buýt nhanh BRT (Bus Rapid Transit) là một loại hình giao thông công cộng phổ biến của nhiều nước trên thế giới. Mô hình này cũng được thí điểm tại nước ta thời gian vừa qua. Từ khi triển khai, cả người dân và giới chuyên gia đều quan tâm đến tính khả thi của dự án này. Mới đây, số liệu thống kê sau 3 tháng vận hành buýt nhanh BRT đã được công bố. Theo đó, buýt nhanh BRT bình quân chỉ đạt 42,4 khách/lượt, trong khi thiết kế xe có thể chở tối đa cùng lúc 90 khách. Như vậy, chỉ sau vài tháng triển khai, buýt nhanh đã không thể hơn buýt thường và phát huy chưa đến 50% hiệu quả, dù tổng dự án đầu tư hơn 1.000 tỉ cho 14,7km.

Nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư buýt nhanh BRT tại Hà Nội không đạt hiệu quả như mong đợi, thậm chí có người nói dự án buýt nhanh BRT hoàn toàn “thất bại”. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, buýt nhanh BRT cần thêm thời gian để “lôi kéo” hành khách.

Là người có thâm niên hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông ở Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho hay, để nói dự án BRT thất bại hay thành công ở thời điểm này là quá sớm, nên nói là kém hiệu quả thì đúng hơn. Trước đây, tôi cũng đã từng cảnh báo với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội rằng, đối với điều kiện hạ tầng còn yếu kém như hiện nay thì chưa nên làm BRT. Chính vì vậy, buýt nhanh BRT chưa thể phát huy được hết năng lực, do đó nó chỉ hơn xe buýt thường một chút. Sau 3 tháng vận hành, kết quả là không tương xứng với vốn đầu tư hàng nghìn tỉ... dẫn đến sự lãng phí rất lớn”.

TS Nguyễn Xuân Thủy cũng phân tích về nguyên nhân khiến buýt nhanh BRT chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Thứ nhất, tuyến buýt nhanh đầu tư không đúng thời điểm, xây dựng trên tuyến đường hẹp và có nhiều ngã tư, việc tiến hành một cách máy móc, học nguyên xi mô hình của nước ngoài, dẫn đến chi phí đầu tư quá lớn. Đây là khuyết điểm của dự án BRT; Thứ hai, một tuyến đường chỉ có ba làn xe mà dành hẳn một làn cho buýt nhanh BRT, còn lại hai làn dành cho một lượng lớn các phương tiện khác chen chúc nhau khiến tình trạng ùn tắc lại càng trở nên nghiêm trọng hơn;

Thứ ba, đây là tuyến buýt đơn độc và không có sự nối kết với các tuyến khác, cho nên hành khách đi buýt nhanh BRT không biết phải xuống đâu để đi đến nơi mình muốn. Và người đi chủ yếu là những người ở dọc tuyến đó và còn những người ở khu vực khác thì không có nhu cầu. Do đó, đây cũng là một hạn chế trong việc thu hút khách đi buýt nhanh; Thứ tư, do phương tiện cá nhân đang phát triển mạnh cũng như sự thuận lợi của nó, nên phương tiện công cộng cần phải có thời gian để cạnh tranh. Không thể một chốc một lát mà người dân bỏ xe cá nhân để đi xe buýt ngay được.

chua nen lam them tuyen brt
Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa

Ở một góc độ khác, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội tỏ thái độ thất vọng: “Đây là một dự án đưa loại hình vận tải hành khách công cộng vào hoạt động để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn. Loại hình này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và đem lại hiệu quả rất tốt. Khi đưa đề án vào hoạt động tại Việt Nam, cả người dân, doanh nghiệp vận tải và giới chuyên gia đều rất kỳ vọng. Tuy nhiên, sau khi đi vào sử dụng, dự án buýt nhanh BRT lại chưa đạt hiệu quả như yêu cầu đã khiến nhiều người cảm thấy thất vọng”.

Lý giải về điều này, ông Bùi Danh Liên cho rằng, việc thực hiện dự án buýt nhanh BRT còn vội vàng, thiếu tư duy khoa học và không đánh giá, khảo sát một cách chu đáo về cơ sở hạ tầng cũng như khả năng kết nối với các phương tiện công cộng khác. Chính điều này đã dẫn đến việc khi đưa xe buýt nhanh vào vận hành không có hiệu quả.

Thu hút nhiều hành khách hơn

chua nen lam them tuyen brt
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội

Trước những kết quả không mấy khả quan sau một thời gian vận hành buýt nhanh BRT, nhiều ý kiến cho rằng: “Không nên làm thêm nhiều tuyến buýt nhanh”.

Cũng đồng quan điểm với những ý kiến đó, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: “Hà Nội không nên vội vàng làm thêm tuyến buýt nhanh số 2. Thay vào đó, phải tổng kết, rút kinh nghiệm tuyến thứ nhất xem đúng, sai thế nào rồi mới quyết định tiếp”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, điều kiện để buýt nhanh phát huy hết hiệu quả thì tuyến đường đó phải có 4-6 làn đường trở lên thì mới dành một làn riêng cho BRT như ở các nước trên thế giới đã áp dụng. Trong khi đó, hạ tầng giao thông ở Hà Nội chưa được hoàn thiện, đoạn này rộng, đoạn kia hẹp và có quá nhiều ngã ba, ngã tư, mà phương tiện cá nhân lại rất nhiều. Do đó, trong giai đoạn 3-5 năm tới, chưa nên phát triển mô hình buýt nhanh như hiện nay. Nếu cần thiết chỉ nên làm thí điểm và so sánh giữa hai loại xe buýt (buýt BRT và buýt thường). Nếu tuyến đường nào rộng, thoáng mà xe buýt thường vẫn đi nhanh được thì không cần phải làm xe buýt nhanh cho đỡ tốn kém.

Thay vì xây dựng thêm tuyến buýt nhanh, TS Thủy cho rằng, thành phố Hà Nội nên tìm cách để thu hút người dân sử dụng xe buýt nhanh. Và để làm được điều này thì hệ thống giao thông công cộng phải đều khắp, bao phủ và có sự kết nối thuận lợi. Khi giao thông công cộng được sử dụng phổ biến thì bài toán ùn tắc giao thông đô thị sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì cần phải tiến hành đồng bộ cả một hệ thống.

“Việc giảm ùn tắc giao thông phải cả một hệ thống chứ không riêng một yếu tố nào cả, vậy nên cần có một giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, cần phải mở đường, nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng; Thứ hai, phát triển giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện trên cao và phải phát triển từng bước, có lộ trình; Thứ ba, cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong việc tổ chức, quy hoạch giao thông một cách khoa học, hệ thống; Thứ tư, không xây quá nhiều nhà cao tầng trong khu nội đô, đồng thời phát triển mạng lưới các thành phố vệ tinh để giảm mật độ dân cư ở trong đô thị; Thứ năm, giáo dục và nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Đừng nên nghĩ một sáng kiến nhỏ mà có thể làm thay đổi được tình trạng ùn tắc giao thông” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhấn mạnh.

Dù khá thất vọng về buýt nhanh BRT, song Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội vẫn có cái nhìn lạc quan và đầy cảm thông về dự án này. “Vì đây là lần đầu tiên vận hành buýt nhanh tại Hà Nội nên người dân vẫn chưa có thói quen di chuyển bằng loại phương tiện mới này. Không nên nản lòng mà cần tìm giải pháp tình thế, bởi buýt nhanh làm ra không phải chỉ để phục vụ trong thời gian vài tháng hay vài quý, mà nó phục vụ về lâu dài cho giao thông đô thị. Để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng giao thông công cộng thì ngoài việc nghiên cứu, điều chỉnh mọi yếu tố hợp lý thì cũng cần phải có thêm thời gian để họ thấy sự thuận tiện của xe buýt nhanh” - ông Bùi Danh Liên nói.

Song Nguyễn - Chu Hương